DMagazine

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ "pháo đài" bay B-52

(Dân trí) - Đêm 27/12/1972, khi máy bay MiG-21 cách pháo đài bay B-52 khoảng 2-3km, phi công Phạm Tuân bình tĩnh kiểm tra công tắc, điều chỉnh lại đường ngắm và bắn liền 2 quả tên lửa K13.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 1

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hàng vạn người dân khi đến tham quan Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam (nằm ở Đại Lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi bất ngờ về hai chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và 5121.

Cả hai máy bay được trưng bày bằng cách treo trang trọng tại đại sảnh của bảo tàng về chủ đề kháng chiến chống Mỹ trong tư thế xuất kích. Trên thân mỗi chiếc máy bay đều được in những ngôi sao đỏ 5 cánh, mỗi ngôi sao biểu trưng cho một lần bắn hạ máy bay Mỹ.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 3

Theo Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, hai chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và 5121 do Liên Xô sản xuất trước đây, viện trợ cho Không quân nhân dân Việt Nam, biên chế tại Trung đoàn 921 (Đoàn không quân Sao Đỏ) thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Đây là Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 3/2/1964 trên đất bạn Trung Quốc, Trung đoàn trưởng là Trung tá Đào Đình Luyện.

Những ngày đầu thành lập, Trung đoàn 921 gồm 160 phi công, trang bị 36 máy bay (32 MiG-17 và 4 máy bay huấn luyện MiG-15). Đến ngày 6/8/1964, Trung đoàn nhận nhiệm vụ về nước chiến đấu. 

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 5

Vào đầu năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị và dặn dò: "Nếu đồng chí nào bắn rơi được một chiếc máy bay của Mỹ thì Bác sẽ thưởng ngay cho đồng chí đó một chiếc huy hiệu mang hình ảnh của Bác và trên chiếc máy bay sẽ được vinh dự in hình một ngôi sao đỏ".

Khi nghe được lời động viên của Bác các phi công ta hết sức phấn khởi, ai cũng muốn lập công để được đeo huy hiệu trên ngực và gắn sao lên máy bay. Chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 là hiện thân của tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiếc MiG-21 số hiệu 5121 in hình 5 ngôi sao đỏ, trong đó có chiến công xuất sắc của phi công Phạm Tuân hạ tại chỗ "pháo đài" bay B-52 được coi là bất khả xâm phạm của không quân Mỹ ngày 27/12/1972. Hai chiếc máy bay này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 7

Chỉ trong năm 1967, máy bay MiG-21 số hiệu 4324 đã có 69 lần xuất kích, 22 lần gặp địch, 16 lần nổ súng tấn công, bắn rơi 14 máy bay Mỹ với 4 chủng loại khác nhau (gồm 9 chiếc F-105, 3 chiếc F-4, 1 chiếc A-4 và 1 chiếc RF-101). Lần lượt 9 phi công điều khiển máy bay có 8 người đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Người đầu tiên "gắn sao" lên 4324 là phi công Lê Trọng Huyên. Ngày 30/4/1967, ông xuất kích chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc F-105, mệnh danh "Thần sấm" trên bầu trời tỉnh Bắc Thái (nay thuộc địa bàn hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên).

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 9

Đến ngày 17/12/1967, hai phi công Vũ Ngọc Đỉnh và Nguyễn Đăng Kính đã lần lượt cất cánh và đối mặt với 32 chiếc F-105 và F-4 của địch đang trên đường ném bom Hà Nội.

Ngay lập tức, hai phi công đã bí mật tiếp cận, khóa mục tiêu và lần lượt bắn rơi hai chiếc F-105 và đây cũng là lần chiến đấu oanh liệt nhất của MiG-21 số hiệu 4324. Hai ngày sau, phi công Nguyễn Đăng Kính tiếp tục đối đầu với biên đội F-4 và F-105 trên bầu trời Tam Đảo và bắn rơi 1 chiếc F-4.

Ông cũng là người gắn ngôi sao thứ 14 lên chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324. Trong số các phi công lái máy bay 4324 có 5 người từng 2 lần bắn rơi máy bay địch là phi công Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Lê Trọng Huyên, Nguyễn Hồng Nhị và Nguyễn Đăng Kính.

MiG-21 số hiệu 4324 có màu bạc, kiểu F-94, 1 động cơ phản lực P11-300, kiểu máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi có trần bay thực tế 22km, trọng lượng cất cánh lớn nhất 9,8 tấn, được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm 1967.

So với các máy bay cùng thời như F-4, F-105 của Mỹ thì MiG-21 thua kém hơn về vũ khí, radar, tầm hoạt động và chỉ nhỉnh hơn đối phương ở tốc độ bay. Song máy bay MiG-21 số hiệu 4324 có máy móc thuộc loại tốt trong không quân Việt Nam thời đó. Nhờ thế mà nó có thể xuất hiện giữa đội hình địch, tấn công bất ngờ và thoát ly nhanh chóng.

Để giữ lại vật chứng về những chiến công xuất sắc của lực lượng không quân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho MiG-21 số hiệu 4324 được "nghỉ hưu" sớm. 

Theo hồ sơ lưu trữ, ngày 4/12/1974, máy bay MiG-21 số hiệu 4324 được bàn giao cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam) làm hiện vật trưng bày.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 12

Trong màn đêm yên tĩnh của Hà Nội, "én bạc" MiG-21 số hiệu 4324 được tháo rời đôi cánh, lặng lẽ rời sân bay Bạch Mai về Bảo tàng Quân đội. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng không quân nói riêng cho thế hệ sau. 

Kể lại sự kiện bắn rơi máy bay Mỹ trong hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân cho biết: "Ngày 4/5/1967, tôi được lệnh điều khiển máy bay MiG-21 số hiệu 4324 xuất kích nhiều lần và bắn rơi 1 chiếc F-105 của Mỹ trên bầu trời Tuyên Quang, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

Đến ngày 18/11/1967, tôi và anh Cốc xuất kích, đối mặt với biên đội gồm 4 tiêm kích F-4 và 12 chiếc F-105 của Mỹ ở phía Tây Phúc Thọ. Nhận mệnh lệnh chiến đấu, biên đội MiG của ta phối hợp chia tách đội hình địch, chiếc 4324 của tôi lại bắn cháy thêm một máy bay Mỹ".

Có thể nói, đây là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí anh hùng cách mạng đối với các thế hệ người Việt Nam. 

Tháng 9/2014, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam xây dựng bản thuyết minh về hiện vật máy bay MiG-21 số hiệu 4324 đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14/1/2015, công nhận Bảo vật quốc gia.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 13

Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, phương tiện, trang bị kỹ thuật quân sự vào miền Nam. Mặt khác, Mỹ muốn giành thế chủ động ngoại giao trong Hội nghị Paris bàn về cuộc chiến ở Việt Nam.

Hiểu được sự cấp bách, cần thiết của phương tiện bay chiến đấu hiện đại, năm 1972 Liên Xô (cũ) đã viện trợ cho Việt Nam loại máy bay MiG-21 kiểu F-96 với những tính năng kỹ chiến thuật hiện đại hơn kiểu loại trước đây.

Sau đó, ta trang bị cho Trung đoàn 921 sử dụng chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc Việt Nam từ năm 1972. Trong chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc, "én bạc" MiG-21 số hiệu 5121 kiểu F-96 số xuất xưởng 6005 đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ các loại, trong đó có một máy bay B-52 vào đêm 27/12/1972. 

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 16

Theo hồ sơ lưu trữ còn lưu lại tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, để đảm bảo bí mật, bất ngờ, chiều 27/12/1972, Trung đoàn không quân 921 nhận lệnh bí mật cơ động từ sân bay Nội Bài lên Yên Bái. Vào lúc 20h22 cùng ngày, phi công Phạm Tuân được lệnh xuất kích với quyết tâm bắn hạ "pháo đài" bay B-52 của Mỹ.

Khi bay lên bầu trời, ông gặp rất nhiều máy bay yểm trợ cho B-52 là máy bay F-4, song ông được lệnh không tấn công F-4 mà bay vòng qua để tránh. Sau đó, Sở Chỉ huy dưới mặt đất thông báo máy bay B-52 đang cách 200km, 150km rồi 100km.

Cứ mỗi phút, MiG-21 số hiệu 5121 có thể bay được 40-50km. Vì bay ngược chiều với B-52, nên chỉ vài phút là MiG-21 đã tiếp cận được mục tiêu B-52.

Khi còn cách máy bay mục tiêu khoảng 40km, phi công Phạm Tuân xin phép thả thùng dầu phụ bật tăng lực, kéo máy bay lên độ cao ngang đội hình B-52. Khi 2 máy bay cách nhau 2-3km, ông bình tĩnh kiểm tra công tắc, điều chỉnh lại đường ngắm và bắn liền 2 quả tên lửa K-13. 

Phóng xong 2 quả tên lửa phi công Phạm Tuân kéo máy bay lên và lật ngửa thì nhìn thấy B-52 nổ tung. Đây là lần đầu tiên không quân của ta bắn rơi B-52. Lúc đó, phi công Phạm Tuân vẫn tiếp tục nhìn thấy B-52 ở phía trước, nhưng Sở Chỉ huy lệnh cho ông hạ cánh để cho máy bay khác lên chiến đấu thay, nhưng khi chiếc MiG-21 khác bay lên thì B-52 đã chạy mất.

Tại Sở Chỉ huy, trên màn hình radar hiện sáng đã ghi lại hình ảnh siêu "pháo đài" bay B-52 của địch bốc cháy. Ngay đêm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện khen ngợi bộ đội Không quân lập công xuất sắc.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 17

Sau những bước leo thang bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam thất bại nặng nề, ngày 30/12/1972, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Đồng thời đề nghị gặp đại diện chính phủ Việt Nam tại Paris bàn việc ký hiệp định chấm dứt chiến tranh. 

Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày đêm bị thất bại hoàn toàn. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111.

Với thành tích lập công xuất sắc bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ, ngày 3/9/1973, phi công Phạm Tuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng được ghi trong hồ sơ kỹ thuật máy bay, trước đó, "én bạc" 5121 đã chạm trán với "pháo đài" bay B-52 hai lần. Lần đầu tiên, phi công Đinh Tôn phát hiện 2 chiếc B-52 nhưng ở thế đối đầu không đánh được, đành quay về và hạ cánh an toàn tại sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa và người kế tiếp là Vũ Đình Rạng.

Máy bay tiêm kích MiG-21 do Liên Xô sản xuất năm 1959, trang bị cho không quân nhân dân Việt Nam năm 1965. Máy bay này có vận tốc lớn nhất là 2.160km/h; vận tốc trung bình là 800-900km/h. Độ cao lớn nhất của MiG-21 là 18.000m, độ cao trung bình là 4.000-8.000m, tầm bay xa 1.800km; bán kính hoạt động 370-740km; thời gian hoạt động 1,5 giờ.

Cùng với thời gian được sử dụng các biến thể của MiG-21 được cải tiến hiện đại và khả năng tác chiến hiệu quả hơn. Vũ khí trên MiG-21 được trang bị một khẩu 23mm; tên lửa không đối không hồng ngoại, tên lửa không đối không dẫn bằng radar, ống phóng rocket (64 quả) và có thể mang 1.000kg bom khi làm nhiệm vụ cường kích.

MiG-21 có buồng lái 1 người; sải cánh 7,15m; thân 14,5m; cao 4,12m; 1 động cơ phản lực; hệ thống radar thời tiết, dẫn đường, sục sạo mục tiêu.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 19

Năm 1965, thanh niên trẻ Phạm Tuân nhập ngũ, được biên chế về Quân chủng Phòng không - Không quân và được cử sang Liên Xô học chuyên ngành thợ máy radar.

Trong quá trình học tập và rèn luyện tại Liên Xô, thể trạng của Phạm Tuân được cải thiện đáng kể, cùng với đó cách tuyển chọn của nhà trường tại nước bạn cũng linh hoạt hơn tại Việt Nam. Chính vì thế, Phạm Tuân đã được chọn để đào tạo phi công tiêm kích.

Vượt qua kiểm tra y tế, đầu năm 1966, Phạm Tuân được chọn vào Trường dạy bay Krasnodar. Đây là ngôi trường có nhiều học viên quốc tế theo học. Mặc dù học viên Việt Nam có hạn chế về ngôn ngữ và trình độ ban đầu, nhưng nhờ chăm chỉ học tập, rèn luyện, nên kết quả học tập và thực hành bay không thua kém gì học viên các nước bạn.

Bên cạnh đó, học viên Việt Nam rất được các giáo viên Liên Xô quý mến không chỉ vì nước ta đang có chiến tranh, mà là đức tính cần cù, chăm chỉ và tuân thủ kỷ luật. Mọi học viên Việt Nam đều có khao khát được bay và luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân.

Cuối năm 1967, Phạm Tuân tốt nghiệp và chính thức trở thành phi công tiêm kích MiG-17 với kỹ năng bay đêm điêu luyện. Sau này, phi công Phạm Tuân tiếp tục được chọn chuyển loại sang máy bay tiêm kích MiG-21.

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 21

Giữa năm 1968, phi công Phạm Tuân được biên chế về Trung đoàn 923. Các trận đụng độ máy bay Mỹ đã dần tôi luyện và hoàn thiện kỹ năng chiến đấu của người phi công trẻ, đặc biệt là không chiến trong đêm tối.

Mỗi trận đánh đều là một bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác dẫn đường, chỉ huy và phi công. Trong đó có kinh nghiệm kinh điển là phi công phải bắn cả 2 quả đạn tiêu diệt tại chỗ B-52.

Nhờ những kinh nghiệm của mình, phi công Phạm Tuân đã là người đầu tiên bắn rơi "pháo đài" bay B-52. Theo hồ sơ lưu trữ máy bay MiG-21 số hiệu 5121 là phiên bản hiện đại nhất của không quân ta lúc bấy giờ.

Trên mình chiếc MiG-21 mang số hiệu 5121 có in 5 ngôi sao đỏ, là năm chiến công bắn rơi máy bay Mỹ. Đến nay, những trang lý lịch kỹ thuật của máy bay còn lưu giữ ghi chép rất cụ thể về các lần xuất kích, bay làm nhiệm vụ. Sau trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, MiG-21 số hiệu 5121 được chuyển làm nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu đến năm 1985.

Từ năm 1986, chiếc máy bay này được điều về Trung đoàn không quân 920 thuộc Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân (nay là Trung đoàn 940, Trường sĩ quan Không quân). Tại đây, máy bay đã tham gia huấn luyện, đào tạo hàng chục phi công quân sự với gần 300 giờ bay. 

Giây phút lịch sử MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 - 23

Đến tháng 10/2007, chiếc MiG-21 số hiệu 5121 đã được Trường sỹ quan Không quân xử lý an toàn, vận chuyển từ Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về lắp ráp và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. 

Năm 2011, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam nghiên cứu xây dựng Thuyết minh lịch sử máy bay. Ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận máy bay MiG-21 số hiệu 5121 là Bảo vật Quốc gia (đợt 1).

Theo bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, và khoa học. Đây là những tài sản văn hóa được coi là một phần không thể tách rời của di sản Quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu và bảo tồn di sản văn hóa của một Quốc gia.

Để đảm bảo sự bảo vệ và bảo quản cho Bảo vật quốc gia, Luật Di sản văn hóa quy định chúng sẽ được quản lý theo chế độ đặc biệt như giám sát, bảo quản, khôi phục và trưng bày hiện vật một cách an toàn và hiệu quả nhất. 

Hai chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và 5121 được công nhận là Bảo vật Quốc gia thể hiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. 

"Hai chiếc máy bay này là những Bảo vật quốc gia vô giá, không thể tính bằng tiền và việc bảo tồn, lưu giữ phải được thực hiện một cách chu đáo, cẩn trọng bởi những bảo vật này làm bằng kim loại mà khí hậu của Việt Nam là nhiệt đới nên dễ bị hư hỏng", bà An nói. 

Bà Bùi Thị An đánh giá, hai chiếc máy bay được trưng bày ở nơi trang trọng tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đã thể hiện được các cuộc đấu tranh khốc liệt, hào hùng, anh dũng của dân tộc và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giáo dục các thế hệ sau. 

Nội dung: Nguyễn Hải, Trần Văn

Thiết kế: Tuấn Huy