PhotoStory

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất

Thực hiện: Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhiều năm nay, huyện Kon Plông, Kon Tum ghi nhận động đất xảy ra mỗi ngày. Để thích nghi, người dân luôn sẵn sàng các kỹ năng để ứng phó với những trận động đất bất ngờ và hậu quả kèm theo.

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 1

Theo thống kê, tại huyện Kon Plông (Kon Tum), từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn ghi nhận ít nhất 190 trận động đất, trong đó tháng 7 ghi nhận khoảng 69 trận. 

Theo cơ quan Dự báo Khí tượng thủy văn Tây Nguyên, lượng mưa trong tháng 7 ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên tăng đột biến so với trung bình các năm khác. Lượng mưa kèm với động đất mạnh, tần suất dày sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn về sạt lở, lũ ống, nhất là vùng tâm chấn huyện Kon Plông, Kon Tum.

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 2

Trên địa bàn huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện, trong đó có 3 công trình có hồ chứa, như thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re.

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 3

Trước hiện tượng động đất liên tục xuất hiện với tần suất dày, cơ quan chức năng thường xuyên giám sát việc tích nước, đảm bảo an toàn cho hồ chứa thủy điện, đập thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 4

Ảnh hưởng bởi động đất và diễn biến mưa trên địa bàn khiến nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 5
Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 6

Những trận động đất liên tục xảy ra đã gây hư hỏng, rạn nứt nhiều nhà cửa của người dân. Các trụ sở xã, trạm y tế, trường học xây từ lâu, có kết cấu công trình không đảm bảo cũng bị nứt, sụt lún.

Bà Y Môn (63 tuổi, thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng) cho biết: "Tôi dọn ra khu tái định cư này được gần 14 năm. Do nhà cũ nên khi động đất mạnh từng mảng vữa, gạch ốp bị rơi xuống. Dọc tường xuất hiện nhiều vết nứt chân chim khiến gia đình lo lắng".

Theo bà Y Môn, nhiều người không biết chữ nên hạn chế trong việc đọc tờ rơi, theo dõi thông tin động đất. Sau mỗi trận động đất, cán bộ xã thường đến hỗ trợ gia đình kiểm tra, hỗ trợ sửa chữa những hư hỏng, nhắc nhở gia cố nhà. 

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 7

Động đất thường được ghi nhận ở các xã: Đăk Tăng, Đăk Rinh và Đăk Nên. Những địa phương này đều có chung địa hình đồi núi cao, hiểm trở, dốc đứng.

Nhiều thôn làng tại các địa phương nêu trên nằm chênh vênh bên những sườn núi, đồi cao, khi động đất xảy ra sẽ đi kèm nhiều rủi ro về thiên tai kép như sạt lở, lũ ống từ thượng nguồn đổ về, gây nguy hiểm cho người dân sống ở vùng tâm chấn.

Người dân địa phương đã quen với những rung lắc do động đất gây ra. Tuy nhiên, trận động đất 5.0 độ gây rung lắc mạnh khiến người dân lo sợ.

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 8
Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 9

Để ứng phó với các trận động đất, chính quyền xã xây dựng tổ phụ trách từng thôn, làng nhằm kịp thời nắm bắt tư tưởng, động viên người dân ổn định sản xuất, cuộc sống. Đầu mùa mưa hay sau các trận động đất, cán bộ xã xuống hỗ trợ người dân đánh giá thiệt hại, lên phương án khắc phục kịp thời. Thông qua các buổi họp làng hàng tuần, chính quyền đều phát tờ rơi, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, cho biết: "Người dân trên địa bàn đã thích nghi với những trận động đất xảy ra hàng ngày. Một số trận động đất từ 4.0 đến 5.0 độ gây rung lắc mạnh xảy ra khiến bà con lo sợ tức thời".

Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 10
Ghi nhận ở nơi 2 ngày xảy ra 46 trận động đất - 11

Đoàn liên ngành tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông thường xuyên phối hợp với nhà máy thủy điện tổ chức kiểm tra các hồ chứa, đường ống dẫn, tổ máy.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được lắp đặt 11 trạm quan trắc động đất. Nhờ vậy thông tin về các trận động đất được nắm bắt kịp thời để thông báo cho người dân và đưa ra phương án ứng phó thích hợp.