Hai ngày xảy ra 46 trận động đất ở Kon Tum: Người dân vùng tâm chấn lo lắng
(Dân trí) - Trước hàng chục trận động đất diễn ra, bà con vùng tâm chấn Kon Tum không khỏi lo lắng. Chính quyền huyện Kon Plông đã rà soát các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn sau động đất.
Ngày 29/7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, đã phát đi thông báo từ 0h đến 17h30h cùng ngày, huyện Kon Plông đã ghi nhận 25 trận động đất từ 2,5 đến 3,8 độ.
Trước đó, ngày 28/7, tại huyện Kon Plông đã ghi nhận 21 trận động đất từ 2,5 đến 5,0 độ.
Ông A Lang, Bí thư Chi bộ thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông), cho biết: "Trong thôn có khoảng 70 hộ dân sinh sống trên các rẻo núi cao. Nhiều năm nay, bà con đã quen với sự rung lắc nhẹ do động đất.
Tuy nhiên, sau trận động đất 5,0 độ, trẻ con, người lớn đang ở trong nhà phải chạy ra ngoài. Vật dụng để trên cao cũng bị rơi xuống. Trước động đất mạnh như vậy, chúng tôi rất lo nguy cơ sạt lở".
Bà Quy (trú thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, Kon Plông) cho biết: "Từ hôm qua (28/7) đến nay, người dân trong xã luôn cảm nhận rung lắc, nhất là đêm nằm ngủ. Mới đây, chính quyền đã xuống nhắc nhở sửa chữa nhà kiên cố, tích trữ lương thực đề phòng thiên tai xảy ra".
Sau trận động đất 5,0 độ ngày 28/7, xã Đăk Rinh, huyện Kon Plông đã ghi nhận một số công trình trường học, trạm y tế xuất hiện vết rạn nứt ở vách tường. Người dân trên địa bàn không khỏi hoang mang trước sự rung lắc mạnh bất thường so với những lần trước.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đăk Rinh, cho biết: "Người dân trên địa bàn xã từ lâu đã quen với rung lắc do động đất. Tuy nhiên, trận động đất 5,0 độ đã khiến bà con lo sợ so với các lần trước. Chính quyền đã đến nhắc nhở bà con bình tĩnh thực hiện theo các phương án mà cơ quan chức năng đã diễn tập phòng, chống thiên tai từ trước".
Ông Hải cho biết, các vết nứt ở trường học, trạm y tế được xác định không ảnh hưởng nhiều. Một số vết nứt đã cũ và khi có rung chấn, bị nứt lớn ra. Xã đã phối hợp với lãnh đạo nhà trường tiến hành gia cố, khắc phục các điểm hư hỏng, rạn nứt. Ngoài ra, xã còn thành lập Ban phòng, chống thiên tai cấp xã để xây dựng các tình huống có thể xảy ra khi có thiên tai.
Theo UBND huyện Kon Plông, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận ít nhất 190 trận động đất, trong đó, tháng 7 ghi nhận khoảng 69 trận.
Trước việc động đất liên tục xảy ra, huyện Kon Plông đang khẩn trương phối hợp cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp ứng phó. Trước mắt, huyện đã tuyên truyền người dân cách phòng tránh thiên tai, đặc biệt là sạt lở, động đất. UBND xã xây dựng phương án "4 tại chỗ", tích trữ lương thực, thực phẩm đề phòng lúc bị sạt lở, cô lập…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình có hồ chứa, như: thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Đăk Re.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng huyện Kon Plông tiến hành kiểm tra các công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống hạ tầng trên địa bàn sau các trận động đất.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Công Đàm, Giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum, cho biết: "Thời gian qua, thủy điện đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt 8 trạm quan trắc để nghiên cứu, theo dõi động đất. Đối với công trình thủy điện Thượng Kon Tum được thiết kế chống chịu động đất cấp 7".
Theo ông Đàm, thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước từ năm 2020, phát điện từ năm 2021. Sau trận động đất mạnh 5,0 độ ngày 28/7, cán bộ kỹ thuật đã phối hợp kiểm tra hồ chứa, thân đập và hệ thống máy móc vận hành đều đảm bảo.