Dòng kênh "chuột đua nhau chạy" ở TPHCM có thay đổi gì so 100 năm trước?
(Dân trí) - Kênh Hàng Bàng chảy từ trăm năm trước, từ một tuyến giao thông thủy huyết mạch của Sài Gòn xưa, nay trở thành kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy.
Hỏi đường đến đoạn kênh Hàng Bàng đang giải tỏa nhà cửa dở, người dân chỉ phóng viên đến địa điểm gọi là "cầu đò".
Gia đình bà Phạm Thị Nga sinh sống ở căn nhà sát cầu đò từ trước năm 1965 (đường Phan Văn Khỏe, phường 2, quận 6), giải thích tên gọi là cầu đò: trước đây để đi lại giữa hai bờ kênh, người dân tạo một bến đò nhỏ lần lượt đưa người sang, thu phí vài đồng nhỏ.
Sau này để tiện hơn, họ ghép những con đò sát nhau tạo thành cầu nổi cho người dân đi bộ sang, trước khi một cây cầu gỗ được dựng lên.
Song, hiện nay, cả cầu đò lẫn cầu gỗ đều không còn. Tại vị trí này, dòng kênh bị ô nhiễm nặng nề.
TPHCM đã triển khai dự án cải tạo kênh Hàng Bàng, trong đó phải giải tỏa các công trình nhà ở, cầu, bến cũ dọc hai đường ven kênh là Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy (quận 5, 6).
Dòng kênh trăm năm
Kênh Hàng Bàng do chính quyền thực dân Pháp cho đào năm 1889-1893 và đặt tên ban đầu là Canal Bonard, được quy hoạch thành một trong các tuyến giao thông thủy thương mại chính của khu vực Chợ Lớn để ghe thuyền từ đồng bằng sông Cửu Long vào thẳng trung tâm thành phố năm xưa.
Phần đất từ việc đào kênh được dùng để san lấp, xây dựng hai con đường chạy dọc kênh và các đường nhánh, kéo dài từ kênh Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) dài khoảng 1.400m.
Người địa phương gọi tên Hàng Bàng vì khi xưa dọc hai bờ kênh trồng nhiều cây bàng tỏa bóng mát mẻ, thường có ghe chài đậu nghỉ mát để vào ụ sửa ghe cạnh kênh.
Hình ảnh đoạn cuối của kênh Hàng Bàng thời Pháp, còn gọi là rạch Bãi Sậy, đoạn chảy ra kênh Tàu Hủ (Ảnh: manhhai sưu tầm).
Hai hàng cây bàng ven kênh còn hiện diện đến năm 1945 cho đến khi quân đội Nhật đến đây, do thiếu cây dùng đã hạ lệnh đốn sạch. Người dân sống xung quanh chỉ cần ló mặt ra đường là bị quân Nhật bắt đi kéo gỗ.
Ụ sửa ghe ngày đó đến thập niên 1920 bị san lấp để xây dựng Chợ Lớn mới, là chợ Bình Tây hiện nay. Kênh Hàng Bàng chảy đằng sau chợ, thuận tiện cho việc giao thương thời bấy giờ. Cư dân từ mọi nơi đổ về sinh sống để buôn bán và định cư ngày càng nhiều.
Theo biên khảo của học giả Vương Hồng Sển, sống hai bên bờ kênh những ngày đầu phần lớn là người Tàu, nhà cất khít sát nhau chen chúc. Những cư dân này tằn tiện để dành bã mía, dăm trong nhà, là chất dễ cháy nên hỏa hoạn thường xảy ra.
Không ảnh dòng kênh Hàng Bàng chảy qua mặt sau chợ Bình Tây vào khoảng năm 1930 và hiện tại - vị trí dự án cải tạo kênh đang dang dở do chưa giải tỏa mặt bằng (Ảnh trái: Đại học Côte d'Azur Pháp sưu tầm - Ảnh phải: Hải Long).
Năm 1923, một trận hỏa hoạn khiến hai dãy nhà lá và ngói ven kênh từ cầu Bình Tây (đoạn chợ Bình Tây nay) đến cầu đúc Bình Tiên bị cháy rụi. Trận lửa khiến nhiều người chết, từng trở thành khu vực hoang vắng một thời gian do dân sợ không dám ở. Sau này chính phủ Pháp đã phát triển đường bộ xung quanh, khu vực này dần sầm uất trở lại.
Hai con đường ven kênh được người Pháp đặt tên lần lượt là Quai de la Distillerie và Quai Bonard, đến thời Việt Nam Cộng Hòa thì đổi thành Bến Nguyễn Văn Thành và Bến Bãi Sậy. Năm 1975, Bến Nguyễn Văn Thành đổi thành đường Phan Văn Khỏe.
Các cây cầu tại bắc ngang kênh ngày trước như tại đường Bình Tiên, Phạm Đình Hổ và Palikao (đường Ngô Nhân Tịnh) đều không còn sau khi lấp kênh, còn cầu Ba Cẳng đã bị sập vào năm 1990.
Hiện nay, nhiều căn nhà cũ phía sau chợ Bình Tây vẫn khắc địa chỉ tên đường Nguyễn Văn Thành, để lại dấu tích một thời kỳ lịch sử của con đường ven kênh Hàng Bàng.
Nguyên nhân ô nhiễm kênh
Những năm 1960, nước kênh vẫn sạch, ghe thuyền có thể ra vào tấp nập vận chuyển hàng hóa đến Chợ Lớn để buôn bán và trao đổi. Tuy nhiên, sau đó đến chiến tranh, sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề khiến việc buôn bán hàng hóa ra vào kênh Hàng Bàng không còn sầm uất, người dân rời đi nhiều.
Giai đoạn tiếp theo đến thời Việt Nam Cộng Hòa, khu vực này không được quản lý chặt chẽ, người dân bắt đầu xây nhà lấn chiếm khiến lòng kênh bị thu hẹp dần, trở thành mương thoát nước và rác thải của khu dân cư hai bên.
Đời sống sinh hoạt của những hộ dân bám trụ ở đây gắn liền với cảnh ô nhiễm gần chục năm nay: dòng nước đen kịt bốc mùi hôi thối, rác thải sinh hoạt trôi lềnh bềnh, chuột đua nhau chạy giữa ban ngày bên cạnh giữa đường xe chạy.
Người dân khu vực phản ánh, vì kênh nằm sát chợ Bình Tây, lượng rác xả ra kênh càng nhiều, không chỉ rác của hộ dân. "Đa phần hộ sát kênh đều sản xuất và buôn bán, không hẳn họ thải hết rác ra kênh, mà họ tiện tay vứt ít một, lâu ngày tích lại thành bãi rác", người dân kể quan sát của mình với phóng viên.
Thống kê của Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, từ năm 1999 đến 2008, TPHCM có khoảng 100 kênh rạch bị san lấp, biến mất (với diện tích hơn 4.000ha) trong quá trình đô thị hóa. Các kênh lớn đã được lắp cống hộp thành đường như: một phần kênh Tân Hóa (quận Bình Tân), kênh Nhiêu Lộc (đoạn quận Tân Bình)...
Năm 2000, đoạn kênh Hàng Bàng dài gần 2km chạy từ đường Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) bị lấp để lắp cống hộp do ô nhiễm nặng. 15 năm sau, TPHCM quyết định khôi phục lại kênh, với dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng qua địa bàn quận 5 và 6.
Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM, được UBND TP phê duyệt với mục tiêu nhằm giải quyết chống ngập và cải thiện vệ sinh, ô nhiễm môi trường cho địa phương, kết hợp giải tỏa tái định cư cho các hộ dân sống dọc kênh Hàng Bàng, cải tạo môi trường sống cho cộng đồng dân cư trong khu vực.
Thông tin từ UBND quận 6 cho biết, kênh Hàng Bàng được khơi thông giải quyết thoát nước chống ngập cho khu vực, đồng thời cải tạo môi trường, tăng thêm mảng xanh, thêm nơi giải trí cho người dân.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn, kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Sau gần 10 năm thực hiện, chỉ giai đoạn 1 của dự án hoàn thành (cải tạo 2 đầu kênh). Giai đoạn 2 (đoạn từ đường Phạm Đình Hổ đến Ngô Nhân Tịnh) vẫn đang dang dở, giai đoạn 3 (đoạn từ đường Phạm Đình Hổ đến Bình Tiên) chưa được thực hiện. Dự kiến ban đầu hoàn thành năm 2020, nhưng nay bị chậm trễ.
Hiện tại, tại giai đoạn 2 của dự án, bờ kè bên đường Bãi Sậy đã làm xong cơ bản, với chiều rộng gần 10m có lắp lan can, làm lối đi, trồng cây xanh... Phía đối diện bên đường Phan Văn Khỏe vẫn chưa thể thi công do còn vướng mặt bằng. Theo thiết kế, đoạn kênh này rộng 14-16m, sâu 4-6m, hai bên bờ là công viên cây xanh.
Bài viết tham khảo các tài liệu sách:
1. Sài Gòn năm xưa (NXB Tổng hợp TPHCM). Tác giả: Vương Hồng Sển.
2. Giới thiệu Sài Gòn xưa (NXB Trẻ). Tác giả: Sơn Nam.
3. Tài liệu nước ngoài.
Đọc thêm: Bí ẩn vòng xoay Dân Chủ ở TPHCM trước khi đề xuất xây cầu vượt thép