(Dân trí) - Trong 8 công trình cần làm gấp để đảm bảo an toàn giao thông ở Hà Nội, đã có 4 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những công trình này đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô.
ĐIỂM MẶT 4 CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM "GIẢI CỨU" ÙN TẮC GIAO THÔNG Ở HÀ NỘI
Trong 8 công trình cần làm gấp để đảm bảo an toàn giao thông ở Hà Nội, đã có 4 công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những công trình này đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô.
Được thông xe vào ngày 26/12/2016, cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xem là cây cầu có thời gian thi công nhanh kỷ lục.
Công trình có tổng mức đầu tư là hơn 166 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 135 tỷ đồng. Cầu được xây dựng bằng kết cấu ghép thép, chiều dài cầu 232m, phần cầu chính gồm 4 nhịp, chiều rộng cầu là 12m. Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái là một trong 8 công trình giao thông cấp bách của TP Hà Nội.
Cầu được xây dựng, thiết kế với quy mô 2 làn xe ô tô và 2 làn xe hỗn hợp, xe buýt được phép hoạt động. Sau gần 7 tháng thi công liên tục, công trình đã hoàn thành trước tiến độ đề ra, giúp cải thiện tình hình ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm của khu vực, kết nối với đường Vành đai 1, Đại Cồ Việt… tạo nên một trục giao thông đồng bộ, thông thoáng; giảm tối đa ùn tắc cho khu vực.
Dự án cầu vượt nút giao thông đường Cổ Linh - đầu cầu Vĩnh Tuy được đưa vào sử dụng từ ngày 09/03/2017. Cầu vượt nút giao Cổ Linh là cầu thép, có 5 nhịp dầm, chiều dài 401 m, mặt cắt ngang 12 m.
Cầu được xây dựng đồng bộ hệ thống chiếu sáng, xén hè, dải phân cách giữa và mở rộng lòng đường để tổ chức giao thông toàn bộ nút.
Với tổng mức đầu tư 161 tỷ đồng, cầu vượt nút giao Cổ Linh - đầu cầu Vĩnh Tuy được kỳ vọng giúp giảm tình trạng ách tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế địa bàn quận Long Biên (Hà Nội).
Được đưa vào sử dụng từ ngày 11/10/2018, dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên, ngoài cầu vượt có chiều dài 271m, bề rộng 10m, còn kết hợp điều chỉnh một phần kết cấu đê Hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương dài khoảng 1,1km, vừa bảo đảm công tác an toàn chống lũ vừa kết hợp phục vụ giao thông, tạo cảnh quan đô thị.
Với tổng mức đầu tư gần 312 tỷ đồng, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo cơ chế đặc thù, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội triển khai thực hiện.
Do phạm vi dự án nằm trong khu vực có mật độ phương tiện giao thông đi lại rất cao, mặt bằng chật hẹp, khi thi công các hạng mục liên quan đến đê điều phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của Luật Đê điều nên chỉ có thể tiến hành từng đoạn mà không thể triển khai đồng loạt.
Dự án mở rộng đường Phạm Ngọc Thạch, xén hè mở rộng bên phải từ 4,5 m đến 6,0 m (từ tim nút Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch đến đường Đào Duy Anh), kết hợp xén hè mở rộng đường Tôn Thất Tùng và đường Đông Tác trong phạm vi nút giao, chiều dài tuyến chính khoảng 800m.
Chỉnh trang, cải tạo nút giao thông Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch và các tuyến nhánh và tổ chức giao thông theo QCVN 41/2016/BGTVT. Cải tạo mở rộng cầu Trung Tự bên phải thêm 7,0 m, bên trái cầu mở rộng thêm 4,0 m.
Gần 50 cây xanh dọc đường Phạm Ngọc Thạch được chặt hạ và di chuyển để phục vụ công tác mở rộng lòng đường. Tuyến đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch thường xuyên có lưu lượng phương tiện lớn vì khu vực này có nhiều trường đại học, khu dân cư, lại là tuyến xuyên tâm của phương tiện phía tây nam thủ đô.
Việc mở rộng mặt đường đã giải quyết một phần giao thông thông thoáng tại khu vực Phạm Ngọc Thạch.
Đỗ Quân – Trọng Trinh