(Dân trí) - "Những đề xuất và sáng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang ý nghĩa rất quan trọng, truyền tải một thông điệp là ASEAN phải đoàn kết, không thể tách rời nhau", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
5 tuyên bố và 21 văn kiện khác nhau mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan là minh chứng cho sự chủ động, tích cực của Việt Nam khi tham dự sự kiện này, theo nhận định của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Là một trong những thành viên chính thức tham gia tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công rất tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện, cả về hoạt động đa phương và song phương, trên tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng.
"Những cam kết, sáng kiến, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại các hội nghị được cộng đồng ASEAN đánh giá rất cao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, những đề xuất và sáng kiến của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mang một tầm vóc và ý nghĩa rất quan trọng, đưa ra một thông điệp về một ASEAN đoàn kết, không thể tách rời nhau.
"Từng nước, từng quốc gia trong khu vực bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của chính mình, phải chung sức, hợp tác với nhau, và chỉ có hợp tác, các nước mới phát triển", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập một thông điệp quan trọng khác là các quốc gia cần khép lại những bất đồng chính kiến, quan điểm trái chiều, để tìm điểm tương đồng và đi đến sự thống nhất chung, vì lợi ích của quốc gia và đặt người dân lên trên hết, trước hết.
Những thông điệp này cũng đúng với định hướng được đề cập tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, đó là ASEAN đoàn kết, luôn mạnh mẽ tiến lên phía trước, cùng đưa tầm vóc ASEAN ngày càng lớn mạnh, trở thành một tâm điểm của tăng trưởng ở khu vực và thế giới.
"Nơi đại dương rộng lớn, không ai có thể đi một mình. ASEAN mong muốn hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước, khẳng định vai trò là tâm điểm của tăng trưởng", Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Hội nghị.
Lấy hình ảnh "con thuyền ASEAN" đang tiến ra biển lớn, rộng mở với thế giới, hợp tác với các đối tác vì mục tiêu chung hòa bình, an ninh và ổn định, Tổng thống Widodo khẳng định ASEAN nhất trí và kiên định không biến khu vực thành nơi cọ xát quyền lực, mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng.
Đáng lưu ý, tại sự kiện này, Tổng thống Indonesia đã trao Giải thưởng ASEAN 2023 cho doanh nhân Nguyễn Thị Tuyết Minh của Việt Nam, về những đóng góp to lớn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Bà là người sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN), hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và nâng cao quyền năng kinh tế.
Đây cũng là người tích cực triển khai nhiều dự án tập huấn, đào tạo, hỗ trợ các doanh nhân nữ, góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của Cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam và ASEAN, kết nối với các nền kinh tế APEC và toàn cầu.
Trở lại với thông điệp về một ASEAN đoàn kết, phát biểu trong phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để giữ vững "ASEAN tầm vóc" và là "tâm điểm của tăng trưởng", phải nâng cao tự cường của ASEAN thông qua đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông các dòng chảy thương mại và đầu tư.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị các nước ASEAN khẩn trương tháo gỡ điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, nhằm nâng cao sức chống chịu của khu vực trước tác động, thách thức từ bên ngoài.
Theo người đứng đầu Chính phủ, mỗi nước thành viên ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường, và tinh thần này phải được thể hiện bằng cả lời nói và hành động.
"Chỉ có như vậy, vai trò của ASEAN mới có thể phát huy thực chất và nhận được sự coi trọng trên thực tế của các đối tác, nhất là các nước lớn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các lãnh đạo trao đổi sâu rộng về vấn đề khu vực và quốc tế, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
"Bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước", là quan điểm được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định.
Nhấn mạnh tinh thần cốt lõi "lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực" của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng góp ý cần định hướng phát triển đồng đều và bền vững, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, tiểu vùng.
Nhân phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, nhằm bổ trợ cho các diễn đàn, cơ chế chính thức của ASEAN.
"Các bài phát biểu quan trọng và đề xuất của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại tất cả hội nghị đã mang tới ASEAN và các đối tác nhiều thông điệp, định hướng, sáng kiến thiết thực", theo lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Chia sẻ quan điểm tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trước vòng xoáy của cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm, câu trả lời duy nhất là phát huy sức mạnh tự thân, củng cố đoàn kết nội khối, khẳng định giá trị chiến lược.
"Các nước ASEAN cần nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, thượng tôn pháp luật và kiên định với các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực ứng xử của ASEAN", theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông cũng nhấn mạnh ở giữa tâm điểm cạnh tranh, ASEAN cần giữ vững cân bằng chiến lược với các nước lớn. Khu vực phải thực sự trở thành một cầu nối tin cậy với năng lực điều hòa và cân bằng các mối quan hệ và lợi ích.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, trong các hội nghị ASEAN với đối tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh việc đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường của nhau. Ông cũng mong muốn các đối tác hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết đà tăng trưởng kinh tế khu vực được giữ vững với dự báo tích cực đạt 4,6% trong năm 2023 và 4,9% năm 2024. Thương mại của ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 15%, đạt 3.800 tỷ USD. Đầu tư cũng đạt mức cao kỷ lục với hơn 224 tỷ USD.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN với đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các nước đều khẳng định coi trọng ASEAN, mong muốn hợp tác sâu rộng và thực chất, thúc đẩy đối thoại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu tại Hội nghị ASEAN - Trung Quốc đã chia sẻ mong muốn Trung Quốc - ASEAN không chỉ là đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của nhau, mà còn là một trong những đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất của nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị ASEAN và Trung Quốc phối hợp đưa khu vực trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế; tận dụng ưu thế để đẩy mạnh kết nối, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng, mở rộng hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần tạo bước chuyển lớn trong hợp tác kinh tế, đẩy mạnh thương mại và đầu tư theo hướng cân bằng và bền vững.
Với Nhật Bản, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính, là động lực thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.
Đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư cũng là định hướng được thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ.
Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định Mỹ cam kết ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm. Bà nhấn mạnh hai bên cần chia sẻ lợi ích, ưu tiên và tầm nhìn dài hạn, cùng ứng phó các thách thức chung.
Việc lập Trung tâm ASEAN - Mỹ tại Washington DC, tạo điều kiện cho giao lưu nhân dân, doanh nghiệp, học giả ASEAN và Mỹ, cũng được bà Harris thông báo tại hội nghị này.
Năm 2022, Mỹ là đối tác đầu tư lớn nhất ở ASEA với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 36,5 tỷ USD, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 420 tỷ USD.
ASEAN và Mỹ đã thống nhất đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực y tế, mở rộng hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững...
Chia sẻ quan điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN - Mỹ cần nhanh chóng đưa hợp tác kinh tế, thương mại trở thành trụ cột và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhất trí phát huy thế mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, tài chính, y tế… và mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo, bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ASEAN+3 cần phối hợp đẩy mạnh trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư và liên kết đa phương, bao gồm phối hợp thực hiện hiệu quả các FTA ASEAN+1 với từng đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị ASEAN+3 mở rộng các lĩnh vực hợp tác, nhất là chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, công nghệ tài chính Fintech, trí tuệ nhân tạo AI, tài chính xanh, công nghệ xanh…
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Canada cũng thống nhất phối hợp khai thác hiệu quả dư địa tiềm năng hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi số, an ninh lương thực, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu…
Với quy mô trên 54% dân số thế giới và khoảng 62% GDP toàn cầu, Đông Á được kỳ vọng là tâm điểm hội tụ niềm tin, lan tỏa lợi ích. Bởi vậy, tại Hội nghị cấp cao Đông Á, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của một thị trường rộng mở, chính sách thông thoáng.
Theo ông, khu vực tầm nhìn chiến lược, dài hạn thay vì áp dụng các biện pháp cục bộ, ngắn hạn, đưa Đông Á trở thành tâm điểm của giao thương, kết nối các chuỗi cung ứng, duy trì hàng hóa và dịch vụ thông suốt.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ, hai bên nhất trí tập trung ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ghi nhận tiềm năng bứt phá của ASEAN và Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường kết nối về kinh tế và thương mại, triển khai hiệu quả AIFTA, phát huy các thế mạnh bổ trợ cho nhau về giao thương, đầu tư, kết nối…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối giao thông, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị hai bên dành nguồn lực thích đáng để sớm hoàn tất các dự án đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN, mở rộng tới Việt Nam và lan tỏa khắp ASEAN.
Tất cả định hướng, cam kết được lãnh đạo các nước đưa ra đều hướng đến mục tiêu đưa ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, đây không chỉ là khát vọng mà còn là sứ mệnh của ASEAN, nhằm bảo đảm tốt hơn, hiệu quả hơn môi trường hợp tác và phát triển cho 680 triệu người dân khu vực.
Nói thêm về đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định "cộng đồng văn hóa - xã hội của Việt Nam có đóng góp quan trọng vào cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN và góp phần vào thành công lớn của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43".
Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã đưa ra 5 tuyên bố và 21 văn kiện khác nhau, tập trung vào một số vấn đề đang nổi lên như vấn đề bảo vệ lao động di cư, bình đẳng giới, phát triển hòa nhập cho người khuyết tật, phát triển và chăm sóc gia đình, giáo dục mầm non, tăng cường trợ giúp xã hội, cấu trúc lại y tế khu vực và thúc đẩy khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu…
"Những tuyên bố này nhằm giải quyết các thách thức do đại dịch đem lại và những thách thức phi truyền thống mới đặt ra, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đây là một trong những đóng góp rất lớn của Việt Nam tại Hội nghị ASEAN lần này.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết người đứng đầu Chính phủ Việt Nam có tới gần 20 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.
Qua đó, lãnh đạo các quốc gia đều đánh giá cao vai trò, vị thế và tầm vóc của Việt Nam.
Quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các nước đều nhìn Việt Nam với con mắt tin tưởng bởi họ thấy hình ảnh của một đất nước được coi là "điểm sáng" vượt lên khó khăn, luôn có cái mới và cái sáng tạo.
Phân tích rõ hơn về nhận định này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về kinh tế, các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao Việt Nam khi duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong một bối cảnh đầy biến động.
Hơn nữa, trong khi hầu hết quốc gia chia sẻ lo ngại về những thách thức như an ninh phi truyền thống hay vấn đề an ninh lương thực, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam lại được đánh giá có tính ổn định, là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng thế giới.
Trong đường lối đối ngoại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Việt Nam coi tất cả quốc gia là bạn, không đứng về phía ai và không tranh chấp với ai. Vì thế, Việt Nam nhận được sự tin cậy của các quốc gia và tổ chức quốc tế.
Bên cạnh việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng các cuộc tiếp xúc song phương góp phần đưa hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân… ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
"Các đối tác đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội, điều hành của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận vai trò năng động và những đóng góp tích cực của Việt Nam tại ASEAN và khu vực", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.