DNews

Đề xuất chia 50/50 tiền đấu giá đất quanh ga đường sắt tốc độ cao

Ngọc Tân

(Dân trí) - Với ước tính tiền đấu giá các khu đất đô thị (TOD) quanh ga đường sắt tốc độ cao lên tới 17 tỷ USD, Bộ GTVT đề xuất địa phương giữ 8,5 tỷ USD và nộp phần còn lại về ngân sách Trung ương.

Đề xuất chia 50/50 tiền đấu giá đất quanh ga đường sắt tốc độ cao

Trong loạt chính sách đặc thù được Bộ GTVT đề xuất để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có riêng một chính sách liên quan đến khai thác quỹ đất quanh nhà ga và phân chia nguồn thu từ đất giữa địa phương và trung ương.

Theo báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD, khai thác thương mại dự kiến khoảng 22 tỷ USD (5 tỷ USD từ quảng cáo, dịch vụ; 17 tỷ USD từ quỹ đất, trong đó: địa phương giữ 8,5 tỷ USD, góp đầu tư dự án 8,5 tỷ USD).

Nguồn thu để đảm bảo an toàn nợ công

Theo Bộ GTVT, dự kiến nguồn thu từ phát triển đô thị, trung tâm thương mại quanh ga đường sắt tốc độ cao theo mô hình TOD là rất lớn. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất được kỳ vọng sẽ quay trở về với ngân sách trung ương để bù đắp chi phí đầu tư và đảm bảo an toàn nợ công.

Đề xuất chia 50/50 tiền đấu giá đất quanh ga đường sắt tốc độ cao - 1

Mô hình TOD xác định ưu tiên phát triển đô thị xoay quanh các đầu mối giao thông (Ảnh: Ngọc Tân).

Để đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống đô thị xung quanh các ga đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT kiến nghị cơ chế đặc thù cho UBND cấp tỉnh được điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong vùng phụ cận nhà ga để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

Với đề xuất này, địa phương được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch vùng phụ cận ga trong quy hoạch phân khu hoặc tương đương và không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Dự kiến, quanh mỗi nhà ga đường sắt tốc độ cao sẽ phát triển khu đô thị, dịch vụ thương mại (TOD) với quy mô trung bình khoảng 330 ha. Trong đó, tỷ lệ đất thương mại dịch vụ chiếm khoảng 30-50%. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại 23 nhà ga dự kiến khoảng 17 tỷ USD.

Tuy nhiên, các diện tích đất quanh nhà ga thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Theo quy định tại Điều 37 Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu từ tiền sử dụng đất thuộc thẩm quyền quản lý của các địa phương thì ngân sách địa phương được hưởng 100%.

Đề xuất chia 50/50

Bộ GTVT cho rằng cần có chính sách phân phối hài hòa lợi ích từ giá trị đất tăng thêm này để bảo đảm cân đối nguồn thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Từ đó, trong Báo cáo tiền khả thi, Bộ GTVT đề xuất chính sách: Đối với tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, sau khi trừ đi các chi phí liên quan, chính quyền địa phương cấp tỉnh giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương.

Với đề xuất trên, ngân sách trung ương sẽ thu về 8,5 tỷ USD. Còn lại 8,5 tỷ USD sẽ được địa phương giữ lại.

Đề xuất chia 50/50 tiền đấu giá đất quanh ga đường sắt tốc độ cao - 2

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành (Đồ họa: Tuấn Huy).

Theo Bộ GTVT, việc chia 50/50 phần tiền thu được từ khai thác quỹ đất có nhiều tác động tích cực như giảm bớt áp lực về đầu tư công của Nhà nước; tạo điều kiện để Nhà nước có thể thu lại lợi ích từ khai thác quỹ đất khi Nhà nước đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đối với người dân, việc xây dựng các đô thị quanh ga đường sắt sẽ tạo điều kiện chuyển đổi việc làm sang lĩnh vực có thu nhập cao hơn; người dân khu vực có ảnh hưởng được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia đầu tư, xây dựng, kinh doanh tại khu vực nhà ga (nhất là thị trường bất động sản, dịch vụ, thương mại, văn phòng,...).

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích thu hồi đất để làm đô thị nhà ga cũng có mặt trái là dẫn đến việc người dân phải di dời khỏi nơi ở cũ, gây xáo trộn đời sống.