DMagazine

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz

(Dân trí) - "Với tôi, thước đo thành công của một nhà ngoại giao là hiệu quả công việc và lợi ích quốc gia mà anh ta mang lại. Còn cách thức nào là lựa chọn của mỗi người", ông Phạm Sanh Châu nói.

Phạm Sanh Châu là một nhà ngoại giao có tính cách khá khác biệt so với phần lớn giới ngoại giao Việt Nam. Ông quan hệ thân thiết với giới siêu giàu, làm bạn với các ngôi sao giải trí, xuất hiện thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội; có nhiều người yêu, cũng có người ghét.

"Với tôi, thước đo thành công của một nhà ngoại giao là hiệu quả công việc và lợi ích quốc gia mà anh ta mang lại. Còn cách thức nào là lựa chọn của mỗi người" - Phạm Sanh Châu nói.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 1

-Tô Lan Hương: Có nhiều nhà ngoại giao nói với tôi, Ấn Độ là một trong những địa bàn vất vả nhất trong ngành ngoại giao. Nhưng tôi thấy công bằng thì anh đã làm được rất nhiều việc ở Ấn Độ và hình như anh lại khá hạnh phúc với 3 năm nhiệm kỳ của mình tại đây thì phải?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Những điều bạn nghe được không sai. Trong bảng xếp hạng những địa bàn dựa trên các tiêu chí do Bộ Ngoại giao đưa ra về những nơi vất vả, khó khăn nhất, thì Ấn Độ được coi là một trong những địa bàn khó khăn nhất mà Việt Nam đang đặt quan hệ ngoại giao. Điều kiện sinh hoạt ở Ấn Độ rất khó khăn, ô nhiễm vào mùa khô và rất lạnh vào mùa đông; ẩm thực rất khó ăn; cộng đồng người Việt rất ít; văn hóa khác biệt. Nhưng tôi thấy, cái khó nhất là bộ máy hành chính của Ấn Độ khá cồng kềnh nên có những công việc rất đơn giản mà đôi khi suốt cả nhiệm kỳ Đại sứ đều làm không xong. Mà điều đó không chỉ xảy ra với riêng Đại sứ Việt Nam, mà với cả Đại sứ các nước khác.

Thú thật, Ấn Độ vốn không phải địa bàn mà tôi mong được đến. Tôi thích địa bàn Mỹ và Nhật. Nhưng cuối cùng lại đi nhiệm kỳ ở Ấn Độ. Đôi khi, tôi vẫn nghĩ cuộc đời làm ngoại giao của mình không thành công và thiếu may mắn vì thế. Tôi từng ba lần đến Ấn Độ, trong đó có một lần tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1997, một lần tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 1999. Khi ấy, tôi từng nghĩ không thích đất nước này. Nhưng đã là một nhà ngoại giao thì cần có trách nhiệm tuân theo mọi sự điều động của Chính phủ, của đất nước. Nên cuối cùng, tôi vẫn vui vẻ lên đường.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 3

-Tô Lan Hương: Ý anh là gì khi anh nói, anh chưa phải là một nhà ngoại giao thành công như mong đợi?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi từng có nhiều tham vọng nghề nghiệp hơn và nghĩ mình xứng đáng với nó. Từ hồi trẻ, tôi đã là phiên dịch cho các lãnh đạo Đảng như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Lê Đức Anh hay Chủ tịch nước Trần Đức Lương, vào lúc mà họ còn đương nhiệm. Khi ấy, các bác rất quý tôi và từng khuyên tôi chuyển ngành sang các cơ quan khác của Chính phủ để có thể thăng tiến hơn trong sự nghiệp. Nhưng tôi không đi, vì tôi thích ngoại ngữ, thích được làm việc trong các môi trường quốc tế và tin rằng ở môi trường này, tôi đóng góp được nhiều hơn. Nếu là một người có tham vọng về mặt chính trị, có lẽ tôi không làm ngoại giao lâu rồi.

Nên thành công với tôi không phải là chuyện sẽ làm Bộ trưởng hay Thứ trưởng, mà là tôi sẽ được làm ở địa bàn nào, đó có phải là địa bàn mà tôi mơ ước hay không. Nhưng không phải nhà ngoại giao nào cũng có cơ hội được làm ở những nơi mình thích, tôi cũng không ngoại lệ. Đã nhận nhiệm vụ đi Ấn Độ rồi, thì phải có trách nhiệm hoàn thành nó tốt nhất có thể. Vì thế tôi học cách yêu đất nước này và cuối cùng nhận ra, khi một nhà ngoại giao cố gắng yêu chân thành đất nước nơi ông ta đang làm nhiệm vụ ở đó, thì nhà ngoại giao ấy cũng dễ dàng trở nên hạnh phúc hơn.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 5
Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 6

-Tô Lan Hương: Làm thế nào để yêu một đất nước mà khi xuất phát điểm, anh vốn không dành cho nó nhiều cảm tình và kỳ vọng?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi là một người yêu công việc và khi làm việc, tôi say sưa, không bao giờ thấy đó là làm việc. Tôi yêu công việc đến mức rất sợ ngày nghỉ. Nếu ngày nghỉ ở nhà, tôi sẽ phải nghĩ ra đủ việc để làm: Tôi xếp gọn tủ quần áo, tôi dọn dẹp nhà cửa, tôi đọc sách… Nói chung, làm việc là lúc hạnh phúc nhất, áp lực công việc luôn khiến tôi vui vẻ nhất.

Lúc sang Ấn Độ, tôi coi Ấn Độ như một sự thử thách để thử thách năng lực thích nghi của mình. Mà càng thử thách, càng thách thức, tôi càng muốn thử sức và khẳng định bản thân. Tôi cố gắng tìm những việc mang lại lợi ích cho đất nước để làm. Không biết các Đại sứ khác sẽ làm gì khi đến một đất nước mới, riêng tôi, tôi dành rất nhiều thời gian để phát triển các mối quan hệ, không chỉ riêng trong giới chính trị, mà còn cả với giới học giả, giới tăng ni, giới doanh nhân, giới truyền thông.

Nhờ thế mà sau vài năm làm Đại sứ ở Ấn Độ, tôi đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ khá vững chắc ở đất nước này. Tôi đi đến các cuộc gặp, gợi ý các tỷ phú tổ chức đám cưới ở Việt Nam, sẽ tìm những người đang muốn hợp tác đầu tư với Việt Nam để đóng vai trò kết nối. Tôi hầu như không bao giờ từ chối các cơ hội giao lưu với mọi giới của Ấn Độ nếu thu xếp được thời gian. Những việc ấy làm tôi bận suốt và cứ thế mà sống vui vẻ thôi.

-Tô Lan Hương: Và phương pháp của anh là gì để xây dựng mối quan hệ ở một đất nước mới?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi thân thiện, tôi nhiệt tình, tôi chân thành. Tôi tâm niệm, chỉ khi mình thực sự đầu tư công sức, thì các mối quan hệ mới khai thông được. Ngoại giao mà cứ hời hợt chào hỏi thì hỏng rồi. Chỉ khi thực sự thân thiết thì các mối quan hệ đó mới có thể tạo ra được hiệu quả cho nhiệm vụ mà tôi làm.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 8

Có lần, có một tỷ phú Ấn Độ bày tỏ nguyện vọng muốn được mời 15 Đại sứ đến dự đám cưới của con ông ta. Thật ra có quan hệ với một, hai Đại sứ và mời họ đến đám cưới thì không phải chuyện gì to tát. Nhưng mời một lúc 15 Đại sứ, chờ họ bay từ một thành phố khác đến dự một đám cưới lại không đơn giản.

Vậy là tôi nói: "Để chúc mừng cho ngày vui của gia đình ông, tôi sẽ thay ông mời 15 Đại sứ cùng vợ họ đến. Họ sẽ mặc trang phục của đất nước họ và mang quà của họ đến".

Cuối cùng, 15 Đại sứ cùng nhau xuất hiện trong đám cưới, tôi đã làm tốt vai trò giới thiệu, kết nối giúp bạn tôi. Tôi tin, một lúc nào đó, khi tôi cần bạn giúp tôi điều gì đó, tôi tin bạn tôi cũng sẽ sẵn sàng.

-Tô Lan Hương: Nhiều người nói rằng, anh khá là "lạ lùng" so với giới ngoại giao nói chung…

-Đại sứ Phạm Sanh Châu:  Phải nói rất rõ là bây giờ các nhà ngoại giao Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, một nhà ngoại giao khi đi làm Đại sứ, thứ họ quan tâm chủ yếu là về chính trị. Bởi đó là giai đoạn giải phóng dân tộc, rồi sau đó là giai đoạn tìm cách xóa bao vây, cấm vận sau chiến tranh. Bây giờ thì khác, ngoại giao không chỉ có chính trị, mà còn có cả kinh tế và văn hóa. Các nhà ngoại giao phải học cách thích ứng với nó. Có người thích ứng nhiều, có người thích ứng ít. Cũng có người không phải không thích ứng được mà không dám làm, bởi vì không dám chịu trách nhiệm.

Nói tóm lại, tính cách riêng của nhà ngoại giao quyết định phong cách ngoại giao của họ. Người thì cởi mở, hào phóng, thích giao lưu bạn bè, người thì khép kín.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 9

Riêng cá nhân tôi, tôi tự nhận mình là một Đại sứ mê kinh tế. Trong ba trụ cột của ngoại giao hiện đại, tôi mê ngoại giao kinh tế hơn cả, dù không phải là tôi không tốt ở lĩnh vực ngoại giao chính trị hay văn hóa. Lý do vì tôi thấy nó hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước bằng thứ có thể nhìn thấy ngay được. Khi nhìn một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, đóng thuế cho Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam, hay như khi tôi tìm cách giúp doanh nghiệp tháo gỡ một khúc mắc nào đó, tôi đều tìm thấy niềm vui trong đó.

Dĩ nhiên, ngoại giao chính trị càng quan trọng, nhưng xây dựng ngoại giao chính trị thì phải mất nhiều năm, dựa trên công sức của không chỉ một nhà ngoại giao có thể làm được.

Trong mấy năm ở đây, tôi thúc đẩy việc mở đường bay giữa hai nước. Để làm được điều đó, tôi liên tục tiếp xúc với các quan chức Ấn Độ bằng nhiều hình thức, cả gặp chính thức lẫn gọi điện, cho đến khi lấy xong được giấy phép bay mới hài lòng. Có quan chức Ấn Độ thắc mắc với tôi: "Tôi chưa bao giờ thấy nhà ngoại giao nào mà lại tích cực đến như thế để mở một đường bay. Hay lẽ nào trong đó có cổ phần của ông"?

Tôi trả lời: "Nhiệm vụ của nhà ngoại giao là phục vụ lợi ích đất nước. Nên việc nào có lợi cho đất nước tôi đều nhiệt tình như thế cả".

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 10

Cuối năm 2020, Tập đoàn công nghệ hàng đầu Ấn Độ công bố đầu tư vào Việt Nam, tạo ra thêm 10.000 việc làm cho người Việt mỗi năm. Doanh thu mỗi năm của HCL là 15 tỷ USD. Đó là một trong những tập đoàn công nghệ cực kỳ lớn trên thế giới. Tôi cũng đã dành thời gian 2 năm bỏ công sức vào mối quan hệ với ông chủ tịch nổi tiếng khó tính của HCL, mời họ sang Việt Nam để giới thiệu về các tiềm năng của Việt Nam. Với nhiều tập đoàn khác của Ấn Độ đã và đang có kế hoạch vào Việt Nam, tôi cũng nhiệt tình như vậy. Tôi tìm gặp ông ấy rất nhiều lần, dù ai cũng nói ông ấy khó tính. Nhưng tôi quan niệm, chừng nào ông ấy còn chưa nói "không thể", thì chừng đó tôi còn nỗ lực.

Cuối 2020, khi HCL vào Việt Nam, ông Chủ tịch HCL có nói vui với tôi: "Vì ấn tượng với Đại sứ mà tôi quyết tâm đầu tư vào Việt Nam". Như vậy là tôi có ích rồi, và với tôi, thành công chính là những thứ cụ thể như vậy.

Trước đại dịch Covid-19, đã có vài tỷ phú Ấn Độ tổ chức đám cưới cho con cái ở Đà Nẵng và Phú Quốc. Những đám cưới xa hoa với sự tham gia của nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới đó đều có sự góp công sắp xếp của tôi. Có thể sẽ có người "cười" tôi, vì ai đời Đại sứ mà lại đi lo mấy việc đó. Nhưng tôi nhìn ra, nó không chỉ đơn giản là việc tổ chức một đám cưới, mà còn là cơ hội để quảng bá miễn phí hình ảnh của du lịch Việt nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Nên khi  nghe tin về vị tỷ phú Ấn Độ muốn tìm một địa điểm để tổ chức đám cưới cho con gái, tôi đã dành rất nhiều thời gian thuyết phục ông ta bằng cách giới thiệu những điểm thú vị của Việt Nam. Cuối cùng, ông ấy đồng ý đổi địa điểm từ Bali sang Phú Quốc.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 12

Sau đám cưới, họ nói, họ rất hài lòng với Phú Quốc. Và rất có thể, từ giờ Phú Quốc sẽ trở thành một trong những địa điểm tổ chức đám cưới được giới siêu giàu Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung nghĩ tới khi cần. Nó khiến những người mang tư duy Việt Nam chỉ có chiến tranh, đói nghèo sẽ phải thay đổi suy nghĩ. Cũng giúp người Việt Nam hiểu, Ấn Độ không chỉ có đói nghèo và hiếp dâm. Chỉ cần nghĩ tới những lợi ích kinh tế và lợi ích về truyền thông mà nó mang lại được cho đất nước, thì tôi thấy sự nhiệt tình, tận tâm của mình hoàn toàn không lãng phí.

Hay như năm vừa qua, giữa đại dịch Covid-19, tôi giúp Nanogen hợp tác với một công ty chuyên thử vaccine ở Ấn Độ để thí nghiệm tiêm vaccine Nanocovax ở Việt Nam tại đất nước này, tiến tới sản xuất Nanocovax ở đây; hay đưa thuốc điều trị Covid-19 về sản xuất tại Việt Nam. Tôi không quan tâm việc tôi phải vất vả như nào để đạt được những mục đích đó, chỉ quan tâm đến giá trị mà nó tạo ra.

-Tô Lan Hương: Khi anh chơi với giới siêu giàu, thân thiết với các ngôi sao trong showbiz, xuất hiện liên tục trên truyền thông trong các điểm nóng thời sự, anh có biết anh sẽ khiến mình có nhiều người yêu, nhưng cũng có người ghét? Người yêu nói anh nhiệt tình, còn người không thích anh nói anh quá "ồn ào"?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi biết chứ. Kể cả trong giới ngoại giao cũng vậy. Tôi nghĩ họ không hiểu tôi vì không đủ thông tin. Với cả, có lẽ là cách làm của tôi hơi trái với chuẩn mực thông thường. Trong khi văn hóa Việt Nam, bạn biết rồi đấy, bao giờ cũng đề cao sự kín đáo và không thiếu sự cạnh tranh. Ở môi trường của chúng ta, khi một cái đinh ngoi lên, người ta sẽ đóng cái đinh đó xuống. Nhưng tôi sống không phải để hài lòng người khác. Tôi chỉ cần mình làm đúng, làm chỉn chu và chừng mực. Còn con đường nào để đi đến thành công, mỗi người sẽ có một cách thức riêng.

Ví dụ như tôi mời Lý Nhã Kỳ tham gia đám cưới của gia đình tỷ phú Ấn Độ, để đám cưới đó càng đạt hiệu ứng tốt hơn về mặt truyền thông. Việc đó có gì sai? Chỉ là cách thức của tôi khác mọi người mà thôi. Tôi chắc chắn tôi không vi phạm pháp luật, không làm sai đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng không làm trái lương tâm của một công dân, nên dù có "ồn ào" hay không trong mắt của mọi người cũng không làm giảm đi giá trị mà tôi có.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 13

-Tô Lan Hương: Tôi hỏi thật, sự khác biệt của anh có khiến anh "khó sống" trong giới ngoại giao không? Ít nhất là với cấp trên của anh?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi không thấy cấp trên có gì phàn nàn với mình. Chỉ có duy nhất một lần nhắc nhở tôi đừng mặc áo dài dân tộc nhiều quá. Còn đồng nghiệp rất nhiều người nể và yêu quý tôi.

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 14

-Tô Lan Hương: Tôi biết anh là con nhà nòi ngoại giao, nhưng ba anh - Đại sứ Phạm Ngọc Quế lại không ủng hộ anh theo con đường này, tại sao thế?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi sinh ra ở Myanmar, lúc ba tôi đang làm Đại sứ ở đây. Mẹ đẻ tôi khi bà đã 53 tuổi, nên bà đặt tên tôi là Sanh Châu (theo nghĩa "Sanh châu, đẻ ngọc" - PV). Tôi đi theo ba tôi từ bé trong các chuyến đi sứ của ông. Bài học đầu tiên về ngoại giao mà ông dạy tôi là đếm các vị khách có mặt trong buổi lễ quốc khánh của Việt Nam.

Ba tôi nghĩ tôi có tính cách đặc trưng của người miền Nam: quảng giao, sôi nổi. Nên ông bảo tôi hợp để làm doanh nhân hoặc một nhà hoạt động xã hội hơn một nhà ngoại giao trong khuôn khổ. Ông từng muốn tôi vào Nha Trang quê nội tôi để học Đại học Thủy sản. Nhưng cuối cùng, tôi "cãi" lời ông, và trở thành một nhà ngoại giao như bây giờ.

Thật ra cha mẹ không thể lựa chọn thay con cái, vì tôi tin mỗi người có định mệnh của riêng mình. Ví dụ các con tôi bây giờ, tôi đều muốn chúng làm ngoại giao. Nhưng tụi nhỏ lại đều lựa chọn làm kinh doanh để mặc sức sáng tạo mà không bị ai cản trở.

-Tô Lan Hương: Nếu như không làm ngoại giao, anh nghĩ mình sẽ trở thành một người như thế nào?

Đại sứ kể chuyện chơi với giới siêu giàu, thân thiết các ngôi sao showbiz - 16

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi sẽ là doanh nhân.

-Tô Lan Hương: Vì sao?

-Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tố chất của một nhà kinh doanh là dám nghĩ, dám làm. Hai yếu tố đấy thì tôi có, nhưng mà làm một nhà ngoại giao tôi không thể liều được. Nếu là một doanh nhân, tôi sẽ phát huy hết máu liều của mình. Nên có lẽ, sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ dành phần đời còn lại để thử sức mình ở lĩnh vực này, phát huy hết những thứ mà khi còn làm ngoại giao, tôi không thể làm được.

-Tô Lan Hương: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nội dung: Tô Lan Hương            

Ảnh: NVCC/Facebook nhân vật