Đại sứ Phạm Sanh Châu hoàn thành tốt phần trả lời phỏng vấn tại UNESCO
Ứng viên Việt Nam cho chức Tổng Giám đốc UNESCO, Phạm Sanh Châu, bước vào phỏng vấn với tâm thế tự tin, đĩnh đạc, và đã trả lời trôi chảy các câu hỏi.
Đại sứ Phạm Sanh Châu, ứng cử viên duy nhất của khu vực Đông Nam Á cho chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO, đã hoàn thành phần thi của mình trong màn tranh cử vào vị trí này trong phiên họp toàn thể công khai của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vào ngày 27/4.
Phần trả lời phỏng vấn diễn ra tại Tổng hành dinh của UNESCO ở Paris.
Phần thi của Đại sứ Châu kéo dài trong một tiếng rưỡi từ 9h15-11h15 (giờ Paris, tức từ 14h45-16h15 giờ Hà Nội).
Phần thi của Phạm Sanh Châu bắt đầu bằng phần giới thiệu của Đại sứ trong 10 phút, trong đó Đại sứ nhấn mạnh đến 3 thông điệp căn bản, đó là Hòa bình, Thay đổi, và việc Thực thi tốt hơn, thông tin tốt hơn, “PR” tốt hơn cho UNESCO.
Sau đó 6 vị đến từ 6 nước thành viên UNESCO được chỉ định trước đại diện cho 6 khu vực trên thế giới, lần lượt đặt ra câu hỏi cho Đại sứ Châu. Các nước đó là Serbia (Đông Âu), Cộng hòa Dominica (châu Mỹ Latin), Malaysia (châu Á Thái Bình Dương), Nam Phi (châu Phi), Morocco (Trung Đông), và Anh (Tây Âu).
Đại sứ Phạm Sanh Châu trình bày phần giới thiệu của mình.
Kế đó đại diện các nước thành viên UNESCO bỏ phiếu ghi tên nước mình vào trong bình để Chủ tịch Phiên họp bốc thăm lần lượt và mời họ đưa ra câu hỏi chất vất ứng viên. Những người may mắn được mời đặt câu hỏi là đại diện của 9 nước: Slovenia, Đức, Iran, Cộng hòa Dominica, Togo, Paraguay, Sri Lanka, El Salvador, và Nepal.
Câu hỏi có nội dung đa dạng từ quản trị nội bộ của UNESCO, vấn đề tài chính của tổ chức này, đến vấn đề bình đẳng giới, vấn đề châu Phi, về chủ nghĩa khủng bố và hiện tượng các lực lượng cực đoan sử dụng internet để tuyên truyền.
Với chất giọng nhẹ nhàng, điềm tĩnh, lên bổng xuống trầm khi cần thiết, Đại sứ Châu đã trả lời rành rọt các câu hỏi trong khung thời gian đề ra cho mỗi ứng viên. Các câu hỏi được đưa ra lúc bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Pháp, và Đại sứ đã trình bày câu trả lời trôi chảy tương ứng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Quang cảnh phiên họp toàn thể tại trụ sở UNESCO. Ảnh trích xuất từ video truyền hình trực tiếp.
Sau phần hỏi đáp, Đại sứ Châu kết luận phần trình bày của mình bằng việc đề cập trải nghiệm phong phú của bản thân ở Việt Nam (một đất nước có nhiều năm chiến tranh) và nhiều nước khác trên thế giới, mà từ đó Đại sứ đánh giá rất cao và thực sự quan tâm đến tổ chức UNESCO.
Trong phần kết luận, Đại sứ nêu bật những phẩm chất cần có ở một tân Tổng Giám đốc - đó là nhà lãnh đạo có tầm nhìn, nhà quản lý tốt, và nhà đàm phán, nhà ngoại giao khéo léo, cũng như nhà truyền thông giỏi để có thể giành thêm sự ủng hộ và tài chính cho tổ chức.
Đại sứ Châu cũng nhấn mạnh rằng Tổng Giám đốc UNESCO phải là một “sếp tràn đầy yêu thương” để mọi người khi đến nơi này đều cảm thấy hạnh phúc.
Cuối cùng, Đại sứ Châu tự tin khẳng định mình đủ năng lực để làm người đứng đầu UNESCO, và cam kết nếu đắc cử, sẽ cống hiến hết mình cho tổ chức, làm cho UNESCO mạnh hơn, đoàn kết hơn, và hội tụ nhiều năng lực hơn.
Phần thi của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu dự họp. Chẳng hạn các Đại sứ Nhật Bản và Serbia khẳng định Phạm Sanh Châu là ứng cử viên trình bày hay nhất và ấn tượng nhất (cho tới thời điểm này). Đại sứ Tây Ban Nha thì “thắc mắc”, ông đọc tài liệu lúc nào mà nắm bắt vấn đề tốt thế. Ngoài ra mọi người còn nhận xét, Đại sứ Châu là ứng viên có nhiều người đặt câu hỏi nhất, và là ứng viên có nhiều người chúc mừng nhất.
Theo Trung Hiếu
VOV