DNews

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang

Ngọc Tân

(Dân trí) - 50 năm sau ngày thống nhất, Việt Nam đã có những công trình giao thông mang tính biểu tượng, định vị hình ảnh đất nước thịnh vượng và tự cường trên trường quốc tế.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang

Sau ngày thống nhất, cùng với việc sửa chữa đường sá hư hỏng do chiến tranh, ngành GTVT nung nấu kế hoạch xây dựng những cây cầu qua sông lớn để người dân thoát cảnh "lụy phà".

Thay đổi đến một cách mạnh mẽ từ sau năm 1986 (năm Đổi Mới). Tình trạng bao vây cấm vận được dỡ bỏ, các dòng vốn ODA từ Australia, Nhật Bản… cùng các tổ chức quốc tế như World Bank, ADB… cho phát triển cơ sở hạ tầng bắt đầu đổ vào Việt Nam.

Từ kỳ tích cầu Mỹ Thuận

Chia sẻ với Dân trí, PGS.TS Tống Trần Tùng cho biết, đòi hỏi về những cây cầu vượt sông Tiền, sông Hậu trên tuyến quốc lộ 1 đã được đặt ra từ lâu, nhưng các nhà cầm quyền trước năm 1975 chưa từng thực hiện được.

Cầu Mỹ Thuận là công trình giao thông lớn, mang ý nghĩa chiến lược đầu tiên được xây dựng ở miền Nam sau ngày thống nhất. Đây cũng là cây cầu dây văng đầu tiên được xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 5/1993, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Australia. Đây là chuyến thăm tạo tiền đề cho sự hợp tác song phương mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Dự án cầu Mỹ Thuận đã được khẳng định từ chuyến thăm này.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 1

PGS.TS Tống Trần Tùng (thứ 2 từ trái sang) tại lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận (Ảnh: NVCC).

Vào trưa 6/7/1997, lãnh đạo Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng cầu Mỹ Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD, trong đó Chính phủ Australia viện trợ không hoàn lại 66% theo chương trình AusAid, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%.

"Tôi còn nhớ hôm khánh thành cầu Mỹ Thuận, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, mồ hôi ướt đẫm cả bộ cảnh phục khi ông đứng hướng dẫn bà con đến dự lễ. Nét mặt ông hân hoan, tươi cười và mãn nguyện", PGS.TS Tống Trần Tùng hồi tưởng lại kỷ niệm khánh thành cầu Mỹ Thuận vào ngày 21/5/2000.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 2

Lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận (Ảnh: AusAID).

Cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng ngày 21/5/2000. Sau dấu mốc lịch sử này là 25 năm phát triển không ngừng của ngành giao thông vận tải, với những đại công trình kỳ vỹ nối tiếp mọc lên.

Theo PGS.TS Tống Trần Tùng, cầu Mỹ Thuận được khánh thành mang lại không chỉ niềm vui sướng vô bờ cho bà con miền Tây nói riêng, Nam bộ nói chung mà còn mang tính đột phá về mọi mặt trong đời sống của 16 triệu người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Ngay tại thời điểm khánh thành, việc lưu thông trên quốc lộ 1 của hơn 2 triệu lượt ô tô, 13 triệu lượt hành khách hàng năm từ TPHCM xuống các tỉnh miền Tây không còn bị tắc nghẽn như trước đây, tiết kiệm được thời gian đáng kể.

Từ sau công trình kỳ vỹ đó, từng cây cầu được mọc lên trên tuyến quốc lộ 1, thay thế cho các tuyến phà chậm chạp và nguy hiểm. Nhiều cây cầu lớn đã hình thành như cầu Cần Thơ (nối Vĩnh Long và Cần Thơ), cầu Cao Lãnh (nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cầu Vàm Cống (nối Đồng Tháp và Cần Thơ), cầu Rạch Miễu (nối Tiền Giang và Bến Tre)... xóa bỏ cảnh "qua sông lụy phà" và tạo sự kết nối liên vùng.

Các tuyến phà vượt sông trên quốc lộ 1 được xóa dần sau mỗi cây cầu mới. Đến năm 2012, sự kiện khánh thành cầu Đầm Cùng tại tỉnh Cà Mau đánh dấu tuyến phà cuối cùng trên quốc lộ 1 dừng hoạt động. Tuyến quốc lộ huyết mạch từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau đã không còn bị cách trở bởi các dòng sông.

Từ những dự án đầu tiên phải lệ thuộc cả nguồn vốn lẫn công nghệ của nước ngoài, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã từng bước tiếp thu và làm chủ công nghệ. Mỗi đại công trình đều như một "trường học lớn", nơi các kỹ sư người Việt học hỏi từ chuyên gia nước ngoài và trưởng thành.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 3

Cầu Cần Thơ trên tuyến quốc lộ 1 qua sông Hậu (Ảnh: Hải Long).

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, lấy ví dụ chính đơn vị của mình vốn tiền thân là Ban quản lý dự án cầu Mỹ Thuận, được học hỏi, trưởng thành từ quá trình xây dựng cây cầu và sau đó tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn khác.

Chặng đường 50 năm qua, hạ tầng giao thông Tây Nam Bộ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ việc nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 1, hàng nghìn km quốc lộ đã được đầu tư đồng bộ. Cùng với đó, các tuyến cao tốc như TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được triển khai.

Sự xuất hiện của những công trình giao thông lớn này tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông của Tây Nam Bộ, mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 4

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, báo cáo tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (Ảnh: Ngọc Tân).

Sau những cây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Mỹ Thuận 2… đến nay các cây cầu tiếp theo như Rạch Miễu 2, Phước An, Đại Ngãi… cũng đang được xây dựng, cầu Cần Thơ 2 cũng đang được chuẩn bị đầu tư.

Ông Trần Văn Thi đánh giá những công trình này tiếp tục khẳng định sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước vào phát triển hạ tầng giao thông của Tây Nam Bộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cả vùng.

Tại Hà Nội, đô thị trung tâm của miền bắc, các tuyến đường cao tốc cũng dần hình thành từ đầu những năm 2000. Đến nay, đường cao tốc từ Hà Nội về phía bắc đã nối đến Lạng Sơn; phía tây bắc nối đến Lào Cai; phía đông bắc nối đến Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái; phía Nam nối đến Hà Tĩnh.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 5

Cầu Nhật Tân được khánh thành vào năm 2015, trở thành biểu tượng mới của Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Hàng loạt cây cầu lớn vượt sông Hồng cũng được hoàn thành như cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân…

Thủ đô được đầu tư tuyến vành đai 3 trên cao hiện đại, từng bước hoàn thiện đường vành đai 4. Đường sắt đô thị với 2 tuyến đầu tiên cũng được đưa vào vận hành. Thành phố đã xin được cơ chế đặc thù từ Quốc hội để triển khai đồng loạt cả mạng lưới metro trong thời gian tới.

Bên cạnh Hà Nội, cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương miền Bắc khác cũng được đầu tư, như dự án sân bay Vân Đồn tại Quảng Ninh, sân bay Điện Biên; các tuyến cao tốc ven biển nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Hải Phòng…

"Tôi đánh giá cao việc Nhà nước đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế và cho người dân đi lại được thuận lợi, giảm ùn tắc. Chúng ta phát triển đường cao tốc là rất cần thiết, nối kết các vùng kinh tế, như mạch máu lưu thông trong cơ thể", TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 6

Một giao lộ hiện đại tại Hà Nội với đường tàu điện giao cắt cầu vượt, đường vành đai (Ảnh: Hữu Nghị).

Đột phá và vươn mình

Năm 2019, trong bối cảnh đường cao tốc vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu bám quanh các đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Chính phủ bắt đầu triển khai đồng loạt các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông với quyết tâm nối thông mạch đường cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Ban đầu, Chính phủ chủ trương thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên sau đó, hầu hết dự án được chuyển sang cơ chế đầu tư công, đấu thầu xây lắp trong nước. Cơ chế này đã mở ra một "mảnh đất dụng võ" cho đội ngũ nhà thầu, kỹ sư người Việt.

Từ đó đến nay, lãnh đạo Chính phủ thị sát khắp các công trường cao tốc, động viên từng công nhân, khơi dậy trong họ tinh thần cống hiến cho đất nước thông qua việc đẩy nhanh tiến độ, thi công "3 ca, 4 kíp", xuyên ngày lễ, tết…

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (Ảnh: Bảo Kỳ).

Đến năm 2023, đường cao tốc không chỉ bám vào các đại đô thị mà đã về đến Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Sáng 24/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, mắt xích trên trục cao tốc TPHCM - Cà Mau. Người đứng đầu Chính phủ đã bày tỏ niềm tự hào khi cây cầu mới được xây dựng bằng bàn tay khối óc của các kỹ sư người Việt, với vốn đầu tư hoàn toàn bằng sự đóng góp của nhân dân.

Việt Nam đang hoàn thiện nhiều hạ tầng giao thông chiến lược như sân bay Long Thành, cao tốc trục dọc, trục ngang, vành đai... Nhiều dự án cao tốc đang được triển khai như vành đai 3 TPHCM, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Mỹ An - Cao Lãnh...

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 8

 Cầu Mỹ Thuận (trái) và cầu Mỹ Thuận 2 (Ảnh: Bảo Kỳ).

Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ tăng cường năng lực kết nối vùng và rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

"Sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và các bộ ngành đã giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, giải quyết nhiều vướng mắc về vật liệu xây dựng, về vốn, về giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư liên quan", lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chia sẻ.

Chứng kiến những bước phát triển vươn mình của hạ tầng giao thông, PGS.TS Tống Trần Tùng bày tỏ phấn khởi. Ông cũng đồng tình, ủng hộ các bước đi trong việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành và nhất là mạng đường sắt đô thị của Hà Nội, TPHCM. 

"Khi đã hình thành được đại mạng lưới đường sắt đô thị thì khả năng các công ty nước ngoài có công nghệ liên quan sẽ mở nhà máy sản xuất tại chỗ và từ đó, giá thành sẽ giảm, công nghệ sẽ được chuyển giao", vị chuyên gia chia sẻ.

Cuộc kiến thiết đường sá sau thống nhất: Cầu kỳ vĩ, cao tốc dọc ngang - 9

Thủ tướng dự lễ gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước tại TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Tháng 4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Chính phủ công bố khởi công và khánh thành 80 công trình hạ tầng trên cả nước. Trong đó có những sự kiện lớn tại miền Nam như khánh thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, thông xe 4 tuyến cao tốc Bắc - Nam, hợp long cầu Rạch Miễu 2…

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đó là những công trình mang tính biểu tượng, góp phần định vị hình ảnh Việt Nam độc lập, thống nhất, tự cường, văn minh, thịnh vượng trên bản đồ thế giới và mang lại lợi ích cho người dân.

Ngay tại sự kiện, người đứng đầu Chính phủ đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 cả nước sẽ vượt mốc 3.000km cao tốc và sân bay Long Thành cơ bản về đích. Sang năm 2026, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được khởi công. Ông nhấn mạnh tinh thần: "Nhân dân ủng hộ, tổ quốc mong đợi thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi".

TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định sự kiện Bắc - Nam thống nhất cách đây 50 năm đã tạo ra 3 tiền đề quan trọng để ngành GTVT phát triển.

Thứ nhất, việc thống nhất đất nước giúp nâng cao vị thế quốc gia. Việt Nam quan hệ được với nhiều nước, có thêm vật tư, thêm công nghệ và nguồn vốn từ nước ngoài, từ đó hiện đại hóa hệ thống giao thông.

Thứ 2, đầu tư hệ thống giao thông là đắt đỏ nhất trong các lĩnh vực đầu tư. Việc thống nhất giúp Bắc - Nam tương hỗ với nhau về cả nguồn lực, công nghệ, con người… Nhờ đó, Nhà nước có tiền, có nguồn lực để đầu tư hạ tầng.

Thứ 3, đất nước trải dài từ Bắc đến Nam giúp cho việc phát triển vận tải hàng không và đường sắt thuận lợi, phù hợp. Non sông có liền một dải thì việc phát triển giao thông thuận lợi hơn nhiều lần. 

"50 năm thống nhất Bắc - Nam đã nói nên mối đoàn kết, hỗ trợ cho nhau, tận dụng sức mạnh của 2 miền để đất nước phát triển", TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.