DNews

Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao

Mai Huỳnh

(Dân trí) - Càng gần tới ngày khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, người miền Tây ai cũng rộn rã, nôn nao. Mùa Xuân như đến sớm trên mảnh đất Chín Rồng.

Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao

Trong niềm vui lớn trước ngày khánh thành, người đồng bằng nhắc nhiều về Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Với 2 công trình này, Thủ tướng đã nhiều lần về thăm, động viên và "truyền lửa" để sớm về đích.

Còn nhớ hôm hợp long cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng nhấn mạnh đây là chiếc cầu hoàn toàn do Việt Nam tự đầu tư, tự thiết kế, thi công, tự quản lý, kiểm tra, giám sát. Và, dù triển khai trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, nguyên liệu tăng, địa hình thời tiết phức tạp… nhưng tiến độ lại được rút ngắn.

"Các đồng chí đã thể hiện rất cao khát khao đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc ấm no" - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, chiều 14/10. 

"Niềm vui đồng bằng"!

Chợt nhớ câu nói của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", nhiều bà con ở đồng bằng những ngày này hay nói vui với nhau, dù muốn "đi xa" hay "đi nhanh" thì nên đi... cao tốc!

"Hơn 2 tiếng đồng hồ từ Cần Thơ lên TPHCM thì bằng coi 2 tập phim, bằng giấc ngủ trưa của đứa cháu ngoại, hay cũng hơn bữa đi chợ chút xíu. "Ủa mau dữ vậy sao ta?". Xem đài truyền hình đưa tin sau khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơcầu Mỹ Thuận 2 khánh thành, đi từ Cần Thơ lên TPHCM chỉ mất 2 giờ, bà Huỳnh Thị Đẹp giật mình, bấm đốt ngón tay mà "hạo hạo" như vậy.

Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao - 1

Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Thơ đi TPHCM còn 2 giờ, thay vì 3,5 giờ như trước (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bà Tư Đẹp quê ở Bạc Liêu, mấy năm nay bệnh "rề rề" nên lên Cần Thơ sống với cô con gái cho tiện bề đi TPHCM khám bệnh. Hồi xưa phải ngồi xe đò hơn 4 giờ, sau nhanh cũng phải hơn 3 giờ, nên khi nghe khoảng thời gian rút ngắn, bà Tư Đẹp giật mình mà lòng vui lắm. Con đường "đi tìm sức khỏe" của bà đã bớt dọc dài và nhọc nhằn hơn.

Vậy là câu chuyện "2 tiếng đồng hồ" để đi TPHCM được bà Tư kể cho hàng xóm. Ai cũng thoáng giật mình rồi vui hệt như bà Tư. Người thì nói mai mốt đi khám bệnh tiện lắm, người thì nói đi thăm con thăm cháu cũng gần.

Có người thì mừng vì nhớ tới người con trai ở miệt vườn Phong Điền (TP Cần Thơ) làm nghề vựa trái cây, cao tốc đi "êm" rồi thì con đường chở trái cây đi bán cũng hanh thông hơn... Mỗi người mỗi suy nghĩ, nhưng ai cũng có chung niềm vui. Tôi gọi đó là "niềm vui đồng bằng", niềm vui mang tính thời đại!

Thủ tướng 5 lần thị sát công trường cầu Mỹ Thuận 2

Hai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu từ gần 10.000 tỷ đồng. Một số tiền không nhỏ, nhưng xứng đáng, rất xứng đáng, vì sự phát triển chiến lược cho đồng bằng trong hiện tại và tương lai.

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2, khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Điểm cuối tạm thời kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu, sau này sẽ có cầu Cần Thơ 2, rồi tiếp nối mạch dài với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Cầu liền bờ, cao tốc nối dài cao tốc, những tuyến đường thẳng tiến trải dài khát vọng đồng bằng.

Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao - 2

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trên đại công trường trước thời khắc lịch sử, công nhân vẫn đêm ngày "3 ca, 4 kíp", với những bữa ăn vội vàng, căng mình giữa cái nắng hừng hực miền Tây. Vậy mà khi được báo chí hỏi, ai cũng cười tươi rói, những gương mặt sáng mênh mông vì quyết tâm cao, động lực lớn. Trên tuyến cao tốc bon bon xe cộ, trên cây cầu gánh đôi bờ Tiền Giang, có công sức và mồ hôi của họ.

Trong niềm vui lớn trước ngày khánh thành, người đồng bằng nhắc nhiều về Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bởi với 2 công trình này, Thủ tướng đã nhiều lần về thăm, động viên và "truyền lửa" để sớm về đích.

Còn nhớ hôm hợp long cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đây là chiếc cầu hoàn toàn do Việt Nam tự đầu tư, tự thiết kế, thi công, tự quản lý, kiểm tra, giám sát. Và, dù triển khai trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, nguyên liệu tăng giá, địa hình thời tiết phức tạp… nhưng tiến độ lại được rút ngắn.

Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao - 3

Thủ tướng thăm hỏi, trao đổi với công nhân thi công cầu Mỹ Thuận 2 (Ảnh: Quốc Chính).

Chiếc cầu vượt dòng Tiền Giang vừa đảm bảo kỹ thuật lẫn mỹ thuật, mang một bản sắc đồng bằng, bản sắc Việt Nam rõ nét. Một chiếc cầu vĩ đại với thương hiệu "made in Việt Nam".

Vậy nên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ trong ngày hợp long cầu Mỹ Thuận 2 rằng: "Các đồng chí đã thể hiện rất cao khát khao đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc ấm no".

Chính khát vọng ấy đã mang đến mùa Xuân về sớm trên quê hương miền Tây sông nước, về qua nhịp cầu, về trên tuyến đường xẻ dọc đồng bằng.

"Muốn đi nhanh thì đi... cao tốc", câu nói vui mà ngẫm đúng thiệt. Đã nhanh mà lại còn dễ dàng đi xa. Nhịp nhanh đó không chỉ là hành trình của mỗi người dân châu thổ mà còn là nhịp phát triển nhanh cho vùng đất "Chín Rồng" khi mà cao tốc đã không còn là mơ ước.

Cao tốc chở con tôm Bạc Liêu, con cua Cà Mau, chở lúa gạo Hậu Giang, chở trái cây từ miệt vườn Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang... Cao tốc chở khát vọng đồng bằng vươn cao, vươn xa.

Tạo đà cho đồng bằng cất cánh

Mấy năm trước, hễ đến ngày giáp Tết, quốc lộ 1A hướng từ TPHCM về miền Tây, dòng người lại hối hả, xe nối xe, người nối người, về quê ăn Tết. Quốc lộ 1A như một chiếc áo đã không còn vừa kích cỡ cho vùng đồng bằng rộng lớn. Nhưng Tết năm nay, cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ "chia lửa" cho quốc lộ 1A.

Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao - 4

Công nhân đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng ở cầu Mỹ Thuận 2 (Ảnh: Bảo Kỳ).

Hành trình về quê ăn Tết của bà con sẽ thong dong hơn. Rõ ràng là vậy, cao tốc thông xe, quốc lộ 1A sẽ được phá thế độc đạo. Nhưng dù cao tốc hay quốc lộ thì cũng là những cung đường trên quê hương, đất nước mình, vươn dài trên dải đất đồng bằng để tạo đà cho người đồng bằng cất cánh.

Mùa trăng cuối năm soi bóng sông nước đồng bằng. Dòng Tiền Giang lại soi bóng đôi nhịp cầu Mỹ Thuận giăng giăng, dập dìu người xe. Trên chuyến cao tốc xuôi về Cần Thơ, hẳn sẽ có nhiều người trầm trồ cùng nhau: "Êm quá!", "Mau tới quá!"...

Người đồng bằng là vậy đó, vui thì nói là vui, mừng thì nói là mừng, và niềm vui, nỗi mừng về tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cùng với cầu Mỹ Thuận 2 được thông xe sẽ được bà con nói hoài, nói mãi. Nói cho mình, cho thế hệ cha ông của mình, cho những ước mơ, khát vọng của xứ mình.

"Muốn đi xa thì đi cùng nhau", người đồng bằng đã đi cùng nhau suốt dọc dài mấy trăm năm châu thổ rồi, đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, trọng nghĩa trọng tình rồi.

Còn bây giờ, "muốn đi nhanh", người miền Tây chúng tôi đã có cao tốc!

Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao - 5

Mời quý độc giả xem thêm các bài trong tuyến: Công trình mang kỳ vọng giúp đất Chín Rồng "cất cánh"

Bài 1: Cầu dây văng 5.000 tỷ đồng do kĩ sư Việt xây dựng, kết nối TPHCM - Cần Thơ

Bài 2: Cao tốc 5.000 tỷ đồng giúp rút ngắn thời gian TPHCM - Cần Thơ còn 2 giờ

Bài 3: Công trình 5 lần Thủ tướng về thị sát, mang khát vọng đồng bằng vươn cao

                                                                                                                      (còn tiếp...)