DNews

Chuyên gia nói về thu phí vỉa hè: Cần phạt nặng mới hiệu quả

Tâm Linh An Huy

(Dân trí) - Các chuyên gia lấy dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới đã thu phí vỉa hè từ lâu, đồng thời mức thu phí và mức phạt vi phạm rất cao mới hình thành mô hình hiệu quả.

Chuyên gia nói về thu phí vỉa hè: Cần phạt nặng mới hiệu quả

12 năm trước nữ giáo sư người Mỹ Annette M. Kim đã viết riêng cuốn sách về hè phố TPHCM trong cuốn sách "Đời sống vỉa hè Sài Gòn". Có nhiều chi tiết bà mô tả không gian này đến nay vẫn còn giữ nguyên trạng.

"Có rất nhiều người cùng chia sẻ (sử dụng) không gian vỉa hè vào những hoạt động và thời điểm khác nhau. Hoạt động kinh doanh vỉa hè ở một số khu vực TPHCM có thể diễn ra suốt ngày đêm, cung cấp một chuỗi những sản phẩm và dịch vụ khác nhau. Trong số các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, hàng ăn uống (các quán ăn, quán nhậu) là chiếm đa số, kế đến là các mặt hàng giày dép và quần áo", Annette M. Kim viết.

Hơn một thập kỷ trôi qua, nhu cầu giao thông lẫn mưu sinh ở thành phố ngày càng tăng cao. Đô thị TPHCM kẹt xe phát sinh câu chuyện leo lề "điền vào chỗ trống", thiếu chỗ đậu xe dẫn đến phương tiện tràn ra vỉa hè, lòng đường. Người kinh doanh vì mưu sinh đã bủa vây hè phố bằng đủ loại hàng hóa, trong đó có tình trạng người bán hàng rong nay đây mai đó.

"Đã đến lúc phải thu phí hè phố. TPHCM đáng ra phải làm sớm hơn", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, chia sẻ quan điểm với phóng viên.

Chuyên gia nói về thu phí vỉa hè: Cần phạt nặng mới hiệu quả - 1

Vỉa hè đường An Dương Vương, quận 5 bị hàng rong quây kín bên cạnh những thanh chắn xe máy leo lề (Ảnh: Hải Long).

Cần xử phạt nặng!

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Dư Phước Tân đến từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đối với những hành vi cố tình lấn chiếm lòng đường, hè phố.

Theo TS, có 4 đối tượng chính đang khai thác, lấn chiếm vỉa hè, tạo nên hoạt động kinh tế trên vỉa hè, gồm hộ mặt tiền, hàng rong cố định, hàng rong lưu động và dịch vụ (giữ xe, hoạt động văn nghệ...).

Vị chuyên gia đặt vấn đề tại sao không thu phí với đối tượng gọi là hộ mặt tiền kinh doanh. Đây là đối tượng dù không hoạt động kinh doanh trên vỉa hè nhưng hầu như họ đều chiếm dụng vỉa hè. 

"Những hộ mặt tiền thường coi phần vỉa hè trước nhà là của nhà mình. Chính vì thế, nếu không thu phí từ họ, người dân thường sử dụng tùy tiện, không kiểm soát, sẵn sàng lấn chiếm ngoài phạm vi cho phép (PV: chiếm 1,5m tối thiểu dành cho người đi bộ)", ông Dư Phước Tân nêu thực trạng.

Do đó, TS Tân đề xuất cần khoanh lại và xác định khu vực nào cho phép và không cho phép kinh doanh theo từng tuyến đường, với ký hiệu rõ ràng, dễ hiểu. Đồng thời, việc giám sát và xử phạt phải thật nặng ở các tuyến đường cấm hoạt động.

"Áp dụng hình thức thu phí và nộp phạt, vẫn là hình thức tối ưu", vị TS nói.

Có quan điểm như trên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, lý giải, nhu cầu sử dụng vỉa hè ở TPHCM rất lớn, trước mắt không thể giải tán hết những hoạt động hiện hữu. Do đó, việc thu phí là một giải pháp hay. 

"Để công bằng, người sử dụng vỉa hè phải trả tiền cho thành phố. Số tiền này cũng dùng để trùng tu, làm mới vỉa hè nơi chính họ sử dụng.

Trong đó, người thuê cần có kèm theo trách nhiệm với đoạn vỉa hè đó. Chẳng hạn phải giữ vệ sinh, chăm sóc cây xanh, bảo vệ nền gạch, chỉ hoạt động trong phạm vi quy định... thì mới bảo vệ được vỉa hè", chuyên gia Nguyễn Minh Hòa nói.

Bên cạnh đó, trong một hội thảo về quản lý vỉa hè tại TPHCM, TS Bùi Ngọc Như Nguyệt từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, đưa ra lưu ý về việc thu phí. 

"Cơ quan chức năng cần lưu ý đến vấn đề chủ nhà, chủ đất bên trong vỉa hè sẽ tự ý thu phí của người bán hàng trên vỉa hè. Khoản phí này đúng ra phải đóng vào ngân sách Nhà nước", TS Nguyệt nói.

Chuyên gia nói về thu phí vỉa hè: Cần phạt nặng mới hiệu quả - 2

Từ khi kẻ vạch sơn, người kinh doanh trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) đã ý thức, không lấn chiếm không gian dành cho người đi bộ (Ảnh: An Huy).

Để đạt hiệu quả trong việc thu phí vỉa hè, Phòng Quản lý khoa học từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã có đề xuất.

Trước hết, cơ quan quản lý cần có các biện pháp, chế tài xử lý phải được xây dựng cụ thể cho từng nhóm đối tượng: cố định, di động (hàng rong) và hình thức xử phạt cũng phải linh hoạt hơn cho từng nhóm đối tượng này.

Cơ quan quản lý có thể lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường có hoạt động buôn bán, lấn chiếm phức tạp để giám sát hoạt động của các cá nhân, tổ chức phụ trách khu vực, tuyến đường và hoạt động kinh doanh của các chủ thể tham gia kinh tế vỉa hè.

Các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường vào kinh doanh, buôn bán cần đơn giản hóa quy trình đăng kí, hủy bỏ, đóng phí.... Có thể thực hiện qua công nghệ QR code, các kênh thông tin phổ biến như Zalo hoặc đầu tư xây dựng ứng dụng (app) quản lý vỉa hè, lòng đường. Ngoài ra, có thể theo dõi thông tin của các cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh như thông tin vị trí kinh doanh, chủ thể kinh doanh, tình trạng đóng phí, quy mô, giờ giấc kinh doanh.

TS Dư Phước Tân cho rằng, với số tiền thu được, thành phố có thể kêu gọi hợp tác đầu tư dạng công - tư (PPP), để các nhà đầu tư phối hợp đứng ra thực hiện quản lý thay vì đặt hết lên vai trò của lực lượng chức năng, khiến công tác quản lý bị quá tải dẫn đến khó hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia từ Viện Nghiên cứu phát triển còn đề xuất thành lập cơ quan quản lý riêng để quản lý vỉa hè, lòng đường trên cơ sở sắp xếp lại một số đơn vị có chức năng trùng lặp cùng quản lý vỉa hè như Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Công an TPHCM, lực lượng quản lý đô thị các địa phương.

Cơ quan này có các chức năng như: quản lý cấp phép, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường được cấp phép, không phép; thu phí; xây dựng và đề xuất các chế tài xử lý vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về phí và lệ phí…

Chuyên gia nói về thu phí vỉa hè: Cần phạt nặng mới hiệu quả - 3

Các hoạt động người đi bộ, hàng rong, tập kết rác thải, dừng đỗ xe... tập trung trên vỉa hè đường Lê Lợi, quận 1 (Ảnh: Tâm Linh).

Cách quản vỉa hè ở các quốc gia

"Hãy xem cách Thái Lan quản lý hàng rong vỉa hè. Họ áp dụng hình thức thu phí và nộp phạt, vẫn là hình thức tối ưu", TS Dư Phước Tân lấy dẫn chứng.

Chính quyền TP Bangkok áp dụng phí vệ sinh cho người bán hàng rong cố định với mức phí vệ sinh ở một số khu vực lên đến 300 bath/m2/tháng (khoảng 230.000 đồng). Trong tháng có 2 ngày không được phép bán hàng rong. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố tập trung vào việc phạt: số tiền phạt tăng từng năm (có năm lên đến 87,8 triệu bath, khoảng 2,7 triệu đô la Mỹ hay 65,8 tỷ đồng).

Cho hàng rong bán trên vỉa hè, nhưng người đi bộ ở Bangkok vẫn có lối đi. Hè phố rộng 4m, người đi bộ sẽ có 1m. Các sạp hàng rong được bố trí ở sát mép vỉa hè (tiếp giáp lòng đường), như thế, người đi bộ không phải bước xuống lòng đường, mà đi ở giữa dãy nhà và dãy sạp. 

Chính phủ Thái Lan cho phép sử dụng vỉa hè nhưng có quản lý, đánh thuế người bán hàng rong. Tại một số khu vực hành chính quan trọng của thủ đô, như khu làm việc của Chính phủ, khu cung điện Hoàng gia không cho buôn bán trên vỉa hè.

Năm 1995, giới chức TP New York (Mỹ) từng đề xuất "thủ tiêu" các gánh hàng rong. Tuy nhiên, họ đã bàn lại và đưa ra các chính sách, quy hoạch khu vực bán hàng rong trên 130 tuyến phố. Quảng trường Thời đại ở New York, trở thành khu vực phát triển, sầm uất có sự xuất hiện của những xe đẩy hàng quán ven đường...

Các hộ kinh doanh phải nộp 50 USD (hơn 1 triệu đồng) để có được giấy phép hoạt động, hoặc 200 USD (4,6 triệu đồng) trong thời hạn 2 năm và được phép gia hạn. Hàng năm, những người buôn bán vỉa hè đã đóng góp 293 triệu USD vào nền kinh tế Mỹ.

Điều này cho thấy, việc thu phí vỉa hè tạo ra khả năng kinh tế từ vỉa hè là rất lớn. Nó không chỉ giải quyết việc tạo nơi kinh doanh, mà còn cho thấy việc có thể quản lý và thu về một nguồn lợi lớn vào ngân sách.

Các hoạt động buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè đều phải tuân thủ quy định chung của thành phố. Để đảm bảo không gian đi bộ hợp lý, tháng 8/2016, TP Washington (Mỹ) ra quy định về việc các hộ kinh doanh phải giữ lại 1,5m vỉa hè cho người đi bộ.

Chuyên gia nói về thu phí vỉa hè: Cần phạt nặng mới hiệu quả - 4

Ví dụ vỉa hè dành cho người đi bộ ở thành phố Toronto, Canada (Nguồn: City of Toronto, 2014).

Tại Pháp, một số tuyến phố cho phép sử dụng không gian vỉa hè vào mục đích kinh doanh hộ cá thể. Tuy nhiên, quy hoạch này khống chế một số loại mặt hàng như quán cà phê, nước giải khát và cho phép kê bàn ghế ra không gian vỉa hè phải nằm gọn trong khoảng mái hiên che 3-6m.

Ở Bỉ, để được phép kinh doanh trên phố hay không gian công cộng (hay còn gọi kinh doanh lưu động), những người bán hàng phải nộp đơn xin giấy phép kinh doanh.

Ở Anh, phí sử dụng vỉa hè và quy trình cấp và đăng ký giấy phép kinh doanh trên vỉa hè được công khai trên website bao gồm các chi tiết cụ thể như hộ kinh doanh sử dụng 5 bộ bàn ghế trở xuống với phí hàng tháng là 922 USD (hơn 21 triệu đồng), từ 5 bộ bàn ghế trở lên sẽ tính phí 1.352 USD (hơn 31 triệu đồng).

Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã thành công trong việc quản lý và phân chia không gian vỉa hè một cách hiệu quả. Đầu tiên, họ xác định các vùng riêng biệt trên vỉa hè để phục vụ các mục đích khác nhau, bao gồm lối cho người đi bộ, vị trí mảng xanh, nơi đỗ xe và kinh doanh nhỏ.

Trong đó, vùng đi bộ có các dải vỉa hè rộng và phân chia rõ ràng so với khu vực cho người đi bộ và khu vực cho xe đạp. Nếu một người hoặc phương tiện vi phạm khu vực được chỉ định dành riêng cho người đi bộ trên vỉa hè, họ có thể bị phạt tiền.

Các vùng đỗ xe được phân chia rõ ràng và chỉ định cho từng loại phương tiện, bao gồm xe đạp và xe máy. Trên một số tuyến phố chính và khu vực thương mại, Tokyo cũng cho phép các cửa hàng nhỏ, quầy hàng và nhà hàng mở rộng sang không gian vỉa hè nhưng vẫn đảm bảo không gian cho những vùng trên.

Chuyên gia nói về thu phí vỉa hè: Cần phạt nặng mới hiệu quả - 5

Theo thống kê của Sở GTVT, TPHCM có 4.869 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó 2.271 tuyến đường có vỉa hè, 929 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,3km sẽ khai thác. Dự kiến, số tiền thu được sẽ là khoảng 1.522 tỷ đồng/năm (trong đó, thu từ vỉa hè chiếm 63,8%).

Bài trong tuyến:

Kỳ 1. Đóng phí sử dụng vỉa hè ở TPHCM: Người vui mừng, kẻ thấp thỏm lo âu

Kỳ 2. Người bán rong ở TPHCM không nằm trong diện được đóng phí sử dụng vỉa hè?