Chuyến đi khai mở thị trường, thu hút dòng vốn Trung Đông của Thủ tướng
(Dân trí) - Chuyến thăm 3 nước Trung Đông của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt trong thúc đẩy hợp tác với khu vực rất giàu tiềm năng.
Nhận định này được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh khi trả lời báo chí sau chuyến thăm và làm việc tại 3 nước Trung Đông (UAE, Ả-rập Xê-út và Qatar) của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, chuyến thăm là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước.
Nhiều ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm này cũng được ông Bùi Thanh Sơn chia sẻ.
Trước hết, chuyến thăm khẳng định tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới, quyết tâm cao của lãnh đạo Việt Nam trong việc đưa quan hệ với ba nước chủ chốt của khu vực vùng Vịnh bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn.
Chuyến thăm đã nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với ba nước nói riêng, với khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói chung. "Việc chính thức nâng cấp quan hệ với UAE lên Đối tác Toàn diện đã mở ra không gian phát triển mới cho quan hệ hai nước, mở rộng mạng lưới Đối tác Toàn diện của ta lên 14 nước", ông Sơn nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc Việt Nam và Ả-rập Xê-út và Qatar nhất trí thúc đẩy sớm nâng quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, đã tạo xung lực để phát triển toàn diện quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, tạo đòn bẩy để tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
"Tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt" để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với khu vực Trung Đông giàu tiềm năng, cũng là thông điệp được thể hiện rất rõ trong chuyến thăm lần này, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao.
Theo ông, chuyến thăm lần này của Thủ tướng đã khai mở mạnh mẽ thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ những Quỹ Đầu tư, tập đoàn hàng đầu thế giới, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng sạch, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển ngành Halal...
Hiệp định "lịch sử" và đột phá từ hợp tác đầu tư, kinh tế
Trong những ngày ở thăm ba nước Trung Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc, phong phú, thực chất, hiệu quả với gần 60 hoạt động.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã hội đàm, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao, các Bộ trưởng, lãnh đạo các Tập đoàn, Quỹ đầu tư lớn của ba nước; phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8) tại Ả-rập Xê-út và nhiều hoạt động thiết thực khác.
Trong khi đó, nhiều bộ trưởng và lãnh đạo địa phương tham gia đoàn công tác cũng có hàng chục cuộc tiếp xúc, làm việc với các đối tác.
"Chuyến thăm của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp, đạt mục tiêu đề ra với nhiều kết quả quan trọng, thực chất, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với ba nước", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhận định.
Theo ông, việc lãnh đạo các nước dành sự tiếp đón chu đáo, trọng thị với nhiều biệt lệ dành cho Thủ tướng minh chứng rằng ba nước đều coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách "Hướng Đông", đồng thời coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á.
Lãnh đạo ba nước đều đánh giá cao tiềm năng, thành tựu phát triển và vị thế, vai trò ngày càng cao của Việt Nam. Trong các cuộc gặp với Thủ tướng, lãnh đạo các quỹ đầu tư lớn nhất, các tập đoàn lớn của ba nước cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam. Họ rất hào hứng và khẳng định sau chuyến thăm sẽ cử ngay đoàn vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Thông tin thêm về những kết quả cụ thể, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết bên cạnh việc củng cố tin cậy chính trị, nhiều văn kiện quan trọng đã được thông qua, đó là Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - UAE lên Đối tác Toàn diện, thông cáo báo chí chung giữa Việt Nam và Qatar, 33 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, tài chính, năng lượng, đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, giáo dục - đào tạo, thể thao, hợp tác giữa các doanh nghiệp….
Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng có kết quả đột phá, theo ông Bùi Thanh Sơn.
Điển hình là việc ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với UAE. Đây là hiệp định tự do thương mại thứ 17 Việt Nam tham gia ký kết, đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới...
Với Ả-rập Xê-út, hai bên thống nhất mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD; thúc đẩy việc đưa Ả-rập Xê-út trở thành một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Với Qatar, hai bên nhất trí nỗ lực nâng kim ngạch thương mại song phương; nghiên cứu thành lập Tổ công tác chung về thương mại; xem xét khả năng xây dựng Trung tâm trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại Qatar; thúc đẩy hợp tác lĩnh vực tài chính...
Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, chuyến thăm 3 nước Trung Đông của Thủ tướng đã tạo ra động lực mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và ba nước trong nhiều lĩnh vực, gồm các lĩnh vực mới, tiềm năng.
Bên cạnh mục tiêu đưa các lĩnh vực truyền thống như an ninh, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân... trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài, Việt Nam xác định trụ cột hợp tác tương lai với các nước là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển ngành Halal tại Việt Nam...
Tại Ả-rập Xê-út, Thủ tướng đã tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và gửi đi thông điệp về nước Việt Nam đổi mới, năng động và sẵn sàng cùng các nước trao đổi, chia sẻ, đưa ra các sáng kiến đầu tư vì một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.
Trong các cuộc gặp Thủ tướng Pakistan, Ai Cập, Hoàng Thái tử Jordan và lãnh đạo các nước, Thủ tướng đã trao đổi sâu sắc, toàn diện về quan hệ giữa Việt Nam và các nước cũng như các biện pháp thúc đẩy quan hệ phát triển mọi mặt.
Coi trọng "thời gian và trí tuệ"
Sau chuyến thăm, trên tinh thần coi trọng "thời gian", coi trọng "trí tuệ" như Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh, ông Bùi Thanh Sơn cho rằng cần ưu tiên thực hiện nhiều nhiệm vụ.
Trước hết là tăng cường hợp tác trong tất cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, du lịch.... Ông Sơn cho rằng cần thường xuyên trao đổi cụ thể với các đầu mối hai bên trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện".
Việc cụ thể hóa các thỏa thuận đã ký kết và cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng được Phó Thủ tướng lưu ý. Theo đó, các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương liên quan chủ động rà soát các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, trong đó có Hiệp định CEPA giữa Việt Nam và UAE, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, bảo đảm tiến độ và hiệu quả triển khai cao nhất.
Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và các nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh vào nhau.
Các kết quả thiết thực đạt được sau chuyến thăm 3 nước Trung Đông của Thủ tướng, theo ông Bùi Thanh Sơn, sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và UAE, Ả-rập Xê-út, Qatar ngày càng phát triển toàn diện.