Chứng tích nhà thờ, nơi hơn 500 người thiệt mạng sau trận bom 53 năm trước
(Dân trí) - 53 năm trước, lính Mỹ đã dùng máy bay ném bom vào tu viện, nhà thờ Kon Hring, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum khiến hơn 500 người thiệt mạng.

30 phút cướp đi sinh mạng hơn 500 người
Năm 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã lập nhiều ấp chiến lược, khu dồn dân trên vùng đất Tây Nguyên. Khu vực tu viện, nhà thờ Kon Hring, thuộc căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum xưa (nay thuộc xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) cũng được Mỹ gom người dân về, lúc cao điểm lên đến 5.000-7.000 người.
Tháng 4/1972, sau ngày giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, bộ đội ta đã vận động nhân dân trở về quê hương làm ăn, sinh sống. Tuy vậy, nhiều người già yếu, phụ nữ, trẻ em không nơi nương tựa, do làng mạc bị phá hủy đã chọn ở lại nhà thờ Kon Hring.

Năm 2002, UBNND tỉnh Kon Tum đã xây dựng một khu tưởng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng sau trận bom năm 1972 (Ảnh: Phạm Hoàng).
Tháng 5/1972, tại khu vực nhà thờ Kon Hring có đến gần 7.000 người tập trung gồm người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em, người bệnh. Cay cú trước thất bại, lính Mỹ thường xuyên cho máy bay thả bom vào vùng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Đêm 25/5/1972, chúng đã huy động 12 máy bay chia thành 4 tốp quần thảo, thả bom oanh tạc vào khu vực tu viện, nhà thờ Kon Hrinh trong khoảng 30 phút. Trong đó, một máy bay đã thả bom rơi ngay giữa nhà thờ Kon Hring khiến hơn 500 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.
53 năm là khoảng thời gian đủ dài để quên đi nhiều thứ. Tuy nhiên, với bà Y Xuân, Trưởng thôn Kon Hring, xã Diên Bình vẫn còn ám ảnh khi chứng kiến thảm cảnh hàng trăm người dân nằm xuống, làng mạc bị phá hủy.
Bà Y Xuân nhớ lại, trước chiến tranh, dân làng Kon Hring đã xây dựng nhà cứu thương, lớp học ngay nhà thờ Kon Hring để những người từ nhiều nơi về ẩn náu. Khu đất này có 4 phòng học, khu dệt may, đan lát... Các sơ ở nhà thờ Kon Hring cũng thường qua dạy trẻ em học chữ, phụ nữ dệt vải.

Bà Y Xuân nhớ lại thời điểm chứng kiến thi thể nằm ngổn ngang sau trận bom 53 năm trước (Ảnh: Chí Anh).
Thời ấy, bà Y Xuân mới lên 10 tuổi và được các sơ dạy chữ trong khu vực nhà thờ Kon Hring. Lúc đó, khu này có đến gần 7.000 người từ khắp nơi đến trú ẩn để tránh chiến tranh.
Sau khi giải phóng huyện Đăk Tô, bộ đội ta vận động, đưa một số bà con trong nhà thờ Kon Hring lên căn cứ cách mạng, cách đó khoảng 5km để tạm lánh. Bố con bà Y Xuân được bộ đội dẫn lên căn cứ cách mạng. Còn anh trai, chị gái của bà cùng nhiều người khác tạm thời ở lại học tập.
Giữa đêm 25/5/1972, mọi người ở khu căn cứ cách mạng nghe những tiếng nổ lớn từ phía nhà thờ Kon Hring. Từng quả bom nổ, sáng đỏ cả vùng trời. Nghe tiếng bom nổ, bà Y Xuân được bố cõng chạy về nhà thờ để tìm anh chị và họ hàng.
"Khi đến nơi, quang cảnh đập vào mắt tôi là thi thể nằm ngổn ngang, chồng lên nhau. Tôi sợ, không dám làm gì hết mà cứ nắm tay bố, bước qua xác chết để tìm anh chị. Hai bố con tìm đến sáng vẫn không thấy đâu", bà Xuân nhớ lại.
Theo bà Xuân, đến trưa hôm sau, dân làng trốn trên núi quay trở về khu nhà thờ Kon Hring. Lúc này, có người nói anh chị của bà đang trốn trên núi. Sau một ngày tìm kiếm, gia đình bà Y Xuân mới tìm thấy người thân. Rất may, mọi người đều an toàn và cảm giác như từ cõi chết trở về.

Cây xoài cổ thụ và bệ đá còn sót lại trong Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring (Ảnh: Chí Anh).
Khi nhắc lại vụ thảm sát 53 năm trước tại Kon Hring, bà Y Phưng (SN 1960, trú tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) còn bàng hoàng với nỗi đau do chiến tranh gây ra.
Bà Y Phưng nhớ lại, năm 1972, lúc đó mới 12 tuổi, bà cùng mẹ được các sơ nuôi ở nhà thờ Kon Hring. Đêm 25/5/1972, khi mẹ con bà đang ngủ thì nghe tiếng máy bay gầm rú bên bầu trời. Vài phút sau, một quả bom rơi và phát nổ ngay giữa khu nhà thờ Kon Hring.
Do sức công phá của bom khiến hàng trăm người chết và nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn. Người còn sống hoảng sợ, bỏ chạy lên khu đồi Đăk H'juai. Đến chiều tối hôm sau, nhiều người mới dám trở về làng.
"Mẹ tôi lúc đó bị mảnh bom bắn vào lưng. Nhưng sợ máy bay địch sẽ quay lại thả bom, nên bà đã ôm tôi gắng gượng chạy lên núi trong đêm. Đoàn người cứ chạy mãi đến tận sáng mới dám nghỉ dưới tán rừng già. Trước cuộc thảm sát, mọi người cũng tản ra, trốn khắp nơi, không dám ở lại làng Kon Hring", bà Y Phưng kể.
Hồi sinh vùng đất chết
Sau cuộc thảm sát, người dân ở khu nhà thờ Kon Hring đã di tản về nhiều vùng của thị xã Kon Tum và các huyện Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi.
Một thời gian khá dài sau đó, người dân đồng bào Xơ Đăng mới dám quay trở về làng Kon Hring để sinh sống và làm ăn.
Bà Y Xuân cũng trở lại và dựng nhà ngay gần nhà thờ Kon Hring xưa. Mỗi ngày, bà thường ra quét dọn, thắp hương. Nhớ về đêm thảm sát, bà lại gạt nước mắt, tiếc thương cho hàng trăm người ra đi.
"Những người sống sót trong khu vực nhà thờ Kon Hring nay cũng lớn tuổi, nhiều người đã mất vì tuổi già. Người còn sống, mỗi dịp ngày 27/7 sẽ về đây để thắp hương, tưởng nhớ các nạn nhân đã ra đi", bà Y Xuân bộc bạch.
Theo bà Y Xuân, khu nhà thờ Kon Hring nay chỉ còn sót lại cây xoài cổ thụ, 3 người ôm không xuể và một bệ đá để tượng Đức Mẹ trước đây. Bởi vậy, rất ít người biết về cuộc thảm sát năm 1972.
Năm 2002, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định xếp hạng Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring là di tích cấp tỉnh. Đồng thời, xây dựng một bia tưởng niệm ngay tại khu vực bị ném bom để tưởng nhớ đồng bào thiệt mạng.

Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Ảnh: Phạm Hoàng).
Trải qua đau thương chiến tranh, làng Kon Hring hôm nay đang thay da, đổi thịt. Vùng đất bazan này đã được phủ xanh bởi rừng cao su, cà phê, hồ tiêu. Đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Chiến tranh từng gieo rắc tang thương, chết chóc nhưng cũng tiếp thêm sức mạnh cho người dân làng Kon Hring quyết tâm vượt lên mất mát, đổ nát để xây dựng cuộc sống mới ấm no và hạnh phúc hơn.

Thời gian rảnh, bà Y Xuân lại ra dọn dẹp Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring (Ảnh: Phạm Hoàng).
Ông Nguyễn Nhật Quang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Tô, cho biết, sau chiến tranh, khu vực nhà thờ Kon Pring đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Đến năm 2002, huyện Đăk Tô mới xây dựng Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring để người dân thắp hương, tưởng nhớ những nạn nhân bị thiệt mạng sau trận bom năm 1972.
Cũng vào năm này, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định công nhận Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring là di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2018, huyện đã thực hiện trùng tu, sửa chữa. Đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng cần sửa chữa, cải tạo.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Tô cho biết, sắp tới, huyện sẽ đầu tư khoảng 1,3 tỷ đồng để sửa chữa nhà bia và các hạng mục phụ trợ tại Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring.