DNews

"Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa..."

Hoàng Lê Diệu Linh

(Dân trí) - "Anh Tân và anh Lựu cắm cờ trên nóc Dinh phía cổng số 6, là 2 người anh của tôi ở Trung đoàn 28. Anh Lựu đã mất 3 năm, tôi cũng không biết còn bao lâu nữa…", người lính già tư lự trước giờ diễu binh.

"Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa..."

22h30, giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, hướng về Công viên 30 tháng 4 (quận 1) đông nghịt xe dưới mặt đường, san sát người trên vỉa hè. Hầu hết họ có điểm chung, là quần áo, khuôn mặt hay trên tay, đều xuất hiện hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng.

"Chắc không còn lần nào trong đời…"

Cảnh tượng rợp sắc đỏ dường như kéo dài vô tận, ở khắp các ngả đường trung tâm TPHCM trong đêm 29/4, thời điểm đếm ngược trước giờ diễu binh mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 1

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) tối 29/4 (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến cảnh này nữa, nên có xa xôi trắc trở cỡ nào cũng phải ráng vào đây", thiếu úy Nguyễn Văn Cảnh, hơn 70 tuổi, cựu chiến sĩ Sư đoàn 320, Quân đoàn 1, vừa nói vừa nắm chặt tay người đồng đội cũ, khi 2 người cùng nhau có mặt ở cổng Hội trường Thống Nhất.

Nơi ấy, trước đây gọi là Dinh Độc Lập, và cũng là nơi nhiều người lính như ông Cảnh có mặt trong thời khắc đặc biệt của dân tộc.

Trưa 30/4/1975, sau khi xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh, anh chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Cảnh nhanh chóng có mặt ở cánh cổng bị húc đổ, để truyền tin vui thắng lợi về bộ phận chỉ huy.

Dù cờ của ta đã cắm trên nóc tòa nhà Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn, nhưng ông Cảnh vẫn trong tâm thế "một đi không trở về", khi hỏa lực điên cuồng từ những ổ kháng cự cuối cùng của địch vẫn liên tục nã xung quanh. Chỉ cần lạc đạn, người lính thông tin sẽ mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi.

Nhưng số phận đã chọn ông sống sót để chứng kiến trọn vẹn cuộc chiến kết thúc. Một tuần sau ngày giải phóng, sư đoàn của ông Cảnh bàn giao Dinh Độc Lập cho đơn vị khác, để chuyển sang đóng quân ở khu vực Sóng Thần (hiện nay thuộc tỉnh Bình Dương). Họ làm nhiệm vụ ở phía Nam 2 năm rồi trở về miền Bắc.

Vài năm sau, ông Cảnh xuất ngũ và lao vào cuộc sống mưu sinh, nên không có thời gian quay lại chiến trường xưa. Đó cũng là lý do khi đợt diễu binh kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 20 người lính thuộc sư đoàn 320 năm 1975 cùng thuê xe ô tô để Nam tiến.

Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 2
Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 3
Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 4

Nhiều người dân và các cựu chiến binh tập trung trước cổng Hội trường Thống Nhất, trước đây là Dinh Độc Lập (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chúng tôi từ miền Bắc khởi hành ngày 25/4, đi dọc vào Quảng trị, ghé Đà Lạt, rồi mới vào TP Hồ Chí Minh rạng sáng 29/4. Đến nơi nào, các anh em cũng dừng lại ở nghĩa trang liệt sĩ địa phương để thắp hương. Cuộc chiến khốc liệt quá, xã Minh Tân quê tôi ngày đi lính có 27 người, nhưng đến ngày thống nhất chỉ có 3 người sống sót…

Không khí đêm nay càng khiến tôi gợi nhớ khoảnh khắc của 50 năm trước, khi người dân cũng đổ ra đường rất đông đúc, trên tay cầm lá cờ 2 màu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh giờ phát triển quá, đường phố và nhà cửa đẹp hơn rất nhiều. Đêm nay sẽ là đêm không ngủ của chúng tôi", ông Cảnh nói rồi vuốt nhẹ chiếc huy hiệu trên bộ quân phục xanh màu lá, hướng mắt nhìn đến phía có dòng người cầm điện thoại lưu lại khoảnh khắc của nửa thế kỷ hòa bình.

Lấy niềm vui đất nước khỏa lấp nỗi buồn riêng

"Đây là anh Tân và anh Lựu, cắm cờ trên nóc Dinh phía cổng số 6. Đó là 2 người anh đi bộ đội trước tôi ở Trung đoàn 28…".

Ngồi ở mép vỉa hè ngay trước cổng Hội trường Thống Nhất, Thiếu tá Phùng Văn Tích (quê Tuyên Quang) vui vẻ trò chuyện với một người bạn mới quen từ phương Bắc vào TPHCM chờ xem diễu binh. Vừa nói, ông vừa giơ điện thoại khoe những tấm ảnh tư liệu được lưu lại rất cẩn thận.

Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 5

Phùng Văn Tích khoe ảnh tư liệu các chiến sĩ Trung đoàn 28 của ông cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập (Ảnh: Hoàng Lê).

Năm 1973, ông Tích nhập ngũ. Đến năm 1975, ông trở thành lính thông tin của Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đơn vị thời điểm ấy mới thành lập vỏn vẹn 2 tháng (ngày 26/3/1075). Cùng với các mũi tiến công đánh thẳng đến đầu não địch, Thiếu tá Tích tiến phăng phăng dưới làn đạn, có mặt ở Dinh Độc Lập trong ngày kháng chiến thắng lợi.

Sau thời điểm 30/4/1975, ông Tích chuyển từ lính thông tin thành bộ binh. Khi chiến trường Tây Nam rền vang tiếng súng quân thù, ông cùng các đồng đội Quân đoàn 3 tiếp tục ra trận tại chiến trường Campuchia.

Và đến cuối 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đơn vị của ông lại di chuyển ra án ngữ ở khu vực Võ Nhai (Thái Nguyên) và Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Trải qua 3 cuộc chiến, ông Tích bị suy giảm 61% khả năng lao động. May mắn không nằm lại chiến trường, nhưng cuộc sống thời bình của ông Tích không còn trọn vẹn. Di chứng của việc nhiễm dioxin (chất độc da cam) khiến cả 2 đứa con trai ông đều bị vô sinh. Những năm qua, người chiến sĩ ấy cố lấy niềm vui chung của đất nước để gạt đi nỗi buồn cá nhân.

"Anh Lựu người Nghệ Tĩnh, đã mất cách đây 3 năm. Tôi cũng 73 tuổi rồi, không biết còn bao lâu nữa, thôi cứ đi được đến đâu thì đi", ông Tích nói rồi nhìn hình, hoài niệm.

Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 6
Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 7

Chiến tranh để lại cho ông Tích hậu quả nặng nề về sức khỏe (Ảnh: Hoàng Lê).

Chú Trần Đăng Tiến (65 tuổi, quê Phú Thọ) cùng vợ đi xe đò vào TPHCM. Với ông, vào Nam chứng kiến lễ diễu binh là cách để thể hiện lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

"Tôi mong muốn Nhà nước lưu tâm nhiều hơn đến những người đã bỏ xương máu để giành độc lập. Có thể 10-15 năm nữa họ sẽ nằm xuống, lúc ấy dù chúng ta có muốn cũng không thể tri ân họ", chú Tiến chia sẻ nỗi trăn trở.

Như chú Trần Văn Dần (80 tuổi), nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1969, sau đó đi chiến trường Campuchia, là chiến sĩ của Quân đoàn 4. Sau đó, vì hoàn cảnh của thời cuộc nên các giấy tờ tham gia bộ đội bị thất lạc, khiến ông gặp trở ngại trong việc nhận lãnh các chế độ.

"Bố tôi đã chứng kiến bao đồng đội vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến, nên với ông, còn ngồi được đến bây giờ cùng con cháu là vui rồi.

Mấy ngày nay, ông nhất quyết cùng đồng đội từ Hà Nam di chuyển vào TPHCM để thăm lại chiến trường xưa, tôi đưa các cụ cùng 2 con và đứa cháu ra đây "tập kết" như mọi người, chờ đến thời khắc diễu binh", anh Trần Văn Nghĩa, con ông Dần tiết lộ.

3 màu áo chung một lòng tự hào

Ở tuổi 87, ông Nguyễn Minh Lợi (quê Thanh Hóa) mặc quân phục cùng con cháu ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) trong khoảnh khắc nửa đêm 29/4, để "sống lại thời khắc thiêng liêng của lịch sử".

Hỏi ra mới biết, cụ ông tóc bạc, dáng người nhỏ gầy nhưng ánh mắt minh mẫn ấy từng trong đội hình của Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 lừng danh, trực tiếp tham gia vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 8

Ông Nguyễn Minh Lợi (Ảnh: Diệu Linh).

Lần giở những ký ức như mới xảy ra hôm qua, ông Lợi kể những ngày cuối tháng 4 năm 1975, đơn vị ông nhận lệnh thần tốc tiến công vào cửa ngõ phía Đông thành phố. Rạng sáng 29/4/1975, Sư đoàn 304 nổ súng đánh chiếm căn cứ Nước Trong - Long Bình, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch còn cố thủ, tạo bàn đạp vững chắc cho chiến dịch cuối cùng.

"Sau khi nhận tin chiến thắng, tôi cùng đồng đội ngồi trên xe tăng, tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn từ hướng Đông Bắc. Trên đường đi, tinh thần cả đơn vị lúc đó đều sục sôi: Chỉ có tiến lên, không dừng lại.

Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 của chúng tôi là đơn vị trực tiếp bắt sống toàn bộ nội các cuối cùng của chính quyền Sài Gòn tại Dinh Độc Lập. Hình ảnh lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh, tiếng loa kêu gọi đầu hàng vang vọng giữa trưa 30/4 và người dân hai bên đường ùa ra, vẫy tay, tung hoa, đến giờ vẫn hiện rõ trong đầu tôi.

Tất cả đều mừng, vì hòa bình thật sự đã đến. Tôi ngồi trên xe tăng, nhìn những nụ cười đó mà thấy mọi hy sinh là xứng đáng.

50 năm trước, chúng tôi chỉ biết đánh cho xong trận cuối, đâu hình dung được 50 năm sau mình còn sống, còn đủ sức đứng đây nhìn đất nước thay da đổi thịt thế này", người lính già kể, tay nắm lại như đang bấu chặt khẩu súng.

Giữa dòng người đổ về trung tâm TPHCM đếm ngược đến giờ diễu binh, Ngọc Diệp (23 tuổi) nổi bật trong tà áo dài trắng tinh khôi. Cô gái trẻ đến từ quận 12 cho biết, bản thân đã di chuyển từ nhà đến quận 1 từ lúc 22h30, để có thời gian cùng bạn bè tìm chỗ ngồi thuận lợi gần khu vực diễn ra sự kiện.

Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 9
Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 10

Dù ở đâu và chọn màu áo gì, người dân đến với đại lễ 30/4 tại TPHCM đều chung niềm tự hào (Ảnh: Diệu Linh).

Từng đi qua phố đi bộ Nguyễn Huệ nhiều lần, nhưng chưa khi nào Diệp thấy cờ, hoa và cả lòng người lại rộn ràng, đầy khí thế như bây giờ. Là giáo viên tiểu học mới vào nghề chia sẻ, Diệp chọn mặc áo dài trắng đêm trước ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam.

Với cô, áo dài vừa thể hiện nét đẹp truyền thống, vừa là hình ảnh gắn bó với người Việt trong những dịp trọng đại như thế này:

"Mặc áo dài đi xem diễu binh, tôi cảm thấy mình phần nào hòa vào không khí thiêng liêng của ngày lễ lớn. Ngay lúc này, tôi cảm nhận sâu sắc niềm tự hào dân tộc, qua cách thành phố đón mừng ngày thống nhất thật trang trọng, gần gũi và tự nhiên".

Cũng vì niềm tự hào ấy, chị Minh Hằng (50 tuổi, quê Bắc Giang) cùng các bạn đã vượt hơn 1.000 km từ miền Bắc vào TPHCM "ăn lễ", sau khi đã lên kế hoạch cho chuyến đi đặc biệt nhiều tháng trước, bằng việc săn vé máy bay và tìm khách sạn có giá phù hợp với túi tiền của mình.

Từ 15h ngày 29/4, nhóm của chị Hằng đã diện áo cờ đỏ sao vàng, di chuyển từ khách sạn ở khu Chợ Lớn (quận 5) để có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đến nơi, họ đã thấy nhiều người trải bạt ngồi trước, và đâu đâu cũng rợp bóng cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

"Chắc ai cũng sợ mất cơ hội được chứng kiến khoảnh khắc đặc biệt này. Đây không chỉ là dịp nghỉ lễ thông thường, mà còn là sự kiện trọng đại, hiếm có trong đời. Tôi thấy hãnh diện và tự hào về quê hương mình lắm…", chị Minh Hằng bày tỏ.

Chắc không còn lần nào trong đời tôi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này nữa... - 11

Đường phố trung tâm TPHCM lúc 0h ngày 30/4 (Ảnh: Hoàng Lê).

Kim đồng hồ chuyển 0h, chính thức bước sang ngày 30/4. Dòng người như sóng cuộn, mang theo cờ hoa tiếp tục đổ về trung tâm thành phố. Hai bên vỉa hè, có những gia đình dắt theo trẻ nhỏ tranh thủ chợp mắt lấy sức, để sáng đủ năng lượng xem "concert quốc gia".

Lẫn trong đám đông, là tiếng hát hào sảng của một nhóm cựu chiến binh ngồi cách Dinh Độc Lập - Hội trường Thống Nhất không xa. Lời hát cũ, nhưng tinh thần thì chưa bao giờ cũ:

"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…".