Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải 5 điểm mới của sổ đỏ
(Dân trí) - Ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin về 5 điểm mới so với trước đây của mẫu sổ đỏ đang được cấp, đổi cho người dân.
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8. Một trong những nội dung quan trọng đang được người dân quan tâm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất - thường gọi là "sổ đỏ".
Phóng viên Dân trí trao đổi với ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5 điểm mới của mẫu sổ đỏ vừa ban hành so với trước đây
Thưa ông, mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) theo quy định tại Thông tư số 10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có những điểm mới nào so với mẫu sổ đỏ trước đây?
- Để triển khai thi hành Luật Đất đai, ngày 31/7 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trong đó có nội dung quy định về mẫu sổ đỏ để cấp cho người sử dụng đất.
So với mẫu sổ đỏ trước đây thì mẫu sổ đỏ lần này có một số điểm mới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về tên gọi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" - tên gọi mới này vừa ngắn gọn nhưng đảm bảo được phạm vi bao quát là đất đai và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai.
Thứ hai, kích thước của giấy chứng nhận lần này nhỏ gọn hơn, theo khổ giấy thông dụng A4.
Thứ ba, so với nội dung thể hiện trên sổ đỏ trước đây thì quy định mới chỉ thể hiện những thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản; thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất; thông tin về sơ đồ, tọa độ vị trí của thửa đất; một số thông tin để người được cấp sổ đỏ cần biết và ghi nhận về việc thực hiện quyền của người được cấp giấy chứng nhận.
Thứ tư, mẫu sổ đỏ mới bổ sung mã QR code và mã giấy chứng nhận.
Thứ năm, mẫu mới cũng bỏ quy định về trang bổ sung của giấy chứng nhận.
Mẫu sổ đỏ mới này vừa thể hiện tính truyền thống đã "ăn" vào tiềm thức của người dân khi nhìn vào sổ đỏ được trang trọng, mỹ quan, thanh thoát nhưng cũng từng bước để người dân tiếp cận với công nghệ, thiết bị thông minh hiện đại hóa ngành quản lý đất đai.
Tại sao phải có những thay đổi, cải tiến thông tin, kích thước mẫu sổ đỏ như vậy?
- Việc thu gọn mẫu giấy chứng nhận về khổ giấy A4 nhằm mục đích phù hợp với các loại máy in, máy quét thông dụng, phổ biến hiện nay của các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Kích thước sổ đỏ mới cũng giúp cho người dân khi bảo quản hoặc tham gia giao dịch được thuận tiện, giảm thiểu việc hư hỏng, rách nát. Màu sắc của sổ đỏ được thiết kế tương đồng với màu sắc của sổ đỏ trước đây để bảo đảm tính liên tục, kế thừa và tiềm thức trực quan của người dân.
Việc bỏ quy định trang Bổ sung của giấy chứng nhận nhằm đảm bảo sự trang trọng và tính toàn vẹn, tránh trường hợp người đã được cấp sổ đỏ làm mất trang bổ sung nhưng phải thực hiện thủ tục cấp lại toàn bộ sổ đỏ.
Ngoài ra, việc bổ sung mã QR code và mã giấy chứng nhận nhằm mục tiêu đưa ứng dụng công nghệ để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có thể chủ động truy cập vào cơ sở dữ liệu đất đai kiểm tra thông tin về đất đai, tài sản gắn liền với đất. Để kiểm tra, kiểm soát việc cấp giấy chứng nhận thì sổ đỏ mới lần này đã bổ sung thêm "mã giấy chứng nhận".
Như vậy, mẫu sổ đỏ mới này vừa đảm bảo dung lượng thông tin để nhận biết, đồng thời tạo công cụ để người dân, người tham gia giao dịch có thể kiểm tra thông tin chi tiết về tình trạng pháp lý, chủ sở hữu tài sản cũng như thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Với mã QR code bảo mật, sổ đỏ mới có giúp ngăn chặn, chấm dứt việc đối tượng xấu làm giả, làm nhái sổ đỏ để lừa đảo người dân không?
- Như tôi nói ở trên, giấy chứng nhận mới chỉ thể hiện các thông tin cơ bản về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, về thửa đất và tài sản gắn liền với đất.
Các thông tin trên sổ đỏ và các thông tin khác có liên quan người dân có thể tra cứu phản hồi thông qua mã QR code hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công của các địa phương hoặc đề nghị cung cấp thông tin tại cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, mã QR code là để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản hoặc người có liên quan có thể kiểm chứng thông tin và quá trình biến động khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trong thực tế có tình trạng làm giả sổ đỏ tại một số địa phương, làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, cũng như làm bất ổn tình hình an ninh, trật tự.
Vì vậy, mẫu sổ đỏ mới cũng sẽ thiết kế tăng cường các yếu tố bảo mật, bảo an, bổ sung các yếu tố chống giả đóng và chống giả mở (chống giả đóng là chỉ cơ quan phát hành phôi giấy chứng nhận mới có thẩm quyền xác thực; chống giả mở là yếu tố để các đối tượng có liên quan có thể xác thực trực quan), cho phép người dân tra cứu, xác thực thông tin trực tiếp của giấy chứng nhận với cơ quan có thẩm quyền.
Cơ sở dữ liệu về đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện, vận hành, kết nối, liên thông. Các thông tin trên mẫu sổ đỏ là thông tin cơ bản để người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ.
Các thông tin khác về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, về thửa đất, tài sản gắn liền với đất được lưu trữ, khai thác thông qua mã QR code và trong cơ sở dữ liệu về đất đai, chỉ được cung cấp khi có yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức in ấn, phát hành và quản lý việc sử dụng phôi sổ đỏ mới như thế nào?
- Căn cứ vào các nội dung cụ thể của mẫu sổ đỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành xây dựng các yếu tố chống giả (đặc điểm bảo an) trên phôi sổ đỏ; tổ chức mua sắm giấy nguyên liệu theo quy định của pháp luật để in ấn phôi.
Chúng tôi cũng nâng cấp phần mềm in thông tin trên giấy chứng nhận để cấp cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Sổ đỏ cũ đang sử dụng có phải đổi sang sổ đỏ mẫu mới?
Người dân đang rất quan tâm tới việc những sổ đỏ cũ, đang sử dụng có phải thực hiện thủ tục để đổi sang mẫu sổ đỏ mới hay không? Trong những trường hợp nào thì người dân buộc phải làm thủ tục để đổi sổ đỏ cũ sang mẫu sổ đỏ mới?
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 256 của Luật Đất đai 2024 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 1/1/2025 vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc phải cấp đổi sang mẫu sổ đỏ mới.
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản có nhu cầu thì được cấp đổi sang sổ đỏ mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Như vậy, mặc dù tên gọi và nội dung của sổ đỏ mới theo quy định của Luật Đất đai 2024 có thay đổi cho phù hợp với ứng dụng công nghệ nhưng những giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ vẫn có giá trị pháp lý như sổ đỏ được cấp theo mẫu mới.
Trường hợp người đã được cấp giấy chứng nhận theo mẫu cũ, nếu có nhu cầu thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Nghị định số 101/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai cũng đang được người dân rất quan tâm. Theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 101, thời gian thực hiện đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp sổ đỏ lần đầu không quá 3 ngày làm việc. Cải cách hành chính nổi bật này có thể thực hiện ngay được không và có thể xảy ra vướng mắc nào trong quá trình thực hiện?
- Công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Luật Đất đai năm 2024 có một chương quy định thủ tục hành chính về đất đai và Nghị định số 101/2024 được ban hành trong bối cảnh ngành quản lý đất đai đang nỗ lực thực hiện mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trong đó có quy định rất cụ thể để tường minh về từng thủ tục hành chính đất đai, nơi nộp hồ sơ của người có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; rõ ràng về các loại giấy tờ, hồ sơ mà người có nhu cầu thực hiện thủ tục đất đai phải nộp.
Các quy định cũng phân định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản; của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, ban hành các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.
Đồng thời quy định cụ thể cơ quan giải quyết thủ tục hành chính không được yêu cầu người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp thêm giấy tờ ngoài quy định…
Tôi nghĩ rằng những quy định này đã tháo gỡ vướng mắc lớn nhất là đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu và triệt tiêu những đòi hỏi, yêu cầu từ người có thẩm quyền giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Do đó, tôi nghĩ rằng các địa phương cần có giải pháp để tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực thi công vụ là hoàn toàn khả thi.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 được công bố đầu tháng 4 năm nay cho thấy, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi sổ đỏ phải chi "lót tay" dao động từ 19-81% ở 61 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Quảng Ninh và Bình Dương không có số liệu). Ông bình luận như thế nào về số liệu này?.
Những thay đổi trong quản lý, thủ tục thực hiện cấp mới, cấp đổi sổ đỏ vừa được ban hành sẽ góp phần thay đổi thực trạng đó ra sao, thưa ông?
- Theo tôi được biết chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.
Như tôi trao đổi ở trên, những quy định về chính sách liên quan đến cấp sổ đỏ đã thực sự rõ ràng, tường minh về thủ tục, hồ sơ giấy tờ, thời gian, trách nhiệm và nguyên tắc thực hiện.
Còn một yếu tố nữa là công cụ để tổ chức triển khai và việc thực thi công vụ nên để góp phần cải thiện và thay đổi thực trạng của chỉ số PAPI về cấp giấy chứng nhận thì các địa phương cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm tạo nền tảng cho đăng ký giao dịch trực tuyến, tăng cường và thay đổi giải pháp kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ.
Xin cảm ơn ông !