(Dân trí) - Do được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác bình đẳng giới nên nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc, Lạng Sơn đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương từ cây na, quả ổi, con bò.
Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng nam nữ đã được xác định rất rõ ràng, và đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành để tạo điều kiện để phụ nữ phát triển.
Theo sự thay đổi chung của thời đại, phụ nữ ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ,… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau ở các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật,...
Không chỉ thế, phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp,…
Trong cuộc đời hoạt động của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến bình đẳng giới. Bác đã khẳng định "công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình".
Cần thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc xây dựng tổ ấm gia đình là nền tảng của xã hội.
Ngày nay, trên khắp cả nước có hàng nghìn những tấm gương phụ nữ tiêu biểu, làm kinh tế giỏi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương như nam giới.
Vấn đề bình đẳng giới ngày càng được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, từ đồng bằng ven biển đến vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Trong các tấm gương về bình đẳng giới, phụ nữ phát triển kinh tế giỏi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương phải kể đến mô hình của chị Lý Thị Loan (dân tộc Sán Dìu, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Nhiều năm qua, chị Loan cũng là trụ cột trong gia đình, bình đẳng như chồng.
Hiện anh Lê Duy Hưng (chồng chị Loan) mở cơ sở kinh doanh vận tải khách du lịch. Còn chị Loan hàng ngày chăm vườn, chăn nuôi bò, gà, vịt, cá với doanh thu hàng năm từ 150 đến 200 triệu đồng.
Sau hơn 10 năm bươn chải, tích góp hiện gia đình chị Loan đã có cơ ngơi tiền tỷ, với căn nhà khang trang trị giá gần 2 tỷ đồng mới được hoàn thiện.
"Ngày mới lấy nhau về, vợ chồng tôi cùng đi làm thuê, làm mướn khắp nơi rồi chuyển sang mô hình trang trại, trồng cây, dần mới xây dựng được như ngày hôm nay", chị Loan bộc bạch.
Chị tâm sự để có được cơ ngơi như hôm nay hai vợ chồng đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Cuộc sống gia đình nhiều lúc gặp khó khăn, khúc mắc nhưng vợ chồng luôn yêu thương, nhường nhịn, chia sẻ để cùng nhau vượt qua mọi việc.
"Lúc tôi giận thì chồng lại làm lành, xin lỗi, đó cũng là bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình và thể hiện sự bình đẳng giới ngay trong chính gia đình của mình", chị Loan cho biết.
Trước đây, chị làm trang trại lợn nhưng những năm 2020, 2021 lợn mất giá, dịch bệnh dẫn đến thua lỗ nhiều nên đầu năm 2022 vợ chồng chị chuyển sang chăn nuôi bò.
Chị Loan đang nuôi đàn bò hơn 10 con theo mô hình xử lý chất thải bằng phế phẩm sinh học.
Với quy trình này khu vực chuồng nuôi sẽ giảm mùi hôi, móng chân của bò khỏe nên bò phát triển tốt, ít bệnh.
Tương tự mô hình làm vườn như chị Loan, với hơn 800 cây na dai, na thái và hàng trăm cây bưởi, ổi trong vườn của chị Lê Thị Duệ, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Chục Quan (xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) mỗi năm cho 3 tấn quả từ các loại cây, thu nhập từ 300 đến 350 triệu đồng/năm.
Trước đây, kinh tế gia đình chị Duệ cũng như các chị em trong thôn Chục Quan chủ yếu từ các loại cây nông sản như ngô, khoai, sắn và trồng lúa nên thu nhập thấp, bấp bênh.
Mặc dù là nữ giới ở xã vùng núi của tỉnh Lạng Sơn, nhưng hàng ngày chị hăng say làm việc để phát triển kinh tế gia đình và làm tốt công tác xã hội.
Sau khi có chủ trương của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế tại vùng và thí điểm trồng na dai, na thái,... nhằm phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, vợ chồng chị Duệ đăng ký trồng thử nghiệm.
Những ngày đầu, vợ chồng chị trồng hơn 400 gốc na dai nhưng do thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách chăm sóc nên khi na ra quả bị đen, vẹo vọ, chất lượng ở mức trung bình, thu nhập thấp.
Sau 3 vụ na cho thu nhập thấp, vợ chồng chị từ bỏ cây na để chuyển sang trồng bưởi, ổi nhưng vẫn không hiệu quả, cả vụ chỉ được 15-20 triệu đồng.
Được sự động viên của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Vượng, đầu năm 2013, chị Duệ vực lại tinh thần, quyết tâm trồng lại loại na dai, na thái.
Lúc này, đã có nhiều hộ trên địa bàn huyện Hữu Lũng, Chi Lăng,... trồng na dai, na thái cho thu nhập cao, có kỹ thuật cũng như cách trồng, chăm sóc để quả na to, đẹp.
Lần này, chị được Hội LHPN cơ sở tạo điều kiện mời tham gia các buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả do hội khuyến nông tổ chức.
Đồng thời, chị cũng tự tìm hiểu về các tài liệu trồng na ở các vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong lúc vừa trồng cây, hai vợ chồng vừa cùng nhau đi tham khảo, học tập kinh nghiệm thực tế tại những vườn cây đã phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Với những kiến thức đã được tập huấn, học hỏi từ các hộ trồng thành công, chị và gia đình áp dụng nhiều cách chăm sóc cây na từ khi bón phân đến lúc bảo quản quả.
Chị đánh giá, việc chăm sóc na khi chúng phát triển là điều rất quan trọng vì nó là tiền đề để quả na có chất lượng vào mùa thu hoạch. Đối với cây na thái, sau khoảng 3 năm trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch. Cây na không giống cây khác, người dân có thể lựa chọn đậu quả vào từng thời điểm.
Mùa chính vụ từ tháng 7 đến tháng 9 nhưng muốn thu hoạch na gối, giá cao cũng có thể để cho cây thụ quả muộn hơn để thu hoạch vào tháng 10, tháng 11.
Đến mùa xuân cây đâm chồi, nảy nụ, thời điểm này người trồng na phải bỏ công chăm sóc, bón phân (chủ yếu là phân hữu cơ), cắt tỉa cành, dọn cỏ quanh cây.
Công đoạn quan trọng nhất là vào mùa na ra hoa vào tháng 5, hoặc thu hoạch na gối thì mùa hoa sẽ vào tháng 8 hoặc tháng 9.
Lúc này, người trồng na phải tỉ mỉ chọn từng bông hoa thụ phấn cho na. Đến khi na ra quả phải dùng túi nilon hoặc túi giấy bọc từng quả để phòng, trừ sâu bệnh, giúp quả phát triển đều, đẹp.
Ngoài ra, chị còn trồng thêm bưởi, ổi đan xen giữa các cây na đang phát triển.
Để đảm bảo thêm thu nhập gia đình, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy xúc, máy ủi phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân trên địa bàn.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả nên mô hình trồng na - ổi đan xen của gia đình chị mỗi năm thu hoạch được hàng tấn trái quả to, đẹp, không bị sâu.
Trong thời gian thu hoạch na, bón phân, làm cỏ gia đình còn tạo việc làm cho 4-5 người trong thôn.
Chị chia sẻ, công việc trồng cây rất vất vả nhưng hai vợ chồng đều bình đẳng, cùng tập trung phát triển kinh tế. Công việc hàng ngày cũng như chăm sóc gia đình được vợ chồng san sẻ, bù đắp cho nhau.
"Tôi đi học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây rồi về dạy cho chồng cùng thực hiện. Nhiều người nói vui rằng nhà tôi do vợ chồng bình đẳng nên làm ăn thuận tiện, gia đình hạnh phúc", chị Duệ nói.
Trưởng thành từ cơ sở, từng đảm nhận nhiều công việc nhưng dù ở vị trí công tác nào bà Triệu Mai Hương, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Yên Vượng (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) cũng cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình.
Với vai trò là Phó chủ tịch Hội LHPN xã, thực hiện phương châm nơi nào có phụ nữ nơi đó có tổ chức hội, bà Hương đã cùng ban chấp hành hội tập trung đổi mới các phương thức tập hợp, sinh hoạt nhằm thu hút phụ nữ theo sở thích, tuyên truyền về vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Không chỉ thế, bà Hương và Hội LHPN xã Yên Vượng còn tập trung chỉ đạo các chi hội tăng cường phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, bình đẳng giới cho hội viên thông qua các buổi sinh hoạt, tư vấn, giao lưu, nói chuyện chuyên đề và cấp phát tờ rơi.
Thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không" là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; "3 sạch" gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ đã khơi dậy tinh thần đoàn kết của các hội viên.
Bên cạnh đó, bà Hương còn vận động các hộ dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm quanh các gia đình.
Đặc biệt, bà đã hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn trong việc trồng, chăm sóc cây na, ổi để thoát nghèo.
Vừa tham gia công tác xã hội, bản thân là phụ nữ, bà đã cùng chồng tích cực phát triển kinh tế gia đình.
Với đức tính cần cù, chăm chỉ, bà luôn trăn trở tìm nghề gì cho phù hợp để đảm bảo vẫn tham gia làm tốt công tác hội, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình.
Thời gian đầu, bà Hương cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
Song, với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của bà cũng như gia đình, nhờ vậy các cây trồng như na, bưởi, nhãn,... dần phát triển ổn định và hiện nay cho thu nhập cao, phục vụ khách hàng trong và ngoài huyện.
Doanh thu trung bình một năm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà Hương cũng thu về từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm.
"Để tìm được cây trồng hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vợ chồng tôi đã trồng nhiều loại cây khác nhau. Gần mười năm trở lại đây cây na, nhãn được gia đình chú trọng để phát triển kinh tế vì cho thu nhập cao, ổn định", bà Hương bộc bạch.
Mặc dù kinh nghiệm chưa có nhiều song với sự quyết tâm vừa học vừa làm, bà Hương cùng chồng thức khuya, dậy sớm để có thể vừa chăm sóc được vườn na, vừa đảm bảo được các công việc xã hội.
Bước đầu, bà đã thu được kết quả, vườn na phát triển tốt, cho quả sai, ngọt và đặc biệt là bán được giá.
Ngoài vườn nhãn, na, bưởi rộng hơn 2ha, bà cùng gia đình còn phát triển thêm chăn nuôi gà, ươm cây na giống.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị là Phó chủ tịch Hội LHPN xã, bà Triệu Thị Hương đã tích cực vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời, bà cũng tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện xây dựng người phụ nữ theo 4 chuẩn mực "Tự trọng - Tự tin - Trung hậu - Đảm đang" gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Gắn bó với chức Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) gần 6 năm nay nên chị Lý Thị Ba Mùi (32 tuổi) hiểu rõ sự "thay da đổi thịt" của mảnh đất nơi đây.
Chị tâm sự, Ngọc Thanh có gần 40% người dân tộc Sán Dìu sinh sống, một số thôn như Lập Đinh tỉ lệ người dân tộc Sán Dìu chiếm tới gần 80%.
Lập gia đình hơn 10 năm nay, chị Ba Mùi được mọi người biết đến ngoài cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Thanh còn là một trong những gia đình tiêu biểu phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con giỏi, dạy con ngoan của địa phương.
Trong gần 6 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội LHPN, chị Mùi không ngừng nỗ lực phấn đấu, có nhiều sáng kiến, cách làm hay đưa phong trào phụ nữ của địa phương đi lên, góp phần cùng chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Ngày nhận chức chị mới bước sang tuổi 26 và là nữ chủ tịch hội phụ nữ xã trẻ nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.
Chị cho biết do địa phương làm tốt công tác bình đẳng giới nên chị và nhiều phụ nữ khác trong xã đã phát huy được những thế mạnh của mình.
Để có thể làm tốt công tác xã hội cũng như chăm sóc gia đình, chị nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chồng và gia đình đôi bên nội, ngoại.
Là người trong cuộc, chị càng hiểu rõ sự quan trọng trong việc giữ gìn, xây dựng gia đình hạnh phúc và làm thế nào để "đảm việc nước, giỏi việc nhà".
"Để tôi có thể hoàn thành tốt công việc xã hội thì chồng tôi là hậu phương vững chắc, thấu hiểu và luôn chia sẻ công việc cùng vợ. Những ngày bận, có công việc đột xuất thì chồng tôi luôn chủ động chăm lo việc gia đình giúp tôi như đưa, đón con, nấu cơm", chị chia sẻ.
Chị Lại Thị Mai Hương (34 tuổi), Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những tấm gương điển hình về bình đẳng giới tại địa phương, khi vừa "giỏi việc nước" lại "đảm việc nhà".
Những năm qua, chị Hương cùng Ban chấp hành Đoàn xã Ngọc Thanh đã triển khai các mô hình, hoạt động tình nguyện khắp địa bàn như thành lập đội cơ động hướng dẫn người dân đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử Vneid, tổ chức các lớp dạy bơi, giúp đỡ các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, tuyên truyền về vấn đề bình đẳng giới.
Bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, chị đã đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi xã Ngọc Thanh ngày một phát triển.
Đến nay, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Ngọc Thanh luôn được cấp trên đánh giá cao và là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động công tác Đoàn của TP Phúc Yên.
Với phương châm "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", chị Mai Hương luôn là người tích cực, gương mẫu, trong nhiều phong trào của địa phương.
Chị đã cùng Ban chấp hành Đoàn xã Ngọc Thanh xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, xuyên suốt trong từng năm, tích cực tham gia các hoạt động, chủ động và có nhiều sáng tạo trong việc thu hút, tập hợp thanh niên.
Chị cho biết, những năm qua, vấn đề bình đẳng giới được chính quyền chú ý, vai trò của người phụ nữ luôn được đề cao.
Chị Hương cùng Ban chấp hành Đoàn xã Ngọc Thanh vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các đoàn viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm trang trại, kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, nâng cao vai trò của người phụ nữ, bình đẳng giới,... để phát triển kinh tế gia đình, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn mang lại sự thịnh vượng trên xã miền núi Ngọc Thanh.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định, những năm qua bình đẳng giới ở Việt Nam có một bước tiến dài. Trong tất cả văn bản luật pháp và hiến pháp đều quy định rõ về việc nam, nữ đều có quyền bình đẳng.
"Việc phụ nữ được tham gia trong tất cả lĩnh vực, kể cả chính trị, ở những vị trí cao thể hiện sự bình đẳng và đây là bước tiến rất dài", bà An nói.
Theo bà An, để thực hiện bình đẳng giới trong thời gian tới, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ để loại bỏ tư tưởng phong kiến "trọng nam khinh nữ" ra khỏi nhận thức của mọi người, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, phải đưa ngay vấn đề bình đẳng giới vào trong các nhà trường, để ngấm sâu vào tư tưởng của mỗi học sinh về việc nam, nữ đều có quyền như nhau.
"Phải tuyên truyền, giáo dục từ bé về chuyện bình đẳng giới để có thể thấy rằng phụ nữ cũng có quyền được làm mọi chuyện, được bình đẳng như nam.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, chú ý đến các chương trình liên quan đến bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các công tác xã hội, học hành tử tế và đây là cái gốc cơ bản để thay đổi việc bình đẳng giới hiện nay", bà An chia sẻ.
Còn PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc bình đẳng giới ở đối với phụ nữ ở vùng dân tộc miền núi đã có sự thay đổi so với trước do vấn đề tuyên truyền được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Đức, đặc thù của vùng núi rất khó khăn, cần nhiều sức lao động nên người đàn ông thường là lao động chính làm việc, nuôi sống gia đình. Do đó, vai trò của phụ nữ trong gia đình bị đánh giá thấp hơn.
"Tập quán sinh ra từ chính nhu cầu đời sống, muốn thay đổi quan niệm của người ta, chúng ta phải nâng cao đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số và vai trò của người đàn ông trong gia đình giảm đi.
Sau đó mới đến việc chúng ta giáo dục về bình đẳng giới, tôn vinh người phụ nữ, vai trò của người phụ nữ trong đời sống", ông Đức chia sẻ.