Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Gia Đoàn

(Dân trí) - Bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Thay đổi nhận thức của người dân

Tại Quảng Bình, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức thực hiện điểm Dự án 8 với hoạt động đầu tiên là thành lập tổ truyền thông cộng đồng ở ba thôn, bản tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Tại xã biên giới này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ra mắt các mô hình địa chỉ tin cậy, tập huấn về bình đẳng giới tại hai thôn và mô hình Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trường Sơn; đồng thời, ở cấp xã cũng thành lập thêm sáu tổ truyền thông cộng đồng ở sáu bản.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn cho biết, các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc Bru-Vân Kiều đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 1

Các lớp tập huấn về bình đẳng giới giúp nhiều đàn ông vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt trong tư tưởng và hành động (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Sau khi thành lập các địa chỉ tin cậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Chị Hồ Thị Mai (32 tuổi), Chi hội trưởng phụ nữ bản Đá Chát, xã Trường Sơn cho biết, trước kia, để thuyết phục chồng cho chị tham gia các hoạt động xã hội là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, từ khi có các hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng, chồng chị có nhiều thay đổi rõ rệt trong tư tưởng và hành động.

"Chồng tôi đã biết chia sẻ công việc gia đình để vợ có thêm thời gian làm các công tác xã hội ở bản", chị Mai chia sẻ.

Theo chị Mai, sau khi tham gia các buổi truyền thông của tổ truyền thông cộng đồng tại bản, nhiều người chồng đã có sự thay đổi, biết san sẻ công việc lâu nay tưởng chừng như chỉ gắn liền với phụ nữ. Nhiều thói quen cổ hủ dần được xóa bỏ, mang lại sự bình yên cho gia đình và bản làng.

Mô hình hay thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"

Tại Hà Giang, dựa vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và của tỉnh về triển khai Dự án 8 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn thực hiện.

Nhiều hoạt động của dự án đã được triển khai như xây dựng và nhân rộng các mô hình, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm". Công tác này đã góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện…

Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số - 2

Nghề làm hương được coi là nghề truyền thống và cũng là việc làm trong những ngày nông nhàn để tăng thu nhập đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: Thanh Tùng).

Đơn cử như việc xây dựng mô hình phát triển nghề làm hương truyền thống dân tộc Dao tại thôn Há Chế, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) với mục tiêu ban đầu là khôi phục lại nghề truyền thống, tiến tới nâng cao thu nhập cho hội viên.

Chị Hoàng Ngọc Bích, Trưởng ban Gia đình Xã hội - Kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết, phụ nữ trong thôn xác định đây là nghề truyền thống và cũng là việc làm trong những ngày nông nhàn để tăng thu nhập.

Do đó, ngay khi mô hình đi vào hoạt động, hơn 20 hội viên phụ nữ người dân tộc Dao, thôn Há Chế đã tham gia lớp tập huấn kỹ thuật làm hương truyền thống do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Chỉ sau một tuần tập huấn, các hội viên đã nắm rõ kỹ thuật làm hương truyền thống do bà Phàn Thị Mẩy, người còn lưu giữ kinh nghiệm làm hương của người Dao truyền dạy.

Ngoài mô hình phát triển nghề làm hương truyền thống dân tộc Dao tại thôn Há Chế, từ đầu năm đến nay Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã khảo sát và xây dựng chín mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Trong đó, có sáu mô hình nông nghiệp, ba mô hình phục hồi nghề truyền thống, với hơn 250 hội viên phụ nữ tham gia. Hầu hết các mô hình đang trong giai đoạn bước đầu triển khai, thành lập tổ, nhóm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm