DNews

"5 lần 7 lượt" chậm khai thác tuyến metro số 1 TPHCM

Thư Trần

(Dân trí) - TPHCM tiếp tục kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án metro số 1 đến cuối quý IV. Với thách thức, khó khăn chồng chất, việc lùi tiến độ metro 1 một lần nữa đặt TPHCM vào thế khó.

"5 lần 7 lượt" chậm khai thác tuyến metro số 1 TPHCM

Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt lần đầu năm 2007 với kế hoạch vận hành vào năm 2015. Sau đó liên tục vào các năm 2011, 2015, 2019, và 2023, dự án phê duyệt điều chỉnh lùi thời gian khai thác với cột mốc sau cùng là quý IV/2023.

Tháng 6/2024, metro số 1 đạt 98% tổng khối lượng. Tàu metro liên tục chạy thử nghiệm toàn tuyến suôn sẻ. Tín hiệu tích cực này khiến người dân TPHCM tin rằng ngày metro số 1 đưa vào khai thác đang rất gần. 

Tuy nhiên, dự án vừa được TPHCM kiến nghị cấp thẩm quyền gia hạn thời gian vận hành lần thứ 5, đến hết năm 2024. Mốc thời gian này chậm so với kế hoạch ban đầu là 9 năm. 

Liên tục chậm trễ

Năm 2007, metro số 1 được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17.387 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2015. 

Đến năm 2011 dự án được phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức từ 17.387 lên 47.325 tỷ đồng và đồng thời lùi thời gian vận hành sang năm 2018, đây là lần đầu tiên điều chỉnh lùi thời gian vận hành khai thác của tuyến này.

Năm 2015 dự án tiếp tục phê duyệt điều chỉnh lùi thời gian vận hành sang năm 2020, đây cũng là lần thứ 2 dự án xin lùi thời gian khai thác do chậm trễ giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp các tuyến metro số: 1, 2, 3a, 4.

5 lần 7 lượt chậm khai thác tuyến metro số 1 TPHCM - 1

Tàu metro số 1 chạy thử nghiệm toàn tuyến hồi tháng 8/2023 (Ảnh: Hải Long).

Tuy nhiên vào tháng 9/2019, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết tuyến metro số 1 sẽ dời thời gian vận hành, khai thác từ năm 2020 sang quý IV/2021. Đây là lần thứ 3 dự án lùi mốc khai thác vì nhiều vấn đề liên quan thủ tục pháp lý như điều chỉnh tổng mức đầu tư, khả năng cân đối vốn và thay đổi thiết kế…

Tháng 10/2020, TPHCM nhập đoàn tàu đầu tiên và vận chuyển về depot Long Bình. Thời điểm này, dự án metro số 1 đạt hơn 76% khối lượng. Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị nhận định rằng sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng của dự án metro số 1, chính thức chuyển giai đoạn từ thi công xây lắp sang giai đoạn tiến hành thử nghiệm và vận hành.

5 lần 7 lượt chậm khai thác tuyến metro số 1 TPHCM - 2

Metro số 1 trải qua 5 lần đề nghị gia hạn thời gian khai thác (Ảnh: Hải Long).

Đến đầu năm 2021, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị cho biết chưa thể khai  dự án vào cuối năm mà sẽ vận hành thử toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự kiến khai thác thương mại trong quý IV/2022. Thế nhưng vào tháng 10/2022, trước 2 tháng đến mốc khai thác dự kiến, UBND TPHCM đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án đến cuối quý IV/2023.

Nguyên nhân chưa thể hoàn thành metro số 1 vào năm 2021, 2022 được Chủ đầu tư đưa ra là do tác động của dịch Covid-19 làm gián đoạn việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài, nhập vật liệu thi công… Việc này làm 3 gói thầu xây lắp chính gồm CP1a, CP1b và CP2 bị chậm tiến độ, gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, toa xe, đường ray...) cũng bị chậm theo. 

Đây là lần thứ 4 kế hoạch hoàn thành và khai thác metro bị lùi lại, khi dự án đạt 92% tổng khối lượng. Sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận, Chủ đầu tư cũng đã cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện để hoàn thành dự án vào cuối năm 2023.

Mốc cuối của metro số 1? 

Sau 4 lần gia hạn thời gian khai thác, người dân TPHCM kỳ vọng có thể được chuyên chở trên tuyến đường sắt đô thị đầu tiên với công nghệ Nhật Bản.

Tháng 8/2023, tàu metro số 1 lần đầu chạy thử nghiệm trên toàn tuyến, dự án đạt 95% tổng khối lượng. Sự kiện đáng mong chờ này đánh dấu mốc đặc biệt sau 11 năm thi công dự án.

Thế nhưng đây chưa phải là lần cuối cùng dự án metro số 1 bị dời lịch vận hành và khai thác. Mới đây TPHCM lại tiếp tục kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án đến cuối quý IV/2024.

Đây là lần thứ 5 kế hoạch hoàn thành và khai thác metro bị lùi lại, nguyên nhân chính được Chủ đầu tư đưa ra do việc chậm thi công, nghiệm thu hoàn thành, cấp chứng nhận an toàn, đào tạo vận hành, bàn giao tài sản kết thúc dự án… 

5 lần 7 lượt chậm khai thác tuyến metro số 1 TPHCM - 3

Nữ kỹ thuật viên lái tàu metro số 1 đang trong quá trình đào tạo, thực hành (Ảnh: Hải Long).

Theo tính toán của các chuyên gia, nhà khoa học tại thời điểm này, ước tính mỗi năm chậm tiến độ tuyến metro số 1, nạn kẹt xe khiến TPHCM thiệt hại 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, thành phố sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy khác liên quan đến pháp lý hợp đồng, khiếu kiện với các nhà thầu nước ngoài.

Việc chậm trễ đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thương mại không chỉ gây lãng phí nguồn lực khổng lồ mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông công cộng, trong đó metro đóng vai trò xương sống, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án theo mục tiêu ban đầu.

Trong bối cảnh này, thành phố cần quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp với các nhà thầu, đồng thời đảm bảo nguồn lực để hoàn thành dự án theo đúng mốc tiến độ mới đang kiến nghị Thủ tướng chấp thuận. 

Hiện dự án metro số 1 hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính, gồm: 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo - Cienco 6 và một vụ kiện với nhà thầu Hitachi với tổng giá trị khiếu kiện lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

Đến nay, dự án được triển khai ký kết thỏa thuận tiến hành hòa giải với nhà thầu gói thầu CP2 (Liên danh Sumitomo và Cienco 6); đồng thời đang rà soát chuẩn bị ký kết thỏa thuận tiến hành hòa giải với nhà thầu gói thầu CP1b (Liên danh Shimizu - Maeda). 

Riêng với gói thầu CP3, chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu để lập Ban xử lý tranh chấp DAB để nhanh chóng thúc đẩy tiến độ gói thầu CP3 và công tác đào tạo chuẩn bị Trial-run (vận hành khai thác thử). 

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM