15 tháng trầy trật giải phóng mặt bằng Vành đai 3 của Đồng Nai
(Dân trí) - Chậm từ khâu chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 của tỉnh Đồng Nai từ đầu quá trình triển khai đến nay cũng chật vật hơn những địa phương còn lại.
Hơn một năm triển khai dự án Vành đai 3 TPHCM, tổng tiến độ các gói thầu xây lắp đoạn qua TPHCM, Bình Dương, Long An hiện đạt 15,4% khối lượng hợp đồng.
Riêng tỉnh Đồng Nai hiện vẫn loay hoay với vấn đề giải phóng mặt bằng khi chỉ mới bàn giao cho chủ đầu tư được 40%. Địa phương này đã chậm tiến độ bàn giao 70% mặt bằng 13 tháng so với Nghị quyết Chính phủ.
Mặt bằng được bàn giao không liên tục và còn nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa di dời tài sản khiến việc tập kết, di chuyển thiết bị vào phạm vi thi công gặp nhiều khó khăn.
Chậm nhất trong 4 địa phương
Vành đai 3 đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, giai đoạn một được đầu tư với tổng chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Tuyến đường chia thành 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án thành phần gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn này, Vành đai 3 được đầu tư trước 4 làn xe cao tốc, hai bên xây đường song hành (không liên tục). Theo kế hoạch, toàn tuyến sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và tổ chức khai thác một năm sau đó.
Trong 4 địa phương tuyến đường đi qua, tiến độ giải phóng mặt bằng ở tỉnh Đồng Nai nhiều lần được Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia "nhắc nhở" vì triển khai chậm nhất.
Đoạn Vành đai 3 - Dự án thành phần 3 và 4 đi qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 11km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 65ha. Sau 15 tháng kể từ khi khởi công (tháng 6/2023), tỉnh này mới bàn giao cho chủ đầu tư được 40%.
Mặt bằng "xôi đỗ", không liên tục gây nhiều khó khăn cho công tác tổ chức thi công, dẫn đến sản lượng dự án thành phần của địa phương đến nay chỉ đạt 4,8% (tương đương 105 tỷ đồng trên tổng 2.191 tỷ đồng giá trị các hợp đồng xây lắp).
Ngay cả ở dự án thành phần 1A thuộc tuyến Vành đai 3 do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản triển khai thi công từ năm 2022, phía Đồng Nai cũng chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng khi mới tạm bàn giao 98% sau 23 tháng dự án này được khởi công.
Trong khi đó, phía TPHCM đã bàn giao 100% mặt bằng cho dự án thành phần 1A từ năm 2022.
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết nguyên nhân địa phương chậm tiến độ là do trong quá trình thực hiện công tác kê biên, đền bù chưa xác định được nguồn gốc đất của một số thửa đất. Đặc biệt là UBND huyện Nhơn Trạch gặp khó khăn trong việc xác định tiền sử dụng hạ tầng các khu tái định cư trên địa bàn huyện làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
"Bên cạnh đó, bước thực hiện đầu tư cũng chậm so với yêu cầu do chậm dây chuyền từ bước chuẩn bị dự án đã ảnh hưởng đến các bước tiếp theo, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu và giải phóng mặt bằng", lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay.
Chưa lựa được nhà thầu thi công
Dự án thành phần 3 của đường Vành đai 3 TPHCM đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai gồm 3 gói thầu xây lắp XL26, XL29 và XL32. Trong đó gói thầu XL32 (xây dựng đường song hành và cầu vượt từ KM5+0.00 đến KM10+050 - đoạn từ nút giao với tỉnh lộ 25B đến cầu Nhơn Trạch) đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết các gói thầu số 26 và 29 đã ký kết hợp đồng và các nhà thầu đã triển khai thi công. Sản lượng thi công 2 gói thầu này đã đạt hơn 100 tỷ đồng.
Trong khi đó, gói thầu XL32 trị giá hơn 877 tỷ đồng, có kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2026 vẫn đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Gói thầu này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức giao thông theo quy mô đường cao tốc của đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Đồng Nai.
"Dự kiến địa phương hoàn thành lựa chọn nhà thầu cho gói số 32 này trong tháng 8", đại diện Sở GTVT nói.
Theo đơn vị này, khó khăn hiện nay trong quá trình thi công dự án là một số mỏ vật liệu xây dựng còn trữ lượng đang gặp vướng mắc về pháp lý để khai thác. Lý do là trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai đồng loạt nên nguồn vật liệu đắp chưa được đảm bảo cung cấp theo kế hoạch thi công.
Tỉnh cũng kiến nghị các địa phương là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, là những địa phương đã cam kết cung cấp vật liệu cát đắp cho dự án sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý để các mỏ đủ điều kiện khai thác cung cấp cho dự án. UBND TPHCM chủ trì phân bố khối lượng cát san lấp từ các tỉnh đã cam kết nêu trên.
Dự án Vành đai 3 TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được khởi công dự án vào tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành, thông xe phần cao tốc vào năm 2025.
Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 54 về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông đúng kế hoạch.
Theo đánh giá của Thủ tướng, đến nay nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đây là thành tích rất lớn so với triển khai các dự án ở giai đoạn trước đây. Song một số địa phương vẫn còn chậm trong triển khai ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông; làm tiền đề đến năm 2030 có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.