Thiếu đường nối trực tiếp nút giao lớn nhất Vành đai 3 TPHCM
(Dân trí) - Nút giao Tân Vạn lớn nhất tuyến Vành đai 3 TPHCM, thông với quốc lộ 1, nhưng chưa thể kết nối trực tiếp.
Tân Vạn là nút giao cửa ngõ của 3 địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, có quy mô lớn nhất dự án Vành đai 3 TPHCM. Hạng mục được khởi công, xây dựng vào tháng 4 năm nay.
Đây cũng là nút giao có vị trí quan trọng, lưu lượng xe cộ lớn, tổ chức giao thông phức tạp. Tuy nhiên, do bị hạn chế về chi phí xây dựng ở giai đoạn 1, nút giao chỉ được đầu tư đường cao tốc 4 làn xe và 2/5 nhánh cầu. Như vậy, ở giai đoạn 1, nút giao này chưa có đường kết nối với quốc lộ 1.
Do đó, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn gồm 8 làn xe, các nhánh rẽ và dải dừng đỗ khẩn cấp trong giai đoạn 1 được đánh giá rất cấp bách và cần thiết.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đề xuất phương án đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn với tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng, bao gồm cầu chính, đường song hành và 3 nhánh còn lại của nút giao cùng các chi phí khác.
Đối với kiến nghị của tỉnh Bình Dương liên quan đến việc đề xuất đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương phối hợp, làm việc với TPHCM để rà soát nguồn vốn còn dư của đường Vành đai 3, sớm đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn.
Nội dung trên được nêu trong kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 3 vừa diễn ra.
Nút giao Tân Vạn thuộc gói thầu XL1, dự án thành phần 5, đã khởi công được 4 tháng. Tuy nhiên, đến nay, hạng mục chưa thể triển khai thi công do vướng mặt bằng và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Công trình này dự kiến được hoàn thành trong năm 2026.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua Bình Dương có chiều dài khoảng 26,6km. Trong đó, nút giao Tân Vạn dài 2,4km, đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9km, đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km. Tổng vốn bố trí cho các dự án thành phần đoạn qua Bình Dương năm 2024 là 3.835 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 5 là 2.187 tỷ đồng và dự án thành phần 6 là 1.648 tỷ đồng.