(Dân trí) - Hojlund chính thức trở thành tân binh của Man Utd. Tiền đạo 20 tuổi người Đan Mạch có những nét tương đồng rõ ràng với Erling Haaland, nhưng cũng có thể đi vào vết xe đổ của Romelu Lukaku.
Hojlund chính thức trở thành tân binh của Man Utd. Tiền đạo 20 tuổi người Đan Mạch có những nét tương đồng rõ ràng với Erling Haaland, nhưng cũng có thể đi vào vết xe đổ của Romelu Lukaku.
Rasmus Hojlund đang là cái tên thu hút được nhiều sự chú ý trên thị trường chuyển nhượng. Man Utd sẵn sàng chi ra tới 72 triệu bảng để chiêu mộ chân sút đang khoác áo Atalanta, số tiền biến tiền đạo 20 tuổi người Đan Mạch trở thành tân binh đắt giá thứ 6 trong lịch sử sân Old Trafford.
Sự hấp dẫn còn ở chỗ Hojlund có rất nhiều nét tương đồng với Erling Haaland, siêu tiền đạo mới chỉ 23 tuổi nhưng làm mưa làm gió khắp châu Âu trong vài năm trở lại đây và đã vươn tới đẳng cấp hàng đầu thế giới ngay trong mùa giải đầu tiên khoác áo Man City.
52 bàn thắng sau 53 lần ra sân trên mọi đấu trường, Vua phá lưới Champions League với 12 bàn sau 11 trận, Vua phá lưới đồng thời phá luôn kỷ lục ghi bàn trong một mùa giải của Premier League là những dữ liệu thừa thãi thuyết phục về tài săn bàn xuất chúng của chân sút người Na Uy.
Hojlund có quá nhiều điểm khiến giới chuyên môn lẫn người hâm mộ phải liên tưởng đến Haaland. Không chỉ là cái tên cùng vần điệu hay gốc gác đến từ vùng Scandinavia, cả hai hao hao từ ngoại hình đến phong cách chơi bóng.
Hojlund và Haaland đều cao 1m94, tóc vàng hoe, thi đấu ở vị trí trung phong, đều là những tiền đạo dũng mãnh, tốc độ và "tàn bạo" trước khung gỗ.
Bản thân Hojlund thừa nhận: "Chính tôi cũng nhận ra sự tương đồng. Anh ấy nhanh. Tôi cũng nhanh. Anh ấy thuận chân trái. Tôi cũng thuận chân trái. Anh ấy sung mãn và tôi cũng sung mãn".
Trong khi đó, Gian Piero Gasperini, HLV trưởng của Atalanta miêu tả: "Hojlund rất tốc độ. Cậu ấy chạy 100m chưa đến 11 giây nhẹ như không. Chiều cao thì rất ấn tượng, trọng tâm thấp (giữ thăng bằng) và bước bộ mau lẹ".
Đối với Andreas Schicker, Giám đốc thể thao Atalanta, Hojlund là hình mẫu lý tưởng của một "số 9": "Một trong những đặc điểm trong kế hoạch chuyển nhượng của chúng tôi khi lên kế hoạch tuyển mộ tân binh, chúng tôi tìm kiếm những cầu thủ có vị trí sở trường được xác định rõ ràng.
Đối với một tiền đạo, chúng tôi tìm cầu thủ có tốc độ, thọc sâu vào đội hình đối phương. Chúng tôi đã để ý đến Rasmus từ rất lâu và nhận thấy cậu ấy là lựa chọn hoàn hảo".
Christian Ilzer, HLV trưởng của Sturm Graz, đội bóng cũ của Hojlund cũng chia sẻ về lối chơi đặc trưng của tiền đạo trẻ người Đan Mạch. Nếu như Schicker nói về cách Hojlund thọc sâu vào đội hình đối phương thì Ilzer đề cập đến những tình huống càn lướt uy mãnh xuyên thủng hàng phòng ngự.
"Chúng tôi cố đưa tiền đạo nhập cuộc càng nhanh càng tốt và tạo ra những đòn tấn công trực diện nhằm gây tổn thương cho đối phương. Muốn vậy cần những cú bứt tốc và sự quyết đoán của các tiền đạo phía trên. Và tôi nghĩ đó là một trong những điểm mạnh nhất của Rasmus", Ilzer cho biết.
Man Utd cần tiền đạo. Một người hâm mộ bình thường cũng dễ dàng nhận ra khoảng trống "số 9" trong đội hình "Quỷ đỏ thành Manchester". Erik Ten Hag, vị chiến lược gia đang nỗ lực tái thiết Man Utd càng hiểu rõ vấn đề này.
Trong buổi họp báo vào cuối tháng 7, nhà cầm quân người Hà Lan bộc bạch: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành kế hoạch này. Chúng tôi cần một tiền đạo càng sớm càng tốt. Ngay bây giờ luôn thì hoàn hảo.
Toàn đội phải mất thời gian để thích ứng. Nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra một cách lý tưởng. Với tư cách huấn luyện viên trưởng, tôi phải ứng phó với vấn đề này".
Sau khi đẩy Cristiano Ronaldo ra đi để xây dựng lại văn hóa phòng thay đồ vào tháng 11/2022, Ten Hag sử dụng phương án tạm thời Wout Weghorst, tiền đạo được đưa về trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng.
Sau 31 lần ra sân ở giai đoạn hai của mùa giải 2022/23, chân sút 31 tuổi người Hà Lan ghi được vỏn vẹn 2 bàn và không một lần "nổ súng" tại đấu trường Premier League.
Thực ra Man Utd còn một "số 9" khác. Đó là Antony Martial, cái tên bị lãng quên trong suốt mùa giải vừa qua vì chấn thương. Thực ra suốt 8 năm gắn bó với sân Old Trafford, Martial đều nhạt nhòa như vậy.
Do đó, việc chiêu mộ trung phong là nhiệm vụ cấp thiết trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2023. Tuy nhiên, hạn chế về ngân sách khiến Man Utd không thể theo đuổi những tay săn bàn được săn đón nhất hiện nay. Đó là Harry Kane của Tottenham và Victor Osimhen của Napoli, những chân sút đều được định giá trên dưới 100 triệu bảng.
Vì thế, Man Utd chuyển hướng sang phương án khả dĩ nhất thay vì tối ưu nhất: Rasmus Hojlund.
Hojlund trưởng thành từ đội trẻ Boldklubben 1893 và Brondby rồi bắt đầu sự nghiệp tại Copenhagen, khi mới 17 tuổi vào năm 2020. Tài năng trẻ này trải qua giai đoạn mở màn sự nghiệp không mấy suôn sẻ tại giải vô địch quốc gia (VĐQG) Đan Mạch. Anh không ghi được bàn nào sau 19 lần ra sân, bao gồm 2 trận đá chính.
Tháng 1/2022, Hojlund rẽ sang Áo gia nhập Sturm Graz để tìm cơ hội mới thúc đẩy sự nghiệp. Kết quả là 9 bàn thắng sau 17 lần ra sân trong giai đoạn hai mùa giải 2021-2022. Nhờ màn trình diễn ấn tượng này, Hojlund được Atalanta chiêu mộ với mức phí chuyển nhượng 15 triệu bảng, gấp 10 lần số tiền Sturm Graz đã chi chỉ 6 tháng trước.
Mùa giải 2022/23 vừa qua, Hojlund ghi 10 bàn sau 34 trận cho CLB Italy, bao gồm 9 bàn ở Serie A. Con số này có phần khiêm tốn so với Erling Haaland, kể cả thời điểm siêu tiền đạo người Na Uy mới bắt đầu sự nghiệp, song thực tế chỉ từ giai đoạn hai mùa giải 2022/23, Hojlund mới thực sự bùng nổ.
Bằng chứng là tài năng trẻ người Đan Mạch đã ghi 8 bàn tại Serie A trong giai đoạn lượt về. Ngoài ra tiền đạo này còn gây chú ý với 6 bàn thắng chỉ sau 4 trận cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) trong năm 2023, bao gồm 5 bàn trong 2 trận vòng loại Euro 2024 trong tháng 3.
Pha dứt điểm tung lưới Lazio Roma theo phong cách Haaland phác họa phần nào tiềm năng của Hojlund. Khi Ademola Lookman khởi phát pha phản công cho Atalanta bằng pha dốc bóng bên cánh trái, Hojlund bứt tốc từ giữa sân lao vào vòng cấm, anh vượt qua hai trung vệ đối phương và ập vào đón quả tạt của Lookman để dứt điểm cận thành.
Với sự hỗ trợ từ những cầu thủ tấn công như có xu hướng dạt biên như Marcus Rashford, Alejandro Garnacho và Jadon Sancho, Man Utd hứa hẹn sở hữu hàng công trẻ trung và giàu tốc độ bậc nhất Premier League cùng Hojlund.
Điểm khác của Hojlund và Haaland là tiền đạo người Đan Mạch thích chơi bóng hơn. Nếu như chân sút của Man City luôn khao khát mỗi chạm bóng là một bàn thắng thì Hojlund xử lý bóng mềm mại và ưa thích rê dắt hơn. Thống kê chỉ ra, trung bình mỗi trận Hojlund chạm bóng nhiều hơn Haaland 10 lần.
Ví von một cách hình ảnh, ở khía cạnh nào đó Hojlund sở hữu phẩm chất của cầu thủ chạy cánh nhưng vóc dáng lại của trung phong. Với Hojlund, HLV Ten Hag sẽ có gương mặt đáng kỳ vọng để chia lửa cho Marcus Rashford, chân sút chủ lực của Man Utd ở mùa 2022-23 với 30 bàn sau 56 trận nhưng không thoải mái khi chơi ở vị trí "số 9".
Hojlund rất tiềm năng, nhưng từ những số liệu thống kê và màn trình diễn thực tế trên sân, có thể thấy tài năng trẻ này chưa phát triển hoàn thiện để trở thành cỗ máy hủy diệt như phiên bản chính Haaland.
Số tiền Man Utd dự kiến chi ra để có Hojlund cũng chỉ ở mức 42 triệu bảng. Nhưng, như thường lệ, "Quỷ đỏ thành Manchester" luôn bị ép giá một cách phi lý. Và mức phí chuyển nhượng các bên đạt thỏa thuận cho thương vụ này là… 72 triệu bảng.
Trùng hợp khá thú vị, Romelu Lukaku chính là tân binh đắt giá thứ 5 trong lịch sử Man Utd, với mức phí chuyển nhượng 76,2 triệu bảng, xếp ngay trên Hojlund. Những phác họa của Hojlund cũng khiến người ta phải liên tưởng tới hình ảnh tiền đạo hộ pháp người Bỉ.
Trong hai mùa giải (2017-18 và 2018-19) khoác áo "Quỷ đỏ thành Manchester", Lukaku ghi được 42 bàn sau 96 trận. Hiệu suất 0,44 bàn/trận không đến nỗi quá tệ. Bi kịch ở chỗ, Lukaku lại trở thành mục tiêu châm biếm thường xuyên trong giai đoạn Man Utd khủng hoảng nghiêm trọng từ thành tích đến niềm tin và là đề tài giễu cợt của giới mộ điệu.
Vì sao Lukaku lại trở thành nhân vật tiêu biểu cho thời kỳ đen tối của "Quỷ đỏ"? Câu trả lời phần nào đến từ sự xếp đặt trêu ngươi của số phận.
Nếu như Man Utd bị chỉ trích bởi lối chơi bạc nhược, phong độ trồi sụt thì tiền đạo chủ lực của đội bóng này lại luôn khiến người hâm mộ thất vọng bởi những pha xử lý cồng kềnh và luôn mất hút ở thời khắc quan trọng, đặc biệt là những trận cầu đinh.
Trước nhất, cần xác định, Lukaku không hề là tiền đạo tồi. Đến thời điểm hiện tại, ở tuổi 30, chân sút này đã ghi được hơn 350 bàn thắng trong sự nghiệp, cả ở cấp CLB lẫn trong màu áo đội tuyển Bỉ. Hầu hết các bàn thắng của Lukaku đến ở đấu trường khốc liệt bậc nhất hành tinh là Premier League và Serie A.
Lukaku từng là chân sút chủ lực của Everton trong suốt 4 mùa giải. Anh đã ghi 87 bàn sau 166 trận cho đội bóng áo xanh vùng Merseyside. Đỉnh cao là mùa giải 2016-17, trước thời điểm chuyển sang khoác áo "Quỷ đỏ thành Manchester", chân sút người Bỉ đã ghi 25 bàn tại Premier League, xếp thứ hai trong danh sách Vua phá lưới, chỉ kém Harry Kane.
Đáng tiếc là Lukaku không đủ phẩm chất để trở thành ngôi sao đẳng cấp thế giới và càng thiếu bản lĩnh để trở thành người hùng trong những thời khắc quyết định.
Không khác gì Hojlund miêu tả bản thân và Haaland, Lukaku có thân hình cao lớn, sung mãn, tốc độ tốt và những pha dứt điểm uy lực bằng chân trái. Nhưng điểm yếu cố hữu của tiền đạo người Bỉ là cồng kềnh. Cồng kềnh từ lối chơi cho đến cách xử lý.
Nguyên do là cầu thủ này sở hữu thân hình to lớn nên thân pháp không được mau lẹ. Những gì Lukaku phác thảo trong trí óc trước mỗi tình huống dứt điểm không phải lúc nào cũng được cơ thể đồ sộ và cồng kềnh của anh hiện thực hóa thành pha xử lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, tâm lý có phần "yếu đuối" khiến Lukaku dần đánh mất sự tự tin sau mỗi pha xử lý hỏng. Bi kịch chồng bi kịch hơn bởi Man Utd là đội bóng chịu quá nhiều áp lực và luôn trở thành đề tài giễu nhại trong cộng đồng người hâm mộ.
Nếu thực lực không đáp ứng được kỳ vọng, Hojlund cũng có thể đi vào vết xe đổ của Romelu Lukaku.