DMagazine

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan

(Dân trí) - Pháp có nhiều cầu thủ thuộc cộng đồng người nhập cư. Nếu đoàn kết, họ sẽ rất mạnh mẽ nhưng nếu chia rẽ, họ giống như tập thể ô hợp. Tan rồi hợp, hợp rồi tan. Đó là câu chuyện muôn thưở.

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan

Khác với nhiều đội tuyển quốc gia khác, Pháp là đội bóng đa sắc tộc, với nhiều thành viên thuộc cộng đồng người nhập cư. Nếu đoàn kết, họ sẽ rất mạnh mẽ nhưng nếu bị chia rẽ, họ giống như tập thể ô hợp. Tan rồi hợp, hợp rồi tan. Đó là câu chuyện muôn thuở của bóng đá Pháp.

"Khi ghi bàn, tôi là người Pháp. Khi gặp vấn đề, tôi là người Ả rập"

Đó là lời tuyên bố của Benzema vào năm 2011, khi nói về vấn đề chia rẽ sắc tộc ở đội tuyển Pháp. Chung quan điểm với tiền đạo của Real Madrid, Patrice Evra từng tâm sự: "Khi giành chiến thắng, bạn được xem là người Pháp. Khi thua thì đừng mơ!".

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan - 1

Patrice Evra là nạn nhân của phân biệt chủng tộc ở Pháp.

Benzema và Evra có lẽ là hai trong số những "nạn nhân" của mâu thuẫn sắc tộc ở đội tuyển Pháp kéo dài nhiều năm qua. Trong suốt 12 năm cống hiến cho đội bóng áo Lam, Evra nhận không biết bao nhiêu lá thư gửi trung tâm đào tạo của đội tuyển quốc gia tại Clairefontaine. Trong đó, xuất hiện không ít thông điệp nhắn nhủ: "Hãy trở lại châu Phi đi, đồ con khỉ!". Cầu thủ này nhớ lại rằng khi những chính trị gia tới thăm đội bóng, họ luôn muốn đứng gần những cầu thủ da trắng vì… trông giống người Pháp hơn.

Trước thềm Euro 2016 (giải đấu mà Pháp đăng cai), vấn đề chủng tộc tiếp tục là vấn đề nhức nhối. Benzema đã tức điên vì bị HLV Deschamps loại khỏi đội tuyển quốc gia. Nguyên nhân từ phía Benzema cho rằng: "Deschamps đã đầu hàng trước áp lực lớn từ nạn phân biệt chủng tộc ở Pháp sau các cuộc tấn công của IS tại Paris".

Chỉ vài tháng trước đó, Benzema đã bị điều tra vì đồng lõa tống tiền clip "nhạy cảm" của đồng đội Valbuena. Nhiều người coi đó là lý do chính dẫn tới sự vắng mặt của "Mèo lười" nhưng từ tận sâu bên trong, Benzema hiểu rằng có lý do khác dẫn tới điều này. Liên đoàn bóng đá Pháp không đề cập trực tiếp tới vụ tống tiền nhưng họ giải thích rằng sự xuất hiện của Benzema có thể làm ảnh hưởng tới khối đoàn kết.

Sự kỳ thị nhất định với những cầu thủ Hồi giáo như Benzema không hẳn không tồn tại. Trong ngày đội tuyển Pháp ăn mừng chức vô địch World Cup 2018, Kante ngồi bẽn lẽn bên mẹ với chiếc khăn che mặt. Trong khi đó, nhiều người hâm mộ đã chào Pogba bằng ngôn ngữ Ả rập "salaam aleikum". Vụ IS tấn công Paris càng khiến cho sự kỳ thị ngày một tăng cao.

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan - 2

Các chính trị gia cánh hữu ở Pháp, những người theo đường lối cứng rắn chống nhập cư đã thảo luận khá nhiều về sự "đa dạng sắc tộc" trong nội bộ đội tuyển Pháp. Marion Maréchal-Le Pen, cháu gái của người sáng lập Mặt trận Quốc gia, Jean-Marie Le Pen, từng thẳng thừng tuyên bố: "Benzema nên trở về đất nước của anh ta (Algeria)". Trong khi đó, Marine Le Pen, người từng về nhì trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và 2022, cho biết: "Benzema đang cố gắng che giấu sự xấu xa sau cáo cuộc bạo lực chống lại người Pháp".

"Black, Blanc, Beur" và những tranh cãi bất tận

Chức vô địch World Cup 1998 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về cái nhìn của người dân Pháp trước vấn đề nhập cư. Những người hùng của đội tuyển Pháp ở giải đấu năm ấy như Zinedine Zidane, Thierry Henry, Thuram đều là những người có gốc châu Phi. Tuy nhiên, họ đã để lại ấn tượng sâu sắc khi hát vang quốc gia "La Marseillaise" và hôn lên chiếc áo đấu của đội tuyển Pháp mỗi khi ghi bàn.

Trên những sân vận động, cổ động viên hát vang cụm từ "Black, Blanc, Beur", một cách chơi chữ của "bleu, blanc, rouge", ba màu trên quốc kỳ của Pháp. Trong đó, "Beur" trong tiếng Pháp ám chỉ những người gốc Bắc Phi. Nó là thông điệp cho thấy những người dân xứ Lục lăng đã mở lòng hơn với "những đứa con nuôi".

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan - 3

Cố Tổng thống Pháp, Jacques Chirac ca ngợi rằng chức vô địch World Cup 1998 là thứ vũ khí chống lại phong trào bài trừ những người nhập cư. Ông tuyên bố: "Đội bóng này (gồm rất nhiều cầu thủ gốc nước ngoài) mang vẻ đẹp tuyệt vời. Đó là hình ảnh của nước Pháp".

Trong mắt ông Jacques Chirac, đội tuyển Pháp cho thấy "đất nước có một linh hồn và đang tìm kiếm những linh hồn mới (ám chỉ những người mang gốc châu Phi hoặc nước ngoài)". Bóng đá đã trở về đúng sứ mệnh của nó, mang tới tinh thần đoàn kết và là sợi dây liên kết tất cả mọi người, không kể màu da, quốc tịch.

Evra cũng cho rằng thành công của đội tuyển Pháp năm 1998 đóng một vai trò trong việc thay đổi động lực gia đình trong xã hội Pháp: "Mọi người ở cùng nhau. Nếu bạn là người gốc Senegal hay Algeria mà kết hôn với người Pháp thì bạn vẫn được chấp nhận sống trong gia đình của họ".

Thế nhưng, không phải lúc nào, vấn đề sắc tộc cũng êm xuôi như vậy. Sự phản đối giống như những con sóng ngầm, có thể trào dâng bất kỳ lúc nào. Evra từng thừa nhận: "Khi các chính trị gia tham gia vào bóng đá thì đó là khi thảm họa sắp xảy ra".

Vấn đề mâu thuẫn sắc tộc mạnh mẽ nhất dưới thời HLV Laurent Blanc. Ông từng đưa ra quyết định gây sốc khi cấm các cầu thủ ăn thịt halal (thịt được giết mổ theo nghi thức của đạo Hồi) trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thậm chí, chiến lược gia này không ngần ngại tuyên bố: "Ở Tây Ban Nha, họ chẳng gặp vấn đề gì bởi không có cầu thủ da đen".

Trong một lần khác, Blanc nói: "Chúng tôi có vẻ như đang xây dựng đội theo nguyên mẫu to khỏe. Mà ai to khỏe ư? Chỉ có người da đen". Sau những phát ngôn "không phù hợp" này, Blanc đã lên tiếng xin lỗi nhưng nó không làm dịu đi làn sóng phản đối lớn từ những người nhập cư ở Pháp.

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan - 4

Đó cũng là thời điểm mà Ủy ban kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Pháp (DTN) từng ra lệnh cho các lò đào tạo giới hạn ngạch với những cầu thủ gốc Phi để… hướng tới đội tuyển Pháp đúng nghĩa hơn. Hai CLB Marseille và Lyon từng áp dụng hạn ngạch này, dẫn tới sự noi theo của các CLB khác.

Theo Mediapart, các thành viên của DTN từng nhiều lần bày tỏ quan điểm về việc các cầu thủ da màu như Patrick Evra hay những cầu thủ theo đạo Hồi như Franck Ribery là nguyên nhân phá nát đội tuyển Pháp ở World Cup 2010. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Foot Mag, HLV Mombaerts từng tuyên bố: "Đội tuyển Pháp không cần những kẻ không tôn trọng màu áo Lam".

Tan rồi hợp, hợp rồi tan

Những câu chuyện mâu thuẫn sắc tộc chỉ tạm thời lắng xuống tại Pháp. Nhưng có một thực tế rằng, sức mạnh của đội tuyển Pháp đang nghiêng rất nhiều về nhóm cầu thủ nhập cư. Thống kê chỉ ra rằng 19/23 cầu thủ Les Bleus giành chức vô địch World Cup 2018 mang hai quốc tịch.

Cũng tại giải đấu đó, 29 cầu thủ sinh ra ở Pháp (13 người từng thi đấu cho các đội U18 hoặc U21 Pháp) đã chinh chiến trong màu áo đội bóng khác. Ở giải đấu tại Qatar, con số này lên tới 38 người.

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan - 5

Chính điều này biến đội tuyển Pháp giống như "quả bom nổ chậm". Nếu tập thể ấy duy trì được trạng thái đoàn kết, Les Bleus sẽ rất mạnh. Nhưng ngược lại, chỉ cần mâu thuẫn nổ ra, nó sẽ phá tan tành "Những chú gà trống Gaulois". Điều đáng mừng là thời điểm này, HLV Deschamps đã duy trì đươc sự đoàn kết của tập thể ấy, bất chấp việc ông vẫn tạo ra tranh cãi liên quan tới việc đối xử với Benzema (không hỏi thăm cầu thủ này lúc chấn thương, khiến cho Benzema giận dỗi không tới thi đấu trận chung kết World Cup).

Dù vậy, vấn đề mâu thuẫn sắc tộc vẫn còn âm ỉ. Còn nhớ, sau khi đội tuyển Pháp vô địch World Cup 2018, người dẫn chương trình The Daily Show, Trevor Noah từng vui mừng tuyên bố: "Chúc mừng một đội bóng châu Phi lên ngôi ở World Cup". Trong cuộc tranh luận sau đó, Trevor Noah tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa: "Để đại diện cho đội tuyển Pháp, họ cần phải xóa đi gốc gác châu Phi. Tôi không phủ nhận về chất Pháp của họ nhưng họ cũng cần "cất đi" chất châu Phi của mình".

Evra từng thừa nhận: "Khi bạn chọn khoác áo đội tuyển quốc gia, đó không chỉ đơn thuần về vấn đề thể thao. Nó là một sự lựa chọn về chính trị".

Không phải không có bài học nhãn tiền. Đội tuyển Pháp hùng mạnh từng bị "phá nát" bởi sự rạn nứt nội bộ ở kỳ World Cup 2010. Những cầu thủ da màu như Evra, Anelka, Abidal  công khai chống đối HLV da trắng Raymond Domenech, tạo nên vụ nổi loạn công khai xấu hổ trong lịch sử bóng đá Pháp.

Đội tuyển Pháp: Tập thể kỳ lạ, tan rồi hợp, hợp rồi tan - 6

Hay mới nhất, tại Euro 2020, họ cũng một lần nữa hứng chịu hậu quả của bài học này. Mbappe công kích Giroud từ đầu giải và muốn cạnh tranh ngầm quyền lực của Griezmann. Rabiot cãi nhau trực tiếp với Pogba trên sân. Thậm chí, mẹ của hai cầu thủ này cũng "đấu võ mồm" trên khán đài. Theo báo giới Pháp, có sự mâu thuẫn nhất định giữa nhóm cầu thủ da trắng gồm Giroud, Griezmann, Pavard và Rabiot, với những cầu thủ da màu như Mbappe, Pogba cùng Varane.

Đội tuyển Pháp có thể lên ngôi vô địch World Cup 2022. Điều đó không làm ai bất ngờ. Nhưng cũng đừng bất ngờ nếu một ngày nào đó, "quả bom chậm" về sắc tộc sẽ lại nổ ra với tập thể ấy.

Tan rồi hợp, hợp rồi tan, có một đội tuyển lạ lùng như vậy!

H.Long