(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn Dân trí, chuyên gia bóng đá người Scotland, Richard Harcus đánh giá các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thường thất bại vì chưa đánh giá đúng năng lực bản thân.
Trả lời phỏng vấn Dân trí, chuyên gia bóng đá người Scotland, Richard Harcus đã chỉ ra những cái khó của HLV Troussier khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, đồng thời cho rằng các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thường thất bại vì chưa đánh giá đúng năng lực bản thân.
V-League 2023-24 đã khởi tranh và trải qua 3 vòng đấu đầu tiên. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng chuyên môn, về ứng cử viên vô địch và tất nhiên, về những tranh cãi, đặc biệt là công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR)?
- Tôi nghĩ nếu không có đội Công An Hà Nội, cục diện sẽ có nhiều xáo trộn vì đa số đội bóng đều gặp nhiều biến động. Tuy nhiên, tôi không nhận thấy sự bất ổn ở CLB Nam Định. Đó là đội bóng tuyệt vời, với những cổ động viên tuyệt vời.
Dù vậy, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để đưa ra bất cứ đánh giá nào về các đội bóng tham dự V-League. Tất nhiên, việc chứng kiến những thất bại liên tiếp của Hà Nội FC có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để các đội phấn đấu và cải thiện.
Về vấn đề VAR, liệu có quốc gia nào hệ thống này thành công chưa? Tôi nghĩ là không!
Bỏ qua các tình huống cụ thể hay các vấn đề tiểu tiết, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất cần lưu ý là hệ thống này không được vận hành nhất quán trên các quốc gia. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia, VAR lại hoạt động theo một kiểu.
Tại Việt Nam, chúng ta không có đủ góc quay camera để đưa ra đánh giá đầy đủ và chính xác. Trong nhiều trường hợp, người hâm mộ cảm thấy bối rối khi chứng kiến những pha bóng rõ ràng là việt vị hoặc không việt vị. Nhiều huấn luyện viên (HLV) cũng cảm thấy khó chịu.
Vì vậy tôi luôn bảo lưu quan điểm rằng VAR được triển khai quá sớm và có nhiều vấn đề cần khắc phục. Hệ thống này khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn chứ không phải hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc triển khai VAR rất tốn kém, số tiền đó đem sử dụng vào việc khác sẽ tốt hơn cho bóng đá Việt Nam.
V-League sẽ tạm dừng để đội tuyển quốc gia tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, chủ đề chính của cuộc phỏng vấn này. Sau 8 tháng nhậm chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Troussier dường như vẫn chưa chọn được phương án nhân sự tối ưu?
- Thú thực, tôi không có bất cứ ý kiến gì về cách lựa chọn con người của ông Troussier. Vấn đề nằm ở phần đáy kim tự tháp bóng đá chứ không phải phần ngọn, tức là đội tuyển quốc gia (ĐTQG).
Tôi cho rằng bóng đá Việt Nam chưa có đủ số lượng lẫn chất lượng trận đấu ở cấp CLB. Tôi nhận thấy khâu đào tạo cầu thủ trẻ còn nhiều bất cập.
Tôi biết, nhiều người không hài lòng với HLV Troussier, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một phần nhỏ trong thách thức lớn hơn gấp nhiều lần mà nhà cầm quân này phải đương đầu trong vai trò HLV trưởng ĐTQG. Những vấn đề được nêu ra và tranh luận thực chất chỉ là hệ quả của những vấn đề tồn đọng chưa được xử lý một cách rốt ráo của bóng đá Việt Nam.
Tôi không thích công kích cá nhân. Chỉ trích cầu thủ hay HLV đều là việc làm không cần thiết. Tôi đề cao trách nhiệm người đứng đầu của ông Troussier. Ông ấy sẵn sàng đương đầu áp lực và luôn đứng ra chịu trách nhiệm.
Dù vậy, ông ấy cần tìm ra câu trả lời cho sự hoài nghi càng sớm càng tốt. Bản thân ông ấy hiểu được điều đó. Như tôi đã nói, có nhiều vấn đề lớn hơn, chẳng hạn việc thiếu hụt từ số lượng đến chất lượng trận đấu, nhưng người ta luôn muốn tìm người để đổ lỗi, đặc biệt là trong bóng đá.
Nếu HLV Troussier không đem về điểm số, không tạo ra những màn trình diễn thuyết phục, sự công kích sẽ càng lớn hơn.
Có lẽ ông Troussier đang gặp quá nhiều trở ngại?
- Đối với tôi, điều quan trọng nhất là phải cân bằng được các kỳ vọng. Những kỳ vọng có đủ thực tế hay chưa và dựa trên cơ sở nào? Dù cho ông Troussier đã nhậm chức được 8 tháng, nhưng trong quãng thời gian đó, ông ấy dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự bao nhiêu trận đấu?
Ông ấy mất bao lâu để làm quen với các học trò mới? Những cộng sự của ông ấy nói và làm những gì? Có quá nhiều khía cạnh của công việc HLV mà người hâm mộ không thể nhìn thấy.
Vì vậy, việc đánh giá mà không có đủ thông tin là bất công với ông Troussier. Trong lần trả lời phỏng vấn báo Dân trí trước đây tôi đã nói rằng tôi không nghĩ ông Troussier có đầy đủ sự hỗ trợ từ con người đến cơ sở hạ tầng.
Hơn nữa, ông Troussier lại kế nhiệm HLV Park Hang Seo, người được cổ động viên (CĐV) Việt Nam vô cùng yêu mến. Làm HLV thay cho một người rất thành công như vậy thực sự rất khó khăn.
Dưới thời HLV Troussier, tuyển Việt Nam có rất nhiều thay đổi từ lối chơi đến con người so với người tiền nhiệm. Quang Hải không được triệu tập vì chấn thương nhưng sự nghiệp của cậu ấy đi xuống thấy rõ từ sau quyết định sang Pháp thi đấu. Văn Hậu sa sút và vắng mặt. Công Phượng thì gần như mất hút. Theo ông, cầu thủ Việt Nam có phải càng xuất ngoại càng thất bại?
- Tôi hiểu điều đó! Tôi cảm thấy tất cả đều quan tâm và đặt câu hỏi về vấn đề này. Câu trả lời của tôi thì luôn thế. Tôi đã ở Việt Nam hơn 9 năm và trong vấn đề này, quan điểm của tôi không thay đổi.
Các cầu thủ Việt Nam nên ra nước ngoài thi đấu, nhưng các cầu thủ Việt Nam chưa đủ giỏi như họ nghĩ và đánh giá sai về bản thân. Các cầu thủ nên kiên nhẫn và tiếp tục nỗ lực để khẳng định bản thân khi xuất ngoại. Nếu muốn phát triển sự nghiệp lên tầm cao mới, không nên bám trụ lấy V-League.
Ngoài ra, tôi nghĩ các cầu thủ Việt Nam cần nhận được sự hỗ trợ và giáo dục tốt hơn về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe khi còn ở học viện. Về phần dư luận, người hâm mộ, giới truyền thông không nên quá khắt khe và tạo điều kiện cho các cầu thủ phát triển. Đừng gây áp lực quá nhiều lên các cầu thủ!
Một khía cạnh khác, các cầu thủ Việt Nam đừng nên nhận mức lương cao ngất như hiện tại ở V-League. Việc này ngăn chặn động lực thúc đẩy họ ra nước ngoài thi đấu.
Lý do quá dễ hiểu, tại sao một cầu thủ đến thi đấu ở giải đấu trình độ cao hơn, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn, đồng thời hoàn toàn xa lạ và không hề được trân trọng như một ngôi sao, hơn nữa lại kiếm được ít tiền hơn so với ở trong nước?!
Ngay từ đầu các cầu thủ phải chấp nhận hy sinh, sẵn sàng chuyển đến quốc gia khác chơi bóng, ăn những món ăn xa lạ, học ngôn ngữ khác biệt. Nhưng tất nhiên họ cần được hỗ trợ, không chỉ trong mà cả ngoài sân cỏ.
Họ cần được tư vấn, chăm sóc và giúp đỡ. Tôi nghĩ trên khía cạnh này, bóng đá Việt Nam chưa đủ đáp ứng và hệ quả là nỗi thất vọng từ người hâm mộ.
Nhiều tranh cãi xuất hiện về triết lý ông Troussier đang áp dụng tại đội tuyển Việt Nam. Dưới góc nhìn của ông, sau những màn trình diễn gần đây của đội tuyển Việt Nam, liệu cách tiếp cận bằng lối chơi kiểm soát có thực sự hữu dụng?
- Tôi nghĩ rằng các cầu thủ Việt Nam thiếu sức mạnh thể chất, đặc biệt khi đối đầu với các đội "mạnh" hơn, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vì vậy tôi hiểu ý tưởng của ông Troussier khi sử dụng lối chơi kiểm soát thế trận bằng những đường chuyền.
Điều chưa đủ thuyết phục tôi ở đây là đội tuyển Việt Nam liệu có đủ khả năng duy trì sự tập trung và độ chính xác cao trong mọi đường chuyền, mọi tình huống phối hợp trong suốt cả trận đấu.
Tôi cũng tò mò muốn biết "bản sắc" này đã được chuyển tải đến các đội trẻ như thế nào, tính thống nhất của lối chơi sẽ được gắn chặt vào các cấp đội tuyển trong bao lâu. Suy cho cùng, muốn trở thành bản sắc tức phải "ăn vào trong huyết quản".
Tất nhiên, tôi rất mong triết lý của ông Troussier được áp dụng rộng rãi và đạt được thành công. Chúng ta hãy cùng chờ xem. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời mà thôi!
Vậy theo ông, vấn đề lớn nhất của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier hiện nay là gì?
- Tôi nghĩ vẫn là kỳ vọng và áp lực quá lớn mà thôi! Tôi nghĩ nếu phải chịu quá nhiều chỉ trích, các cầu thủ có thể bị cạn kiệt cảm xúc trước cả khi bóng lăn.
Về chiến thuật, về con người, về tấn công, về phòng ngự đều đóng vai trò nào đó, nhưng trước tiên và quan trọng nhất phải là con người. Một đội bóng chỉ có thể thăng hoa khi và chỉ khi các cầu thủ đặt suy nghĩ và tâm trí vào trái bóng.
Câu hỏi cuối cùng, nếu như hơn một năm qua những màn trình diễn chưa đáp ứng được kỳ vọng của tuyển Việt Nam có thể lý giải là thử nghiệm thì những trận đấu trước mắt với Philippines và Iraq chắc chắn không có chỗ cho thất bại. Ông đánh giá đội tuyển Việt Nam có bao nhiêu cơ hội chiến thắng và vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á?
- Tôi không thiếu tôn trọng Philippines nhưng trận này đội tuyển Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên trước đội tuyển Iraq, tôi chưa chắc. Dù vậy, đội tuyển Việt Nam phải đương đầu với những đối thủ khó nhằn hơn như thế.
Chạm trán những đối thủ yếu chẳng có ích gì cả. Nếu muốn vươn tới trình độ cao hơn thì phải làm quen việc thi đấu với các đối thủ trình độ cao hơn.
Điều quan trọng ở đây không chỉ là điểm số, mà còn là sự học hỏi. Người hâm mộ cần hiểu điều này và kiên nhẫn đối với quá trình này. Thắng nhiều đương nhiên tốt, nhưng quan trọng là học hỏi được điều gì? Bạn trở nên xuất sắc hơn khi thách thức chính mình, và đó là điều mà HLV Troussier kỳ vọng sẽ đến.
Cũng không nên bỏ qua Indonesia, dù chưa chạm trán đối thủ này trong những trận đấu sắp tới. Đây là đội bóng đáng gờm và trưởng thành vượt bậc trong thời gian qua. Hơn nữa, Indonesia luôn muốn đánh bại đội tuyển Việt Nam.
Nếu giành được một điểm hoặc thậm chí gây bất ngờ trước đối thủ Iraq, áp lực sẽ được giải tỏa phần nào cho thầy trò Troussier. Ông ấy sẽ bị đánh giá dựa trên những quyết định của mình, nhưng ông ấy là người khôn ngoan, ông ấy hiểu rõ điều đó.
Điều mọi người cần làm là thể hiện sự ủng hộ, vì tất cả đều muốn chứng kiến tuyển Việt Nam chiến thắng!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thiết kế: Đức Bình