DNews

Ai có thể thay ông Trần Anh Tú ở các vị trí chủ chốt của VFF và VPF?

Trọng Vũ

(Dân trí) - Ông Trần Anh Tú rút lui khỏi vị trí Phó chủ tịch VFF và Chủ tịch VPF để lại khoảng trống lớn cho hai tổ chức này. Tìm người thay thế các vị trí quan trọng như thế trong nhất thời không phải dễ.

Ai có thể thay ông Trần Anh Tú ở các vị trí chủ chốt của VFF và VPF?

8 năm ông Trần Anh Tú ngồi ở ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF, trải qua 3 nhiệm kỳ khác nhau, ông để lại không ít dấu ấn. Còn trong hơn 3 năm ngồi ở vị trí Phó chủ tịch (PCT) phụ trách chuyên môn của VFF nhiệm kỳ 9 (2022-2026), ông Trần Anh Tú giúp bóng đá Việt Nam có danh hiệu vô địch AFF Cup 2024.

Từ chỗ ông Tú để lại nhiều dấu ấn với bóng đá Việt Nam trong thời gian ông tại vị, nên chuyện tìm người thay thế ông Tú sau khi ông rút lui sẽ không hề đơn giản đối với VFF và VPF. Người giỏi không thiếu, người có tiềm lực tài chính không thiếu, nhưng không dễ tìm người vừa giỏi, người có tiềm lực tài chính lại vừa phù hợp với các vị trí nói trên.

Ai có thể thay ông Trần Anh Tú ở các vị trí chủ chốt của VFF và VPF? - 1

Ông Trần Anh Tú (thứ hai từ phải sang) tạo được nhiều dấu ấn cho bóng đá Việt Nam trong thời gian tại vị (Ảnh: Hải Long).

Phó chủ tịch VFF: Có hay không khả năng chủ tịch hoặc tổng thư ký sẽ kiêm nhiệm?

Người từng ngồi ngay đúng vị trí mà ông Trần Anh Tú đã ngồi, cựu Phó chủ tịch (PCT) chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm bình luận: "Trong số các vị trí PCT của VFF, vị trí PCT phụ trách chuyên môn là người chịu nhiều áp lực nhất, vì PCT chuyên môn gần như gắn liền với từng thành công, thất bại của các đội tuyển Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ".

"Chính vì thế, một khi trong giai đoạn ông Trần Anh Tú ngồi ghế PCT chuyên môn VFF nhiệm kỳ 9, bóng đá Việt Nam có ngôi vô địch AFF Cup, tức là ông Tú đã tạo được dấu ấn. Thành tích đấy chứng minh ông Tú làm được việc", cựu PCT VFF Dương Vũ lâm nói thêm.

Do nhiệm kỳ 9 của VFF chỉ còn khoảng một năm nữa là kết thúc, nên khó có khả năng người mới hoàn toàn sẽ thay thế vị trí của ông Trần Anh Tú. Bởi người mới cần có thời gian làm quen với công việc mới, làm quen với bộ máy và cách vận hành của VFF, trong khi đằng nào thì vào năm tới, VFF cũng sẽ đại hội nhiệm kỳ, bầu lại các chức danh chủ chốt.

Chính vì thế, phương án kiêm nhiệm sẽ là phương án không tồi đối với vị trí PCT chuyên môn của VFF vào lúc này, trong trường hợp Liên đoàn bóng đá Việt Nam không thể thuyết phục ông Trần Anh Tú rút khỏi VFF.

Ai có thể thay ông Trần Anh Tú ở các vị trí chủ chốt của VFF và VPF? - 2

Trong thời gian ông Tú ngồi ghế PCT VFF, đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2024 (Ảnh: Hướng Dương).

Bộ máy lãnh đạo của VFF hiện gồm Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ Nguyễn Trung Kiên, PCT phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Vũ. Ngoài ra, VFF còn có một ủy viên thường trực là ông Nguyễn Quốc Hội.

Trong số này, ông Trần Quốc Tuấn là người giỏi chuyên môn nhất. Ông Tuấn cũng không xa lạ với vị trí phụ trách chuyên môn tại VFF, do từng ngồi ghế PCT chuyên môn VFF đầu nhiệm kỳ 8, nên việc ông Trần Quốc Tuấn kiêm nhiệm vai trò vừa là chủ tịch vừa là PCT phụ trách chuyên môn là một trong những khả năng cần được tính đến.

Vấn đề còn lại chỉ là liệu ông Trần Quốc Tuấn có đủ thời gian để thực hiện cùng lúc hai vai trò chủ tịch và phó chủ tịch chuyên môn hay không?

Nếu ông Tuấn không đủ thời gian để kiêm nhiệm cả hai vai trò này, một nhân vật nữa cũng có thể kiêm nhiệm, đó là Tổng thư ký (TTK) Nguyễn Văn Phú. Theo thông lệ bóng đá toàn cầu, TTK cũng là trợ lý đặc biệt của chủ tịch, được chủ tịch chỉ định, nên nếu TTK VFF Nguyễn Văn Phú kiêm nhiệm vai trò PCT phụ trách chuyên môn, không phải ý tưởng tồi.

Một số ủy viên khác có tên trong Ban chấp hành (BCH), có chuyên môn và có kinh nghiệm quản lý, có kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm như ông Nguyễn Tấn Anh (HAGL), Hồ Hồng Thạch (CLB Bình Dương), Đỗ Mạnh Dũng (Thể Công Viettel), về lý thuyết có thể ngồi ghế PCT chuyên môn.

Tuy nhiên, họ lại đại diện của các CLB, nên không có tính trung lập, không có tính khách quan khi điều hành vấn đề chuyên môn của bóng đá Việt Nam, trong đó giải V-League mà CLB của họ đang tham gia.

Chủ tịch VPF: Phương án điều động một Phó chủ tịch khác của VFF sang?

Trước khi xin rút khỏi các vị trí đang đảm nhiệm tại VFF, ông Trần Anh Tú là đại diện cho phần vốn của VFF tại Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Thế nên, nếu ông Tú không còn giữ các vị trí quan trọng ở VFF, ông cũng không còn là người đại diện phần vốn của VFF ở VPF.

Ai có thể thay ông Trần Anh Tú ở các vị trí chủ chốt của VFF và VPF? - 3

Trên cương vị chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú (thứ hai từ phải sang) độc lập hoàn toàn với các CLB bóng đá chuyên nghiệp (Ảnh: Khoa Nguyễn).

So với việc tìm người thay thế vị trí PCT VFF, việc tìm người thay thế ông Trần Anh Tú ngồi ghế chủ tịch VPF còn khó hơn.

Cựu PCT VFF Dương Vũ Lâm bình luận về cái khó này: "Người ngồi ghế chủ tịch VPF phải biết kiếm tiền, nên vị trí này thường dành cho các doanh nhân thành đạt có hiểu biết và đã tham gia bóng đá nhiều năm".

"Người hiểu biết về bóng đá Việt Nam không thiếu, doanh nhân thành đạt hiểu về bóng đá Việt Nam cũng không thiếu, nhưng vấn đề tiếp theo là các doanh nhân này phải độc lập hoàn toàn với các đội bóng, họ không thể là ông bầu của các CLB bóng đá chuyên nghiệp.

Thời gian qua ông Trần Anh Tú thành công ở VPF là vì ông ấy không dính dáng đến bất kỳ một CLB chuyên nghiệp nào cả. Điều này giúp cho ông Tú không bị mang tiếng vừa đá bóng vừa thổi còi ở sân chơi chuyên nghiệp trong nước", ông Dương Vũ Lâm phân tích thêm.

Các thành viên HĐQT hiện tại của VPF gồm có Chủ tịch Trần Anh Tú, các PCT Nguyễn Quốc Hội (trước đây đại diện cho Hà Nội FC), Hồ Hồng Thạch (CLB Bình Dương), Trần Quang Thưởng (CLB bóng đá Hà Tĩnh), cùng các thành viên Nguyễn Minh Ngọc (Tổng giám đốc VPF), Nguyễn Minh Châu (Phó TTK VFF) và Đinh Hồng Vinh (CLB Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trong số này, các ông Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Minh Châu và Đinh Hồng Vinh không phải doanh nhân. Còn các ông Nguyễn Quốc Hội, Hồ Hồng Thạch và Trần Quang Thưởng lại xuất thân từ các CLB, không mang tính khách quan, không có tính trung lập. Riêng ông Trần Quang Thưởng quá mới với giới bóng đá Việt Nam.

Ai có thể thay ông Trần Anh Tú ở các vị trí chủ chốt của VFF và VPF? - 4

Việc tìm người thay thế ông Trần Anh Tú là bài toán khó của cả VFF lẫn VPF (Ảnh: Hướng Dương).

Hơn nữa, như tiêu chí thường được đề cập với người giữ chức danh chủ tịch VPF, phải cực kỳ giỏi kiếm tiền, là các doanh nhân cực kỳ thành đạt. Các ông Nguyễn Quốc Hội và Hồ Hồng Thạch không đáp ứng được tiêu chí này.

Từ thời Chủ tịch những nhiệm kỳ đầu tiên của VPF, ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch tập đoàn Đồng Tâm), đến thời vị chủ tịch các nhiệm kỳ sau này là ông Trần Anh Tú (Chủ tịch công ty Thái Sơn Nam), họ đều là những "doanh nhân nghìn tỷ". Họ quen với việc kiếm tiền, lại có sẵn các mối quan hệ về kinh tế, nên có thể kêu gọi tài trợ cho bóng đá Việt Nam.

Do đó, ai sẽ thay ông Trần Anh Tú trong những ngày tới sẽ được VFF và VPF đặt lên bàn hội nghị. Các tổ chức này sẽ có những đợt đại hội bất thường trong thời gian tới, nếu họ vẫn không thể thuyết phục ông Trần Anh Tú thay đổi quyết định xin rút của ông này.