DMagazine

"Vũ khí" 11 tỷ USD của Nga khiến nội bộ NATO, EU lục đục

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng một dự án trị giá 11 tỷ USD của Nga đang trở thành "vũ khí địa chính trị" khi nó khiến nội bộ NATO và Liên minh châu Âu (EU) chia rẽ.

"VŨ KHÍ" 11 TỶ USD CỦA NGA KHIẾN NỘI BỘ NATO, EU LỤC ĐỤC 

Giới quan sát cho rằng một dự án trị giá 11 tỷ USD của Nga đang trở thành "vũ khí địa chính trị" khi nó khiến nội bộ NATO và Liên minh châu Âu (EU) chia rẽ.

Tháng 9/2021, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Nga Gazprom Alexay Miller thông báo rằng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã hoàn thành hạng mục xây dựng và đang chờ "cái gật đầu cuối cùng" từ Đức và EU trước khi được đưa vào vận hành.

Khi dự án đường ống dài 1.200 km được công bố, Nga và Đức đã khẳng định rằng đây là một dự án có mục đích kinh doanh thuần túy. Tuy nhiên, theo giới quan sát, sau 7 năm, nó lại đang trở thành "vũ khí trong cuộc khủng hoảng địa chính trị" trong khu vực. 

Dự án tham vọng

Vũ khí 11 tỷ USD của Nga khiến nội bộ NATO, EU lục đục - 1

Sơ đồ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (màu xanh) và 2 (màu tím) (Ảnh: Gazprom)

Theo BBC, Dòng chảy Phương Bắc 2 - dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) chạy dưới biển Baltic - là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt cho các khách hàng tại châu Âu. Dự án được ký kết vào năm 2005, chạy song song với Dòng chảy Phương Bắc 1 vốn đã đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng có công suất lớn hơn. Gazprom đã đầu tư khoảng 11 tỷ USD cho Dòng chảy Phương Bắc 2.

Khi đường ống này đi vào vận hành, nó sẽ giúp Nga chuyển việc xuất khẩu khí đốt khỏi tuyến đường trung chuyển qua các nước trung gian từng thuộc Liên Xô cũ.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, việc xuất khẩu khí đốt của Nga buộc phải dựa vào việc đặt đường ống qua các nước trung gian, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, không phải quốc gia trung gian nào cũng có quan hệ thân thiện với Nga ở thời điểm hiện tại.

Xét về góc độ địa chính trị và quan trọng hơn cả là kinh tế, việc Nga muốn xây dựng Dòng chảy Phương Bắc 2 đi hoàn toàn ngầm dưới đáy biển thẳng sang Đức là mục tiêu hợp lý vì nó có lợi cho Moscow về mặt lâu dài. 

Xuất khẩu dầu và khí đốt mang lợi 40% tổng ngân sách cho Nga. Nếu dự án vận hành, nó sẽ chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trực tiếp từ Nga tới châu Âu. Gazprom ước tính mỗi năm họ có thể thu về hơn 15 tỷ USD từ dự án.

Vũ khí 11 tỷ USD của Nga khiến nội bộ NATO, EU lục đục - 2

Dòng chảy Phương Bắc 2 mang lại lợi ích cho cả Nga và Đức (Ảnh: AP).

Đức cũng là bên hưởng lợi nếu đường ống hoạt động. Họ dự kiến sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và điện than trong khoảng vài năm tới. Vì vậy, nhu cầu về khí đốt cung cấp nguồn sưởi ấm cho các hộ gia đình vào mùa đông lạnh giá là cần thiết nhất là trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt trong thời gian vừa qua. Vận hành đường ống dẫn khí đốt thẳng từ Nga, Đức có thể đảm bảo nguồn cung lâu dài, giá thấp hơn hẳn đường ống hiện tại. Đối với Đức đây là lợi ích lớn nhất là trong bối cảnh đại dịch đã gây ra những khó khăn về mặt kinh tế. Theo truyền thông Đức, nhiều người dân nước này cũng ủng hộ dự án vì nó mang lại hiệu quả thực tế mà họ có thể quan sát được.

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, Nga muốn Dòng chảy Phương Bắc 2 được vận hành thành công vì nếu việc chuyển khí đốt suôn sẻ, Nga có thể chứng minh được họ là đối tác đáng tin cậy với EU, diễn biến có thể giúp cải thiện quan hệ giữa 2 bên vốn đang căng thẳng.

Thêm vào đó, việc hợp tác kinh tế sẽ tạo ra các lợi ích đan xen của các tập đoàn, giúp Nga có lợi thế hơn trước những biến động trong tương lai, nhất là kịch bản họ có thể hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.  

Nội bộ EU và NATO chia rẽ

Vũ khí 11 tỷ USD của Nga khiến nội bộ NATO, EU lục đục - 3

Dự án này đã gây tranh cãi ngay từ thời điểm nó mới được công bố năm 2015 (Ảnh: AP).

Phe ủng hộ dự án có nhiều hơn một lý do để thúc đẩy dự án từ suốt năm 2015 tới nay, nhưng phe phản đối cũng có lý lẽ nhất định của họ.

Đầu tiên là các nước Liên Xô cũ như Ukraine, Ba Lan và một số quốc gia Baltic kịch liệt phản đối Dòng chảy Phương Bắc 2 vì họ sợ mất lợi ích từ quá cảnh khí đốt của Nga, đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi một khoản thu đáng kể lên tới hàng tỷ USD cùng việc nhận được nguồn cung khí đốt giá ưu đãi. Thêm vào đó, việc Nga vận hành độc lập đường ống dưới đáy biển mà không chạy qua lãnh thổ các nước sẽ làm giảm đi vị thế của họ trong bối cảnh căng thẳng liên tục leo thang với Moscow trong những năm qua.

Trên thực tế, dự án Dòng chảy Xanh băng qua Biển Đen đã giúp Moscow giảm sự phụ thuộc vào Ukraine để cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng muốn Dòng chảy Phương Bắc 2 hoạt động theo cơ chế tương tự, đưa khí thẳng tới Đức và các khách hàng Tây Âu, mà không phải qua trung gian có quyền "đóng mở van" 2 chiều như Ukraine và Ba Lan. Điều này đã gây ra sự chia rẽ trong chính Liên minh châu Âu khi Đức - thành viên có tiếng nói quan trọng hàng đầu - gặp phải mâu thuẫn lợi ích với các thành viên khác.

Theo CNN, Mỹ, Anh cũng bày tỏ quan điểm phản đối quyết liệt dự án ngay từ 7 năm trước. Họ cho rằng, Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Nga tại châu Âu, trao cho Nga một "lá bài" năng lượng quan trọng. Sự chia rẽ giữa các thành viên trong liên minh NATO cũng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh liên minh này bày tỏ lo ngại Nga có thể "động binh" với Ukraine, cáo buộc mà Moscow mạnh mẽ bác bỏ.

Tình hình thực tế đặt ra thách thức cho Mỹ khi họ vừa muốn duy trì tầm ảnh hưởng và vị thế của quốc gia dẫn đầu, nhưng lại không muốn tổn hại quan hệ với đồng minh thân cận là Đức. Nó đưa Mỹ vào một thế khó, dù nhiều nhà quan sát nhận định rằng, việc ngăn Dòng chảy Phương Bắc 2 vận hành tới lúc này là rất khó và có thể "lợi bất cập hại".

Truyền thông Mỹ dẫn lời các chuyên gia Kristine Berzina từ quỹ Marshall nhận định, triển khai Dòng chảy Phương Bắc 2 tới mức độ này được xem là một chiến thắng ban đầu cho Nga khi họ có được lợi ích từ những tranh cãi lùm xùm xoay quanh đường ống.

Vũ khí 11 tỷ USD của Nga khiến nội bộ NATO, EU lục đục - 4

Phương Tây lo Nga sẽ triển khai "lá bài" năng lượng khi căng thẳng leo thang (Ảnh: Gazprom).

Mỹ và châu Âu đã có sự chuẩn bị cho khả năng Nga sử dụng "lá bài" năng lượng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang không hạ nhiệt. Chính quyền Biden đã thảo luận với nhiều nước châu Âu, Trung Đông và châu Á về việc gia tăng sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Trước đó, Nga khẳng định họ sẽ không sử dụng năng lượng để gây áp lực lên châu Âu, nhưng trước diễn biến hiện tại, Mỹ dường như muốn không trở nên bị động trước bất cứ kịch bản nào có thể xảy ra.

Trong khi đó, khách hàng lớn nhất của Dòng chảy Phương Bắc 2 là Đức dường như lại tỏ ra chần chừ trong việc gia tăng áp lực lên Moscow. Hai tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cảnh báo các nước không kéo Dòng chảy Phương Bắc 2 vào những lùm xùm. Gần đây, trước áp lực từ Mỹ, Đức mới lên tiếng cảnh báo rằng, họ có thể đưa Dòng chảy Phương Bắc 2 vào lệnh trừng phạt nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine.

Tuy nhiên, nếu Mỹ và Anh bắt đầu chuyển vũ khí cho Ukraine trước nguy cơ xảy ra kịch bản Nga động binh, thì Đức lại không có hành động tương tự.

Khi tranh cãi về việc này chưa nguội lại, chỉ huy Hải quân Đức Kay-Achim Schönbach lại nhận định rằng Nga và ông Putin xứng đáng nhận được sự tôn trọng trong căng thẳng an ninh thời gian qua, và nói rằng việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga đã xảy ra và điều đó là không thể thay đổi. Ông Schönbach đã phải từ chức sau đó vì phát ngôn này.

Mặt khác, chính Mỹ trong thời gian qua lại giảm bớt tông giọng chỉ trích và phản đối dự án. Đầu tháng này, Thượng viện Mỹ đã bác một dự luận từ Thượng nghị sĩ Ted Cruz nhằm trừng phạt các thực thể liên quan tới Dòng chảy Phương Bắc 2. Theo giới quan sát, chính quyền Biden tin rằng dự án cũng có thể khiến Nga cân nhắc lại khi họ xem xét thực hiện bất cứ hành động gì với châu Âu.

Chủ tịch Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn Dòng chảy Phương Bắc 2 vận hành và kịch bản dự án bị đình trệ vì Moscow "động binh" với Ukraine sẽ khiến Nga bớt đi một lý do để đi theo hướng này.  

Các lợi ích chồng chéo lẫn nhau xoay quanh Dòng chảy Phương Bắc 2 khiến cả NATO và EU không tìm được tiếng nói chung về dự án. Chính vì vậy, giới quan sát nhận định rằng ngay cả khi dự án chưa được thông qua, nó đã khiến cho nội bộ của các khối trên "lệch pha" nhau.

Trong khi một số chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ và phương Tây không trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 vào thời điểm hiện tại, Nga có thể tận dụng nó là "vũ khí" trong những xung đột sau này. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không đưa Dòng chảy Phương Bắc 2 vào cuộc khủng hoảng chính trị. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng dự án mang lại lợi ích rõ ràng cho châu Âu và các nỗ lực chính trị hóa nó sẽ phản tác dụng.

Trong khi đó, Andrey Kortunov, chuyên gia từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho rằng, Nga coi Dòng chảy Phương Bắc 2 là phép thử cho sự độc lập chiến lược của EU với Mỹ.

"Nếu dự án thất bại - điều có khả năng xảy ra, nó có thể làm nảy sinh quan điểm rằng châu Âu không thể đưa ra quyết định liên quan tới chính họ", ông Kortunov nhận định.  

Đức Hoàng

Tổng hợp