DMagazine

"Quốc gia sushi" và những bài học cho thế giới

(Dân trí) - Nhật Bản được xem là một "điềm báo" cho thế giới, bởi lẽ các thách thức mà nước này phải đối mặt cũng đã hoặc sẽ sớm xảy ra với các quốc gia khác.

"Quốc gia Sushi" và những bài học cho thế giới 

Nhật Bản được xem là một "điềm báo" cho thế giới, bởi lẽ các thách thức mà nước này phải đối mặt cũng đã hoặc sẽ sớm xảy ra với các quốc gia khác.

Mặc dù là đất nước phát triển, Nhật Bản cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn như dân số già, rủi ro thiên tai... Tuy nhiên, báo cáo đặc biệt gần đây của Economist chỉ ra rằng Nhật Bản là một "điềm báo" cho thế giới, bởi lẽ nhiều thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt cũng đã hoặc sẽ sớm xảy ra với các quốc gia khác. Điều đó khiến đất nước mặt trời mọc trở thành ví dụ hữu ích để các quốc gia khác quan sát tác động và tìm ra cách thức ứng phó.

Giá trị của sự chuẩn bị trước thảm họa

Quốc gia sushi và những bài học cho thế giới - 1

Nhật Bản là hình mẫu về việc học cách sống chung với rủi ro bằng sự chuẩn bị (Ảnh: Reuters).

Nhật Bản là nơi xảy ra nhiều thảm họa thiên nhiên. Ít có quốc gia nào mà địa chất lại phụ thuộc nhiều vào các hiểm họa và thảm họa như Nhật Bản. Ngoài động đất và sóng thần, Nhật Bản còn chứng kiến nhiều trận bão, lũ lụt, lở đất và núi lửa phun trào. Vì vậy, họ phải học cách sống chung với rủi ro, biến nó thành một thí nghiệm để xây dựng một xã hội kiên cường.

Rajib Shaw, chuyên gia về thảm họa tại Đại học Keio ở Fujisawa, cho biết: "Khái niệm về khả năng phục hồi là thứ quan trọng mà những người khác có thể học được từ Nhật Bản".

Bài học đầu tiên được rút ra là cộng đồng phải học cách sống chung với rủi ro. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hiểm họa tự nhiên gia tăng, mỗi quốc gia phải có khả năng chống chọi lại các cú sốc. Những kinh nghiệm đau thương trước đây khiến Nhật Bản phải đầu tư để có khả năng phục hồi nhanh chóng. Hệ thống cầu đường và các tòa nhà đều được xây dựng để đối phó những trận động đất. Sau trận động đất lớn xảy ra ở Kobe vào năm 1995 khiến nhiều người không có nước sinh hoạt, thành phố đã xây dựng một hệ thống bể ngầm để trữ nước cho người dân đủ trong 12 ngày.

Khi mối đe dọa từ các hiểm họa tự nhiên ngày càng gia tăng, từ các đám cháy do biến đổi khí hậu đến các đại dịch lây nhiễm từ động vật, thế giới cũng phải sống chung với nhiều rủi ro hơn. Những quốc gia làm được điều này tốt nhất sẽ là những quốc gia có khả năng phục hồi.

Markus Brunnermeier, nhà kinh tế học từ Đại học Princeton, lập luận rằng: "Khả năng phục hồi có thể đóng vai trò là kim chỉ nam dẫn đường cho việc tái thiết một xã hội hậu Covid-19".

Ở đây, bài học lớn nhất từ Nhật Bản là giá trị của sự chuẩn bị. Karashima Yukari, chuyên gia làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận Peace Boat Disaster Relief Volunteer Centre, nói: "Sẽ là quá muộn nếu bạn bắt đầu hành động sau khi thảm họa xảy ra". Bà Karashima dành nhiều thời gian để quay lại những cảnh thảm họa, bà thường ở lại rất lâu sau khi máy quay truyền hình đã tắt để quét sạch nấm mốc trên các bức tường ẩm ướt và huấn luyện người dân chuẩn bị cho thảm họa tiếp theo.

Sameh Wahba, thuộc chương trình quản lý thiên tai của Ngân hàng Thế giới, cho biết chính phủ Nhật Bản đã sắp xếp trước các hợp đồng để sửa chữa cơ sở hạ tầng, cho phép quá trình tái thiết sau thảm họa bắt đầu nhanh chóng mà không phải trải qua các quy trình mua sắm rườm rà. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng dự trữ hàng hóa thiết yếu trong các trường học và trung tâm cộng đồng. Công viên có những chiếc ghế dài có thể dùng làm bếp nấu và hố ga có thể biến thành nhà vệ sinh tạm bợ khi cần thiết. Trên khắp Nhật Bản, mỗi ngày khi hoàng hôn buông xuống, các bài hát dân gian phát ra từ những chiếc loa phóng thanh trong khu phố là một nét văn hóa của địa phương song cũng là một cách để kiểm tra hệ thống cảnh báo.

Chính phủ cũng tập trung vào các giải pháp dựa trên kỹ thuật và cải tiến quy định xây dựng. Hầu hết kết cấu được xây dựng theo tiêu chuẩn mới có thể chịu được trận động đất 9,0 độ richter xảy ra vào năm 2011.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là ý thức của người dân trong việc phòng chống thiên tai, tức là mọi người phải nhận thức được rằng rủi ro thiên tai là việc của mọi người, chứ không phải chỉ của chính phủ. Điều này đã giúp ích rất nhiều trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi hành động đeo khẩu trang phổ biến rất nhanh ở Nhật Bản. Trong số các quốc gia thuộc nhóm G7, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất và tỷ lệ tiêm vaccine hai mũi cao nhất. Ngoài ra, những hoạt động tuyên truyền hay diễn tập cho thảm họa không chỉ đơn giản là để truyền đạt kiến thức về các tuyến đường sơ tán, mà còn để tăng cường mối quan hệ trong cộng đồng.

Chuẩn bị cho thảm họa tiếp theo, nghe có vẻ bình thường nhưng thế giới lại đang không làm được điều này.

Trong số 137 tỷ USD hỗ trợ phát triển toàn cầu liên quan đến thiên tai từ năm 2005 đến năm 2017, 96% được chi cho ứng phó khẩn cấp và tái thiết và chỉ dưới 4% được chi cho việc chuẩn bị cho thiên tai. Các nhà tài trợ thích công việc cứu hộ vì nó thu hút được sự quan tâm của dư luận, còn truyền thông cũng chỉ đưa tin về những thảm họa khi chúng xảy ra, chứ không phải khi chúng chưa xảy ra. Nhiều chính phủ coi việc phòng ngừa thảm họa là một chi phí, chứ không phải là một khoản đầu tư.

Takeya Kimio, cố vấn của cơ quan phát triển nước ngoài của Nhật Bản cho biết: "Mối nguy sẽ trở thành thảm họa khi năng lực đối phó quá yếu.

Giải "bài toán" dân số

Quốc gia sushi và những bài học cho thế giới - 2

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới (Ảnh: Getty).

Dân số Nhật Bản già đi nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, song nước này đang học cách đối phó và thích nghi.

Kể từ năm 1990, dân số của Gojome, một thị trấn ở phía bắc Nhật Bản, đã giảm một nửa. Hơn một nửa cư dân của nơi này trên 65 tuổi, khiến nó trở thành một trong những thị trấn lâu đời nhất ở Akita, tỉnh có dân số già cao nhất Nhật Bản.
Thay đổi nhân khẩu học có hai nguyên nhân thường gộp lại với nhau: tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm. Sự thay đổi này đòi hỏi chính phủ phải lập một "bản đồ mới" cho đất nước, từ vấn đề chăm sóc sức khỏe đến nhà ở, giao thông. Thách thức với Nhật Bản ở đây là sự thay đổi về nhân khẩu học lại ảnh hưởng tới mọi người theo các cách khác nhau, nên việc thiết kế lại chính sách của quốc gia cũng trở nên khó khăn. Iio Jun, một nhà khoa học về chính trị, cho biết: "Không có một mô hình nào có thể phù hợp với tất cả".

Tuổi thọ tự nó không phải là một vấn đề. Vấn đề chỉ nảy sinh khi mọi người sống lâu nhưng không khỏe mạnh, cô đơn hoặc sống phụ thuộc. Bà Akiyama cho biết, mục tiêu ở Nhật Bản nay đã chuyển từ tăng tuổi thọ sang nâng cao "tuổi thọ khỏe mạnh, tự chủ". Điều này có nghĩa là đất nước mặt trời mọc đang tìm cách để những người già tiếp tục làm việc. Hiện gần một nửa số người từ 65 đến 69 tuổi và 1/3 dân số từ 70 đến 74 tuổi đang làm việc, tăng từ mức 23% của 10 năm trước. Chính phủ Nhật Bản cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp giữ nhân viên làm việc tới 70 tuổi.

Nói cách khác, để đối phó với tình trạng quy mô dân số giảm là tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có. Nhật Bản sẽ không bao giờ phát huy hết tiềm năng của mình khi vẫn còn nhiều công dân có trình độ học vấn cao bị phủ nhận năng lực và bị cướp cơ hội nghề nghiệp. Tình trạng thăng tiến dựa trên thâm niên tại các công ty truyền thống, cùng với việc trì hoãn tốc độ thăng chức, khiến tiếng nói của người trẻ bị phớt lờ và sự đổi mới bị hạn chế. Đó là lý do tại sao nhiều sinh viên mới tốt nghiệp sáng giá nhất thích làm việc cho các công ty khởi nghiệp.

Nhật Bản đã làm rất tốt việc thu hút nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trong những năm gần đây, nhưng họ vẫn có quá ít cơ hội để vươn lên. Đó là lý do người trẻ và phụ nữ chỉ có thể làm những công việc bán thời gian bấp bênh, dẫn tới việc họ ít muốn có con hơn.

Akiyama Hiroko, người sáng lập Viện Lão khoa của Đại học Tokyo, đưa ra ý tưởng tạo ra nơi làm việc cho cuộc sống thứ hai, nhưng công việc của cuộc sống thứ hai sẽ khác với công việc của cuộc sống thứ nhất và đóng góp của nó có thể không dễ dàng được nắm bắt trong thống kê tăng trưởng.

Theo bà, Nhật Bản phải tìm kiếm sự hạnh phúc, chứ không chỉ là năng suất kinh tế. Rất nhiều hoạt động nhằm tận dụng lực lượng lao động lớn tuổi đã được thực hiện ở Nhật Bản như đào tạo người về hưu làm nông nghiệp, đến các công ty khuyến khích nhân viên lớn tuổi khởi động các công ty khởi nghiệp, hay cung cấp các khóa học cho những người về hưu để đào tạo lại thành các linh mục.

Một điều quan trọng khác là phải sức khỏe, thể chất và tinh thần cho người già. Những địa phương sáng suốt hơn thường tập trung vào chăm sóc dự phòng cho người dân. Ngoài ra, công tác xã hội hóa cũng không kém phần quan trọng.
Kết quả là, mặc dù tuổi thọ khỏe mạnh của người dân Nhật Bản vượt tuổi thọ chung từ 8 đến 12 năm, song khoảng cách này đã giảm nhẹ trong giai đoạn năm 2010 đến năm 2016.

Tỷ lệ sinh mới là thứ khó thay đổi hơn. Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm xuống 1,34 vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để giữ cho dân số một quốc gia ổn định.

Ngay cả khi Nhật Bản có thể nâng cao tỷ lệ này, các khu vực nông thôn vẫn sẽ gặp khó khăn. Một nghiên cứu ước tính hơn một nửa trong số 1.700 đô thị của Nhật Bản có thể biến mất vào năm 2040, khi những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, rời đi.

Tuy nhiên, vẫn có một giải pháp cho vấn đề này, mà cốt lõi nằm ở những người mới đến. Gojome là một ví dụ điển hình. Watanabe Hikobe, người đứng đầu thị trấn này, cho biết: "Mặc dù dân số đang giảm dần, nhưng một làn gió mới đang thổi vào thị trấn. Trong thập kỷ qua, một nhóm nhỏ những người trẻ bên ngoài thị trấn đã đến đây sống. Họ bị thu hút bởi một cuộc sống chậm rãi, sôi nổi và có cơ hội thử những công việc và cuộc sống không gò bó". Dẫu vậy, những người di cư thành thị như vậy vẫn còn tương đối hiếm.

Tuy nhiên, họ không phải là những người bên ngoài duy nhất chuyển đến.
Trên khắp Nhật Bản, lao động nhập cư đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành từ trồng trọt đến bán lẻ. Ở Fukuoka, cứ 55 người lao động thì có một người nước ngoài, tăng so với tỷ lệ 204 : 1 vào năm 2009.

Gojome hay Nhật Bản đều không phải ngoại lệ, mọi quốc gia đều đang có sự gia tăng về quy mô và tỷ lệ dân số cao tuổi. Đến năm 2050, cứ 6 người trên thế giới thì có một người trên 6 tuổi. Dân số của 55 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, dự kiến giảm dần từ nay đến năm 2050. Dữ liệu gần đây cho thấy quy mô dân số ở Ấn Độ thậm chí sẽ thu hẹp nhanh hơn dự báo.

Thay đổi nhân khẩu học dẫn tới những thách thức lớn về kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chậm chạp do quy mô dân số ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc của mỗi cá nhân người Nhật Bản, bức tranh lại tươi sáng hơn nhiều.

Hình mẫu Tokyo

Quốc gia sushi và những bài học cho thế giới - 3

Tokyo là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới (Ảnh: NYT).

Tokyo hiện là thành phố lớn nhất thế giới với 37 triệu dân đô thị và khoảng 14 triệu dân ven đô. Tokyo cũng là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới với các phương tiện giao thông công cộng đúng giờ đến từng giây, các cộng đồng sinh sống an toàn, đường xá sạch sẽ. Tokyo có thể là bài học để phát triển các thành phố ở bất cứ đâu trên thế giới khi đô thị hóa ngày càng trở nên phổ biến.

Tokyo đáng sống đó là thành quả của những quy hoạch thành công rút kinh nghiệm từ quá khứ. Từ thời Minh Trị, Nhật Bản đã ưu tiên việc phát triển đường sắt, mở rộng mạng lưới giao thông của thành phố, và tiếp đến là hệ thống tàu điện ngầm. Ngay cả khi những doanh nghiệp lớn ở Mỹ xây trụ sở ở các vùng ngoại ô, thì ở Nhật Bản, những trụ sở này tập trung quanh các đầu mối giao thông, khuyến khích việc sử dụng tàu hỏa và tàu điện ngầm. Điều đó khiến Tokyo trở thành thành phố đa trung tâm, thay vì chỉ một trung tâm.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến mật độ dân số ở các trung tâm nhanh chóng dày đặc - một thất bại về quy hoạch. Sau chiến tranh, các nhà quy hoạch Tokyo đã tìm cách phân vùng đô thị giống như phương Tây, song nguồn lực của chính phủ quá hạn chế trong khi tốc độ tăng trưởng của Tokyo quá nhanh để có thể kiểm soát được quá trình đó.

Christian Dimmer của Đại học Waseda, Tokyo cho biết, trong những năm gần đây đã có một "sự thay đổi mô hình" trong cách nhìn nhận về Tokyo. Các học giả tìm thấy bằng chứng rằng, khi Tokyo phát triển, các khu dân cư dần dần phát triển và trở nên bình đẳng hơn, thay vì phân tầng. Các nhà hoạt động phương Tây cũng chỉ ra, Tokyo đã tránh được các cuộc khủng hoảng nhà ở mà nhiều nước giàu có phải đối mặt.

Tokyo vẫn đang phát triển, nhưng dân số có xu hướng già hóa và dân số được dự đoán giảm sau năm 2025. "Quá trình đô thị hóa là hữu hạn. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên chứng kiến điều này", Andre Sorensen, giáo sư Đại học Toronto, bình luận.

Để phát triển quy hoạch phù hợp với dân số già hóa, các nhà hoạch định của Tokyo phải dựa vào công nghệ, vào kho dữ liệu lớn. Ví dụ, thông tin từ các đồng hồ nước thông minh có thể giúp việc cung cấp nước hiệu quả hơn và thậm chí có thể giúp phát hiện những vấn đề tiềm tàng với những người già sống một mình. Một số cộng đồng dân cư vùng ngoại ô Tokyo cũng nỗ lực thu hút người trẻ với cam kết nhà giá rẻ, khu vực sống đầy đủ tiện ích.