Ông Trump làm thế giới "rung chuyển" trong tháng đầu nhiệm kỳ
(Dân trí) - Những sắc lệnh ban hành trong tháng đầu tiên nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cho thấy ảnh hưởng lớn đến thế giới.

Nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh dấu bởi số lượng sắc lệnh được ban hành cao kỷ lục. Tính đến ngày 12/2, ông đã ký hơn 60 sắc lệnh hành pháp, khiến ông trở thành tổng thống Mỹ ban hành nhiều sắc lệnh hành pháp nhất trong vòng 100 ngày đầu nhiệm kỳ trong 40 năm trở lại đây.
Với chủ trương "Nước Mỹ trên hết", nhiều sắc lệnh trong số đó đang tác động mạnh đến thế giới.
Chính sách áp thuế diện rộng
Thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử, chưa đầy 2 tuần sau khi nhậm chức, ông Trump tuyên bố áp thuế với 15% với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico, 10% với hàng hóa Trung Quốc. Đây là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Chủ nhân Nhà Trắng sau đó tiếp tục ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm nhôm, thép được nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 4/3.
Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết: "Thuế thép và nhôm phiên bản 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ ngành thép và nhôm như ngành xương sống và trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Đây không chỉ là vấn đề thương mại. Đây là để đảm bảo nước Mỹ không bao giờ phải phụ thuộc vào các quốc gia nước ngoài trong các ngành công nghiệp quan trọng như thép và nhôm".

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh kêu gọi thực hiện chính sách áp thuế đối ứng (Ảnh: Getty).
Ngoài nhôm thép, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ công bố mức thuế mới đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ vào tháng 4 tới.
Ông cũng chỉ thị đội ngũ của mình lên kế hoạch áp thuế đối ứng đối với tất cả các nước áp thuế lên hàng hóa Mỹ, bắt đầu từ những nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ.
Tổng thống Trump coi đây là cách để bù đắp cho thực tế rằng nhiều đối tác thương mại của Mỹ áp dụng mức thuế cao hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, việc tính toán thuế cho hàng nghìn sản phẩm từ hơn 150 quốc gia là một thách thức lớn. Điều này có thể làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh mối lo ngại về lạm phát ngày càng gia tăng.
Sắc lệnh cũng đẩy nhanh quá trình suy giảm của hệ thống thương mại toàn cầu, kéo theo một cuộc chiến thương mại, tạo thêm gánh nặng cho các chuỗi cung ứng.
"Điều này sẽ gây ra làn sóng ảnh hưởng khắp nền kinh tế thế giới. Khi các nước trả đũa, họ sẽ làm tổn thương chính mình và cũng làm tổn thương các nhà xuất khẩu Mỹ", ông Joseph Foudy tại Đại học New York, Mỹ nhận định.
Trung Quốc đã đáp trả chính sách của ông Trump bằng cách áp thuế 15% với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi đó, các nước như Canada và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ trả đũa ngay lập tức.
Mặt khác, để tránh nguy cơ một cuộc chiến thương mại bất lợi, các nước cũng xoa dịu bằng cách đáp ứng các yêu cầu của chính quyền ông Trump bởi thuế quan được cho là một trong những công cụ ông Trump dùng để đạt được thỏa thuận trong những lĩnh vực khác.
Ví dụ, Canada và Mexico đã đồng ý triển khai hàng nghìn binh sĩ đến biên giới để ngăn chặn làn sóng người nhập cư và chất gây nghiện vào Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đề xuất khôi phục thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Bắc Kinh cũng dự kiến đưa ra một số cam kết khác, bao gồm không phá giá đồng nhân dân tệ, tăng cường đầu tư vào Mỹ và hạn chế xuất khẩu tiền chất fentanyl, một loại hóa chất được sử dụng để sản xuất chất gây nghiện mạnh.
Tìm kiếm các thương vụ tài nguyên

Máy bay của gia đình ông Trump đậu tại Greenland (Ảnh: Alamy(.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố về việc mở rộng lãnh thổ Mỹ ngay cả khi cam kết sẽ không để Mỹ bị cuốn vào các mối vướng bận bên ngoài hay "các cuộc chiến vô tận".
"Trong nhiều năm, nhiều thập niên, lãnh thổ của chúng ta đã không thay đổi, thậm chí có thể nhỏ đi. Điều này sẽ sớm thay đổi", ông Trump phát biểu trước những người ủng hộ hôm 25/1.
Chỉ trong vòng một tháng đầu nhiệm kỳ, ông Trump liên tục đưa ra những đề xuất gây như giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ hay tiếp quản Dải Gaza, mua lại đảo lớn nhất thế giới Greenland.
Tất cả những ý tưởng này theo ông Trump đều nhằm "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" nhờ mang lại cho Mỹ giá trị địa chính trị chiến lược hoặc những nguồn tài nguyên dồi dào.
Canada hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, Canada cũng sở hữu các nguồn tài nguyên quan trọng như uranium, kali. Việc sáp nhập có thể đem lại cho Mỹ lợi ích về mặt kinh tế, giảm thâm hụt thương mại.
Mở rộng quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên cho Mỹ cũng là mục tiêu mà ông Trump nhắm đến khi thỏa thuận với giới chức Ukraine. Washington muốn đổi viện trợ để sở hữu 50% nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Trong khi đó, với vị trí chiến lược ở Bắc Cực, Greenland, đảo tự trị của Đan Mạch, được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Mỹ để đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga. Băng tan sẽ giúp mở thêm các tuyến hàng hải qua Greenland cho cả tàu hàng và tàu quân sự.
Thậm chí ở vùng đất bị tàn phá bởi xung đột như Dải Gaza. Đề xuất tiếp quản và sở hữu Dải Gaza của ông Trump báo hiệu sự thay đổi lớn nhất về chính sách Trung Đông của Mỹ trong nhiều thập niên, đảo ngược sự đồng thuận rộng rãi của quốc tế về nhu cầu thành lập một nhà nước Palestine bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng, cùng tồn tại với Israel.
Ông Trump muốn người Palestine ở đây di dời đến một nơi khác trong khi Mỹ tìm cách tái thiết Dải Gaza thành một thiên đường mới để "người dân thế giới sinh sống". Ông coi đó như dự án giúp tạo ra hàng nghìn việc làm, mang lại cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, tất cả các đề xuất này của ông đều vấp phải sự phản đối, đặc biệt khi chúng gắn liền với vấn đề chủ quyền.
Phản ứng với đề xuất của ông Trump, Đan Mạch đã tăng ngân sách an ninh cho Greenland. Chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau một mặt phản đối đề xuất sáp nhập Canada vào Mỹ, mặt khác tìm cách đáp ứng đề nghị của Washington như tăng cường an ninh biên giới, ngăn người nhập cư trái phép và fentanyl vào Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền Panama tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường, chấm dứt một chương trình hợp tác mà chính quyền tiền nhiệm đã ký kết với Bắc Kinh vào năm 2017. Động thái này nhằm xoa dịu lo ngại của Washington về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kênh đào Panama nói riêng và khu vực nói chung.
Siết kiểm soát nhập cư

Người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới Mỹ - Mexico (Ảnh: CSIS).
Ông Trump đang triển khai chiến dịch trục xuất "lớn nhất lịch sử", huy động gần như toàn bộ lực lượng hành pháp liên bang để thực hiện mục tiêu mà ông đã cam kết từ khi tranh cử.
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã ký 10 sắc lệnh hành pháp về nhập cư và ban hành một loạt sắc lệnh để hiện thực hóa lời hứa trục xuất hàng loạt và đảm bảo an ninh biên giới. Nhiều sắc lệnh đã có hiệu lực ngay lập tức và một số khác vẫn chưa được tòa án thông qua.
Ông Trump tạm dừng việc tái định cư của hàng chục nghìn người tị nạn, những người đã được kiểm tra và chấp thuận chuyển đến Mỹ, trong đó có khoảng 15.000 người Afghanistan.
Ông cũng chấm dứt lệnh ân xá nhân đạo cho những người nhập cư từ Cuba, Haiti, Venezuela và Nicaragua, khiến hơn 500.000 người đã sống ở Mỹ rơi vào tình trạng lấp lửng pháp lý.
Ngoài ra, ông đã khởi động chương trình rà soát và loại bỏ hàng triệu người nhập cư trái phép, bắt đầu từ những người bị buộc tội bạo lực.
Các biện pháp trong sắc lệnh hành pháp mới đây đã hồi sinh các chính sách từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông, trong khi một số biện pháp khác xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử, như nỗ lực chấm dứt quyền công dân bẩm sinh. Một số hành động có thể chưa cho thấy tác động rõ ràng như tuyên bố người di cư ở biên giới là "người xâm chiếm" hay chỉ định các băng đảng ma túy và băng đảng xuyên quốc gia là khủng bố.
Gần 1,4 triệu người có lệnh trục xuất và khoảng 660.000 người bị kết tội hoặc đang chịu cáo buộc phạm tội là 2 nhóm người có thể bị trục xuất sớm nhất.
Một số quốc gia bị Tổng thống Trump nhắm mục tiêu về vấn đề di cư đang phản ứng với các mối đe dọa của ông bằng cách tuân theo yêu cầu của ông, cố gắng đàm phán các thỏa thuận của riêng họ.
Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ tuyên bố từ đầu rằng chỉ đồng ý tiếp nhận những người bị Mỹ trục xuất mà là công dân của những quốc gia này, trong khi Colombia chấp nhận những người bị trục xuất sau khi ông Trump đe dọa sử dụng thuế quan.
Cho đến nay, Honduras là quốc gia duy nhất vẫn chống lại chính sách này của ông Trump khi kiên quyết từ chối người bị trục xuất, thậm chí đe dọa đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ ở đây và gợi ý tìm kiếm hỗ trợ từ Trung Quốc.
Đóng băng viện trợ nước ngoài và rút khỏi các tổ chức quốc tế

Hoạt động viện trợ nhân đạo toàn cầu bị ảnh hưởng khi Mỹ đóng băng viện trợ nước ngoài (Ảnh: Brookings).
Trong nỗ lực định nghĩa lại vai trò của Mỹ trên trường quốc tế, ông Trump đã đưa ra một loạt các quyết định rút Mỹ khỏi một số tổ chức của Liên hợp quốc và ngừng tài trợ cho các chương trình quốc tế lớn, làm dấy lên nhiều phản ứng từ ủng hộ đến những lời chỉ trích gay gắt.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông đã ngay lập tức ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Động thái này không có gì ngạc nhiên vì ông đã chỉ trích tổ chức trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của mình, cáo buộc tổ chức này sai lầm trong đại dịch Covid-19 và chịu áp lực chính trị.
Trong một động thái khác, Nhà Trắng cũng thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cáo buộc họ chống lại Israel. Thậm chí, ông Trump còn quyết định ngừng tất cả các khoản tài trợ của Mỹ cho Cơ quan Cứu trợ và Công trình Liên hợp quốc cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), với lý do bị cáo buộc có liên hệ với Hamas.
Ở châu Âu, Hội nghị An ninh Munich trong vài ngày vừa qua cũng đã cho thấy chương trình nghị sự chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Đúng như dự đoán rộng rãi, Nhà Trắng đã hết kiên nhẫn đối với sự phụ thuộc của châu Âu vào Washington để gánh vác phần lớn gánh nặng với chi tiêu quốc phòng.
Theo chính sách giảm sự can dự của Mỹ vào các vấn đề quốc tế, cắt giảm chi tiêu ngân sách, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tạm dừng gần như toàn bộ hoạt động viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày để đánh giá lại.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/2 cũng ra lệnh đóng cửa tất cả chi nhánh ở nước ngoài của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), triệu hồi nhân viên của cơ quan này về nước. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xem xét tiếp quản USAID. Số nhân viên của USAID ở nước ngoài từ vài nghìn người giảm xuống chỉ còn vài trăm người.
Quyết định này dẫn đến việc đình chỉ hàng loạt chương trình quan trọng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và kiểm soát dịch bệnh ở hơn 120 quốc gia, gây ra hậu quả cả trong và ngoài nước Mỹ.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, quyết định đóng băng viện trợ của Mỹ đang ảnh hưởng đến các chương trình như phòng chống HIV, bại liệt, cúm gia cầm và sốt xuất huyết.
Chủ tịch tổ chức Oxfam America, Abby Maxman, nhận định: "Hàng triệu người trên toàn cầu sẽ chịu hậu quả sống còn khi các chương trình phụ thuộc viện trợ bị gián đoạn. Các chuyên gia không thể làm việc mà không biết khi nào có tài trợ và tài trợ bao nhiêu".
Các chuyên gia phát triển coi đây là một bước lùi đáng kể đối với các nỗ lực nhân đạo, đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ. Mỹ chiếm 40% chi tiêu cho viện trợ nhân đạo toàn cầu.
USAID có ngân sách hàng năm khoảng 40 tỷ USD. Phần tài trợ của USAID chủ yếu được phân bổ ở châu Á, châu Phi và châu Âu.
Với việc Mỹ rút lui khỏi chủ nghĩa đa phương, các nhân tố khác tất yếu sẽ nổi lên. Trung Quốc đang cho thấy ảnh hưởng lớn hơn ở WHO, UNHRC và các quốc gia đang phát triển, trong khi EU đang tăng cường vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực khí hậu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong vấn đề nhân quyền và thương mại. Các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Nga và các quốc gia vùng Vịnh cũng đang trên đà tăng cường tiếng nói.
Theo Politico, Euro News, WSJ