1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những đòn thuế quan ông Trump tung ra sau 3 tuần nhậm chức

Minh Phương

(Dân trí) - Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt nhiều quy định thuế quan cũng như đưa ra nhiều lời đe dọa hơn về việc áp thuế với hàng hóa nhập khẩu.

Những đòn thuế quan ông Trump tung ra sau 3 tuần nhậm chức - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).

Gần một tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đã quyết định áp thuế diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, đánh thuế nhắm vào các ngành, khu vực hoặc quốc gia khác nhau, nhằm buộc đối tác thương mại phải đáp ứng yêu cầu về chính sách của ông.

Áp thuế diện rộng

Một trong những điểm chính mà ông Trump vạch ra cho nhiệm kỳ mới là triển khai áp thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của Mỹ theo từng giai đoạn. Theo Financial Times, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent từng gợi ý tăng thuế mỗi tháng, từ mức khiêm tốn hiện tại là 2,5%.

Tuy nhiên, ông Trump đánh tín hiệu thuế suất có thể còn cao hơn nữa. Thuế quan từng là trụ cột trong doanh thu thuế của Mỹ, song trong những thập niên gần đây, mục này đã giảm xuống và chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu thuế của nước này.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo chính sách của ông Trump sẽ gây lạm phát vì các doanh nghiệp nhập khẩu có thể chuyển phần chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng.

Tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan "có đi có lại", dường như ám chỉ đến các quốc gia đang áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ. Tuy nhiên, ông không nêu rõ sẽ áp thuế như thế nào.

Một viễn cảnh có thể xảy ra khi đó là các đối tác thương mại toàn cầu sẽ áp thuế trả đũa, nhắm vào hàng nông sản, năng lượng và máy móc xuất khẩu của Mỹ, từ đó châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại trên toàn thế giới, gây ra sự bất ổn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Các nước vào "tầm ngắm"

Những đòn thuế quan ông Trump tung ra sau 3 tuần nhậm chức - 2

Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu (Ảnh minh họa: Marketwatch)

Những đòn thuế quan đầu tiên của ông Trump nhắm vào một số đối tác thương mại quan trọng.

Mexico và Canada là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm 2024. Canada chủ yếu xuất khẩu dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác cùng với ô tô và phụ tùng ô tô. Mexico cũng xuất khẩu nhiều mặt hàng khác nhau sang Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp và ô tô.

Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada nhằm trả đũa cho vấn đề di cư và buôn bán fentanyl, và lệnh này có hiệu lực từ ngày 4/2.

Tuy nhiên, ngay trước khi các mức thuế đó được áp dụng, ông Trump tạm hoãn thi hành lệnh cho đến ngày 1/3 trong khi chờ đàm phán với hai quốc gia này. Ngày 9/2, ông Trump cho biết không quốc gia nào đưa ra được kế hoạch hành động đủ để ngăn chặn dòng người di cư hoặc ma túy.

Trung Quốc là một trong 3 quốc gia đầu tiên bị chính quyền ông Trump áp thuế. Ông Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, và cam kết duy trì mức thuế suất này.

Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng cách áp thuế đối với một số mặt hàng của Mỹ bắt đầu từ ngày 10/2. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, hai quốc gia đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại kéo dài gây tổn hại đến cả hai nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Trump phát tín hiệu các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ là mục tiêu tiếp theo trong chương trình thuế quan của Mỹ.

Theo ông, hàng hóa của các nước này sẽ phải chịu thuế quan hoặc ông sẽ yêu cầu họ mua thêm dầu và khí đốt từ Mỹ, mặc dù năng lực xuất khẩu khí đốt của Washington đã gần đến giới hạn.

Với Nga, Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ áp thuế và thực thi lệnh trừng phạt nếu không sớm đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Một nền kinh tế lớn khác mà ông Trump nhắm tới là Ấn Độ. Ông tuyên bố sẽ sử dụng thuế quan để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại với quốc gia này. Ông cũng cảnh báo áp thuế với toàn bộ nhóm BRICS nếu họ không cam kết sẽ không tạo ra một loại tiền tệ mới.

Ngoài ra, ông Trump cho biết sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa của Colombia sau khi nước này từ chối tiếp nhận các chuyến bay chở người nhập cư bị trục xuất khỏi Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, 2 bên đã đạt được thỏa thuận.

Hàng hóa bị áp thuế

Kim loại

Ngày 10/2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, tăng từ mức 10% được áp dụng từ 2018. Ông cũng tuyên bố mức thuế này không có ngoại lệ hay miễn trừ.

"Đây là một chuyện lớn. Khởi đầu cho việc làm giàu nước Mỹ trở lại", ông Trump phát biểu khi ký sắc lệnh tại Phòng Bầu dục.

Cố vấn Thương mại Mỹ Peter Navarro cũng cho biết: "Thuế thép và nhôm 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm của chúng ta như là ngành xương sống và trụ cột của an ninh kinh tế quốc gia Mỹ".

Đây là loại hàng hóa được các nhà sản xuất ô tô, công ty hàng không vũ trụ và trong xây dựng và cơ sở hạ tầng sử dụng hiện nay.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Mỹ là nước nhập khẩu nhôm lớn nhất và nhập khẩu thép lớn thứ hai thế giới. Mỹ đã thâm hụt thương mại thép trong một thập niên qua. Một nửa khối lượng thép nhập khẩu của Mỹ đến từ Canada, Mexico và Brazil.

Chất bán dẫn

Ông Trump cho biết, ông muốn áp thuế đối với chip máy tính nhập khẩu. Tuyên bố nhắm đến các doanh nghiệp như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan TSMC vốn là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chất bán dẫn cho Nvidia, Apple cũng như các khách hàng khác của Mỹ. Năm 2024, TSMC tạo ra 70% doanh thu từ các khách hàng có trụ sở tại Bắc Mỹ.

Dược phẩm

Ngoài các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp, ông Trump cũng đề xuất áp thuế đối với các nguồn cung cấp dược phẩm. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn, bởi trong vài thập niên qua, dược phẩm nói chung được miễn thuế.

Ô tô

Chịu ảnh hưởng nhất có thể là ngành ô tô khi ông Trump đề xuất áp thuế từ 100% trở lên đối với các loại phương tiện khác, có thể bao gồm cả xe điện. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ nhập khẩu tổng trị giá 202 tỷ USD từ Canada và Mexico trong năm 2024.

Theo Marketwatch
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0