DNews

Nước cờ mạo hiểm khi Mỹ thách thức "lằn ranh đỏ" của Nga ở Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục thách thức các "lằn ranh đỏ" của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine đã đặt ra những rủi ro nhất định cho Washington.

Nước cờ mạo hiểm khi Mỹ thách thức "lằn ranh đỏ" của Nga ở Ukraine

NƯỚC CỜ MẠO HIỂM KHI MỸ THÁCH THỨC "LẰN RANH ĐỎ" CỦA NGA Ở UKRAINE

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục thách thức các "lằn ranh đỏ" của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine đã đặt ra những rủi ro nhất định cho Washington.

Vào tháng 1 năm nay, cả Washington dường như tập trung vào câu hỏi liệu Mỹ và châu Âu có gửi xe tăng tới Ukraine hay không? Họ có nên gửi không? Tại sao họ không nên làm vậy? Hành động đó có quá mạo hiểm không? Tại sao mất nhiều thời gian như thế?

Cuối tháng 1, Mỹ quyết định gửi xe tăng Abrams tiên tiến và Đức đồng ý gửi Leopard cho Ukraine. Động thái này đã mở đường cho các đồng minh châu Âu khác gửi xe quân sự cho Kiev.

Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra xung quanh các hệ thống phòng thủ tên lửa HIMARS mà Mỹ đã gửi cho Ukraine vào năm ngoái, đồng thời hé lộ các cuộc tranh luận kéo dài về việc viện trợ vũ khí sát thương của Washington cho Kiev. Bây giờ, câu chuyện này một lần nữa lặp lại đối với các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ mà Ukraine đang rất cần.

Vào đầu năm 2022, thậm chí từ trước đó, hầu hết các chuyên gia cho biết họ không bao giờ tưởng tượng rằng Mỹ sẽ gửi xe tăng Abrams hay hệ thống HIMARS cho Ukraine. Thậm chí khối lượng vũ khí khổng lồ được gửi đến Ukraine còn vượt quá tất cả các gói hỗ trợ an ninh khác của Mỹ.

Nước cờ mạo hiểm khi Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Nga ở Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Ukraine hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cho đến nay vẫn đi theo một lộ trình cẩn trọng. Sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã được kiểm soát để tránh leo thang thành xung đột hạt nhân với Nga, trong khi vẫn tạo thành mặt trận thống nhất giữa các đồng minh phương Tây để hỗ trợ cho Kiev.

Mối quan tâm chính của Mỹ trong cuộc xung đột ở Ukraine là ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân và tránh một cuộc chiến trực diện giữa NATO và Nga. Mỹ cũng có những mục tiêu khác như bảo vệ chủ quyền và luật pháp quốc tế, hay gửi tín hiệu cho các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc.

Nhưng tránh một cuộc chiến tranh toàn diện vẫn là điều kiện tiên quyết. Việc chính quyền Tổng thống Biden quyết định gửi cho Ukraine một số vũ khí nhất định đã cho thấy cách tiếp cận của Mỹ về vấn đề này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Mỹ viện trợ xe tăng từ những tháng đầu tiên khi Nga mở chiến dịch quân sự vào tháng 2 năm ngoái. Ban đầu, ý tưởng này có vẻ xa vời và được cho là có tác động dây chuyền nguy hiểm, vì có thể khiến Nga leo thang xung đột.

Mỹ cũng lo ngại lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không thể sử dụng xe tăng một cách hiệu quả và sẽ mất ít nhất một năm để chuyển giao chúng. Trong suốt mùa thu, ông Zelensky vẫn tiếp tục kêu gọi trên các phương tiện truyền thông Mỹ và trong chuyến thăm Washington, ông đã trực tiếp nêu vấn đề này với Nhà Trắng.

Vào tháng 1 năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz được cho là đã tuyên bố kín rằng, Đức sẽ gửi cho Ukraine xe tăng Leopard chỉ khi Mỹ cũng đồng ý chuyển xe tăng Abrams.

Tuy nhiên, quan chức phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, Colin Kahl, nói rằng xe tăng Abrams quá phức tạp để cung cấp cho Ukraine. Lầu Năm Góc cũng cho rằng xe tăng này sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn cho Ukraine trên chiến trường.

Nhưng cuối cùng, Mỹ đã thay đổi quan điểm và đồng ý cung cấp, dẫn đến việc Đức cũng chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine.

Vào tháng trước, quyết định của Tổng thống Biden về việc giúp Ukraine nhận máy bay chiến đấu F-16 đánh dấu một lần nữa Mỹ vượt qua "lằn ranh đỏ" do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra.

Ông chủ Điện Kremlin từng tuyên bố, việc Mỹ chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ làm xoay chuyển cuộc xung đột, đồng thời có nguy cơ đẩy Washington và Moscow vào cuộc chiến trực diện.

Bất chấp những cảnh báo của lãnh đạo Nga về "ngày tận thế", Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ để mở rộng kho vũ khí của Ukraine, từ tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, cho tới pháo phản lực cơ động cao HIMARS, các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, máy bay không người lái (UAV), trực thăng, xe tăng Abrams và sắp tới là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.

Thách thức "lằn ranh đỏ"

Các quan chức Mỹ cho rằng, lý do chính khiến chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng thách thức lằn ranh đỏ của Nga xuất phát từ việc Moscow đã không thực hiện những lời đe dọa trừng phạt nhằm vào phương Tây vì cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Sự chần chừ của Nga khiến các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu tin rằng họ có thể tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine mà không phải chịu hậu quả nghiêm trọng. 

"Nga đã nhiều lần làm suy yếu giá trị của các lằn ranh đỏ do họ đặt ra bằng cách tuyên bố rằng một hành động nào đó là không thể chấp nhận được, nhưng sau đó họ vẫn không làm gì khi hành động đó xảy ra. Vấn đề là chúng ta không biết lằn ranh đỏ (của Nga) thực sự là gì. Nó có thể thay đổi từ ngày này qua ngày khác", Maxim Samorukov, chuyên gia về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết.

Các quan chức Mỹ nhận định, quản lý nguy cơ leo thang xung đột vẫn là một trong những khía cạnh khó khăn nhất đối với Tổng thống Biden và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông. Các quan chức Mỹ cho rằng, khi quyết định cung cấp bất kỳ hệ thống vũ khí mới nào cho Ukraine, họ tập trung vào 4 yếu tố chính.

"Họ (Ukraine) có cần vũ khí đó không? Họ có thể sử dụng vũ khí đó không? Mỹ có vũ khí đó không? Phản ứng của Nga sẽ như thế nào?", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ.

Theo quan chức Mỹ, việc Nga chần chừ trả đũa Washington đã tác động đến tính toán rủi ro của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, một thân tín chủ chốt của Tổng thống Biden và là người luôn hối thúc chính quyền Mỹ cũng như các đồng minh hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.

"Điều này được tính đến trong quá trình ra quyết định của chúng tôi. Nếu chúng tôi làm điều này, nhưng không khiến tình hình leo thang hoặc đối phương không có phản ứng gì, thì chúng tôi có thể làm điều tiếp theo không? Chúng tôi liên tục cân nhắc các yếu tố này và đó là quyết định khó khăn nhất mà chúng tôi phải thực hiện", quan chức Mỹ  cho biết.

Tương tự Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng cho rằng, lợi ích của việc cung cấp thêm vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ lớn hơn nguy cơ leo thang xung đột. Do vậy, Mỹ vẫn tích cực làm việc với các đồng minh châu Âu về việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, một quan chức Nhà Trắng xác nhận.

Chính quyền Mỹ phải giải quyết những lo ngại này trong bối cảnh người dân Ukraine và những người có lập trường cứng rắn trong Quốc hội Mỹ muốn Tổng thống Biden đẩy nhanh tốc độ của việc gửi các vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine trong bối cảnh Nga vẫn tiến hành các cuộc tấn công dữ dội.

Nước cờ mạo hiểm khi Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Nga ở Ukraine - 2

Lính Ukraine vận hành pháo do Mỹ cung cấp trên chiến trường (Ảnh: AFP).

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào cố gắng "cản trở" lực lượng Nga "cần biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức và dẫn đến những hậu quả mà họ chưa từng thấy trong lịch sử". Khi cuộc chiến tiếp tục kéo dài, những cảnh báo của Nga ngày càng trở nên cứng rắn hơn.

"Nếu Nga cảm thấy sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các biện pháp phòng thủ mà chúng tôi có, và đây không phải là một trò đùa", ông Putin tuyên bố vào tháng 9 năm ngoái.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng từng nhấn mạnh: "Việc một cường quốc hạt nhân thất bại trong một cuộc chiến thông thường có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân".

Thực tế cho thấy Nga cũng có một số động thái thách thức Mỹ, như đình chỉ tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng New START, kết án tù phóng viên Evan Gershkovich của báo Wall Street Journal và ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner.

Tuy vậy, Moscow không có động thái tấn công quân sự nào nhằm vào Washington hoặc các đồng minh của Mỹ.

Theo các quan chức Mỹ, một lý do khiến Nga chưa đáp trả phương Tây dù các nước này liên tục phá vỡ lằn ranh đỏ là vì phương Tây cho rằng, sức mạnh quân sự của Nga đang suy yếu sau hơn một năm xung đột.

"Dường như Nga không có lợi khi đối đầu trực tiếp với NATO ở thời điểm hiện tại. Họ hiện không ở vị thế thuận lợi để làm như vậy", quan chức cấp cao của Mỹ cho biết thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Foreign Affairs, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, ước tính Nga đã tổn thất tới 250.000 người (bao gồm những người thiệt mạng và bị thương) kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra. Đây là một con số thương vong lớn trong bất kỳ cuộc xung đột nào.

Theo tướng Milley, Nga đã bổ sung lực lượng để bù đắp thương vong trên chiến trường, tuy nhiên lực lượng này không được huấn luyện tốt, trang bị kém và không được tổ chức tốt.

Khi tổn thất tăng lên, Nga phải điều chỉnh lại các mục tiêu chiến sự, từ nỗ lực giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev sang việc kiểm soát và sáp nhập các vùng lãnh thổ ở miền Đông và miền Nam Ukraine.

Dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn cảnh giác rằng Nga có thể leo thang xung đột ở Ukraine hoặc các nơi khác. Năm ngoái, giữa những lo ngại ngày càng tăng về việc Nga đang xem xét triển khai vũ khí hạt nhân, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo Moscow về hậu quả của động thái này.

Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục đánh giá những rủi ro trên, các nhà lãnh đạo Ukraine, bao gồm Tổng thống Zelensky, đã bày tỏ sự thất vọng một cách công khai. Họ cho rằng việc Mỹ chậm trễ hoặc trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraine khiến xung đột kéo dài, đồng thời cản trở khả năng của Kiev trong việc áp đảo quân đội Nga và chấm dứt chiến tranh.

Các nghị sĩ Cộng hòa có lập trường cứng rắn trong Quốc hội cho rằng, mối đe dọa Nga leo thang xung đột thậm chí không cần tính tới. Nghị sĩ bang Texas Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden thiếu quyết đoán khi không cung cấp các hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS cho Ukraine.

Loại vũ khí với tầm bắn lên tới 300km này luôn nằm trong danh sách mong muốn của Ukraine trong gần như toàn bộ cuộc chiến.

"Mỗi lần chính quyền Mỹ trì hoãn việc cung cấp cho Ukraine một hệ thống vũ khí quan trọng, từ Stinger đến HIMARS đến Bradley, vì lo ngại sự leo thang của Nga, họ lại được chứng minh điều đó là hoàn toàn sai lầm", ông McCaul nói.

Trong nội bộ chính quyền Tổng thống Biden, Lầu Năm Góc được cho là có lập trường thận trọng hơn Nhà Trắng hoặc Bộ Ngoại giao về việc gửi các loại vũ khí tiên tiến hơn tới Ukraine.

Theo một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng Mỹ tập trung vào việc đáp ứng những gì Ukraine cần vào những thời điểm nhất định.

Quan chức này đã đề cập đến sự tiến triển của Lầu Năm Góc từ việc cung cấp các tên lửa chống tăng như Javelin, khi các đoàn xe quân sự của Nga chuẩn bị tiến công Ukraine, cho đến việc gửi đạn pháo khi cuộc xung đột chuyển sang giai đoạn đọ sức đẫm máu từ các chiến hào, và gần đây là các cam kết của phương Tây về việc cung cấp xe tăng và máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.

Trước khi phần lớn vũ khí hoặc thiết bị của phương Tây được chuyển giao, lực lượng Ukraine trước tiên sẽ phải học cách vận hành và bảo trì những gì họ nhận được. Vào năm ngoái, các quan chức Ukraine trong nhiều tháng đã yêu cầu Mỹ viện trợ hệ thống tên lửa phòng không Patriot trị giá hàng tỷ USD.

Các quan chức Mỹ ban đầu tỏ ra chần chừ, viện dẫn những lo ngại về vấn đề đào tạo, bảo trì và kinh phí, nhưng cuối cùng vẫn đồng ý chuyển giao vào tháng 12 sau khi các cuộc tấn công tên lửa của Nga liên tục nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Tuy nhiên, một hệ thống Patriot do phương Tây tài trợ đã bị hư hại sau một cuộc tấn công của Nga vào giữa tháng 5, do vậy Ukraine vẫn cần sự hỗ trợ của Mỹ để sửa chữa.

Rủi ro tiềm ẩn

Nước cờ mạo hiểm khi Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Nga ở Ukraine - 3

Ukraine kêu gọi Mỹ cung cấp tiêm kích F-16 để đối phó chiến dịch quân sự của Nga (Ảnh: AFP).

Giới quan sát cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng vượt qua lằn ranh đỏ của Nga rõ ràng đã củng cố khả năng phòng vệ và giành lại các vùng lãnh thổ của Ukraine ở miền Đông và miền Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Nga có tiếp tục cho phép phương Tây qua mặt, thách thức các lằn ranh đỏ của Moscow mà không phải chịu hậu quả nào hay không.

"Nga có một số lằn ranh đỏ nhất định, nhưng vì chúng ta không có cách nào để biết chắc chắn lằn ranh đó là gì, nên điều này đã tạo ra rủi ro", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie về Nga và Á - Âu ở Berlin, cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng, việc Nga không leo thang hạt nhân là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể gửi bất cứ thứ gì họ muốn cho Ukraine mà không lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng. Tuy nhiên, Miranda Priebe, nhà khoa học chính trị tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nhận định Nga vẫn có thể leo thang hạt nhân và Mỹ sẽ mắc phải "sai lầm" nếu cho rằng "không có gì là giới hạn".

"Leo thang hạt nhân không phải là điều duy nhất tôi lo lắng. Nga vẫn còn rất nhiều quân bài để chơi. Họ có thể tăng cường tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine, hoặc tấn công mạng quy mô lớn", chuyên gia Priebe nhận định.

Theo Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra quyết định đúng đắn về những loại vũ khí sẽ gửi cho Ukraine trong mỗi giai đoạn của cuộc chiến. Nhưng điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ sa lầy.

"Họ (Mỹ) đang tự tạo ra tình huống khiến họ ngày càng lún sâu (vào cuộc chiến). Đó là lý do khiến họ rơi vào tình thế mà 12 tháng trước họ không hề mong muốn, khi cung cấp vũ khí có khả năng leo thang xung đột và sẽ tiếp tục đối mặt với tương lai như vậy, nhưng lại giảm động lực để thúc đẩy các ưu tiên khác như khu vực châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia Shapiro bình luận.

Shapiro, người từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng Mỹ "phải xác định những lợi ích riêng của mình, những lợi ích này có thể khác biệt hoặc trùng lặp với Ukraine, sau đó phải điều chỉnh việc viện trợ các hệ thống vũ khí theo mục tiêu của mình".

Một câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Tổng thống Biden có hoàn toàn kiểm soát được tình hình hay không, bởi ngay sau khi Mỹ thông báo gửi một hệ thống vũ khí tiên tiến mới, các cuộc tranh luận ngay lập tức nổ ra về những hệ thống tiếp theo được viện trợ.

Thành Đạt

Theo Washington Post, Vox, New York Times