Xung đột Ukraine vào giai đoạn bước ngoặt, Mỹ viện trợ thêm hơn 2 tỷ USD
(Dân trí) - Mỹ chuẩn bị công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước vào giai đoạn quan trọng.
Mỹ sắp viện trợ thêm 2 tỷ USD cho Ukraine
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin ngày 8/6 cho hay, Mỹ chuẩn bị công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine.
Theo nguồn tin này, gói viện trợ sẽ được cung cấp theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) và tập trung tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine. Gói viện trợ giúp Ukraine mua sắm các bệ phóng và tên lửa Hawk cũng như hai loại tổ hợp phòng không hiện đại Patriot gồm PAC-3 và GEM-T có khả năng đánh chặn tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay của đối phương.
Tăng cường năng lực phòng không là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ukraine ở thời điểm này khi Nga liên tục tiến hành các cuộc tập kích diện rộng bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào thủ đô Kiev và nhiều thành phố lớn ở Ukraine.
Thông tin về gói viện trợ mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Ukraine được cho là đã bắt đầu hoặc sắp bắt đầu chiến dịch phản công quy mô lớn nhằm xoay chuyển cục diện chiến sự với Nga.
Kiev thừa nhận các lực lượng của họ đang "chuyển sang hành động tấn công" ở một số khu vực, nhưng bác bỏ tuyên bố về những thất bại và tổn thất mà phía Nga đưa ra. Bộ Quốc phòng Nga hôm 7/6 nói, các đợt phản công của Ukraine trong vòng 3 ngày trở lại đây khiến Kiev mất gần 4.000 binh sĩ cùng nhiều trang thiết bị hạng nặng như xe tăng, xe chiến đấu bọc thép.
Lãnh đạo Mỹ - Anh hội đàm
Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine bước vào giai đoạn quyết định, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm qua đã có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng. Đây là chuyến công du Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak kể từ khi nhậm chức hồi cuối năm ngoái.
Tại cuộc gặp, ông Biden và ông Sunak nhấn mạnh quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng lâu dài giữa Mỹ và Anh. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định lại cam kết tiếp tục hỗ trợ cả về quân sự, tài chính cho Ukraine.
Ông Biden tin chính quyền của ông có thể thuyết phục được quốc hội ủng hộ gói viện trợ mới cho Ukraine. Tuy nhiên, ông không tiết lộ quy mô gói viện trợ này. "Tôi tin rằng chúng ta có thể hỗ trợ cho Ukraine cho đến khi nào họ còn cần", chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh. Ông cũng bày tỏ tin tưởng vào chiến dịch phản công của Ukraine.
Anh và Mỹ là hai quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Hai nước đang phối hợp nhằm tiến tới cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev, mà trước tiên là huấn luyện cho phi công của Ukraine.
Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra Tuyên bố Đại Tây Dương bao quát các vấn đề kinh tế, công nghệ, thương mại giữa hai nước trên phạm vi rộng.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, Mỹ và Anh tiếp tục tăng cường hợp tác để "xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, đa dạng và an toàn, đồng thời giảm sự phụ thuộc chiến lược" vào các quốc gia như Trung Quốc và Nga.
Hai bên cũng bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận khoáng sản cho phép một số công ty Anh tiếp cận các khoản tín dụng thuế trong Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Biden sẽ đề nghị quốc hội sửa đổi Đạo luật Sản xuất Quốc phòng nhằm mang lại những điều khoản ưu đãi cho các nhà cung cấp của Anh.