(Dân trí) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng trở nên nóng hơn với một loạt diễn biến mới từ các bên, trong đó có chiến dịch phản công thần tốc, kế hoạch sáp nhập lãnh thổ và lệnh tổng động viên một phần.
NHỮNG "NẤC THANG" MỚI CÓ THỂ XOAY CHUYỂN CỤC DIỆN CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE
Bước sang tháng thứ 8, cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng trở nên nóng hơn với một loạt diễn biến mới từ các bên, trong đó có chiến dịch phản công thần tốc của Kiev, kế hoạch sáp nhập lãnh thổ và lệnh tổng động viên một phần của Điện Kremlin.
Chỉ vài tuần trước khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang tháng thứ 8, nhiều người cho rằng cuộc xung đột này có lẽ sẽ "đóng băng" khi mùa đông khắc nghiệt đang tới gần và hai bên đều không đạt được bước tiến đáng kể nào.
Tuy nhiên, dự đoán trên đã nhanh chóng thay đổi sau khi quân đội Ukraine triển khai chiến dịch phản công thần tốc ở vùng Kharkov phía đông bắc. Ukraine tuyên bố, chỉ trong một tuần, họ giành lại được nhiều vùng lãnh thổ hơn các khu vực Nga đã kiểm soát trong 5 tháng.
Điện Kremlin đang đứng trước quyết định khó khăn: liệu có nên tuyên bố tổng động viên để bổ sung nguồn lực đang bị thiếu hụt ở Ukraine và làm thế nào để hạn chế thâm hụt ngân sách.
Ngoài giao tranh trên chiến trường, Nga cũng phải tính đến việc "vũ khí hóa" nguồn cung khí đốt cho châu Âu đến mức nào, trong bối cảnh các chính phủ phương Tây sẵn sàng chi tiêu mạnh tay nhằm giảm thiểu tác động của việc Nga giảm nguồn cung khí đốt.
Một tình huống tiến thoái lưỡng nan khác đặt ra là có những dấu hiệu ban đầu cho thấy, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang suy giảm.
Cục diện chiến sự thay đổi
Cuộc phản công bất ngờ của Ukraine ở Kharkov, kết hợp với các cuộc tiến công ở miền Nam, đã đặt ra cho Nga một số thách thức.
Khi mùa đông đến gần, Nga phải tính toán xem nên ưu tiên mặt trận nào và liệu có cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra từ đầu là kiểm soát các vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine hay không. Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea và các khu vực phía nam.
Theo CNN, việc kiểm soát khu vực Donetsk là một mục tiêu khó với Nga. 7 tháng xung đột đã để lộ những hạn chế trong công tác hậu cần của Nga. Điều này sẽ càng trở nên khó khăn hơn trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và lạnh giá vào mùa đông.
Chỉ trong vài ngày, Nga đã mất một trong 3 mũi tiến công ở Donetsk, trong khi hai mũi còn lại không đạt được tiến triển đáng kể nào kể từ cuối tháng 6.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ của Nga ở vùng Kherson phía nam Ukraine cũng đang chịu sức ép ngày càng lớn mặc dù đã được tăng cường lực lượng. Thách thức này đặt ra với Nga sau khi Ukraine thành công trong việc cắt đứt đường tiếp viện qua sông Dnipro và nhắm mục tiêu tấn công vào các sở chỉ huy và kho đạn của Nga.
Quân đội Nga không có nhiều đơn vị mới để bổ sung vào lực lượng tham chiến tại Ukraine. Quân đoàn 3 mới thành lập gần đây chủ yếu bao gồm các tiểu đoàn tình nguyện được tuyển mộ từ khắp nơi trên khắp nước Nga. Trong khi đó, các nhóm tác chiến khác vừa mới được tái thiết sau khi bị tổn thất nặng nề. Cuộc rút lui của quân đội Nga ở Kharkov, với lượng lớn khí tài quân sự bị bỏ lại, dường như là dấu hiệu cho thấy tình trạng khó khăn của Moscow.
Ukraine cũng mất hàng nghìn binh sĩ, trong đó có nhiều binh sĩ thuộc các đơn vị tinh nhuệ nhất của họ ở vùng Donbass. Một quan chức quân sự NATO nhận định, mặc dù cuộc phản công của Ukraine là động lực tinh thần to lớn cho lực lượng Ukraine, nhưng chiến dịch này khó xảy ra lần hai.
Lực lượng pháo binh và tên lửa của Nga vẫn áp đảo hơn nhiều so với Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin tuần trước thừa nhận, chiến dịch quân sự ở Donbass đang "diễn ra với tốc độ chậm, nhưng vẫn sẽ tiếp tục". Ông Putin khẳng định, quân đội Nga sẽ dần kiểm soát các vùng lãnh thổ mới ở Ukraine.
Tổng thống Putin ngày 21/9 đã phát lệnh tổng động viên một phần, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết 300.000 quân dự bị sẽ được huy động và Nga sẽ huấn luyện lực lượng này trước khi triển khai.
Trước động thái mới của Nga, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói với Reuters rằng lệnh huy động lực lượng một phần là bước đi có thể đoán trước. Theo ông Podolyak, cuộc chiến rõ ràng "không đi theo kịch bản của Nga", nên Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định như vậy.
Thủ tướng Séc Petr Fiala cho rằng, lệnh tổng động viên một phần của Nga là nỗ lực nhằm "leo thang xung đột", trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định đây là dấu hiệu cho thấy tâm lý lo lắng của Moscow. Về lý do Nga cần thêm quân, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Cuộc phản công thần tốc
Một số nhà quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể giành chiến thắng hay không. Câu trả lời phụ thuộc vào cách xác định thế nào là chiến thắng đối với Ukraine. Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chỉ đàm phán hòa bình nếu Nga rút quân và Kiev giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ bị kiểm soát, bao gồm bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.
Tướng David Petraeus, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và chỉ huy các lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq, đánh giá Ukraine có thể giành lại phần lãnh thổ mà Nga kiểm soát từ tháng 2, thậm chí có thể giành lại Crimea và Donbass. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi một cuộc chiến cam go. Nếu đây là mục tiêu của Ukraine, các đường tiếp viện sẽ bị kéo dài, các đơn vị tinh nhuệ sẽ bị phân tán. Hệ quả là, lực lượng Ukraine sẽ dễ bị phản công.
Xét cho cùng, thành công trên chiến trường của Ukraine sẽ phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ phương Tây. Các cuộc họp trong vài tuần tới sẽ xác định những kế hoạch viện trợ mới cho Ukraine, tuy nhiên kho vũ khí của nhiều nước đang có dấu hiệu cạn kiệt.
Các quan chức Mỹ cảnh giác rằng Ukraine có thể "chơi quá tay". Mỹ vẫn đặc biệt thận trọng về việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có tầm bắn hơn 80km vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng chúng để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Cho đến nay, Washington vẫn từ chối các yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp các Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300km.
Một số quan chức phương Tây lo ngại cuộc phản công của Ukraine có thể dẫn đến phản ứng khó lường từ Nga, thậm chí cả nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cựu phó Tổng thư ký NATO Rose Gottemoeller lo ngại kịch bản này có thể xảy ra, vì mục tiêu của Nga là khiến Ukraine "phải đầu hàng". Tổng thống Putin hồi tháng 2 từng cảnh báo bất kỳ quốc gia nào cản đường Nga sẽ phải đối mặt với "những hậu quả mà họ chưa từng thấy trong lịch sử".
Olga Olika, Giám đốc Chương trình châu Âu và Trung Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), tin rằng Nga sẽ không tiếp tục leo thang căng thẳng, vì "việc kích hoạt vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ vấp phải phản ứng quốc tế mạnh mẽ, bao gồm khả năng NATO can thiệp quân sự trực tiếp".
Tuy nhiên, Nga vẫn có một kho vũ khí đáng gờm, gồm tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác, có thể được sử dụng không chỉ để giành lãnh thổ mà để gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Ukraine như hệ thống điện, nước và thông tin liên lạc. Trong những ngày gần đây, Nga đã nhắm mục tiêu tấn công vào đường điện ở Kharkov và hồ chứa ở Kryviy Rih.
Kế hoạch trưng cầu dân ý
Chính quyền 4 khu vực ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk ở miền Đông và Kherson, Zaporizhzhia ở miền Nam ngày 20/9 thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga từ ngày 23-27/9. Giới chức Nga lập tức hoan nghênh quyết định này, trong khi Ukraine và phương Tây cảnh báo động thái này khiến căng thẳng leo thang.
Nếu cả 4 khu vực ở Ukraine đồng loạt sáp nhập vào Nga, động thái này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO, một kịch bản mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng có thể dẫn đến Thế chiến 3. Tatiana Stanovaya, người sáng lập tổ chức tư vấn chính trị R.Politik, nhận định, "tuyên bố trưng cầu dân ý là một tối hậu thư rõ ràng mà Nga gửi đến Ukraine và phương Tây: Hoặc Ukraine rút lui hoặc sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân".
Các chuyên gia ủng hộ Điện Kremlin hoan nghênh kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Moscow, đồng thời cho rằng Nga sẵn sàng bắt đầu một cuộc chiến tổng lực với phương Tây về vấn đề Ukraine. Các chuyên gia dự đoán việc tổ chức trưng cầu dân ý là dấu hiệu cho thấy những động thái căng thẳng hơn sắp diễn ra.
Theo Guardian, Moscow có thể đang đánh cược rằng một kế hoạch sáp nhập chính thức sẽ giúp ngăn chặn những tổn thất về lãnh thổ của Nga, sau khi cuộc phản công thần tốc giúp Ukraine giành lại vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Kharkov. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây tuyên bố họ sẽ không công nhận các cuộc sáp nhập và động thái này của Nga sẽ không ngăn cản Ukraine giành lại lãnh thổ của mình.
New York Times dẫn lời Grigorii Golosov, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học châu Âu ở St.Petersburg, nhận định kế hoạch tổ chức các trưng cầu dân ý có thể là "màn dạo đầu" cho kế hoạch leo thang quân sự ở Ukraine. Đây cũng có thể là nỗ lực nhằm khiến chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky và những người ủng hộ Ukraine bị khuất phục, đồng thời khiến phương Tây ngày càng lo ngại về nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Tuy nhiên, ông Golosov cũng để ngỏ khả năng Tổng thống Putin sẵn sàng thỏa hiệp trong bối cảnh Nga phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.
"Nhiều khả năng bằng cách tiến hành các động thái như vậy, Điện Kremlin trên thực tế sẽ cho thấy rằng họ đã sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán thực sự. Nhiều chính trị gia thường leo thang căng thẳng và đưa ra các yêu cầu trước khi bước vào một cuộc đàm phán thực sự. Đây là một chiến thuật đàm phán thông thường", ông Golosov nói thêm.
Ván bài khí đốt
Khí đốt được xem là một trong những công cụ để Nga gây sức ép với châu Âu trong bối cảnh phương Tây liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine, bất chấp cảnh báo của Moscow.
Tại một diễn đàn ở Vladivostok hồi đầu tháng, Tổng thống Putin tuyên bố: "Nga sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì trái với lợi ích của chúng tôi. Không khí đốt, không dầu mỏ, không than đá, không nhiên liệu, không có gì cả".
Hai nhà phân tích Ivo Daalder và James Lindsay nhận định trên tạp chí Foreign Affairs rằng, Tổng thống Putin hy vọng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ sụp đổ vì cái giá phải trả cho chiến tranh quá đắt, bao gồm thiếu hụt năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện cao gấp 10 lần so với một năm trước. Trong 3 tháng đầu xung đột, xuất khẩu năng lượng mang về cho Nga khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày. Các lệnh trừng phạt dường như chỉ tác động đến Nga về dài hạn, còn ở thời điểm hiện tại Moscow vẫn trụ vững.
Tuy nhiên, mùa đông sắp tới sẽ là phép thử cho ván bài năng lượng của Nga. Các nước châu Âu không sẵn sàng nhượng bộ và tìm kiếm sự thỏa hiệp. Họ đặt ra mục tiêu tăng chi nhiều hơn để bảo vệ người tiêu dùng và triển khai chiến lược dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Sau khi lùng sục khắp thế giới để tìm các nhà cung cấp thay thế, họ đã tích lũy được nguồn dự trữ năng lượng nhất định.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy nguồn thu của Nga từ giá dầu và khí đốt tăng vọt có thể sẽ sớm kết thúc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng dầu của Nga vào tháng 2 năm sau sẽ thấp hơn 17% so với mức trước xung đột, sau khi các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực.
Triển vọng hòa bình
Cả Nga và Ukraine đều phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài tới mùa đông, thay vì tìm kiếm triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình chấm dứt chiến tranh.
"Nga sẽ làm mọi thứ để chấm dứt xung đột ở Ukraine càng nhanh càng tốt, nhưng Kiev đã từ chối đàm phán", Tổng thống Putin nói tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 16/9. Ông Putin khẳng định, mục tiêu của Nga vẫn là "giải phóng Donbass" và "không có gì phải vội vàng".
Trong khi đó, phía Ukraine vẫn kiên quyết không đàm phán với Nga cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chỉ đàm phán khi Nga rút quân và toàn bộ lãnh thổ được giải phóng.
Với tình hình chiến sự hiện tại, Ukraine càng có ít động lực để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn với Nga, trong khi Điện Kremlin cũng không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nếu 1/3 vùng Donbass vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
David Petraeus, cựu Giám đốc CIA và tướng quân đội Mỹ nghỉ hưu, tin rằng Nga đang đối mặt với một tình huống khó khăn về quân sự. Ông nói rằng Nga đang "cạn kiệt" binh lính, đạn dược, xe tăng, xe chiến đấu…
Một quan chức quân sự NATO nhận định Tổng thống Putin có thể sẽ phải suy nghĩ lại vào mùa xuân tới "nếu NATO vẫn đoàn kết trong vấn đề năng lượng vào mùa đông và nếu Ukraine tiếp tục chiến đấu". Tuy nhiên, quan chức này cho rằng Nga sẽ không đàm phán sớm hơn, vì mùa đông lạnh giá cho đến nay vẫn là "vũ khí mạnh nhất" của Moscow.
Thành Đạt
Theo New York Times, Guardian, Reuters