(Dân trí) - Cuộc phản công bất ngờ của quân đội Ukraine tại tỉnh Kharkov đã để lại nhiều bài học quý cho giới phân tích quân sự về nghệ thuật tác chiến và sử dụng vũ khí trong chiến tranh hiện đại.
CUỘC PHẢN CÔNG Ở KHARKOV: 3 BÀI HỌC VỀ TÁC CHIẾN TRONG CHIẾN TRANH HIỆN ĐẠI
Cuộc phản công bất ngờ của quân đội Ukraine tại tỉnh Kharkov đã để lại nhiều bài học quý cho giới phân tích quân sự về nghệ thuật tác chiến và sử dụng vũ khí trong chiến tranh hiện đại.
Ngày 11/9, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã rút quân khỏi nhiều địa điểm tại tỉnh Kharkov của Ukraine sau chiến dịch phản công chớp nhoáng và đầy bất ngờ của Kiev tại tỉnh miền Đông Bắc Ukraine.
Chiến dịch này được giới quan sát nhận định là thách thức lớn nhất mà quân đội Nga từng phải đối mặt kể từ khi phát động chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Thành công của quân đội Ukraine tại Kharkov đã để lại một số bài học về nghệ thuật tác chiến và sử dụng vũ khí trong chiến tranh hiện đại.
Chiến thuật "dương đông kích tây"
"Hơn 3.000 km2 lãnh thổ đã trở về với Ukraine kể từ đầu tháng 9 tới nay. Tại khu vực Kharkov, chúng tôi đã tổ chức tiến công theo cả 3 hướng nam, đông và bắc. Các binh sĩ Ukraine đang tiến về biên giới Nga và chỉ cách khu vực khoảng 50km", Đại tướng Valery Zaluzhny, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, thông báo hôm 11/9.
Nhiều chuyên gia quân sự, trong đó có Giáo sư Benjamin Jensen từ Đại học Thủy quân Lục chiến Mỹ, nhận định rằng chiến thuật "dương đông kích tây" chính là một trong những yếu tố then chốt dẫn đến thành công vang dội của quân đội Ukraine ở Kharkov.
Theo Giáo sư Jensen, trong chiến tranh hiện đại, với sự hỗ trợ của những công nghệ do thám vệ tinh ưu việt cũng như dòng thông tin liên tục được đăng tải và cập nhật trên mạng xã hội, chiêu bài "tung hỏa mù" nhằm che giấu một kế hoạch tấn công lớn tưởng chừng như đã hết thời. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã chứng minh điều ngược lại trong chiến dịch phản công tại vùng Đông Bắc Ukraine.
Trước khi đột ngột chuyển hướng sang Kharkov, trong nhiều tháng trời, giới chức lãnh đạo và các chỉ huy quân đội Ukraine đã liên tục nói về một chiến dịch phản công lớn tại khu vực Kherson ở miền Nam nước này.
Với sự hỗ trợ của các pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ viện trợ, pháo binh Ukraine cũng dồn dập tấn công vào các cây cầu và chốt vượt sông tại Kherson nhằm chặn đứng tuyến đường tiếp vận cho các lực lượng thân Nga tại khu vực này. Nhiều kho đạn, trung tâm chỉ huy thậm chí là các căn cứ quân sự của Nga tại Kherson và bán đảo Crimea cũng bị tập kích.
Kế hoạch đánh lạc hướng trên có thể đã khiến các chỉ huy của quân đội Nga lầm tưởng về việc Kiev chuẩn bị tấn công lớn vào phòng tuyến miền Nam Ukraine của Moscow.
Từ cuối tháng 7, Nga đã điều động về Kherson một lượng lớn khí tài quân sự cùng binh sĩ nhằm gia cố tuyến phòng thủ tại tỉnh miền Nam Ukraine này. Nhiều lực lượng đặc biệt tinh nhuệ và được huấn luyện chiến thuật chống phản công bài bản cũng được Moscow chuyển đến Kherson, trong đó có một số đơn vị đang được đóng quân tại Kharkov.
Những tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm giải phòng Kherson của Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các quan chức thân cận càng củng cố thêm lòng tin về một trận phản công quy mô lớn vào phòng tuyến phía Nam của quân đội Nga.
Trong lúc đó, Ukraine vẫn âm thầm duy trì một lực lượng tăng thiết giáp cùng bộ binh cơ động tại lưu vực sông Dnieper, vị trí trung tâm của 3 chiến trường trọng điểm ở Kherson, Donbass và Kharkov. Các vũ khí uy lực và hiện đại cũng được lặng lẽ chuyển về đây nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng này.
Động thái trên cho phép quân đội Ukraine có một sự lựa chọn linh hoạt trong các phương án tấn công trong khi vẫn bảo đảm được an toàn thông tin cho chiến dịch bí mật tại Kharkov.
Giáo sư Jensen khẳng định quân đội Ukraine đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch tấn công Kharkov. Trong một phát biểu sau khi quân đội Nga rút đi, ông Vitaly Ganchev, lãnh đạo chính quyền do Nga lập nên tại Kharkov, thừa nhận cuộc tiến công của Ukraine "sắc bén và nhanh" do được tổ chức tốt.
Bên cạnh đó, một số nguồn tin tiết lộ rằng một phần kế hoạch của Kiev là truy quét những người chỉ điểm ở các khu vực do Ukraine kiểm soát ở Kharkov, để ngăn họ chuyển thông tin về sự chuẩn bị của Ukraine ở Kharkov.
"Họ bị truy quét. Họ chủ yếu là thường dân Ukraine nhưng cũng có một số đặc tình của Nga hoạt động dưới danh nghĩa dân thường. Người Nga vì vậy đã không biết chuyện gì đang xảy ra tại Kharkov", nguồn tin này cho hay.
Kế hoạch bí mật nhưng không kém phần táo bạo và được lên kế hoạch kỹ lưỡng trên đã giúp Ukraine giành được ưu thế áp đảo tại chiến trường Kharkov. Lực lượng phòng thủ mỏng và bị động của Nga tại đây đã không thể giữ vững được trận địa trước sức tiến công mạnh mẽ của quân đội Ukraine.
Đến ngày 11/9, lực lượng này đã buộc phải rút lui về phía bên kia biên giới Nga hoặc "tái tổ chức" lại tại các khu vực do Moscow kiểm soát ở Donbass.
Vai trò được khẳng định của các UAV cảm tử
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khẳng định vai trò không thể thay thế của các máy bay không người lái (UAV) trong chiến tranh hiện đại.
Tại Kharkov, quân đội Ukraine đã thể hiện sự thuần thục trong việc sử dụng UAV, đặc biệt là UAV cảm tử trong nhiệm vụ thực hiện những đòn tấn công chính xác nhằm vào xe bọc thép, đài radar, cứ điểm chỉ huy và cả chốt phòng ngự của binh sĩ Nga tại Kharkov.
Chiến thuật này tuy không mới nhưng lại rất hiệu quả khi nó khiến lực lượng Nga vốn đã rất mỏng phải căng mình để đối phó. Nhiều xe quân sự của Nga đã bị các UAV Ukraine tiêu diệt hoặc phá hủy, dẫn đến việc hơn một nửa trang thiết bị khí tài của các lực lượng phòng thủ thân Nga đã bị bỏ lại sau khi lực lượng này rút khỏi Kharkov.
Bên cạnh các UAV hiện đại như Switchblade 300, Phoenix Ghost hay Warmate được phương Tây viện trợ, trong thời gian qua, các lực lượng Ukraine cũng tăng cường mua sắm và hoán cải các UAV thương mại cho mục đích tìm mục tiêu, chỉ đạo hỏa lực, đánh giá chiến trường cũng như thả lựu đạn hoặc bom vào mục tiêu Nga ở Kharkov.
Các video do quân đội Ukraine đăng tải cho thấy các UAV thương mại, giá rẻ của nước này mang theo vũ khí lao vào mục tiêu của Nga.
UAV có thể tấn công với độ chính xác cao, thả lựu đạn vào chiến hào và thậm chí lao vào cửa xe quân sự đang mở. Các UAV này cũng có thể hoạt động với cơ chế như một quả bom có khả năng bay lảng vảng trên không và tấn công mục tiêu trên mặt đất khi nhận được lệnh.
Ưu điểm của các dòng UAV cải tiến này là giá thành rẻ hơn nhiều so với các UAV vũ trang do các nhà thầu quân sự sản xuất. Thêm vào đó, chúng sẽ có khả năng tấn công mục tiêu hiệu quả hơn so với việc ném lựu đạn vào mục tiêu đối thủ. Mặt khác, chúng cũng giảm thiểu thiệt hại về nhân lực trong khi đưa được vũ khí tiến gần mục tiêu đối thủ.
Các UAV của Ukraine thường tấn công theo cặp. Một chiếc UAV thường có nhiệm vụ khảo sát hiện trường và tìm kiếm mục tiêu. Chiếc UAV thứ 2 được trang bị vũ khí sẽ làm nhiệm vụ tấn công.
Nhận thấy độ hiệu quả trong tác chiến ngày càng tăng của UAV trong xung đột với Nga, quân đội Ukraine đã lên kế hoạch kêu gọi tài trợ để thành lập một binh đoàn máy bay không người lái với nhiệm vụ trinh sát cảnh giới và tấn công tiêu diệt sinh lực của các lực lượng thân Nga.
Nhận xét về điểm mạnh của các UAV Ukraine, giáo sư Michael Clarke từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh nói: "Các máy bay không người lái của quân đội Ukraine có một đặc tính nổi bật là giá thành rẻ. Do đó, quân đội Ukraine có thể huy động một lực lượng lớn UAV để tấn công các phương tiện quân sự đắt tiền của Nga. Những đòn tấn công này tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và đặc biệt an toàn cho các binh sĩ Ukraine".
Phương án xử lý khí tài quân sự khi rút lui
Việc rút quân vội vàng ra khỏi Kharkov đã khiến quân đội Nga phải đối mặt với nguy cơ lộ những bí mật quân sự do nhiều khí tài có giá trị của lực lượng này đã bị các binh sĩ Ukraine thu giữ.
Theo ông Anton Gerashchenko, một cố vấn tại Bộ Nội vụ Ukraine, lực lượng Nga dường như đã bỏ lại một nửa khí tài quân sự ở Kharkov khi rút lui nhanh chóng khỏi các thành phố chiến lược ở tỉnh Kharkov.
Những vũ khí bị thu giữ kể trên, bao gồm cả radar phản pháo Zoopark-1M, tổ hợp UAV Orlan-10 cùng đài chỉ huy và tài liệu hướng dẫn sử dụng, xe chỉ huy hỏa lực 1B14, mìn chống tăng PTKM-1R hay tên lửa phòng không "Ong bắp cày" Osa-AKM, đều chứa đựng nhiều công nghệ quân sự của Nga. Nếu các công nghệ này bị quân đội Ukraine giải mã và qua đó tìm ra biện pháp khắc chế, kế hoạch tác chiến của Moscow tại Ukraine chắc chắn sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức.
Đặc biệt, siêu tăng T-90M "Proryv", một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực mới và hiện đại nhất trong biên chế quân đội Nga cũng đã bị các binh sĩ Ukraine phát hiện và thu giữ tại tỉnh Kharkov. Theo quân đội Ukraine, xe tăng bị bỏ lại trên thuộc về lữ đoàn bộ binh cơ giới mang tên Tamanskaya tinh nhuệ của Nga.
Được phát triển bởi phòng thiết kế chế tạo máy vận tải Urals, T-90M "Proryv" là phiên bản cải tiến uy lực của dòng xe tăng T-90 chủ lực của quân đội Nga.
Xe tăng này được trang bị nhiều công nghệ mới và vô cùng hiện đại như hệ thống quan sát đa kênh và trao đổi thông tin tác chiến thời gian thực, lớp phủ Nakidka có khả năng hấp thụ sóng radar, giáp phản ứng nổ tiên tiến Relikt hay hệ thống phòng vệ Shtora-M.
Việc bỏ lại một cách nguyên vẹn những khí tài trên khiến nhiều người bày tỏ sự lo ngại về việc nhiều công nghệ quân sự hiện đại của Nga sẽ rơi vào tay không chỉ quân đội Ukraine mà còn là lực lượng tình báo nhiều nước đồng minh phương Tây của Kiev.
Theo giới quan sát, binh sĩ Nga đã quên một nguyên tắc tối quan trọng trong chiến tranh hiện đại, đó là phá hủy các trang thiết bị quân sự trước khi rút lui nhằm tránh để đối phương thu thập các thông tin tình báo hữu dụng. Đây sẽ là một bài học sâu sắc cho quân đội Nga trong các giai đoạn sắp tới của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tùng Nguyễn
Theo Asia Times, Guardian, Defense Express
20/09/2022