1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế khó của Nga trước chiến dịch phản công của Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Các vấn đề về quân đội, hậu cần cộng với tổn thất trang thiết bị quân sự có thể khiến quân đội Nga gặp khó khăn khi duy trì các vùng lãnh thổ đã kiểm soát trong chiến sự tại Ukraine.

Thế khó của Nga trước chiến dịch phản công của Ukraine - 1

Các phương tiện quân sự bị phá hủy gần Balakliya, thuộc vùng Kharkov của Ukraine hôm 10/9 (Ảnh: AFP).

Việc Ukraine nhanh chóng bất ngờ phản công giành lại hàng nghìn km2 vùng lãnh thổ ở đông bắc đã làm dấy lên viễn cảnh quân đội Nga đang rơi vào thế khó khăn và khó có thể sẽ tiếp tục chiến đấu lâu dài hơn nữa.

Hôm 13/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đã giành lại 6.000km2 lãnh thổ ở phía đông và nam kể từ đầu tháng 9/2022. 

Các quan chức Ukraine lập tức gọi đây là bước ngoặt đưa cuộc xung đột sang giai đoạn mới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả Kiev đã đạt được "bước tiến đáng kể" nhưng vẫn thận trọng cho rằng "còn quá sớm để nói chính xác điều này sẽ dẫn đến đâu".

Bởi thế trận trên thực địa cũng cho thấy, Kiev đang ngày càng phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây hơn trong cuộc chiến đối đầu với Moscow.

Nga gặp khó khăn

Theo Washington Post, thực tế cho thấy những hạn chế của quân đội Nga trong việc bảo vệ các vùng lãnh thổ tại Ukraine mà Moscow nắm giữ. Các lực lượng Nga dường như đang gặp khó khăn nhất kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2.

Khi các lực lượng Ukraine giành lại những lợi ích đó ở phía đông, Nga phải đối mặt với những trở ngại trong việc bổ sung nhân lực và vũ khí quân sự đã bị hỏng và xuống cấp ở bất kỳ mức độ nào để tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường.

Đây được xem là cơ hội cho các lực lượng Ukraine. Mặc dù đang bị thiệt hại đáng kể, Ukraine vẫn hy vọng giành được nhiều lãnh thổ hơn trước khi mùa đông đến gần.

Thế khó của Nga trước chiến dịch phản công của Ukraine - 2

Một xe tăng Nga bị hư hại tại Kharkov, Ukraine (Ảnh: AP).

Lợi ích hơn nữa cho Ukraine - đặc biệt là xung quanh thành phố Kherson ở phía nam - là thế phản công của Kiev sẽ gia tăng áp lực lên tinh thần binh sĩ Nga và gia tăng áp lực lên nhà lãnh đạo nước này.

Thực tế là, đà phản công của Ukraine khiến một số người Nga có thể băn khoăn về chiến dịch quân sự ở nước này, trong khi số khác kêu gọi Điện Kremlin quyết liệt hơn.

Trong nhiều tháng qua, các quan chức, nhà bình luận trên truyền hình Nga mô tả chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang phát huy hiệu quả, dần đạt được các mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa".

Nhưng cuộc rút lui gần đây của lực lượng Nga ở Kharkov, đông bắc Ukraine, với hàng loạt khí tài hạng nặng bị vứt bỏ, đã khiến người dân nước này nổ ra những tranh cãi.

Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự Nga tại nhóm nghiên cứu CNA có trụ sở tại Virginia (Mỹ), cho rằng thế trận của Nga xung quanh Kharkov trong những ngày gần đây "phản ánh các vấn đề cơ cấu về nhân lực và tinh thần chiến đấu giảm sút trong quân đội Nga, vốn đã bị kéo căng quá mức trên chiến tuyến quá dài tại Ukraine".

Theo giới chuyên gia quân sự, áp lực đối với Moscow ngày càng gia tăng, nhất là khi tinh thần chiến đấu giảm sút và khả năng phối hợp kém. Hai điểm yếu lực lượng Nga bộc lộ rõ khi đối mặt sự phản công của Ukraine.

Việc rút lui nhanh chóng xung quanh Kharkov cũng khiến Nga mất những thiết bị quan trọng khó thay thế.  Theo ước tính sơ bộ, Nga đã mất 40 xe tăng, 50 xe bộ binh, 35 xe bọc thép và hai máy bay phản lực.

Cục diện chiến trường hiện nay đang đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thế khó, khi ông phải đối mặt với trở ngại trong nỗ lực tăng quân số và khí tài để bù đắp cho những tổn thất sau gần 7 tháng xung đột.

Theo chuyên gia này, sắc lệnh tăng quy mô quân đội mà Tổng thống Putin ký hồi tháng trước có thể tạo ra thế trận vững vàng, chủ động trong năm tới. Nhưng vấn đề là Moscow đang thiếu lực lượng trong ngắn hạn để bảo vệ lãnh thổ ở phía nam Ukraine trong khi vẫn chịu áp lực phải duy trì đà tiến công ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Ukraine có thể duy trì lợi thế?

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu Chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, những gì đang diễn ra là kết quả từ nhiều tháng nỗ lực, lên kế hoạch và chuẩn bị của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, nhằm phá vỡ hậu cần của Nga, phá hủy các sở chỉ huy, pháo và kho đạn, khiến họ suy yếu và dễ dàng bị phản công.

Thế khó của Nga trước chiến dịch phản công của Ukraine - 3

Nga đã nắm quyền kiểm soát Kherson từ ngay sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, theo ông, chìa khóa bây giờ là "liệu người Ukraine có thể duy trì điều này không?".

Tướng Hodges cho rằng, lợi thế của Ukraine là các đối tác phương Tây của Ukraine sẽ tiếp tục gửi vũ khí và thông tin tình báo tới Kiev để các lực lượng Ukraine có thể tiếp tục gây áp lực với quân Nga. Nhưng để duy trì hoạt động này với tình trạng cạn kiệt nhiên liệu, đạn dược và cả nhân lực là một thách thức quá lớn với Ukraine. 

Trọng tâm của quân đội Ukraine có thể sẽ chuyển sang Kherson, thành phố ở phía nam, nơi các lực lượng Nga đang bảo vệ một vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương ở phía đông sông Dnepr. Các nhà phân tích cho biết, Moscow đã điều động các đơn vị tinh nhuệ đến khu vực này để bảo vệ thành trì, và điều này sẽ gây khó khăn cho Kiev.

"Điều tiếp theo mà Nga muốn làm là đảm bảo mọi thứ không sụp đổ ở Kherson", Dara Massicot, một nhà phân tích quân sự Nga tại Rand Corp cho biết. "Tôi nghĩ họ sẽ rất khó phục hồi nếu chịu hai thất bại nhanh chóng liên tiếp".

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích và cả quan chức Mỹ vẫn tỏ ra rất thận trọng về một bước ngoặt của Ukraine trong những ngày tới.

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm