DNews

Ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine "đốt nóng" mặt trận Biển Đen

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Nga và Ukraine đều triển khai nguồn lực để tăng cường hoạt động tấn công và phòng thủ trên Biển Đen, biến khu vực chiến lược này thành "điểm nóng" trong cuộc xung đột ở mặt trận phía nam.

Ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine "đốt nóng" mặt trận Biển Đen

Mối nguy hiểm ở khu vực Biển Đen đã leo thang lên một tầm cao mới sau khi không quân Ukraine tập kích thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea vào ngày 20/9 và 22/9. Cuộc tấn công đã làm hư hại trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga.

Cuộc tấn công do máy bay Su-24 của Ukraine, sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow của Pháp - Anh, thực hiện. Kiev tuyên bố các cuộc tấn công là một phần của "Chiến dịch Bẫy Cua" (Operation Crab Trap) do lực lượng không quân và lực lượng đặc nhiệm phối hợp thực hiện.

Phía Ukraine tuyên bố 34 binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công, trong đó có Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Viktor Sokolov. Tuy nhiên, vào ngày 26/9, ông Sokolov xuất hiện tại một cuộc họp của các chỉ huy cấp cao Bộ Quốc phòng Nga, bác bỏ tuyên bố trước đó của Ukraine. Theo báo cáo chính thức của Nga, một quân nhân đã mất tích trong cuộc tấn công.

Ukraine đã chuẩn bị và lên kế hoạch tấn công từ trước, triển khai các nhiệm vụ trinh sát và máy bay không người lái để đối phó với các hệ thống phòng không của Nga. Cả người phát ngôn chính thức và các "nguồn tin" không chính thức đều cho rằng việc tấn công Hạm đội Biển Đen hoặc đẩy lực lượng này khỏi Crimea là mục tiêu chiến lược của Ukraine.

Theo hãng tin RT (Nga), mục tiêu của Ukraine được đánh giá là quá tham vọng, đặc biệt khi xét đến việc Ukraine không thể cắt đứt hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea và lục địa Nga, mà lại khiến xung đột leo thang hơn nữa.

Bối cảnh xung đột ở Biển Đen

Ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine đốt nóng mặt trận Biển Đen - 1

Các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen Nga tham gia lễ kỷ niệm Ngày Hải quân tại thành phố cảng Novorossiysk hồi tháng 7 (Ảnh: Sputnik).

Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014, Ukraine đã mất quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Biển Đen mà nước này được thừa hưởng từ Liên Xô.

Mặc dù tuyên bố sẽ giành lại Crimea, nhưng lực lượng vũ trang Ukraine vẫn tập trung vào vùng Donbass ở miền Đông, nơi một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Kiev nổ ra vào mùa xuân năm 2014. Do có ngân sách quân sự tương đối thấp, Ukraine ưu tiên chi cho lực lượng mặt đất.

Tuy nhiên, Kiev cảm thấy cần phải bù đắp cho ảnh hưởng đã bị mất ở các khu vực Biển Đen và Biển Azov quan trọng. Vào năm 2014, Ukraine đã phát triển và sản xuất tên lửa hành trình Neptune. 8 năm sau, những tên lửa này đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tập kích của Ukraine vào khu vực Biển Đen.

Vài tuần trước khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, Ukraine bị cáo buộc rải mìn trên biển để ngăn Hạm đội Biển Đen của Nga thực hiện các hoạt động đổ bộ. Tuy nhiên, kế hoạch của Ukraine không thành công. Nhiều quả mìn đã trôi dạt về phía các quốc gia khác và một số dân thường thiệt mạng.

Bắt đầu từ ngày 24/2/2022, khu vực Biển Đen trở thành một trong những hướng tấn công chính của Nga. Moscow nắm quyền kiểm soát Đảo Rắn, khu vực có tầm quan trọng chiến lược nằm gần đồng bằng sông Danube và Kinburn Spit (ngăn chặn hoàn toàn sông Southern Bug và thành phố Nikolaev).

Tuy nhiên, quân đội Nga không thể kiểm soát hoàn toàn tất cả cơ sở hạ tầng ở khu vực Biển Đen, bao gồm cảng và nhà máy đóng tàu Nikolaev, căn cứ hải quân Ochkov, các cảng ở Odessa và sông Danube.

Điều này khiến Ukraine vẫn giữ được ảnh hưởng trong khu vực và dần tập hợp đủ lực lượng để đáp trả Nga. Vào ngày 14/4/2022, Ukraine tuyên bố đánh chìm tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, bằng tên lửa Neptune. Ngay sau đó, lực lượng Nga rời Đảo Rắn.

Sau đó, khu vực Biển Đen chứng kiến một giai đoạn căng thẳng hạ nhiệt nhờ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận này nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách đảm bảo xuất khẩu cả ngũ cốc của Ukraine và Nga, cũng như phân bón của Nga.

Theo thỏa thuận, Kiev được yêu cầu không sử dụng hành lang Biển Đen và cơ sở hạ tầng cảng cho mục đích quân sự và Liên hợp quốc phải đảm bảo hàng hóa của Nga sẽ được tiếp cận thị trường quốc tế.

Vào tháng 7, căng thẳng được cho là leo thang đỉnh điểm. Sau khi Ukraine thực hiện một số cuộc tấn công vào Crimea và Nga gặp vấn đề về xuất khẩu, Moscow tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Các đảm bảo về an toàn hàng hải ở Biển Đen đã bị hủy bỏ và vùng biển phía tây bắc của khu vực này được tuyên bố là vùng nguy hiểm. Cả hai bên đều đưa ra cảnh báo đối với các tàu đi vào các cảng của mỗi nước trên Biển Đen. Sau đó, tình hình trong khu vực bắt đầu leo thang.

Giá trị địa chiến lược của khu vực Biển Đen

Ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine đốt nóng mặt trận Biển Đen - 2

Bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine (Ảnh: BBC).

Các cảng ở Odessa đã trở thành lựa chọn phù hợp cuối cùng của Ukraine, đặc biệt là sau khi nước này mất quyền kiểm soát Mariupol. Một phần đáng kể hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, đều đi qua các cảng này.

Khu vực này cũng có thể được sử dụng để vận chuyển vũ khí vì việc vận chuyển bằng đường biển nhanh hơn và ít tốn kém hơn, cùng với đó là khả năng triển khai lực lượng nước ngoài ở Ukraine trong trường hợp cần thiết. Điều tương tự cũng xảy ra với cơ sở hạ tầng cảng trên phần sông Danube của Ukraine, nơi kết nối nước này với Trung Âu.

Các mỏ hydrocarbon cũng nằm giữa Crimea và Odessa. Cơ sở hạ tầng để khai thác các mỏ này thuộc về công ty dầu khí Chernomorneftegaz của Ukraine cho đến tháng 3/2014, khi Nga thiết lập quyền kiểm soát công ty này. Sau khi xung đột nổ ra, các giàn khoan có tên gọi Tháp Boyko đã được sử dụng để lắp đặt các thiết bị điện tử. Vào ngày 13/9, Tổng cục Tình báo Ukraine thông báo Ukraine đã giành quyền kiểm soát các tòa tháp.

Đối với Nga, việc kiểm soát Crimea và Sevastopol đóng vai trò rất quan trọng để duy trì ảnh hưởng của Moscow ở Biển Đen. Đây là nơi đặt cơ sở hạ tầng chính của Hạm đội Biển Đen và bộ chỉ huy của hạm đội. Hơn nữa, sau khi bắt đầu chiến sự vào tháng 2/2022, Crimea đã trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng và là "hậu phương tác chiến" cho quân đội Nga được triển khai ở các khu vực Kherson và Zaporizhia.

Ukraine tăng cường lực lượng ở Biển Đen

Ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine đốt nóng mặt trận Biển Đen - 3

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo ở Zaporizhia (Ảnh: Reuters).

Ukraine bắt đầu tăng cường tập kích vào Crimea từ mùa hè năm 2022. Ngày 31/7, lực lượng Ukraine đã thả một thiết bị nổ xuống trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol bằng máy bay không người lái (UAV). Ban đầu, các cuộc tập kích như vậy hiếm khi xảy ra và thường nhằm mục đích gây nhiễu loạn thông tin. Tuy nhiên sau đó, các cuộc tập kích dần trở nên thường xuyên hơn.

Các loại vũ khí được sử dụng cho các cuộc tấn công cũng tăng lên. Vào ngày 29/10, Kiev tiến hành cuộc tấn công bằng UAV và xuồng không người lái vào Sevastopol.

Sau khi nhận được tên lửa hành trình từ các nước NATO, Ukraine đã sử dụng chúng trong các cuộc tập kích vào Crimea. Ukraine đã gây áp lực lên các hệ thống phòng không của Nga bằng việc phóng kết hợp các UAV giá rẻ và các tên lửa hành trình phức tạp và đắt tiền hơn. Kiev tuyên bố đã phá hủy một số tổ hợp phòng không S-400, nhưng chưa bao giờ đưa ra bằng chứng cụ thể.

Vụ việc đáng chú ý nhất xảy ra vào ngày 22/9 khi Ukraine tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen. Điều này chứng tỏ khả năng của Kiev trong việc tấn công các mục tiêu chiến lược quan trọng ở Crimea.

Vào mùa hè, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine thừa nhận cơ quan này có liên quan đến vụ tấn công trên cầu Crimea, được thực hiện bằng cách đặt hàng hóa có chất nổ ngụy trang vào một chiếc xe tải. Hậu quả của vụ tấn công là 5 dân thường thiệt mạng, bao gồm tài xế.

Ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine đốt nóng mặt trận Biển Đen - 4

Ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên tại trụ sở Hạm đội Biển Đen Nga sau trận tập kích hồi tháng 9 (Ảnh: Reuters).

Mục tiêu của các cuộc tấn công vào Crimea được cựu trợ lý tổng thống Ukraine, ông Aleksey Arestovich, nêu rõ trong một tuyên bố.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Crimea là một căn cứ hậu phương với 5 sân bay quân sự, kho đạn dược và nhiên liệu khổng lồ cùng các điểm kiểm soát. Tất cả mục tiêu này phải bị phá hủy và toàn bộ Hạm đội Biển Đen sẽ không còn đóng ở Crimea. Nếu họ chuyển đến Novorossiysk, chúng tôi cũng sẽ theo họ đến đó", ông Arestovich cho biết.

Nhà phân tích Cristian Segura của El Pais cũng chỉ ra 3 mục đích của Ukraine khi tập kích Crimea.

Thứ nhất, phá hủy chuỗi hậu cần của quân đội Nga ở Crimea. Nguồn lực cho quân đội Nga ở mặt trận phía nam Ukraine đều đi qua bán đảo Crimea. Các đơn vị bộ binh của hạm đội Nga ở Crimea tham gia bảo vệ các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Kherson và Zaporizhia. Đó là lý do Ukraine nhấn mạnh vào việc phá hủy các kho nhiên liệu và căn cứ của Nga, cũng như các cuộc tấn công vào cầu Chonhar, nối bán đảo Crimea với tỉnh Kherson, và đặc biệt là cầu Kerch, con đường duy nhất nối Crimea với lục địa Nga.

Thứ hai, Ukraine muốn làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga. Chiến thuật của Ukraine ở Crimea tương tự chiến thuật của Nga trong các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine: đầu tiên, máy bay không người lái được triển khai để "hút" đạn dược bắn trả từ các khẩu đội phòng không của đối phương, sau đó, phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu. Các thiết bị phòng không rất đắt đỏ và mất nhiều thời gian để sản xuất, và Nga buộc phải triển khai các hệ thống này. Trong trường hợp Ukraine tấn công Crimea và Nga phải triển khai các hệ thống phòng không mới trên bán đảo, họ phải lấy các hệ thống này từ nơi khác.

Thứ ba, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov từng tuyên bố các cuộc tập kích sẽ "cắt hạm đội Biển Đen của Nga thành từng mảnh". Ukraine đang buộc Moscow phải hành động thận trọng hơn ở Biển Đen do tàu của nước này dễ bị tấn công bởi tên lửa Neptune và xuồng không người lái.

Ukraine đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu của nước này là giành lại bán đảo Crimea. Tuy nhiên, hoạt động trên bộ của Ukraine ở Zaporizhia, nhằm cắt đứt hành lang đất liền tới Crimea, đã thất bại mà không đạt được bất kỳ thành công nào về mặt chiến thuật. Quân đội Ukraine cho đến nay chỉ có thể chiếm được ngôi làng Rabotino.

Các cuộc tấn công quy mô lớn và được lên kế hoạch bài bản của Ukraine vào tháng 8 và tháng 9 không liên kết với hoạt động của lực lượng trên bộ. Điều này khiến chúng kém hiệu quả hơn, vì các cuộc tấn công vào trụ sở và cơ sở hạ tầng của Hạm đội Biển Đen không trùng khớp với "Trận chiến giành Crimea" do các quan chức cấp cao Ukraine công bố. Thay vì gieo rắc sự hoảng loạn ở hậu phương Nga và gây căng thẳng cho bộ chỉ huy quân sự Nga, các cuộc tấn công lại diễn ra vào thời điểm cuộc phản công của Ukraine sắp mắc kẹt trong bùn lầy.

Phản ứng mạnh mẽ của Nga

Theo RT, các cuộc tấn công của Ukraine không làm giảm đáng kể sức mạnh của Nga trong khu vực.

Thứ nhất, chúng có ít tác động đến hậu cần và các lực lượng Nga tiếp tục sử dụng Crimea làm hậu phương cho các đơn vị của họ được triển khai dọc theo Dnieper và ở Zaporizhia.

Ngoài ra, để giảm nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công khác trên cầu Crimea, một tuyến đường sắt đang được thiết kế dọc theo bờ phía bắc của Biển Azov, dự án không chỉ có lợi về mặt quân sự mà còn có tiềm năng kinh tế sau khi kết thúc chiến sự.

Thứ hai, Nga có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho cơ sở hạ tầng của Ukraine ở khu vực Biển Đen. Rất khó đánh giá các cuộc tập kích thường xuyên vào các cơ sở quân sự ở Odessa và vùng lân cận do quân đội Ukraine không cho phép quay phim và đăng video về các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, video về vụ nổ các nhà kho của Ukraine trong khu vực vẫn được chia sẻ trên mạng.

Thứ ba, Moscow tiếp tục tấn công máy bay Ukraine, trong đó có Su-24 với khả năng phóng tên lửa hành trình của phương Tây. Nga cũng đang săn lùng các kho chứa những tên lửa này và tiếp tục tấn công các sân bay Ukraine.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine đốt nóng mặt trận Biển Đen - 5

Các thủy thủ Hải quân Nga diễu hành trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 240 năm Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol, Crimea (Ảnh: Sputnik).

Sau hơn một năm rưỡi xung đột, Ukraine đã có khả năng hoạt động tốt hơn ở khu vực Biển Đen và dần chuyển từ chiến thuật phòng thủ thuần túy sang chiến thuật tấn công. Điều này có thể thực hiện được nhờ sự hỗ trợ từ các nước phương Tây và việc chuyển giao vũ khí có khả năng tấn công các vị trí hậu phương của quân đội Nga.

Kết quả là cả hai bên đều tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của nhau mà không thể phá hủy hoàn toàn lực lượng của đối phương. Tuy nhiên, trong khi Ukraine chỉ tập trung ở khu vực này, phạm vi hoạt động của Nga lại rộng hơn. Moscow tiếp tục phá hủy các cơ sở quân sự dọc theo toàn bộ chiều dài chiến tuyến và có thể gây áp lực lên hậu phương chiến lược của Ukraine.

Trong khi đó, chiến thắng của cả hai bên chỉ có thể được đảm bảo bằng chiến dịch trên bộ và hai kịch bản có thể xảy ra là Nga sẽ giành quyền kiểm soát Odessa hoặc Ukraine sẽ giành quyền kiểm soát Sevastopol. Nếu không bên nào đạt được mục tiêu này, khu vực sẽ tiếp tục đối mặt với sự leo thang hơn nữa với các mối đe dọa liên tục, bao gồm các cuộc tấn công.

"Rõ ràng, Nga không còn giữ thế chủ động ở Biển Đen vì chiến thuật tấn công đa dạng của hải quân và đặc nhiệm Ukraine. Đó là thay đổi rất quan trọng. Ukraine đã dần lấy lại thế chủ động và chuỗi chiến thắng nhỏ về mặt chiến thuật này đã bắt đầu góp phần tạo nên thành công về mặt chiến dịch và thậm chí là chiến lược", Michael Petersen, Giám đốc sáng lập Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định với Wall Street Journal.

Theo Tư lệnh Hải quân Ukraine, Chuẩn đô đốc Oleksiy Neizhpapa, hiện tại, một khu vực có diện tích gần 25.000km2 ở phía tây bắc Biển Đen đã trở thành nơi không bị kiểm soát. Nga hiện vẫn duy trì ưu thế trên không tại đây, nhưng ông Neizhpapa cho rằng tình trạng này sẽ chấm dứt sau khi Ukraine nhận được máy bay chiến đấu F-16 trong những tháng tới.

Không giống các máy  bay chiến đấu lỗi thời của Ukraine, F-16 sở hữu radar có thể xác định máy bay Nga và được trang bị tên lửa có thể tiêu diệt đối phương trong các cuộc đối đầu trên không.

"Tôi có thể đảm bảo, chỉ cần F-16 tuần tra phía trên Odessa, không máy bay Nga nào có thể hoạt động ở phía tây bắc Biển Đen", đô đốc Ukraine khẳng định.

Theo Nick Childs, nhà nghiên cứu cấp cao về hải quân và an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), các diễn biến tiếp theo trên Biển Đen sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Khi mùa đông bắt đầu, khiến các chiến dịch trên bộ bị chững lại, Biển Đen càng trở thành khu vực chiến lược để cả Nga và Ukraine duy trì động lực cho các chiến dịch quân sự.

Nga có thể sẽ phải đánh giá lại những rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận với lực lượng hải quân để gây áp lực với Ukraine. Nga có thể triển khai nguồn lực hải quân sẵn có để nhắm mục tiêu vào các tàu trên biển hoặc các cảng, các cơ sở nông nghiệp hay cơ sở hạ tầng khác trên đất liền của Ukraine, nhưng Moscow có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn.

Trong khi đó, Ukraine sẽ tiếp tục các hoạt động để vô hiệu hóa sự kiểm soát của Nga ở Biển Đen. "Crimea là chìa khóa đối với Nga, đối với quyền kiểm soát Biển Đen, quyền tiếp cận Địa Trung Hải và cũng là một mối đe dọa đối với thương mại hàng hải dân sự. Tình trạng này phải kết thúc", Vadym Skibitsky, đại diện cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, tuyên bố.

Theo RT, WSJ, BI, El Pais