Nga không chấp nhận thế giới đơn cực - Mỹ cần sự kiện "kinh thiên động địa"
(Dân trí) - Chiến lược toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh lạnh được ví như một "cuộc thập tự chinh mới" để thiết lập trật tự thế giới đơn cực sau khi thế lưỡng cực sụp đổ cùng với sự tan rã của Liên bang Xô Viết.
LTS: Lợi dụng tình thế Nga đang phải ra sức đương đầu với cuộc chiến tranh toàn diện của Phương Tây do Mỹ đứng đầu với tâm điểm là Ukraine, nhằm buộc Nga phải chịu thất bại chiến lược, ngày 27/11, lực lượng đối lập mà nòng cốt là tổ chức chiến binh hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) bất ngờ tấn công dồn dập vào các khu vực thuộc quyền kiểm soát của quân đội Syria.
Chỉ 12 ngày sau, ngày 8/12, HTS tiến vào Damas và buộc ông Bashar al-Assad chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Sự kiện bất ngờ này chấm dứt một giai đoạn cạnh tranh địa - chính trị giữa Mỹ và Nga trong khu vực Đại Trung Đông mà tâm điểm là Syria.
Để cùng nhận diện bản chất cuộc khủng hoảng này, báo Dân trí trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả loạt bài viết "Syria: Tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga" của Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế thuộc Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Kỳ 1: Đại Trung Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ
Nga không chấp nhận thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo
Mục tiêu chủ yếu của Mỹ sau Chiến tranh lạnh là ngăn chặn nước Nga trỗi dậy thành cường quốc mới bởi Tổng thống Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Ông Putin còn tuyên bố nước Nga chủ trương xây dựng trật tự thế giới đa cực, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo đều phải được tôn trọng, cùng hợp tác để phát triển và cùng hóa giải các nguy cơ mang tính toàn cầu mà không một nước đơn lẻ nào, dù lớn mạnh tới đâu, cũng không thể đơn phương hóa giải được.
Để kiềm chế nước Nga, Mỹ triển khai chiến lược theo hai hướng chủ yếu.
Hướng thứ nhất, tiếp tục mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sử dụng liên minh này làm lực lượng xung kích trong chiến lược bao vây, kiềm chế ảnh hưởng của Nga, không để cho Nga tồn tại và phát triển như một quốc gia có chủ quyền. Đến nay, NATO đã triển khai căn cứ quân sự tới sát biên giới Nga.
Hướng thứ hai, sẽ đẩy Nga ra khỏi nhiều khu vực ảnh hưởng mà Liên Xô trước đây đã từng thiết lập mà Nga được kế thừa, thường được gọi là "thế giới thứ ba". Một trong những khu vực đó là Đại Trung Đông, bao gồm vành đai địa chiến lược trải dài từ Bắc Phi - Trung Đông sang Ban Căng, Kavkaz và Trung Á rất giàu tài nguyên thiên nhiên, trước hết là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu khác rất cần cho nền công nghiệp công nghệ cao trong thế kỷ 21.
Thuật ngữ "Đại Trung Đông" đã từng được giới hoạch định chiến lược Washington sử dụng để soạn thảo một văn kiện chiến lược rất quan trọng có tựa đề "Đề án đối với nước Mỹ trong thế kỷ mới".
Năm 2004, thuật ngữ Đại Trung Đông được Tổng thống Mỹ G.W.Bush và các chuyên gia nghiên cứu chính trị Washington sử dụng để chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị G8, trong đó có Đề án Đại Trung Đông. Nội dung đề án này được kế thừa từ các đề án đã từng được nhiều đời lãnh đạo Mỹ đề xuất kể từ sau Chiến tranh thế giới II.
Đề án Đại Trung Đông đầu tiên của Mỹ được Tổng thống D.Eisenhower đề xuất vào năm 1957 nhằm lấp khoảng trống chiến lược trong khu vực Bắc Phi - Trung Đông sau khi thực dân Anh và thực dân Pháp bắt đầu rút lui dần dần ảnh hưởng của họ tại đây trước phong trào giải phóng dân tộc bùng phát ở nhiều nước châu Phi.
Đề án thứ hai được Tổng thống R.Nixon đề xuất vào năm 1970 dựa trên cơ sở Học thuyết Guam hoặc Học thuyết Nixon nhằm tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô trong khu vực.
Đề án thứ ba được Tổng thống J.Carter đề xuất vào năm 1980 dựa trên cơ sở Học thuyết Carter nhằm đẩy mạnh cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô trong thế giới thứ ba.
Đề án thứ tư do Tổng thống R.Reagan đề xuất vào năm 1986 nhằm thiết lập chuỗi các căn cứ chiến lược trên khắp thế giới, trong đó Trung Đông chiếm vị trí hết sức quan trọng.
Đề án thứ năm được gọi là "Đề án Trung Đông mở rộng" hoặc "Đề án Đại Trung Đông" được một nhóm chuyên gia theo trường phái tân bảo thủ Mỹ soạn thảo sau Chiến tranh lạnh, dựa trên cơ sở kết quả các cuộc "cách mạng màu" từng làm thay đổi chế độ ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây.
Sau sự kiện ngày 11/09/2001, Đề án Đại Trung Đông là một trong những nội dung của chiến lược xây dựng trật tự thế giới mới dựa trên cơ sở Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ sau sự kiện 11/09/2001 nhằm thay đổi biên giới của 24 nước, từ Maroco tới Afghanistan, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát của Washington đối với toàn bộ lục địa Á - Âu.
Mỹ cần sự kiện "kinh thiên động địa"
Sau khi nhậm chức vào năm 2001, Tổng thống Mỹ G.W.Bush ưu tiên nỗ lực cao nhất để thực hiện Đề án Đại Trung Đông. Ông cho rằng, để thực hiện đề án này, cần có một sự kiện "kinh thiên động địa" như cuộc tấn công của Nhật Bản vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Trân Châu Cảng trong năm 1941, đưa Mỹ tham chiến trong Chiến tranh thế giới II.
Sự kiện "kinh thiên động địa" đó chính là cuộc tấn công vào Trung tâm thương mại quốc ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Tổng thống G.W.Bush quyết định phát động cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố ở Afghanistan với cáo buộc chính quyền Taliban che chở tổ chức khủng bố Al-Qaeda vốn là kẻ chủ mưu tiến hành cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9.
Cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố do ông Bush phát động mở đầu "cuộc thập tự chinh" nhằm giành quyền kiểm soát Đại Trung Đông. Lấy cảm hứng từ chiến dịch chớp nhoáng đánh bại Taliban, ngày 20/3/2003, Mỹ phát động chiến tranh Iraq với lý do nước này "sở hữu vũ khí hóa học".
Về sau, cơ quan điều tra của Liên hợp quốc xác nhận Iraq không có vũ khí hóa học, còn Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell phải thừa nhận lập luận "vũ khí hóa học của Iraq" là sai lầm.
Sau khi chiến tranh Iraq kết thúc, ông Bush trình bày Đề án Đại Trung Đông tại Hội nghị G8 trong tháng 06/2004 ở Sea Island (bang Georgia, Mỹ). Ông đánh giá Đề án có ý nghĩa như Định ước Helsinki năm 1975 do Mỹ và các đồng minh NATO ký kết để "phổ biến dân chủ", "bảo đảm quyền con người" và "cải cách kinh tế" Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Thậm chí, Tổng thống G.W. Bush còn đánh giá Đề án Đại Trung Đông có ý nghĩa quan trọng như Cương lĩnh 14 điểm của Tổng thống Woodrow Wilson và Cương lĩnh 4 tự do của Tổng thống Franklin Roosevelt.
Theo đề án do Tổng thống G.W.Bush trình bày, được cho là có nội dung tất cả các quốc gia trong khu vực này phải tiếp nhận các giá trị dân chủ kiểu Mỹ, không phân biệt truyền thống văn hóa, lịch sử, thể chế chính trị và mô hình phát triển.
Chính vì thế, các nước Bắc Phi - Trung Đông, trước hết là Ai Cập, Libya, Syria và Iran kiên quyết phản đối Đề án Đại Trung Đông. Ngay cả cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac (1932-2019), khi còn đương nhiệm, ông cũng không ủng hộ chủ trương của Mỹ "xúc tiến dân chủ" trong khu vực.
Theo lãnh đạo đa số các nước trong khu vực, việc ủng hộ Đề án Đại Trung Đông của Mỹ trái ngược với một nguyên tắc căn bản của Hiến chương Liên hợp quốc là không được can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Đề án Đại Trung Đông có gì đặc biệt đáng chú ý?
Mục tiêu chiến lược của Mỹ theo Đề án Đại Trung Đông được thể hiện rất rõ trong tấm "Bản đồ Peters" đăng trong tạp chí Armed Forces Journal của Quân đội Mỹ. Khi xem bản đồ này không khó khăn lắm để có thể đoán nhận ra mục đích công bố nó.
Theo đó, Nga và Trung Quốc sẽ bị đẩy ra khỏi Địa Trung Hải và Trung Đông; Nga sẽ bị tách khỏi Nam Kavkaz và Trung Á; còn Trung Quốc sẽ mất đi một nguồn cung cấp năng lượng có ý nghĩa chiến lược.
Đề án sẽ hoàn toàn loại bỏ triển vọng phát triển ổn định của nước Nga do khu vực Nam Kavkaz bất ổn và chịu sự kiểm soát từ bên ngoài của Mỹ sẽ là khu vực lâm vào tình trạng căng thẳng thường xuyên và là ngòi nổ làm rung chuyển không gian hậu Xô Viết.
Bước đầu Mỹ được cho là đã không thành công trong kế hoạch thực hiện chủ trương "xúc tiến dân chủ" theo Đề án Đại Trung Đông ở Iraq.
Bản thân Tổng thống G.W.Bush cũng buộc phải công nhận những sai lầm của ông. Khi nói về cuộc bầu cử toàn dân được tổ chức ở Iraq năm 2005, ông cho rằng hy vọng thống nhất đất nước gửi gắm vào cuộc bầu cử đó đã không thành hiện thực. Ngược lại, trong năm 2006 và đầu năm 2007 bùng lên làn sóng đối đầu về chính trị và tôn giáo mạnh mẽ tại Iraq, phản đối lực lượng chiếm đóng do Mỹ đứng đầu.