DMagazine

Màn "so găng" của bom thông minh Mỹ - Nga và tác động tới xung đột Ukraine

(Dân trí) - Bom thông minh, với uy lực mạnh mẽ cùng khả năng tấn công mục tiêu chính xác, có thể nâng tầm khả năng tác chiến của cả Nga và Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra.

MÀN "SO GĂNG" CỦA BOM THÔNG MINH MỸ - NGA VÀ TÁC ĐỘNG TỚI XUNG ĐỘT UKRAINE

Bom thông minh, với uy lực mạnh mẽ cùng khả năng tấn công mục tiêu chính xác, có thể nâng tầm khả năng tác chiến của cả Nga và Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Ngày 24/2/2022, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Gần một năm rưỡi trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Màn so găng của bom thông minh Mỹ - Nga và tác động tới xung đột Ukraine - 1

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của quân đội Nga chuẩn bị cho một nhiệm vụ chiến đấu (Ảnh: Tass).

Trong thời gian gần đây, Ukraine đã bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch phản công giành lại các vùng lãnh thổ ở miền Đông và miền Nam nước này. Ở chiều ngược lại, quân đội Nga cũng đang nỗ lực kiểm soát toàn bộ các vùng ly khai được sáp nhập vào nước này hồi tháng 10/2022.

Giao tranh vì vậy vẫn đang diễn biến hết sức dữ dội tại nhiều mặt trận. Trong thế trận giằng co này, một loại vũ khí mới được kỳ vọng có thể thay đổi cục diện chiến trường Ukraine, đó là các loại bom thông minh của Nga và bom thông minh do Mỹ viện trợ cho Ukraine.

Bom "không thể cản phá" của Nga

Về phía quân đội Nga, kể từ đầu năm 2023, các loại bom thông minh được dẫn đường hệ thống định vị vệ tinh đã được sử dụng một cách thường xuyên hơn nhằm vào các mục tiêu của quân đội Ukraine. Theo một số chuyên gia, Nga sử dụng loại vũ khí nhằm giữ vững uy lực và nhịp độ tấn công trong bối cảnh kho tên lửa hành trình của nước này đã cạn kiệt.

Màn so găng của bom thông minh Mỹ - Nga và tác động tới xung đột Ukraine - 2

Máy bay ném bom Su-34 cùng bom thông minh UPAB-1500 của quân đội Nga (Ảnh: Army Recognition).

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại cho rằng các loại bom thông minh là một vũ khí phù hợp cho quân đội Nga tại thời điểm này.

Sau hơn một năm giao tranh, quân đội Ukraine đã có thời gian để chuẩn bị và xây dựng những hệ thống công sự chắc chắn, trong đó có nhiều "pháo đài dưới lòng đất" tại khắp các mặt trận. Các loại bom thông minh, với uy lực mạnh mẽ cùng khả năng tấn công chính xác, sẽ là chìa khóa giúp Nga hóa giải thách thức này.

Trong một phát biểu được đưa ra hồi giữa tháng 4, ông Yuri Ihnat, người phát ngôn của Không quân Ukraine, cho biết lực lượng này đang phải đối mặt với "một mối đe dọa chưa thể cản phá" từ quân đội Nga, đó là bom lượn dẫn đường UPAB-1500.

"Đây là một mối đe dọa cho chúng tôi và chúng tôi cần phải xử lý chúng trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi không thể cản phá loại vũ khí này, đặc biệt là các máy bay chiến đấu mà chúng được chuyên chở", ông Ihat nhấn mạnh.

UPAB-1500, hay còn được biết đến với tên gọi K029BE, là một loại bom dẫn đường được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất của đối phương, bao gồm sở chỉ huy, công trình phòng thủ, phương tiện tác chiến và điểm tập trung quân. "Siêu bom" này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2019 và được giới quan sát đánh giá là một trong những loại vũ khí có uy lực mạnh mẽ nhất của quân đội Nga. Moscow thường sử dụng loại bom này để trang bị cho các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của không quân nước này.

UPAB-1500 có chiều dài hơn 5m, đường kính 0,4m cùng khả năng mang theo đầu đạn nặng tới hơn 1 tấn. Lượng thuốc nổ "khủng" bên trong đầu đạn đủ sức giúp loại bom này xuyên phá các lớp công sự bê tông của đối phương. Theo Bộ Quốc phòng Nga, bom dẫn đường UPAB-1500 có thể được thả từ độ cao 15km và đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ khoảng 10m. Việc sở hữu hệ thống lập kế hoạch đường bay cùng dẫn đường bằng định vị vệ tinh đã tăng cường khả năng tấn công chính xác của loại bom này.

Bên cạnh đó, tại Ukraine, Moscow cũng đã đưa vào tham chiến 2 loại bom có sức công phá đáng gờm, đó là BetAB-500ShP cùng FAB-500M-62, bom phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất trong biên chế quân đội Nga. Đặc biệt, cả 2 loại bom này đều có thể được trang bị module lượn và điều chỉnh thông minh MPK, cho phép chúng bay đến và tấn công mục tiêu một cách chính xác.

Đặc biệt, trong 2 loại bom trên, BetAB-500ShP được ví như "sát thủ diệt boong ke" và từng là nỗi ác mộng với hệ thống công sự chiến đấu của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Giới quan sát nhận định loại bom này, với đầu đạn xuyên phá độ bền cao cùng ngòi nổ giữ chậm, sẽ là đối thủ xứng tầm của các hệ thống "pháo đài dưới lòng đất" của quân đội Ukraine.

Mỹ cung cấp vũ khí đối trọng cho quân đội Ukraine

Để đối phó quân đội Nga, trong thời gian qua, Mỹ cũng liên tục hỗ trợ Ukraine với nhiều loại vũ khí thông minh nhằm cân bằng ưu thế trên chiến trường.

Màn so găng của bom thông minh Mỹ - Nga và tác động tới xung đột Ukraine - 3

Bom thông minh JDAM đã được Mỹ viện trợ cho quân đội Ukraine (Ảnh: Defense Express).

Tháng 12/2022, nhằm tăng cường khả năng tấn công mặt đất và yểm trợ bộ binh của Không quân Ukraine, Lầu Năm Góc đã quyết định sẽ chuyển giao cho Kiev một số lượng bom thông minh JDAM.

Đến ngày 10/3, nhà chức trách thân Nga tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng xác nhận quân đội Ukraine đã lần đầu sử dụng loại vũ khí thông minh do Mỹ viện trợ tại Bakhmut với mục đích giải vây cho lực lượng phòng thủ bên trong "chảo lửa" này.

Với trọng lượng tối đa 900kg cùng khả năng bay ở khoảng cách lên tới 72km, JDAM có thể gây ra sức tàn phá lớn khi tấn công mục tiêu. Khi được thả đi từ máy bay, các quả bom này tự động nhằm mục tiêu tọa độ định trước và hoạt động như một loại vũ khí với cơ chế "thả và quên".

Tuy nhiên, trong thời gian đầu, quân đội Ukraine đã gặp khó khăn trong việc tích hợp loại bom do Mỹ sản xuất này lên các tiêm kích từ thời Liên Xô. Bên cạnh đó, việc cài đặt hệ thống dẫn đường cho loại bom này một cách phù hợp với hệ thống điện tử của các máy bay MiG-29 cũng là một thách thức với Kiev.

Để hỗ trợ quân đội Ukraine giải quyết vấn đề này, Washington D.C đã cung cấp cho Kiev một loại cầu treo đặc biệt với tên gọi LAU-118/A. Đây là loại cầu treo thông minh, cho phép các loại vũ khí phương Tây có thể được gắn trên các tiêm kích do Liên Xô sản xuất. Trước đó, loại cầu treo này đã được sử dụng hết sức thành công trong việc tích hợp tên lửa chống radar AGM-88 HARM lên máy bay chiến đấu MiG-29S.

Ngoài ra, Mỹ cũng chuyển giao cho Ukraine một phần mềm dẫn đường tự động được quân đội nước này chế tạo nhằm tích hợp các loại vũ khí thông minh của Mỹ lên máy bay do nước ngoài sản xuất. Cùng với việc trang bị thêm một máy tính cá nhân và thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu, phần mềm này sẽ giúp dẫn đường cho bom JDAM đến mục tiêu của đối phương một cách chính xác.

Bên cạnh bom JDAM, Mỹ cũng đồng ý viện trợ cho Ukraine bom GLSDB. Sự xuất hiện của loại bom này được công bố trong gói viện trợ trị giá 2,2 tỷ USD mà Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 1 năm nay.

Bom GLSDB là một loại bom đường kính nhỏ được phát triển bởi tập đoàn Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển. Được mệnh danh là một vũ khí "lai", bom GLSDB được tạo nên từ một sự kết hợp độc đáo giữa bom truyền thống và pháo phản lực phóng loạt.

GLSDB gồm 2 thành phần chính, trong đó, đóng vai trò đầu đạn là loại bom đường kính nhỏ GBU-39 được lắp trong một quả rocket M26 để phóng từ trên bộ. Với chiều dài 3,9m, đường kính 0,24m và nặng khoảng 272 kg, loại bom này có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 130km.

Khi được động cơ đưa lên đủ độ cao và đạt tốc độ cần thiết, đôi cánh được gấp gọn sẽ mở ra và cho phép GLSDB lượn tới mục tiêu nhờ đầu dò laser bán chủ động. Ngoài ra, với trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS, bom GLSDB có thể vượt qua các hệ thống gây nhiễu và chế áp điện tử của đối phương. Loại vũ khí này cũng có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện địa hình và thời tiết.

Bên cạnh đó, ưu điểm nổi trội của bom GLSDB chính là khả năng xuyên phá, qua đó cho phép loại vũ khí này tấn công phá hủy công sự của đối phương với lớp tường bê tông cốt thép dày tới 1m. Vì vậy, bom GLSDB được kỳ vọng sẽ trở thành mối đe dọa lớn với các mục tiêu quân sự và dân sự kiên cố của quân đội Nga và các lực lượng ly khai ở miền Đông và miền Nam Ukraine.

Các loại bom thông minh trên được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Ukraine cân bằng ưu thế hỏa lực với Nga trên chiến trường.

Bom thông minh trở thành vũ khí thay đổi cục diện chiến trường?

Với uy lực mạnh mẽ cùng khả năng tấn công mục tiêu một cách chính xác, bom thông minh được kỳ vọng sẽ góp phần xoay chuyển cục diện chiến sự Ukraine theo hướng có lợi cho bên sở hữu. Tuy nhiên, loại vũ khí này vẫn có những điểm yếu nhất định. 

Màn so găng của bom thông minh Mỹ - Nga và tác động tới xung đột Ukraine - 4

Máy bay chiến đấu Su-24 thuộc Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7 của Không quân Ukraine (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Chuyên gia Stephen Bryen, trong một bài viết cho trang Asia Times, cho rằng điểm yếu lớn nhất của các loại bom thông minh chính là sự phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh. Sự phụ thuộc này có thể khiến cho chúng dễ dàng bị đánh bại bởi các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương.

Trong các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc hồi tháng 4, giới chức quân sự Mỹ thừa nhận tỷ lệ tấn công chính xác mục tiêu của bom thông minh JDAM-ER là không cao. Một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc tiết lộ nguyên nhân của việc này là do Nga đã nắm được điểm yếu của bom JDAM-ER, qua đó sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu kết nối với GPS.

Để khắc phục vấn đề này, chuyên gia Bryen đề ra giải pháp trang bị các hệ thống nhận diện mục tiêu bằng hình ảnh, cũng như các hệ thống dẫn đường cơ học khác nhằm hỗ trợ hệ thống định vị vệ tinh trong các loại bom thông minh. Tuy nhiên, điều này có thể làm giảm tính chính xác của loại vũ khí này, qua đó biến chúng trở nên không quá đặc biệt so với các loại bom thông thường khác.

Bên cạnh đó, khác với tên lửa hành trình, bom thông minh vẫn cần phải được chuyên chở bởi máy bay chiến đấu đến một khoảng cách đủ gần trước khi tấn công mục tiêu. Điều này làm tăng nguy cơ bị tấn công bởi tiêm kích đánh chặn của đối phương, ngay từ trước khi quả bom được thả xuống mục tiêu.

Đây là một mối bận tâm lớn của giới chức quân đội Ukraine trước khi đưa bom thông minh vào tham chiến. Hiện tại, Không quân Ukraine vẫn chỉ sở hữu một phi đội máy bay đã cũ được sản xuất dưới thời Liên Xô. So với các tiêm kích thế hệ mới của Nga, máy bay chiến đấu Ukraine sẽ gặp rất nhiều bất lợi khi phải chạm trán trên không.

Ý thức được vấn đề này, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các quan chức cao cấp của Ukraine đã liên tục lên tiếng kêu gọi đồng minh phương Tây chuyển giao thêm các tiêm kích hiện đại như F-16. Nếu được cung cấp loại vũ khí này, năng lực tác chiến của bom thông minh Ukraine có thể sẽ được nâng cấp đáng kể.

Tùng Nguyễn

Theo Asia Times, Defense Express, Tass, Ukrainska Pravda

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine