DNews

Israel, Iran "ăn miếng, trả miếng": Mỹ mắc kẹt ở Trung Đông

An Hoàng

(Dân trí) - Sức ép đang đè nặng lên Mỹ khi lò lửa Trung Đông ngày càng nóng lên bởi những đòn "ăn miếng, trả miếng" giữa Iran và Israel.

Israel, Iran "ăn miếng, trả miếng": Mỹ mắc kẹt ở Trung Đông

"Cuộc chiến" Iran - Israel không còn trong bóng tối

Tháng 4 đánh dấu căng thẳng leo thang căng thẳng nghiêm trọng ở chảo lửa Trung Đông khi Israel và Iran "ăn miếng, trả miếng" bằng các cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ của nhau.

Căng thẳng bùng lên sau khi Iran cáo buộc Israel tấn công tên lửa vào tòa nhà lãnh sự của nước này ở thủ đô Damascus, Syria hôm 1/4. Vụ tập kích khiến 7 thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, trong đó có 2 tướng cấp cao, thiệt mạng.

Israel và Iran là đối thủ lâu năm và đã tham gia vào một cuộc chiến "trong bóng tối" trong nhiều năm. Tuy nhiên vụ tấn công ngày 1/4 nghi của Israel là nghiêm trọng hơn cả. Đại sứ quán hay lãnh sự quán là cơ quan đại diện của một quốc gia, do vậy tấn công vào các cơ sở này có thể coi là tấn công vào nước đó.

Để đáp trả, đêm 13/4, rạng sáng 14/4, Iran bắn hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Israel. Với sự hỗ trợ của các đồng minh Mỹ, Anh, Pháp và Jordan, Israel đã đánh chặn khoảng 99% tên lửa và UAV của Iran.

Tehran sau đó cảnh báo, nếu Israel đáp trả, Iran sẽ tấn công mạnh hơn nữa. Bất chấp cảnh báo, Israel được cho là đã tấn công tên lửa vào lãnh thổ Iran sáng 19/4, nhắm vào một căn cứ không quân gần một số cơ sở hạt nhân nhạy cảm của Iran ở thành phố Isfahan.

Theo một quan chức Mỹ giấu tên, giới chức Israel hôm 18/4 đã báo trước cho phía Mỹ về kế hoạch trả đũa Iran trong vòng 24-48 giờ.

Israel, Iran ăn miếng, trả miếng: Mỹ mắc kẹt ở Trung Đông - 1

Israel bị nghi tập kích vào căn cứ quân sự Iran ở thành phố Isfahan, gần một số cơ sở hạt nhân nhạy cảm (Bản đồ: Times of Israel).

Các hành động đáp trả qua lại giữa Israel và Iran làm dấy lên lo ngại một cuộc xung đột quy mô lớn lan rộng giữa hai quân đội lớn bậc nhất ở Trung Đông.

Trước đó, Iran và Israel chưa từng tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp và công khai vào lãnh thổ của nhau. Thậm chí, trước khi trở thành đối thủ không đội trời chung, Israel và Iran từng có lúc là đồng minh.

Kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979, quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ đối tác thành kẻ thù.

Tại Syria, Israel bị cáo buộc tiến hành một chiến dịch quân sự nhắm vào các chuyến hàng vận chuyển vũ khí của Iran, một số trong số đó hướng đến Li Băng và các nhân viên có liên quan đến Iran.

Israel cũng bị nghi nhiều lần thực hiện các hành động bí mật nhằm làm suy yếu chương trình hạt nhân, các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran, tiến hành các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng với Iran trên biển và trên không gian mạng.

Trong khi đó, Iran từ lâu đã ủng hộ nhiều lực lượng chống lại Israel như Hamas ở Dải Gaza, Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Li Băng, Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Iran bị cho là hậu thuẫn Hamas, lực lượng thực hiện vụ tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 năm ngoái, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, trong khi hàng trăm người bị Hamas bắt làm con tin. Ngoài ra, Iran được cho là đang vận chuyển vũ khí vào Bờ Tây.

Thế khó của Mỹ

Căng thẳng Israel - Iran những ngày qua khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ đảng Cộng hòa.

Một số thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích ông Biden vì yếu đuối trước Iran và thiếu sự ủng hộ cho hành động trả đũa của Israel.

Thượng nghị sĩ Bill Hagerty cho rằng cuộc tấn công trực tiếp của Iran nhằm vào Israel cho thấy các chính sách về Trung Đông của chính quyền Tổng thống Biden "đã không đạt được khả năng răn đe mà thay vào đó đã tạo điều kiện và khuyến khích Iran".

Cuộc tấn công nghi của Israel vào lãnh sự Iran cũng khiến ông Biden chịu sức ép từ chính đảng Dân chủ của ông. "Người dân Mỹ không muốn chiến tranh với Iran. Chúng tôi không muốn Israel leo thang chiến tranh với Li Băng. Chúng tôi không muốn họ tiến vào Rafah (phía nam Dải Gaza)", Hạ nghị sĩ Ro Khanna bình luận.

Ông Biden cũng đang hoạt động trong bối cảnh chính trị đầy biến động của một năm bầu cử. Xung đột Israel - Hamas nổ ra cuối năm ngoái đã làm xói mòn sự ủng hộ dành cho ông Biden ở các khu vực bầu cử quan trọng khi ông từ chối kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza.

Tại Liên hợp quốc, các cuộc thảo luận tập trung vào cuộc khủng hoảng khu vực, với những lời chỉ trích nhắm vào Mỹ vì đã không lên án cuộc tấn công trước đó của Israel vào lãnh sự quán Iran.

Israel, Iran ăn miếng, trả miếng: Mỹ mắc kẹt ở Trung Đông - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Trước khi Iran, Israel bắt đầu chuỗi hành động "ăn miếng, trả miếng", Tổng thống Biden đã có cảnh báo ngắn gọn tới Iran về ý định trả đũa Israel. Ông Biden cũng liên hệ với các lãnh đạo quốc hội Mỹ, thúc giục nhanh chóng thông qua dự luật chi tiêu an ninh quốc gia, đặc biệt nhấn mạnh viện trợ cho Israel.

Thực tế, Iran đã đáp trả bằng cách lần đầu tiên tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel. Điều này cho thấy những hạn chế trong nỗ lực răn đe của Mỹ tại Trung Đông.

Chiến lược "bên miệng hố chiến tranh" và những căng thẳng kéo theo đã gây thêm áp lực cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Hiện tại, Mỹ bị kẹt giữa hai ưu tiên dường như mâu thuẫn nhau: hỗ trợ vô điều kiện cho Israel và ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza lan rộng ra toàn khu vực.

Trita Parsi, Phó Chủ tịch điều hành tại Viện nghiên cứu Quincy, một tổ chức tư vấn thúc đẩy ngoại giao, cho rằng lẽ ra ông Biden nên lên án cuộc tấn công được cho là của Israel vào đại sứ quán Iran ngày 1/4 vi phạm luật pháp quốc tế và gây nguy hiểm cho quân đội Mỹ trong khu vực. Theo ông, chính quyền Tổng thống Biden đang vô tình khuyến khích chính phủ Israel bằng lời hứa sẽ hỗ trợ nước này.

Mỹ - không giống một số đồng minh Ả Rập và phương Tây - đã không lên án cuộc tấn công nghi của Israel vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria. Nhà Trắng chỉ nhanh chóng phủ nhận sự liên quan của Mỹ đến cuộc tấn công.

Mỹ cũng gửi thông điệp công khai và riêng tư tới Iran cảnh báo về việc leo thang khủng hoảng hơn nữa và thúc ép các đồng minh châu Âu và Ả Rập sử dụng đòn bẩy của riêng họ với Tehran để đưa ra những thông điệp tương tự.

Trong khi kêu gọi giảm căng thẳng, Mỹ cũng tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của mình dành cho Israel. Washington nỗ lực thúc đẩy gói tài trợ đang bị đình trệ cho Israel mặc dù nhấn mạnh rằng gói này sẽ không nhằm hỗ trợ Israel trong bất kỳ hành động phản công nào chống lại Iran.

 "Chúng tôi nỗ lực hết mình để bảo vệ Israel . Chúng tôi sẽ hỗ trợ Israel. Chúng tôi sẽ giúp Israel phòng thủ và Iran sẽ thất bại", ông Biden nói hôm 12/4. Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đưa ra quan điểm tương tự.

Ông Parsi cho rằng: "Điều này ngăn cản động lực của Israel trong việc giảm leo thang". Ông nói thêm, việc ông Biden ủng hộ Israel cũng phản ánh cách tiếp cận của ông với chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi cuộc chiến ở Dải Gaza nổ ra, khiến Israel ngầm hiểu rằng Mỹ sẽ hỗ trợ họ dù thế nào đi nữa.

Sina Toossi, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế, gọi cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông là "mâu thuẫn". Ông nói thêm rằng cam kết trả đũa của Iran một phần được thúc đẩy bởi nhận thức rằng, Mỹ và Israel tin họ có thể gây tổn hại cho Iran mà không bị đáp trả bởi Iran không muốn một cuộc chiến lan rộng ở khu vực.

Tuy nhiên, theo ông, hiện giờ Iran muốn vạch ra một ranh giới rõ ràng. Áp lực đang đè nặng lên Israel và Mỹ chứ không phải Iran. Ông Biden không muốn Mỹ bị kéo vào cuộc chiến với Iran, đặc biệt khi chiến dịch tái tranh cử của ông đang ở giai đoạn quan trọng.

Ryan Costello, giám đốc chính sách tại Hội đồng quốc gia người Mỹ gốc Iran (NIAC) có trụ sở tại Washington DC, cảnh báo nếu Mỹ tham gia vào cuộc trả đũa của Israel, kết quả có thể rất thảm khốc.

Ông nói với Al Jazeera: "Điều đó thực sự mạo hiểm và chắc chắn sẽ đẩy toàn bộ khu vực vào một cuộc xung đột thảm khốc và đẫm máu".

Sau vụ tấn công sáng 14/4, Iran cảnh báo, nếu Mỹ có bất kỳ sự ủng hộ nào cho hành động trả đũa của Israel, các căn cứ của nước này ở Iraq, Syria hoặc các khu vực khác ở Trung Đông sẽ trở thành mục tiêu của Iran.

Một quan chức chính quyền cấp cao tại nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden đã tuyên bố với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Mỹ sẽ không tham gia vào các hoạt động đáp trả quân sự của Israel nhằm chống lại Iran. Chủ nhân Nhà Trắng cũng cảnh báo Thủ tướng Netanyahu "suy nghĩ kỹ" về nguy cơ leo thang.

Theo chuyên gia Parsi, biện pháp khắc phục tốt nhất cho tình trạng căng thẳng âm ỉ trên khắp Trung Đông hiện nay là chấm dứt xung đột ở Dải Gaza. "Nhìn rộng hơn, tất nhiên luôn có một con đường giảm leo thang rõ ràng cho Mỹ, đó là thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza", ông nói.

Chuyên gia này phân tích: "Một lệnh ngừng bắn sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Iraq vào Mỹ, ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi, ngăn chặn sự leo thang giữa Iran và Israel, giữa Israel và Hezbollah".

Lửa căng thẳng vẫn âm ỉ

Israel, Iran ăn miếng, trả miếng: Mỹ mắc kẹt ở Trung Đông - 3

Một vụ phóng tên lửa của Iran (Ảnh: Business Times).

Sau những cuộc tấn công đáp trả có tính toán và sự kiềm chế của Israel và Iran, các chính phủ trên khắp thế giới hiện có thể thở phào nhẹ nhõm vì một cuộc đối đầu lớn giữa Israel và Iran đã tránh được trong gang tấc. Tuy vậy, Trung Đông vẫn là một "thùng thuốc súng trên đống tro tàn" đang cháy âm ỉ.

Một số nhà phân tích cảnh báo về những động thái của Iran trong tương lai khi họ đối đầu với Israel và Mỹ.

Iran ít khả năng sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nơi phần lớn dầu mỏ của Trung Đông chảy qua. Điều này một phần là bởi nó sẽ làm tổn hại đến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran và phần khác là nó sẽ trở thành lý do để Mỹ xung đột trực tiếp với Iran.

Tuy nhiên, các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở khu vực có thể có những hành động chống lại Israel hay Mỹ bất cứ lúc nào.

Ở nhiều khía cạnh, cuộc đối đầu mới nhất giữa Israel và Iran sẽ chỉ xác nhận quan điểm của những người theo đường lối cứng rắn ở Tehran rằng, cách duy nhất để thu hẹp khoảng cách công nghệ với Israel và Mỹ và để lãnh thổ Iran bất khả xâm phạm trước các cuộc tấn công trong tương lai là đẩy nhanh chương trình hạt nhân.

"Đó là điều tôi lo ngại. Iran có mọi động cơ để đẩy nhanh chương trình hạt nhân của họ", cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nói.

Câu hỏi bây giờ là liệu Mỹ và Israel có đủ khả năng ngồi yên chờ đợi cho đến khi Iran có được năng lực hạt nhân đó hay không.

Tổng thống Mỹ Biden nhiều lần tuyên bố không thể để Iran trở thành một quốc gia hạt nhân, nhưng không có gì đảm bảo rằng Washington có thể ngăn chặn Iran sở hữu năng lực hạt nhân mạnh hơn.

Mục tiêu của Israel cũng là ngăn Iran trở thành quốc gia hạt nhân và Israel cảm thấy họ cần làm gì đó để đạt được mục tiêu. Israel được cho là đã tập kích tên lửa chính xác vào thành phố Isfahan bởi vì nơi này gần một số cơ sở hạt nhân nhạy cảm của Iran.

Ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia, cho rằng những hành động mới nhất đã tạo tiền đề cho nguy cơ leo thang dài hạn.

Nếu Iran và Israel thực sự tiếp tục tấn công lẫn nhau, kịch bản các bên khác trong khu vực tham gia vào một cuộc chiến rộng lớn hơn sẽ càng trở nên khó ngăn chặn.

Iran thường sử dụng các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah ở Lebanon và lực lượng Houthi ở Yemen nhằm mục tiêu vào Israel và các đồng minh của nước này. Nếu một trong hai lực lượng tham gia chiến đấu, căng thẳng có nguy cơ leo thang vượt kiểm soát.

Kịch bản xấu nhất sẽ chứng kiến các đồng minh của Iran là Syria và Iraq cũng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn. Tất nhiên, khi đó, Mỹ cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Việc Mỹ giúp Israel chặn thành công hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái mà Iran nhắm vào Israel hôm 13/4 cho thấy Mỹ đã chuẩn bị tốt về quân sự khi Iran và Israel chuyển từ xung đột trong bóng tối sang đối đầu trực tiếp.

Tuy nhiên, một số quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu của Mỹ cho rằng, Washington chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột lớn và kéo dài ở Trung Đông.

"Tôi nghĩ chúng tôi không đủ lực lượng để hỗ trợ Israel nếu xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa họ và Iran", Michael Mulroy, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về Trung Đông dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, nhận định.

Từ khi xung đột Israel, Hamas nổ ra cuối năm ngoái, Mỹ đã điều động hàng nghìn quân nhân đến khu vực mà những năm qua Washington giảm hiện diện đáng kể.

Dù vậy, đây chỉ là hoạt động triển khai tạm thời. Chiến lược của Mỹ về sử dụng lực lượng tăng cường có thể bị thử thách sau khi Iran và Israel phá bỏ cấm kỵ về tấn công trực tiếp lẫn nhau.

"Điều này cho thấy Mỹ phải xem lại ý tưởng về năng lực quân sự cần thiết, bền vững mà chúng ta phải duy trì ở khu vực", ông Joseph Votel, một tướng lục quân 4 sao từng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông, bình luận.

Việc Mỹ điều động thêm lực lượng đến Trung Đông và củng cố cơ sở tình báo lâu dài ở khu vực này có thể gặp nhiều khó khăn khi châu Á vẫn được coi là trọng tâm trong chính sách của Washington. Hiện chưa rõ liệu quân đội Mỹ có sẵn sàng rút lực lượng khỏi châu Á hay châu Âu hay không.

Theo ông Mulroy, Mỹ nên củng cố vị thế của mình ở Trung Đông nhưng không từ bỏ trọng tâm ở châu Á. "Chúng ta cần triển khai lực lượng dựa trên môi trường thách thức hiện tại. Hiện nay rõ ràng có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông", ông nói.

Theo Reuters, Straits Times, New York Times