DMagazine

Facebook gặp sự cố toàn cầu và hệ lụy từ "cái bóng quá lớn"

(Dân trí) - Sự cố sập toàn cầu của Facebook và các ứng dụng liên quan, giữa lúc xuất hiện những thông tin tố giác mặt trái của Facebook, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo sự phụ thuộc vào nền tảng này.

FACEBOOK GẶP SỰ CỐ TOÀN CẦU VÀ HỆ LỤY TỪ "CÁI BÓNG QUÁ LỚN"

Sự cố sập toàn cầu hiếm thấy đầu tuần này của Facebook và các ứng dụng liên quan giữa lúc xuất hiện những thông tin tố giác mặt trái của Facebook một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phụ thuộc của thế giới vào nền tảng mạng xã hội.

Facebook gặp sự cố toàn cầu và hệ lụy từ cái bóng quá lớn - 1

Sự cố sập Facebook và các ứng dụng liên quan ảnh hưởng đến hàng tỷ người dùng (Ảnh: CNET).

Hiệu ứng Domino

Hôm 4/10, Facebook và các ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ "tỷ USD" này gồm Instagram, WhatsApp, Messenger Oculus đã không thể truy cập suốt gần 6 giờ đồng hồ. Chỉ trong chốc lát, Facebook biến mất như chưa từng tồn tại. Sự cố trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phụ thuộc của thế giới vào nền tảng mạng xã hội có hàng tỷ người dùng này.

Facebook đã tự xây dựng mình trở thành một nền tảng có tầm ảnh hưởng sâu rộng với ứng dụng nhắn tin, phát trực tiếp, thực tế ảo và nhiều dịch vụ kỹ thuật số khác.

Thậm chí, ở một số quốc gia như Myanmar, Ấn Độ, Facebook đồng nghĩa với mạng internet. Hơn 3,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp để liên lạc với bạn bè, gia đình, truyền tải các thông điệp chính trị, mở rộng kinh doanh thông qua quảng cáo và các giao thức.

Facebook cũng được coi là "cánh cửa" để đăng nhập vào nhiều ứng dụng và dịch vụ khác. Điều này dẫn đến hiệu ứng domino như nhiều người không thể đăng nhập vào các trang web mua sắm hay sử dụng tivi thông minh hoặc các thiết bị kết nối internet khác.

Mark Donnelly, chủ thương hiệu thời trang HUH Clothing ở Ireland chủ yếu sử dụng Facebook và Instagram để tiếp cận khách hàng, cho biết Facebook bị sập vài giờ khiến ông mất hàng nghìn đơn hàng. "Với nhiều người, Facebook sập không phải điều gì to tát, nhưng việc mất 4-5 giờ kinh doanh có thể khác với thanh toán tiền điện hay trả tiền thuê nhà một tháng", ông Donnelly nói.

Samir Munir, chủ một hãng giao đồ ăn nhanh ở New Delhi, Ấn Độ, cũng cho biết ông không thể tương tác với khách và giao đơn hàng bởi vì doanh nghiệp của ông vận hành thông qua Facebook và WhatsApp. "Mọi thứ sập, hoạt động kinh doanh của tôi cũng tê liệt", ông nói.

Trục trặc kỹ thuật không phải hiếm gặp nhưng việc nhiều ứng dụng cùng "chết" một lúc chỉ vì một công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới là rất bất thường. Lần trục trặc lớn gần đây nhất của Facebook là năm 2019 khi lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến các ứng dụng của nền tảng trực tuyến này suốt 24 giờ.

Facebook "trong bóng tối"

Facebook gặp sự cố toàn cầu và hệ lụy từ cái bóng quá lớn - 2

Cựu nhân viên Facebook Frances Haugen tố cáo những vấn đề của Facebook (Ảnh: Globe).

Sự cố hôm 4/10 xảy ra không lâu sau khi nhân viên cũ của Facebook tố giác những vấn đề nhạy cảm của công ty này. Frances Haugen, cựu giám đốc quản lý sản phẩm trong nhóm quản lý thông tin sai lệch dân sự tại Facebook, đã chuyển hàng chục nghìn tài liệu nội bộ của Facebook cho cơ quan quản lý ở Mỹ và truyền thông để tố giác Facebook "đặt lợi nhuận lên trên lợi ích và sự an toàn của cộng đồng".

Trả lời phỏng vấn chương trình 60 Minutes của CBS, Haugen nói rằng, rất nhiều tài liệu cho thấy Facebook biết rõ nền tảng của họ được dùng để phát tán sự thù ghét, bạo lực và thông tin sai lệch, nhưng vẫn cố che giấu và tuyên bố đã đạt được bước tiến lớn để hạn chế điều này.

Theo cô Haugen, thuật toán của Facebook được thiết kế để hiển thị cho người dùng những nội dung mà họ nhiều khả năng sẽ tương tác nhất, nhưng cũng là thứ gây ra nhiều vấn đề.

"Facebook tối ưu hóa những nội dung thu hút sự tham gia của người dùng. Tuy nhiên, nghiên cứu của chính họ chỉ ra rằng, những nội dung gây thù hận, chia rẽ lại dễ dàng tạo ra cảm xúc mạnh hơn. Nếu họ thay đổi thuật toán an toàn hơn với người dùng, mọi người sẽ dành ít thời gian hơn trên nền tảng, ít click vào quảng cáo hơn, khi đó, công ty sẽ thu được ít lợi nhuận hơn", Haugen cho biết.

"Tôi lên tiếng vì tôi nhận ra một sự thật đáng sợ là hầu như không ai bên ngoài Facebook biết những gì xảy ra nội bộ. Ban lãnh đạo công ty nắm giữ thông tin quan trọng của công chúng, chính phủ Mỹ, các cổ đông của mình và các chính phủ trên toàn thế giới", Bloomberg dẫn nội dung mà cô Haugen chuẩn bị để phát biểu tại phiên điều trần trước một tiểu ban Thượng viện Mỹ ngày 5/10.

Tại phiên điều trần hôm qua, Haugen nói: "Chừng nào Facebook còn hoạt động trong bóng tối, che giấu các nghiên cứu của mình, thì sẽ không ai phải chịu trách nhiệm. Và Facebook sẽ tiếp tục đưa ra những lựa chọn đi ngược lại lợi ích chung".

Ngoài những vấn đề mà Haugen nêu ra, trước đó, Facebook cũng đối mặt với hàng loạt vấn đề.

Năm 2019, khoảng 7.000 trang tài liệu rò rỉ từ một vụ kiện dân sự nhằm vào Facebook cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã sử dụng thông tin cá nhân của người dùng như một thứ "vũ khí" để mặc cả và thao túng đối thủ cạnh tranh. Một số ví dụ nêu trong tài liệu như tập đoàn bán lẻ Amazon đã được quyền tiếp cận thông tin cá nhân của người dùng Facebook sau khi mua dịch vụ quảng cáo trên trang mạng này.

Trước đó, Facebook đã phải chấp nhận khoản tiền phạt 644.000 USD mà các nhà chức trách Anh đưa ra với cáo buộc vi phạm luật bảo vệ dữ liệu liên quan đến vụ bê bối rò rỉ dữ liệu khách hàng cho công ty tư vấn chính trị Anh Cambridge Analytica. Facebook thừa nhận đã chia sẻ dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng, trong đó có ít nhất 1 triệu người Anh, cho Cambridge Analytica và số dữ liệu này được sử dụng với mục đích chính trị.

Năm ngoái, Facebook tiếp tục bị kiện với cáo buộc theo dõi người dùng Instagram thông qua camera trên điện thoại di động của họ. Theo đơn kiện, bằng cách thu thập những dữ liệu cá nhân cực kỳ riêng tư và mật thiết của người dùng, bao gồm cả quyền riêng tư tại nhà riêng của họ, Facebook có thể tăng doanh thu quảng cáo và nghiên cứu thị trường từ những thông tin thu thập được.

Facebook đã phủ nhận các cáo buộc trên và giải thích rằng nó bắt nguồn từ một lỗi trong ứng dụng khiến hệ thống đưa ra những thông báo sai lệch rằng Instagram đang truy cập camera của iPhone và cam kết khắc phục sự cố.

Các nhà làm luật lên tiếng

Facebook gặp sự cố toàn cầu và hệ lụy từ cái bóng quá lớn - 3

Frances Haugen điều trần tại một tiểu ban của Thượng viện Mỹ ngày 5/10 (Ảnh: AFP).

Những vấn đề phát sinh khiến "gã khổng lồ" Facebook gây chú ý đối với giới làm luật ở cả Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác.

Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut (Mỹ) Richard Blumenthal, chủ tịch tiểu ban tổ chức phiên điều trần của Haugen, đã ca ngợi sự dũng cảm của cô khi tiết lộ "những sự thật khủng khiếp về một trong những tập đoàn khổng lồ quyền lực nhất thế giới". Phát biểu mở màn phiên điều trần hôm 5/10, ông Blumenthal cũng nói, những nguy hại mà Facebook gây ra "sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ".

Ở thời điểm mà đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ còn chia rẽ về nhiều vấn đề, các nghị sĩ hai đảng lại có chung quan điểm quanh việc siết kiểm soát đối với Facebook.

Thượng nghị sĩ Ed Markey nói: "Thời kỳ xâm phạm thông tin cá nhân, phát tán các nội dung độc hại và gây tác động tiêu cực đến trẻ vị thành niên của các vị đã chấm dứt". Ông tuyên bố, quốc hội Mỹ sẽ có hành động để kiểm soát Facebook hay các nền tảng tương tự.

Một số thượng nghị sĩ đã đề nghị buộc ông chủ Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước ủy ban Thượng viện vì cho rằng tỷ phú này đang trốn tránh trách nhiệm.

Tại châu Âu, hai nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi mở một cuộc điều tra những cáo buộc cho rằng Facebook đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của công chúng.

"Hồ sơ Facebook và những tiết lộ mà người tố giác đưa ra cho thấy tầm quan trọng của việc chúng ta không nên cho phép các hãng công nghệ lớn tự điều tiết", nghị sĩ Đan Mạch Christel Schaldemose nói. Bà cũng cho rằng cần phải siết chặt hơn nữa Đạo luật về Dịch vụ Kỹ thuật số để chấn chỉnh toàn bộ hệ thống và các mô hình kinh doanh, tạo điều kiện cho việc phát tán thông tin lệch lạc, bạo lực.

Hai nghị sĩ trên cho biết, họ đang liên hệ với Frances Haugen sau khi cô tố giác những vấn đề của Facebook.

Facebook quá lớn để kiểm soát?

Facebook gặp sự cố toàn cầu và hệ lụy từ cái bóng quá lớn - 4

Các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế, chính trị xã hội, đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát (Ảnh minh họa: Atlantic).

Một trong những thách thức lớn nhất với chính phủ các nước không phải là nên hay không nên kiểm soát các nền tảng trực tuyến như Facebook, mà là làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn những tác hại như Haugen mô tả.

Từ lâu đã có những lo ngại rằng, những "gã khổng lồ" ở Thung lũng Silicon như Apple, Facebook, Google, Amazon có thể trở nên "quá lớn để kiểm soát" khi mức độ ảnh hưởng của các doanh nghiệp này đến nền kinh tế và đời sống xã hội, chính trị ngày càng sâu rộng.

Đó là lý do các nhà lập pháp ở Mỹ và nhiều nước đã đưa ra những dự luật nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền của các công ty công nghệ lớn cũng như kiểm duyệt nội dung xấu, độc trên các nền tảng trực tuyến.

Tại Mỹ, một số nghị sĩ đã đưa ra đề xuất chia nhỏ các công ty công nghệ lớn để kiểm soát quyền lực của họ, ngăn chặn tình trạng độc quyền. Ví dụ, Apple có thể bị chia nhỏ bằng cách tách quyền kiểm soát của họ với kho ứng dụng App Store, cấm Amazon thâu tóm hãng bán lẻ Whole Foods Market. Hoặc Facebook sẽ buộc phải bán lại các đối thủ mà họ đã thâu tóm như Instagram và WhatsApp. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) từng chấp thuận các thương vụ thâu tóm của Facebook nhưng giờ đây họ cho rằng Facebook nên bị tách nhỏ.

Ý tưởng trên có vẻ hợp lý, nhưng dường như nó sẽ chỉ khiến giảm lợi nhuận của các "gã khổng lồ" như Facebook, Google hơn là làm giảm bớt tác động tiêu cực của những nền tảng này.

Tại Australia, hồi tháng 6 năm nay, chính phủ nước này đã thông qua dự luật giảm lạm dụng mạng, cho phép họ buộc các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Google phải xóa thông tin độc hại trong vòng 24 giờ, hoặc sẽ bị phạt tới 415.000 USD. Facebook nói họ ủng hộ rộng rãi sáng kiến chống lạm dụng trực tuyến, nhưng lo ngại rằng luật mới có thể sẽ tiếp cận quá mức khi mở rộng các yêu cầu gỡ nội dung.

Đầu năm nay, Australia cũng thông qua luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho nội dung tin tức của các hãng truyền thông địa phương xuất hiện trên các nền tảng kỹ thuật số của họ. Nếu không trả tiền, họ sẽ phải đối mặt với phán quyết của một trọng tài độc lập và có thể bị phạt hàng triệu USD. Facebook và Google cuối cùng đã đạt được thỏa thuận trả phí chia sẻ tin tức với một số hãng truyền thông của Australia sau một thời gian phản đối luật.

Đến nay, mặc dù nhiều dự luật, nhiều đề xuất được đưa ra nhằm kiểm soát các công ty công nghệ lớn, trong đó có việc kiểm soát các nền tảng trực tuyến, nhưng rất ít trong số đó khả thi hoặc cho hiệu quả rõ rệt. Vấn đề là không có một giải pháp toàn diện nào để có thể chỉ giữ lại những khía cạnh tốt của các nền tảng xã hội trong khi loại bỏ những mặt tiêu cực của nó.

Carys Afoko, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập tổ chức nữ quyền Level Up, cho rằng việc quản lý, hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn không thể chỉ dựa vào các cơ quan điều tiết mà còn phụ thuộc vào hành động của người tiêu dùng nhằm có thể gây sức ép buộc các doanh nghiệp này chấp nhận luật chơi và có trách nhiệm với công chúng xã hội.