Di sản của Tổng thống Biden trong hơn 50 năm tham gia chính trường Mỹ
(Dân trí) - Khi đón người kế nhiệm Donald Trump đến Nhà Trắng vào ngày 20/1, Tổng thống Joe Biden kết thúc sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm, với những thăng trầm trên chính trường Mỹ.
Hôm nay, Tổng thống Biden chính thức rời Nhà Trắng, chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, đánh dấu việc kết thúc hơn năm thập niên hoạt động sôi động trên chính trường với tư cách là thượng nghị sĩ, phó tổng thống và tổng thống Mỹ.
Ông Biden có xuất thân khiêm tốn ở Scranton, Pa. - một cộng đồng Công giáo thuộc tầng lớp lao động ở tiểu bang Pennsylvania. Năm 1972, khi mới 29 tuổi, ông được bầu vào Thượng viện và có 36 năm làm thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho bang Delaware (1973-2009), 8 năm làm phó tổng thống (2009-2017) trước khi giành chiến thắng trước đối thủ Donald Trump để trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ vào năm 2020.
Ông Biden có phong thái chính trị gần gũi, được coi là một trong những "sứ giả" hàng đầu của đảng Dân chủ với tầng lớp trung lưu Mỹ; đồng thời nhận được sự ủng hộ của cả các đảng viên kỳ cựu cũng như các đảng viên trẻ cấp tiến của đảng Dân chủ. Với hơn 50 năm tham gia chính trường Mỹ trên nhiều cương vị và trọng trách khác nhau, ông Biden đã để lại nhiều di sản trong sự nghiệp chính trị của mình, trong đó có những di sản phải mất nhiều năm mới có thể đánh giá đầy đủ được.
Về kinh tế
Với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Năm 2020, ông Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau khi giành chiến thắng trước đối thủ Donald Trump. Nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng gặp nhiều thách thức do tác động từ đại dịch Covid-19, ông Biden và các cộng sự của của mình đã chèo lái "con thuyền kinh tế Mỹ" vượt qua và phục hồi sau đại dịch, giúp nền kinh tế Mỹ chuyển đổi sang một nền kinh tế phát triển nhanh hơn so với các nền kinh tế có tốc độ phát triển ngang hàng.
Một là, về việc làm và tiền lương: Hiệu suất kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden đã vượt kỳ vọng của nhiều dự báo, đặc biệt là trong việc tạo ra việc làm. Thị trường việc làm và tiền lương ở Mỹ tăng trưởng mạnh dù lạm phát tăng cao với mức đỉnh vào năm 2022. Năm 2024, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 2,23 triệu việc làm do được thúc đẩy bởi những động thái quan trọng như Thỏa thuận cơ sở hạ tầng lưỡng đảng năm 2021, thúc đẩy đầu tư đáng kể của liên bang vào cơ sở hạ tầng quốc gia và Đạo luật về chip và khoa học, chứng kiến khoản đầu tư đáng kể vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip vi xử lý.
Các nhà kinh tế đánh giá, động lực thúc đẩy khuôn khổ kinh tế của chính quyền Biden không chỉ là tạo ra việc làm trong nước, mà còn là nhiều mục tiêu tham vọng đằng sau đó nhằm duy trì vị thế bá chủ của nước Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gay gắt. Ranh giới giữa hoạch định chính sách kinh tế và an ninh quốc gia vẫn tiếp tục đan xen và sẽ không thể tách rời trong những năm tới.
Hai là, về chuyển đổi kinh tế: Ông Biden đã thúc đẩy triển khai một loạt hành động điều hành nhằm tháo gỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu; thực hiện việc phân bổ của cải cho các thành phố kém thịnh vượng hơn và xây dựng lại cơ sở hạ tầng xuống cấp. Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã thúc đẩy 4 đạo luật kinh tế quan trọng và một trong số đó là đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Trong 4 năm qua, chính quyền Joe Biden cũng đã rót hàng nghìn khoản tài trợ và đầu tư công vào các dự án sân bay hoặc đường bộ ở nhiều nơi như South Carolina và Wyoming.
Các chuyên gia đánh giá, gói cơ sở hạ tầng của chính quyền Biden sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để công chúng Mỹ có thể công nhận bởi nhiều dự án trong đó phải mất hàng thập niên mới có thể hoàn thành được. Mark Muro, thành viên cấp cao tại Chương trình Chính sách Đô thị của Viện Brooking, đánh giá chương trình của ông Biden "to lớn, ấn tượng", giúp nước Mỹ tập trung vào các thử nghiệm lớn về đầu tư vào công nghệ, năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng….
Ba là, đối với ngành sản xuất: Ông Biden không đi sâu vào các ý tưởng thuế gây tranh cãi và quyết liệt hơn mà một số đảng viên Dân chủ đã thúc đẩy để phân phối lại của cải và thu nhập. Tuy nhiên, ông đã đưa trở lại cái được cái gọi là "chính sách công nghiệp" nhằm giải quyết cách vấn đề mang tính chiến lược cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước.
Ông Biden đã tiến hành các cải tổ về chính sách thương mại, tìm cách tạo ra một phiên bản toàn cầu hóa có lợi cho nhiều người Mỹ hơn.
Ông Biden đã thúc đẩy đưa sản xuất công nghệ trở lại. Năm 2022, ông Biden và các thành viên đảng Dân chủ đã triển khai hai biện pháp nhằm tiếp thêm sinh lực cho tương lai của ngành sản xuất Mỹ.
Đạo luật Khoa học và CHIPS cung cấp 52 tỷ USD để xây dựng các nhà máy và thành lập các tổ chức sản xuất chip máy tính trong nước, đảm bảo rằng Mỹ sẽ có quyền tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến nhất cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì an ninh quốc gia. Ngoài ra còn có Đạo luật Giảm lạm phát, đưa ra các khuyến khích để tránh xa nhiên liệu hóa thạch và cho phép Medicare thương lượng giá thuốc.
Bốn là, về khí hậu: Tổng thống Biden đã đạt được thành tích về khí hậu mạnh mẽ nhất trong số các tổng thống Mỹ với các khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào năng lượng sạch, ban hành nhiều quy định giảm ô nhiễm từ ô tô và nhà máy điện, củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng năng lượng sạch và khẳng định lại vị thế dẫn đầu toàn cầu về khí hậu của Mỹ.
Các chuyên gia đánh giá, không có tổng thống Mỹ nào trong lịch sử đạt được nhiều thành tựu như Tổng thống Biden trong việc thay đổi chính sách liên bang để ủng hộ việc cắt giảm khí thải nhà kính.
Đạo luật Giảm lạm được đánh giá là luật về khí hậu quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ, giúp mang lại kết quả nhanh chóng và đáng kinh ngạc với hơn 100 tỷ USD đầu tư tư nhân đã được cam kết để xây dựng các nhà máy tại Mỹ sản xuất mọi thứ, từ tấm pin mặt trời đến pin EV. Các cơ sở năng lượng sạch tăng vọt lên mức cao kỷ lục và lượng khí thải của ngành điện đang có dấu hiệu giảm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng đã mở ra một hướng đi mới khi áp đặt hạn chế cần thiết đối với việc khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh một cách mất kiểm soát.
Trong những ngày cuối của nhiệm kỳ, ông Biden đã cố gắng khẳng định di sản được định hình bởi các luật đặc trưng mà ông triển khai trong nhiệm kỳ của mình nhằm thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng lịch sử, sự hồi sinh các nhà máy năng lượng sạch và đầu tư vào ngành công nghiệp vi mạch nhằm cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc.
Về đối ngoại
Từ năm 1973 đến năm 2009, sự nghiệp chính trị của ông Biden phát triển rực rỡ. Trong thời gian làm việc tại Thượng viện, ông Biden được đánh giá là một trong những chuyên gia đối ngoại hàng đầu của Thượng viện và đã giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong nhiều năm.
Những dấu ấn về đối ngoại của ông Biden bao gồm ủng hộ việc hạn chế vũ khí chiến lược với Liên Xô, thúc đẩy hòa bình và ổn định cho vùng Balkan, mở rộng NATO sang Đông Âu và phản đối Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Ông Biden đi đầu trong nỗ lực kêu gọi nước Mỹ hành động để chấm dứt họa diệt chủng ở Darfur, phản đối cách Tổng thống Mỹ George W. Bush xử lý cuộc chiến Iraq cũng như việc tăng thêm lực lượng Mỹ tại đây vào năm 2007.
Với tư cách là "phó tướng" dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Biden đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó ưu tiên chính sách "ngoại giao mềm", dựa trên nguyên tắc thuyết phục không đe dọa, sau đó đề xuất ưu đãi để đạt được hợp tác và cuối cùng là tạo những trở ngại nhỏ, nhưng không sử dụng đe dọa quân sự.
Khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Biden nhấn mạnh vào việc "làm ấm" lại các mối quan hệ với các đồng minh mà ông cho rằng đã bị suy yếu dưới thời chính quyền Trump. Mục tiêu của ông Biden là khôi phục "vị thế lãnh đạo đáng tin cậy" của Mỹ đối với đồng minh và đối tác toàn cầu; chủ trương xây dựng liên minh, đối tác, đề cao trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã tìm cách củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu; tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với liên minh NATO và an ninh tập thể. Ông Biden đã từng phát biểu đầy tự hào rằng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã thúc đẩy NATO kết nạp thêm 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, qua đó góp phần giúp NATO có thêm hơn 3.000km biên giới, mở rộng NATO tới gần biên giới Nga.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden đã tái lập tư cách thành viên của Mỹ trong Thỏa thuận Khí hậu Paris và đã thực hiện các biện pháp khác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chính quyền Tổng thống Biden đặt trọng tâm lớn vào hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, cũng như củng cố khả năng phòng thủ của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng do nước ngoài tài trợ, hoạt động gián điệp mạng và cạnh tranh về chính sách thương mại và công nghiệp.
Đối với vấn đề Ukraine, ngay từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dồn toàn lực để hỗ trợ Kiev bất chấp sự phản đối của nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng như triển vọng ngày càng xấu về việc Kiev có thể giành chiến thắng hoặc lấy lại các phần lãnh thổ đã mất.
Nhìn chung, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ. Ông Biden đã thúc đẩy việc xây dựng một mạng lưới liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với việc tập trung vào "Bộ tứ kim cương" (QUAD) hay ký thỏa thuận an ninh và quốc phòng ba bên AUKUS.
Sự ra đời của AUKUS được coi là bước thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của Mỹ, Anh và Australia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời là một bước quan trọng giúp Mỹ củng cố vị trí siêu cường trên thế giới. AUKUS được đánh giá như một nấc thang trên con đường thể chế hóa các liên minh đa phương trong khu vực của Mỹ.
Thông qua mô hình này, các đồng minh bảo đảm căn cứ, hải cảng cho quân đội Mỹ cũng như hỗ trợ Washington hiện diện tại khu vực. Việc thành lập AUKUS là một sự chuyển động mang tính bước ngoặt đối với cục diện địa chính trị tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, theo mô hình "Trục bánh xe và nan hoa", Mỹ đã thành công khi xây dựng liên minh song phương với nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái lan và Philippines nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Mỹ trong khu vực, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ngày càng gia gay gắt.
Trong bài phát biểu vào ngày 13/1 tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định, nước Mỹ dưới thời ông trong 4 năm qua "mạnh hơn trên trường quốc tế" so với nhiều thập niên trước; nhấn mạnh đến công sức của ông trong việc xây dựng lại các liên minh quốc tế trong suốt thời gian qua; đồng thời đánh giá mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh đang "mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên" và các đối tác trong liên minh quân sự NATO "đang chi trả phần đóng góp của họ một cách công bằng".
Đáng chú ý, tại điểm nóng Trung Đông, Tổng thống Biden đã ghi dấu ấn tích cực trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ khi ngày 15/1 Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắt sau hơn 15 tháng giao tranh ròng rã, ác liệt. Thỏa thuận ngừng bắn là một bước chuyển biến quan trọng tích cực đối với tình hình phức tạp tại Trung Đông hiện nay, giúp mở ra cục diện mới ở khu vực này theo hướng thương lượng, nhượng bộ lẫn nhau thay vì dùng vũ lực để giải quyết xung đột.
Hơn nữa, đây không những là thành tựu đáng kể trên mặt trận ngoại giao của Tổng thống Biden, mà còn tạo thế cho chính quyền Tổng thống Trump sắp tới tăng thêm uy tín và vị thế trên bàn cờ Trung Đông.
Các nhà quan sát đánh giá, di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden được định hình, một phần bởi sự ủng hộ toàn diện của ông đối với các đồng minh trong khủng hoảng.
"Chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu" của ông, gắn kết ngoại giao Mỹ với hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong nước. Các nhà chính trị học mô tả rằng, chính sách đối ngoại của ông Biden có nền tảng tư tưởng trong chủ nghĩa quốc tế tự do vào giữa thế kỷ XX, "chủ nghĩa ngoại lệ" của Mỹ và chủ nghĩa thực dụng.
Tổng thống Joe Biden được nhiều đảng viên đảng Dân chủ cũng như người dân Mỹ coi trọng và yêu mến vì những gì mà ông đã đóng góp cho nước Mỹ trong hơn nửa thế kỷ tham gia chính trường. Những gì ông đã làm được, chưa làm được và chưa được đánh giá hết cần phải có thời gian thực tế mới có thể kiểm chứng đầy đủ.
Theo Reuters, ABC News, FT, Washington Post