DMagazine

Bí mật những căn hầm và "pháo đài" an ninh trong Nhà Trắng

(Dân trí) - Nhà Trắng, nơi ở chính thức và là nơi làm việc chính của tổng thống Mỹ, luôn chứa đựng nhiều bí mật mà người dân trên thế giới đều muốn khám phá, trong đó có những căn hầm trú tận thế.

BÍ MẬT NHỮNG CĂN HẦM VÀ "PHÁO ĐÀI" AN NINH TRONG NHÀ TRẮNG

Nhà Trắng, nơi ở chính thức và là nơi làm việc chính của tổng thống Mỹ, luôn chứa đựng nhiều bí mật mà người dân trên thế giới đều muốn khám phá, trong đó có những căn hầm trú tận thế.

Nhà Trắng là cái tên không còn xa lạ khi nhắc đến nước Mỹ. Công trình được đặt nền móng từ năm 1793 trên mảnh đất rộng hơn 7ha ở số 1600 Đại lộ Pennsylvania và phải 8 năm sau mới hoàn thành.

Ban đầu nó có tên gọi là Dinh tổng thống, Nhà tổng thống, Phủ tổng thống, và đến tận năm 1901, Tổng thống Theodore Roosevelt mới chỉ định tên chính thức nơi ở của tổng thống Mỹ là Nhà Trắng.

Mặc dù George Washington là vị tổng thống đã lựa chọn địa điểm và kiến trúc cho Nhà Trắng nhưng ông lại là tổng thống Mỹ duy nhất chưa từng sống ở Nhà Trắng cho đến thời điểm hiện tại. Tổng thống John Adams là người đầu tiên sống ở Nhà Trắng vào năm 1800 sau khi việc xây dựng hoàn tất.

Nhà Trắng được cho là có rất nhiều căn phòng bí mật và đường hầm bên dưới - nơi tổng thống và các quan chức chính phủ có thể trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.

HẦM TRÁNH TẬN THẾ

Bí mật những căn hầm và pháo đài an ninh trong Nhà Trắng - 1

Ảnh chụp vệ tinh khu vực Nhà Trắng năm 2010 (Ảnh: Google Earth).

Để đảm bảo an toàn cho tổng thống Mỹ, không chỉ một mà có tới nhiều hầm an ninh (boongke) nằm bên dưới Nhà Trắng sẵn sàng được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Boongke này được xây dựng rất kiên cố, vừa làm nơi ở cho các quan chức chính phủ cấp cao lại vừa duy trì liên lạc với thế giới bên ngoài; có nước và thực phẩm dự trữ, có thể tiếp cận với hầu hết các khu vực trong Nhà Trắng thông qua một hệ thống đường hầm.

Washington Examiner dẫn nội dung một cuốn sách ra mắt năm 2018 nói rằng, Nhà Trắng có một hệ thống hầm ngầm kiên cố để làm nơi trú ẩn cho các quan chức cấp cao của chính phủ trong những tình huống khẩn cấp.

Trước kia, có những ý tưởng cho rằng, nếu xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân hay phóng xạ, sinh học, tổng thống và các nhân viên Nhà Trắng có thể sơ tán đến địa điểm xa xôi ở Tây Virginia hoặc Pennsylvania. Tuy nhiên,  giới chức Mỹ nhận ra rằng, không bao giờ có thể rời khỏi Washington bằng bất kỳ phương tiện nào bởi tất cả các con đường đều bị tắc nghẽn. Thậm chí, việc di huyển bằng trực thăng cũng rất rủi ro. Vì vậy, các hầm ngầm an ninh đã ra đời ngay bên dưới Nhà Trắng.

Ban đầu, Nhà Trắng có một hầm ngầm bên dưới Cánh Tây hay còn gọi là Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp của Tổng thống (PEOC). Hầm trú ẩn này là một trong số các boongke ngầm có thể chống chịu với các vụ nổ hạt nhân, được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh dưới thời hai tổng thống Harry S. Truman và Dwight D. Eisenhower.

PEOC từng được sử dụng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Phó Tổng thống Dick Cheney khi đó được đưa xuống đó để đảm bảo an toàn. Lúc vụ tấn công xảy ra, Tổng thống George W.Bush đang ở bang Florida. Vào lúc đêm muộn, ông Bush được đưa xuống PEOC sau khi có báo động giả về một vụ tấn công bằng máy bay khác.

Trong cuốn sách xuất bản đầu năm 2010, cựu Đệ nhất phu nhân Laura Bush từng kể lại lần sơ tán đến hầm trú ẩn này. "Tôi đã bị đưa xuống cầu thang qua một cặp cửa thép lớn. Cánh cửa đóng sau lưng tôi với một tiếng rít lớn, tạo thành một căn phòng kín khí... Chúng tôi đi dọc theo sàn gạch cũ với các ống treo trên trần nhà và tất cả các loại thiết bị cơ khí. PEOC được thiết kế để trở thành một trung tâm chỉ huy trong các trường hợp khẩn cấp, với đầy đủ TV, điện thoại và các phương tiện liên lạc", bà viết.

Sau vụ tấn công khủng bố 11/9, PEOC được nâng cấp để có thể chịu được lực của một chiếc máy bay đâm vào Nhà Trắng. Hiệp hội Các nhà khoa học của Mỹ chỉ ra rằng, đầu đạn hạt nhân mạnh nhất ở Mỹ có sức công phá đến độ sâu 305m. Vì thế, nhiều người nhận định, hầm ngầm tổng thống phải cách mặt đất ít nhất 305m.

Năm 2020, gia đình Tổng thống Donald Trump được cho là đã được đưa xuống căn hầm trú ẩn này khi các cuộc biểu tình sắc tộc lan đến Nhà Trắng.

Ngoài ra, Nhà Trắng được cho là có một khu 5 tầng nằm sâu trong lòng đất, có kích cỡ lớn hơn PEOC rất nhiều.

Ông Ronald Kessler, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Nhà Trắng, cho biết một hầm ngầm dường như được xây dựng từ thời Tổng thống Barack Obama và đủ rộng cho các nhân viên của Nhà Trắng khi cần thiết. Năm 2010, một dự án xây dựng với kinh phí gần 400 triệu USD được khởi công bên trong Nhà Trắng. Các thông tin chính thức nói đây là dự án nhằm nâng cấp hệ thống điện và điều hòa không khí của Nhà Trắng. Tuy nhiên, truyền thông từ lâu đã nghi ngờ rằng đây là dự án xây dựng hầm trú ẩn dưới lòng đất.

Hầm ngầm này được xây dưới khu North Lawn (Bãi cỏ phía Bắc) sau vụ tấn công 11/9, sau khi các chuyên gia an ninh quốc gia khuyến nghị các biện pháp mạnh hơn để bảo vệ tổng thống.

Tác giả Kessler viết, hầm trú ẩn 5 tầng này được hoàn thiện vào gần cuối nhiệm kỳ của ông Obama và có thể làm nơi trú ẩn cho toàn bộ nhân viên Cánh Tây của Nhà Trắng trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công.

Hầm ngầm mới là một trung tâm chỉ huy và khu nhà ở, được thiết kế để bảo vệ gia đình tổng thống và nhân viên Nhà Trắng khỏi các vụ tấn công bằng vũ khí sinh học và phóng xạ. Khu vực này có hệ thống cung cấp không khí khép kín và tích trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng cho nhiều tháng.

Cơ quan Mật vụ Mỹ đến này vẫn từ chối bình luận về sự tồn tại của hầm trú ẩn này cũng như thông tin trong cuốn sách của tác giả Kessler.

Ngoài các hầm ngầm, Nhà Trắng cũng có các đường hầm trong lòng đất. Nhiều tin đồn cho rằng cũng có những đường hầm nối Nhà Trắng với Đồi Capitol, Blair House (Nhà khách của tổng thống), dinh thự phó tổng thống, Trại David, Lầu Năm Góc.  Tất cả hầm ngầm, đường hầm này đều nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình tổng thống và các quan chức cấp cao của chính phủ trong các tình huống an ninh khẩn cấp.

Trong trường hợp tổng thống Mỹ không được an toàn tại Nhà Trắng hoặc không có mặt ở đây, họ sẽ được hộ tống để di chuyển với khoảng cách ngắn nhất tới Trung tâm điều hành quốc gia lưu động E-4B được mệnh danh là "Nhà Trắng trên không". Trung tâm này thực chất là chiếc máy bay E-4 Nightwatch do Boeing sản xuất, có khả năng chịu được bức xạ và hoạt động trên không trong nhiều ngày cho phép nhánh hành pháp tiếp tục thực hiện chức năng của mình.

PHÒNG "GIẢI CỨU THẾ GIỚI"

Bí mật những căn hầm và pháo đài an ninh trong Nhà Trắng - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao của chính quyền căng thẳng theo dõi chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Mỹ đột kích, tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi ở Syria hồi tháng 2/2022 (Ảnh: Reuters).

Nhà Trắng có 6 tầng với tổng cộng 132 phòng, 35 nhà tắm, 8 cầu thang, 3 thang máy, 412 cửa ra vào và 147 cửa sổ. Theo một số tin đồn, Nhà Trắng có rất nhiều căn phòng bí ẩn, trong đó đáng lưu ý là Phòng Tình huống - nơi tổng thống Mỹ và các cố vấn cao cấp thảo luận những vấn đề gai góc nhất liên quan đến chiến tranh và hòa bình toàn cầu.

Phòng Tình huống chỉ ra đời sau năm 1961 khi Tổng thống John F. Kennedy quyết định thành lập một trung tâm tác chiến khẩn cấp sau cuộc khủng hoảng ở Vịnh Con Lợn do người đứng đầu chính phủ không được nhận thông tin tình báo nhanh chóng.

Phòng Tình huống nằm ở tầng bên dưới Phòng Bầu dục, nơi Tổng thống Mỹ thường tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, được coi là một trong những nơi tuyệt mật nhất nước Mỹ. Phòng này nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hội đồng An ninh quốc gia với nhân sự từ nhiều cơ quan trọng yếu thuộc lĩnh vực tình báo và quân đội. Các nhân viên thuộc Phòng Tình huống trong Nhà Trắng tổng hợp khoảng 2.000 mẩu thông tin một ngày để giúp tổng thống Mỹ phản ứng trước các cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng.

"Nơi này giống như một trung tâm tình báo của tổng thống và có cả phòng họp bên trong", ông Michael Bohn, giám đốc điều hành Phòng Tình huống vào nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Ronald Reagan, chia sẻ với ABC News. Ông nhấn mạnh: "Nếu tổng thống triệu tập cuộc họp trong Phòng Tình huống, đó chắc chắn là buổi tranh luận căng thẳng về những quyết định quan trọng nhất của chính phủ".

Không khí căng thẳng của các cuộc họp bên trong Phòng Tình huống có thể bộc lộ rõ qua những bức ảnh hiếm hoi ghi lại khoảnh khắc khi Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức cấp cao của Mỹ theo dõi chiến dịch của đặc nhiệm Mỹ vào nơi ở của trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden năm 2011.

Theo ông Bohn, Phòng Tình huống trên thực tế là một tổ hợp gồm nhiều phòng khác nhau, kết hợp các chức năng cảnh báo và tình báo để cung cấp thông tin cho tổng thống. Do tính chất bảo mật và nhạy cảm về thông tin, những người ra vào Phòng Tình huống phải tuân thủ hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt. "Khi bước vào đây, bạn phải để điện thoại di động ở quầy bảo vệ. Nếu cần trao đổi điện thoại, chỉ có thể sử dụng những kiểu điện thoại đời cũ", ông Bohn, cho biết.

Mặc dù là nơi giới chức cấp cao của Mỹ thảo luận các vấn đề gai góc nhất có thể tầm ảnh hưởng lớn, nhưng Phòng Tình huống vẫn sử dụng công nghệ khá lạc hậu.

Chỉ gần đây, chính phủ Mỹ mới thông qua kế hoạch nâng cấp công nghệ cho Phòng Tình huống dự kiến hoàn tất trong vòng 1 năm tới, hãng tin Politico dẫn lời một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay. Đợt nâng cấp gần đây nhất của Phòng Tình huống là vào năm 2007.

"PHÁO ĐÀI" AN NINH

Bí mật những căn hầm và pháo đài an ninh trong Nhà Trắng - 3

Nhà Trắng luôn được bảo vệ bởi các xạ thủ bắn tỉa trên mái (Ảnh: Belgium Post).

Nhà Trắng không chỉ là nơi ở, làm việc của các tổng thống Mỹ cùng gia đình, mà còn là "pháo đài" có hệ thống an ninh bảo vệ tuyệt đối.

Bao quanh Nhà Trắng là hàng rào chắn, ngăn các vụ tấn công bằng bom xe. Các lối vào Nhà Trắng đều có những trạm kiểm soát an ninh. Xung quanh Nhà Trắng còn trang bị hệ thống cảm biến hồng ngoại và thiết bị báo động đặt dưới mặt đất giúp phát hiện người xâm nhập.

Ngoài ra, nơi ở của tổng thống Mỹ còn được bảo vệ bởi một đội ngũ an ninh đông đảo được huấn luyện đặc biệt. Họ được phép mang theo vũ khí như súng máy để khống chế, bắt giữ người đột nhập. Trên nóc Nhà Trắng có bố trí các tay súng bắn tỉa làm nhiệm vụ 24/24h. Những người này có khả năng bắn trúng chính xác mục tiêu ở khoảng cách 1000m.

Số lượng nhân viên mật vụ bảo vệ Nhà Trắng chưa từng được tiết lộ. Tuy nhiên, theo hãng tin ABC News, có 1.200 mật vụ được bố trí xung quanh Nhà Trắng và tại các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao ở Washington DC. Ngoài ra, còn có 2.800 nhân viên khác mặc thường phục.

Nhà Trắng còn được bảo vệ bởi "vùng cấm bay" bên trên. Theo đó, toàn bộ máy bay không được phép đi vào không phận này. Bất cứ máy bay nào không tuân thủ và bị cho là tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với người đứng đầu chính phủ, chúng có thể bị bắn hạ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không được bố trí bí mật ở Washington D.C.

Gia đình tổng thống khi ở Nhà Trắng còn được bảo vệ bởi những quy tắc "bất thành văn", trong đó có quy định cấm mở cửa sổ. Nhà Trắng thiết kế rất nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên. Chúng được làm bằng kính chống đạn thuộc loại tốt nhất. Hồi tháng 11/2011, một kẻ đã dùng súng trường bán tự động bắn 7 viên đạn vào Nhà Trắng, nhưng không viên đạn nào khiến cửa sổ ở đây bị vỡ.

Để đảm bảo an toàn cho gia đình tổng thống, không ai trong Nhà Trắng được phép mở cửa sổ. Cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama từng chia sẻ, được mở cửa sổ là một trong những điều hạnh phúc nhất của bà sau khi rời Nhà Trắng. Trong một cuộc phỏng vấn với nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey, cựu Đệ nhất phu nhân nói rằng cô con gái Sasha đã từng mở cửa sổ trong nhà và ngay lập tức có tiếng nhắc nhở: "Có tiếng gọi. Hãy đóng cửa sổ lại, từ đó cửa sổ cũng không được mở thêm một lần nào nữa".

Minh Phương
Theo Business Insider, Washington Post, Fox News