PhotoStory

6 điều ít biết về thủ đô mới nằm giữa rừng của Indonesia

Thực hiện: CTV

(Dân trí) - Với chi phí đầu tư từ 30 đến 35 tỷ USD, Nusantara được kỳ vọng sẽ trở thành thủ đô mới, hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường của Indonesia trên đảo Borneo.

6 điều ít biết về thủ đô mới nằm giữa rừng của Indonesia - 1

Cung điện Quốc gia và cung điện Garuda hình chim đại bàng tại Nusantara (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo hôm 12/8 đã tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên tại Cung điện Garuda mới ở Nusantara, thủ đô mới dự kiến của Indonesia trên đảo Borneo.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, ông Widodo đang cố gắng đạt được những bước tiến tối đa đối với dự án tham vọng đầy tham vọng nhằm di chuyển các chức năng của thủ đô ra khỏi Jakarta. Vào hôm nay, 17/8, Tổng thống Widodo sẽ chủ trì lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Indonesia lần đầu tiên tại Nusantara, còn được biết đến với tên viết tắt là IKN.

"IKN là một bức họa trắng nơi tương lai được kiến tạo", ông Widodo nói trong cuộc họp nội các. "Không nhiều quốc gia có cơ hội hoặc khả năng xây dựng thủ đô từ đầu. Không chỉ là những thay đổi về vật chất, việc chuyển thủ đô đến Nusantara cũng đánh dấu sự thay đổi trong tư duy của chúng ta. Các nền kinh tế sẽ được phát triển tại Nusantara là kinh tế xanh và kinh tế số".

Vậy Nusantara đã sẵn sàng đi vào hoạt động chưa? Dưới đây là những điều ít biết về dự án đầy tham vọng này.

1 - Nusantara được lựa chọn thế nào?

6 điều ít biết về thủ đô mới nằm giữa rừng của Indonesia - 2

Nusantara nằm cách thủ đô Jakarta hiện nay khoảng 1.200km (Ảnh: Nikkei).

Nusantara nằm trên đảo Borneo, cách Jakarta - thủ đô của Indonesia kể từ khi nước này giành độc lập năm 1945 đến nay - khoảng 1.200km.

Trong bối cảnh Jakarta bị sụt lún và ngày càng quá tải do dân số đông đúc, vào năm 2017, chính quyền của Tổng thống Widodo đã bắt đầu xem xét kế hoạch chuyển thủ đô khỏi Jakarta. Đích thân ông Widodo đã tham gia vào quá trình thị sát và xem xét các địa điểm tiềm năng để đặt thủ đô mới. Cuối cùng, vùng đất nằm giữa khu rừng nhiệt đới tại tỉnh Đông Kalimantanh nằm tại tỉnh Đông Kalimantan, bên bờ phía đông của đảo Borneo - được xem là hòn đảo lớn thứ 3 thế giới - đã được chọn vì đáp ứng các yêu cầu, trong đó có việc ít bị ảnh hưởng bởi động đất và núi lửa.

Tháng 8/2019, Tổng thống Widodo đã chính thức phê chuẩn kế hoạch di dời thủ đô đến Borneo. Đây cũng là một phần của chiến lược nhằm giảm bất bình đẳng phát triển giữa đảo Java (nơi có Jakarta) và các đảo khác trong quần đảo Indonesia và giảm gánh nặng cho Jakarta với tư cách là trung tâm chính của đất nước. Tháng 1/2022, quốc hội Indonesia thông qua luật dời thủ đô từ Jakarta tới đảo Borneo.

Nusantara được chọn làm tên chính thức cho thủ đô mới của Indonesia nhằm thể hiện tầm nhìn địa chính trị quốc gia, được gọi là Wawasan Nusantara trong tiếng địa phương (nghĩa đen là Tầm nhìn Nusantara hay Tầm nhìn của quần đảo Indonesia). Nó cũng phản ánh vị thế của Indonesia như một quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới.

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7/2022 và dự kiến kéo dài qua 5 giai đoạn, kết thúc năm 2045, với chi phí xây dựng vào khoảng 30-35 tỷ USD. Thành phố trải rộng trên diện tích 2.560km2, bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ là đồi núi, một vùng rừng và vịnh tự nhiên.

Các nhà phát triển tham vọng đưa Nusantara trở thành một thành phố xanh, thân thiện với môi trường, hiện đại và được áp dụng các công nghệ tiên tiến của một thành phố thông minh.

Chính quyền Tổng thống Widodo tham vọng rằng, Nusantara không chỉ là việc xây dựng một thủ đô hoàn toàn mới của Indonesia, mà là cơ hội để tái tạo hoàn toàn bản sắc dân tộc Indonesia. Chính ông Widodo từng tuyên bố rằng thủ đô mới đại diện cho "một phong cách làm việc mới, một tư duy mới, một nền kinh tế xanh mới".

6 điều ít biết về thủ đô mới nằm giữa rừng của Indonesia - 3

Thành phố Nusantara được khởi công xây dựng vào tháng 7/2022 (Ảnh: AFP).

2 - Nusantara chính thức là thủ đô mới của Indonesia?

Một luật về địa vị của Jakarta đã được thông qua vào tháng 4 đã gỡ bỏ từ "thủ đô" khỏi mô tả của thành phố. Ridwan Kamil, người phụ trách cơ sở hạ tầng tại Ban quản lý thủ đô Nusantara, cũng cho biết tại một sự kiện gần đây ở Singapore rằng "Jakarta không còn là thủ đô của Indonesia".

Tuy nhiên, Tổng thống Widodo đã nói vào tháng trước rằng việc di chuyển thủ đô cần một sắc lệnh tổng thống, điều mà ông có thể nhường lại cho người kế nhiệm - Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto, hiện là Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Prabowo sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/10. "Chúng tôi không muốn vội vã với những gì chưa sẵn sàng", ông Widodo nói.

Do đó, quyết định có công nhận Nusantara chính thức là thủ đô mới của Indonesia vẫn phải cần thời gian.

Trước đây, dự án thủ đô mới cũng vấp phải những tranh cãi về tên gọi và ngân sách phát triển.

6 điều ít biết về thủ đô mới nằm giữa rừng của Indonesia - 4

Tổng thống Widodo và các quan chức Indonesia thăm thành phố mới hôm 12/8 (Ảnh: AFP).

3 - Khi nào chính phủ Indonesia bắt đầu chuyển đến Nusantara?

Việc phát triển Nusantara diễn ra qua 5 giai đoạn đến năm 2045. Giai đoạn đầu kéo dài đến cuối năm nay và bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như các con đập, đường cao tốc, "khu vực lõi" của trung tâm hành chính, nơi các cung điện tổng thống và văn phòng bộ trưởng mới tọa lạc.

Danis Sumadilaga, người đứng đầu nhóm thực thi phát triển IKN, cho biết khoảng 90% công việc của giai đoạn đầu đã hoàn tất. "Mọi việc sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay", ông nói.

Giai đoạn đầu bao gồm việc xây dựng 47 tòa nhà căn hộ, với gần 3.000 đơn vị nhà ở, đủ để cư trú cho khoảng 10.000 người. Các căn hộ này dành cho các cán bộ công chức và gia đình của họ. Các nhân viên chính phủ đầu tiên dự kiến sẽ chuyển đến vào tháng tới.

Ngoài ra, 48 ngôi nhà cũng được chuẩn bị cho các bộ trưởng nội các và lãnh đạo của các tổ chức nhà nước. Hầu hết đã gần hoàn tất và sẵn sàng để ở.

4 - Chi phí ở đâu để xây dựng thủ đô mới?

Theo luật, nhà nước chỉ có thể chi trả 20% trong tổng số 466 nghìn tỷ rupiah (tương đương 29,3 tỷ USD) chi phí dự kiến để phát triển thủ đô mới. Nhưng cho tới nay, Indonesia đã chi khoảng 83 nghìn tỷ rupiah cho các dự án giai đoạn đầu, chỉ còn cách ngưỡng 20% khoảng 10 nghìn tỷ rupiah.

Vậy 80% chi phí còn lại thì sao? Chính phủ mong muốn số tiền này được đầu tư thông qua quan hệ đối tác công-tư và đầu tư tư nhân trực tiếp. Tuy nhiên, khu vực tư nhân tính đến ngày 12/8 mới cam kết đầu tư 56,2 nghìn tỷ rupiah vào Nusantara, hầu hết đến từ các công ty Indonesia. Tổng thống Jokowi cho biết đã có 55 dự án được động thổ, bao gồm khách sạn, bệnh viện, ngân hàng, cơ sở giáo dục và trung tâm bán lẻ, hậu cần.

6 điều ít biết về thủ đô mới nằm giữa rừng của Indonesia - 5

Nusantara vẫn đang tiếp tục được xây dựng và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2045 (Ảnh: AFP).

Agung Wicaksono, phó giám đốc phụ trách tài chính và đầu tư tại Ban quản lý thủ đô Nusantara, cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra với các công ty nước ngoài về quan hệ đối tác công-tư để đầu tư lên tới 2 tỷ USD vào các lĩnh vực như nhà ở và công nghệ thành phố thông minh.

Công ty công nghệ Nhật Bản NEC đang xem xét tham gia vào một dự án công nghệ thành phố thông minh tại Nusantara vào cuối năm nay, Joji Yamamoto, giám đốc điều hành của đơn vị tại Indonesia, cho biết với báo Nikkei Asia. "Tại thủ đô mới, chúng tôi có thể giúp tạo ra một thành phố tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang đến công nghệ của chúng tôi, hệ thống thành phố thông minh của NEC", ông nói.

Ông Dedi Dinarto, nhà phân tích về Indonesia tại công ty tư vấn chiến lược Global Counsel, cho hay môi trường lãi suất cao hiện nay đang khiến các nhà đầu tư thận trọng, "đặc biệt là trong các dự án có lợi nhuận không chắc chắn". So với Nusantara, ông cho biết, Việt Nam và Malaysia "đã nhanh chóng đưa ra các chính sách đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu tìm cách giảm rủi ro" từ những căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

5 - Tổng thống đắc cử Prabowo có cam kết với việc di dời thủ đô hay không?

Theo Nikkei Asia, mặc dù Tổng thống đắc cử Prabowo đã cam kết về việc tiếp tục các chính sách từ chính quyền tiền nhiệm nhưng ông dường như không quan tâm nhiều tới dự án như ông Jokowi. Ông Prabowo dường như quan tâm tới các chính sách nhằm cung cấp bữa ăn miễn phí cho trẻ em và thúc đẩy ngành quốc phòng.

Nhà phân tích Dinarto cho rằng dự án Nusantara không có khả năng bị hoàn toàn bỏ lửng, "nhưng việc thiếu tín hiệu mạnh mẽ từ Tổng thống đắc cử có thể gây ra những hoài nghi về việc có đẩy nhanh tiến độ phát triển hay không".

Hôm 12/8, ông Prabowo, người tham dự cuộc họp nội các tại Cung điện Garuda mới, cho biết với các phóng viên rằng ông cam kết tiếp tục phát triển Nusantara. "Chúng tôi sẽ huy động tất cả các chuyên gia theo khả năng. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh dự án nếu có thể nhưng không thể ép buộc. Tôi lạc quan rằng thủ đô mới sẽ hoạt động rất tốt trong 4 đến 5 năm tới", ông nói.

6 điều ít biết về thủ đô mới nằm giữa rừng của Indonesia - 6

Nusantara được kỳ vọng sẽ là một thành phố thông minh, thân thiện với môi trường (Ảnh: AFP).

6 - Nusantara sẽ trở thành thành phố xanh và thông minh thế nào?

Nusantara được kỳ vọng sẽ là một "thành phố rừng", nơi thiên nhiên đồng hành với một đô thị hiện đại của tương lai.

Các khu vực xung quanh các tòa nhà chính phủ tại Nusantara được xây dựng xen kẽ đường đi bộ bao quanh bởi cây cối và hồ nước. Đây sẽ là cảnh quan thân thiện với người đi bộ và xe đạp, khác biệt với hầu hết các thành phố lớn ở Indonesia, trong đó có Jakarta.

Vận tải cacbon thấp sẽ là một mục tiêu chính của Nusantara khi thành phố nhắm đến việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045, sớm hơn 15 năm so với mục tiêu của Indonesia. Chỉ các xe điện mới được phép hoạt động trong thành phố. "Vì vậy, nếu bạn lái xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bạn sẽ phải dừng vòng ngoài để đổi phương tiện", Kamil, người phụ trách Nusantara, cho biết.

Thành phố sẽ hoàn toàn được cung cấp điện từ năng lượng tái tạo. Một nhà máy điện mặt trời 50 megawat đang được công ty điện lực quốc gia Perusahaan Listrik Negara và công ty Sembcorp Energy của Singapore xây dựng, với mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Masdar, một công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), đang xem xét tính khả thi của việc xây dựng thêm nhà máy công suất 200 megawat từ năng lượng gió và mặt trời.

Hải Ninh

Theo Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg, Wikipedia