DNews

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Báo Dân trí phối hợp với Trung tâm Điều dưỡng Người có công miền Trung, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu, tặng quà người có công tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng

Tri ân người có công với cách mạng

Ngày 12/7, báo Dân trí phối hợp với Trung tâm điều dưỡng Người có công miền Trung (Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng, Bệnh viện 199 (Bộ Công an), các doanh nghiệp, tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu, tặng quà tri ân tới người có công tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 1

Báo Dân trí phối hợp với Trung tâm Điều dưỡng Người có công Miền Trung, Bệnh viện 199 Bộ Công an tặng quà tri ân người có công (Ảnh: Hoài Sơn).

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công miền Trung; Trung tá Trần Quang Pháp, Phó giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công an); nhà báo Trần Duy Tuyên, Trưởng văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên báo Dân trí; ông Mai Xuân Linh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); bà Phạm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng cùng 100 người có công tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 2

Nhà báo Trần Duy Tuyên, Trưởng văn phòng đại diện miền Trung - Tây Nguyên báo Dân trí phát biểu tại chương trình (Ảnh: Hoài Sơn).

Đây là chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động tặng quà, tri ân gia đình người có công của báo Dân trí nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024).

Tại buổi gặp mặt, giao lưu, nhà báo Trần Duy Tuyên cùng ông Nguyễn Sỹ Lương, Trung tá Trần Quang Pháp, ông Mai Xuân Linh và đại diện các doanh nghiệp trao tặng 50 suất quà gồm tiền mặt 200.000 đồng và hiện vật tới người có công tỉnh Quảng Nam đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người có công miền Trung; đồng thời, báo Dân trí trao tặng 20 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng đến các cụ được phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 3

Các tiết mục văn nghệ tại chương trình được chuẩn bị công phu, chu đáo (Ảnh: Hoài Sơn).

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 4

Trung tá Trần Quang Pháp, Phó giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công an) góp vui văn nghệ tại chương trình (Ảnh: Hoài Sơn).

Cùng với đó là chương trình giao lưu văn nghệ với những tiết mục đặc sắc, được các cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung và các đơn vị, cá nhân chuẩn bị công phu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, giao lưu, Nhà báo Trần Duy Tuyên chia sẻ, cùng với nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, báo Dân trí luôn nêu cao trách nhiệm xã hội của mình trong công tác an sinh xã hội, trong đó có trách nhiệm với người có công.

Hằng năm, báo Dân trí không chỉ dành tặng các phần quà đến người có công, đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sỹ, mà còn triển khai xây dựng những căn nhà tặng người có công tại nhiều địa phương trên cả nước.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 5

Nhà báo Trần Duy Tuyên thăm hỏi, tặng quà người có công được chăm sóc tại Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Phạm Bằng, đại diện cho người có công của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bày tỏ sự biết ơn khi nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Ông Bằng cũng gửi lời cảm ơn Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung, báo Dân trí, các đơn vị doanh nghiệp đã tổ chức buổi giao lưu ý nghĩa để ông và những đồng đội được gặp nhau, ôn lại ký ức hào hùng một thời.

Tuổi xuân của tôi là đất nước, quê hương

Năm 1964, tròn 18 tuổi, cô gái Lương Thị Lợi (quê Quảng Nam) hăng hái viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Với hành trang mang theo vào chiến trường là niềm hạnh phúc được cống hiến và niềm mong mỏi có độc lập, tự do.

Công việc tiếp lương, tải đạn... ở khắp chiến trường miền Trung vô cùng vất vả nhưng cô gái trẻ ngày nào vẫn động viên bản thân phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì đất nước, vì quê hương.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 6

Bà Lương Thị Lợi (quê Quảng Nam) tham gia cách mạng khi tròn 18 tuổi (Ảnh: Hoài Sơn).

Bà Lợi kể, có những đêm bà phải hành quân xuyên đêm, qua bao nhiêu rừng núi, bất chấp những loạt mưa bom, bão đạn của kẻ thù, có lần bà cùng các nữ đồng đội lấy thân mình che đạn cho bộ đội bị thương.

Đến năm 1975, bà Lợi về quê hương rồi lập gia đình. Song, ảnh hưởng của chiến tranh đã khiến hạnh phúc của bà không trọn vẹn khi hai người con sinh ra mất đi vì chất độc da cam.

Đến nay, bà Lợi mang trong mình nhiều căn bệnh và không còn chồng, con. Bà đã được Đảng, Nhà nước chăm sóc tại Trung Tâm phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng.

Hôm nay, bà tham dự chương trình tri ân do báo Dân trí phối hợp tổ chức. Xuyên suốt chương trình, bà rất vui mừng và hạnh phúc khi được nhớ về những ký ức oai hùng thời tuổi trẻ.

Cũng tham gia bộ đội vào năm 18 tuổi, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (76 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) đã in dấu chân mình khắp núi rừng Trường Sơn.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 7

Ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công miền Trung phát biểu tại chương trình (Ảnh: Hoài Sơn).

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 8

Trung tá Trần Quang Pháp, Phó giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công an) phát biểu tại chương trình (Ảnh: Hoài Sơn).

Những ngày tháng nơi núi rừng Trường Sơn, sống trong cảnh "mưa bom, bão đạn" nhưng với tinh thần "một xanh cỏ, hai ngực đỏ màu cờ Tổ quốc", cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh Tâm luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đất nước thống nhất, bà trở về quê và lập gia đình nhưng do bị nhiễm chất độc da cam nên bà chưa được hưởng cảm giác làm mẹ.

Năm 2013, chồng mất, không còn người thân bên cạnh, bà được đưa vào Trung Tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng. Ở độ tuổi 76, bà Tâm luôn vui tươi, mạnh khỏe. 

Tri ân những hy sinh của các thế hệ cha anh

Bà Phạm Thị Oanh - Giám đốc Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng chia sẻ, hiện Trung tâm chăm sóc 47 cụ là thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng. Trong đó, cụ lớn nhất đã 109 tuổi, trên 60% các cụ hiện đã hơn 80 tuổi.

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 9
Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 10
Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 11

"Có 26 người thay phiên nhau chăm sóc, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cụ, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho các cụ", bà Oanh cho biết.

Thay mặt lãnh đạo, bà Oanh gửi lời cảm ơn đến báo Dân trí đã quan tâm, có những phần quà ý nghĩa dành tặng người có công đang được chăm sóc tại trung tâm. Đây là truyền thống uống nước nhớ nguồn rất cao quý của báo Dân trí hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024).

Lan tỏa lòng biết ơn và trách nhiệm với người có công cách mạng  - 12

Đại diện báo Dân trí, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ngũ Hành Sơn trao quà đến người có công tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công miền Trung chia sẻ, chương trình gặp mặt, giao lưu, tặng quà người có công với cách mạng của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng không chỉ là sự tri ân đối với những đóng góp của các thế hệ cha anh mà thông qua hoạt động này, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ, những người đi sau về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

"Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Trung tâm nhằm tri ân người có công. Với sự biết ơn sâu sắc, Trung tâm Điều dưỡng Người có công miền Trung cùng với báo Dân trí và Bệnh viện 199 (Bộ Công an) trân trọng, biết ơn trước sự hy sinh, đóng góp cao cả của các bác, cô, chú, anh chị", ông Lương bày tỏ.