Báo Dân trí tri ân người có công với cách mạng tại Nghệ An
(Dân trí) - 20 phần quà tri ân của báo Dân trí đã được trao tới 20 người có công, thân nhân liệt sỹ tại Nghệ An trong dịp 27/7.
Trong chuỗi các hoạt động tri ân nhân 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), phóng viên Dân trí đã trao 20 phần quà tới người có công với cách mạng tại Nghệ An, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng. Đây là tấm lòng tri ân của báo Dân trí đối với những người đã hi sinh xương máu cho nền độc lập, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay.
Tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), 10 phần quà đã được trao tận tay thân nhân 8 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 1 thương binh và 1 bệnh binh.
Phóng viên Dân trí cùng ông Trần Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây, tới thăm ông Đinh Văn Minh (74 tuổi, thương binh 1/4, trú xóm Phúc Điền).
Năm 16 tuổi, chàng trai Đinh Văn Minh đã xung phong tòng quân nhập ngũ, chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, người lính trẻ bị thương nặng, xếp hạng thương binh 1/4.
Trở về sau chiến tranh, ông Minh phát huy tinh thần người lính Cụ Hồ, tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo.
Ở tuổi "thất thập", sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vết thương chiến tranh, nhưng ông Minh vẫn luôn sống lạc quan, tuân thủ lịch sinh hoạt, ăn uống khoa học để giữ gìn sức khỏe.
"Những người lính trở về sau chiến tranh như chúng tôi mặc dù mang thương tật nhưng vẫn còn may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống. Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, nay còn được nhận quà của báo Dân trí. Xúc động hơn là không ai trong chúng tôi bị lãng quên, dù chiến tranh đã lùi xa...", ông Minh nói.
Tiếp đó, phóng viên Dân trí đã đến thăm và trao 10 phần quà tri ân đến thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng lãnh đạo xã đã cử lực lượng hỗ trợ đưa các thương binh, đại diện gia đình người có công đến trụ sở để đón nhận tấm lòng tri ân của báo Dân trí.
Năm 1963, ông Nguyễn Văn Bài (quê Lăng Thành, Yên Thành) nhập ngũ và hi sinh ở chiến trường miền Nam. Hơn 60 năm qua, bà Nguyễn Thị Lý (80 tuổi, xóm Đồng Bàn, Lăng Thành) vẫn một lòng thờ chồng, nuôi con khôn lớn. Năm ngoái, người con trai độc nhất của bà qua đời sau cơn bạo bệnh.
Sau nhiều biến cố, sức khỏe của bà giảm sút, khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn. Những ngày tháng 7 càng khiến bà nhớ chồng, thương con, tủi phận mình.
"Được chính quyền xã, ban cán sự xóm hết sức quan tâm, các cháu đoàn viên thanh niên đến nhà trò chuyện, bà cũng khuây khỏa phần nào. Giờ còn được nhận quà của báo Dân trí, bà rất vui, rất xúc động bởi tình cảm của mọi người dành cho thân nhân liệt sỹ", bà Lý chia sẻ.
Mùa xuân năm 1968, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Sỹ Thắng (SN 1949, trú xã Lăng Thành) tòng quân nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Ở chiến trường bom đạn ác liệt này, ông Thắng bị nhiễm chất độc da cam. Năm 1971, ông xuất ngũ, trở về tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương.
Di chứng chất độc da cam khiến ông thường xuyên bị lên cơn động kinh, ngất xỉu. Có lần cơn động kinh đột ngột khiến ông ngã vào bếp lửa đang đỏ, hậu quả, bàn tay phải bị bỏng, cắt gần cụt hết các ngón... Mặc dù vậy, với bản lĩnh người lính, ông Thắng luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
"Hai năm nữa tôi tròn 60 năm tuổi Đảng. Tôi may mắn hơn các đồng đội là được trở về, sống trong thành quả hòa bình, độc lập mà đồng chí, đồng đội đã đánh đổi bằng tính mạng, xương máu, được chứng kiến đất nước đang đổi mới từng ngày...", người lính già xúc động.
Phát biểu tại buổi lễ trao quà, ông Đặng Ngọc Hà, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lăng Thành, gửi lời cảm ơn sâu sắc sự quan tâm, động viên của báo Dân trí tới người có công với cách mạng trên địa bàn.
Ông Hà khẳng định, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, trong những năm qua, địa phương luôn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Cùng các chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước, địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của xã.