DMagazine

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học

(Dân trí) - Không còn những bữa cơm ăn vội, ăn đói, những buổi chăn bò thuê... thay vào đó, cô nữ sinh Phạm Thị Thuận mỗi ngày được lên giảng đường nhận được nhiều quan tâm, sẻ chia từ bạn đọc báo Dân trí.

Không còn những bữa cơm ăn vội, ăn đói, những buổi chăn bò thuê, những ngày lên núi kiếm củi khiến đôi chân tứa máu… thay vào đó, nữ sinh Phạm Thị Thuận mỗi ngày được lên giảng đường, đến thư viện, nhận được nhiều quan tâm, sẻ chia từ bạn đọc báo Dân trí.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 1

Ngày cuối năm, tôi gặp lại Phạm Thị Thuận - nữ sinh Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) có hoàn cảnh éo le giờ đã là sinh viên năm nhất của Khoa sư phạm Lịch sử chất lượng cao - Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Thuận là nhân vật đáng thương trong bài viết: "Cô gái 12 năm chăn bò thuê, đến trường bằng sổ hộ nghèo và ước mơ đại học", được đăng tải trên báo Dân trí trước đó.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 2

Cũng đã một học kỳ trôi qua sau khi cô nữ sinh nghèo được bạn đọc Dân trí "chắp cánh" ước mơ đến trường. Không còn những bữa cơm ăn vội, ăn đói, những buổi chăn bò, những ngày lên núi kiếm củi khiến đôi chân tứa máu, những đêm ngủ co ro vì lạnh, nép vào góc nhà mỗi khi trời mưa dột… Thay vào đó là mỗi ngày được lên giảng đường, được đến thư viện và trở về trong căn nhà mới - nơi có bố mẹ nuôi, đó là sự quan tâm, sẻ chia của bạn đọc Dân trí.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 3

Bố của Thuận là người đàn ông bị tàn tật bẩm sinh, chân tay co quắp, để di chuyển chỉ có thể bò, mẹ của Thuận là một người phụ nữ quanh năm đau ốm quặt quẹo. Hoàn cảnh éo le khiến cả hai cảm thông và về ở với nhau thành một gia đình. 

Thuận và em trai ra đời là kết quả của cuộc hôn nhân không "trọn vẹn". Thuận ám ảnh tuổi thơ đói khát, ước mơ của hai đứa trẻ lúc ấy chỉ là có được một bữa ăn no. Những ngày đói đến mức hai chị em Thuận phải ra đồng nhặt những củ khoai lang còn sót lại để ăn, hái rau má nhai ngấu nghiến. 

6 tuổi, Thuận đã phải đi chăn bò thuê để đổi lấy những bữa ăn qua ngày. Suốt 12 năm đi học, Thuận một buổi đi học, một buổi đi chăn bò thuê, leo núi hái củi đến tứa máu chân… Năm 10 tuổi thì mẹ ra Hà Nội đi làm thuê trong một xưởng tăm nhưng ốm đau quanh năm nên cũng không có tiền gửi về cho các con. 10 tuổi, cô bé đã phải "gánh" trên vai người bố tàn tật và đứa em nhỏ dại.

Căn nhà của gia đình Thuận chỉ là một túp lều hở trước, hở sau nằm ven sườn núi. Chiếc giường tre ọp ẹp của hai chị em Thuận đặt bên cạnh bếp để mỗi khi mùa đông lạnh quá, hai chị em lại đốt lửa lên sưởi. Thuận kể, trời mưa thì ba bố con nép một góc vì mưa dột và nước trên núi chảy lênh láng vào trong nhà.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 4

Con người tuy nhỏ bé nhưng tâm hồn em lớn lắm, dù nhà cách xa trường và ngày nào cũng mang bụng đói nhưng em vẫn chịu khó đi học. Với học sinh miền núi đến trường đã là quý lắm, nhưng hoàn cảnh như Thuận không những đến trường đều đặn mà còn học giỏi thì thật sự rất hiếm. Em đã vượt qua bao khó khăn và mặc cảm để tìm tới con chữ và không ngừng cố gắng học tập với hy vọng có thể viết tiếp giấc mơ vào đại học. Trong suy nghĩ của Thuận, chỉ có con đường học mới có thể bước ra khỏi cánh rừng này, thoát khỏi đói nghèo và có thể giúp đỡ được bố mẹ mình.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 5

Cứ như thế, suốt những năm tháng tuổi thơ, cô bé chăm chỉ đi chăn bò thuê để đổi lấy cơm ăn, tối về mới chong đèn ngồi học. Thế mà, năm nào Thuận cũng giành nhiều thành tích trong học tập. 

Dù sống trong đói khổ, sớm thiếu vắng bàn tay mẹ lại phải cật lực làm việc mỗi ngày, vừa phải xoay xở học hành thế nhưng nghị lực sống mạnh mẽ là chìa khóa giúp Thuận chinh phục được ước mơ.

Kết quả Thuận đạt 27 điểm khối C: Ngữ Văn 8,5 điểm, Lịch sử 8,5 điểm và Giáo dục công dân 10 điểm (tính cả điểm ưu tiên em đạt 29,75 điểm). Ước mơ làm cô giáo đã đến rất gần với nữ sinh nghèo, vậy mà ngay sau khi biết kết quả thi, Thuận chỉ biết òa khóc.

"Tôi không thể tin được rằng cô gái nhỏ dường như bị bỏ quên ấy vẫn có thể xoay xở để học hành và đạt thành tích cao ở trường. Vẻ ngoài ít nói có phần nhút nhát nhưng sâu thẳm bên trong Thuận là một cô gái có ý chí mãnh liệt, cùng khát khao sống và thay đổi số phận vô cùng mạnh mẽ", cô giáo Nguyễn Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp III của Thuận chia sẻ.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 6

Với số điểm đạt được, Thuận biết chắc mình sẽ đậu đại học nhưng cô bé không biết phải làm sao để có tiền đi học. Nghe tiếng khóc của mẹ run lên trong điện thoại khi gọi về nói rằng mẹ xin Thuận hãy từ bỏ ý định đi học, nữ sinh này đã định buông tay.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 7

Dù không nói ra nhưng cô giáo Vân chủ nhiệm của Thuận biết ý định của em. Cô Vân cũng hiểu rằng dù quyết định tiếp tục theo đuổi con đường học thì Thuận cũng không biết phải xoay xở ra sao cho số tiền ban đầu nhập học.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 8

"Một đứa trẻ suốt chừng ấy năm sinh ra chưa một lần bước chân khỏi nơi rừng núi này, hơn nữa em ấy lại không có sức khỏe thì làm sao có thể sớm bắt nhịp được với cuộc sống nơi đô thị và biết đi làm thêm để trang trải học hành. Thời điểm đó, tôi đã thật sự rất lo lắng, không thể để đứa trẻ này phải nghỉ học nhưng cũng chưa biết phải giúp em bằng cách nào", cô Vân chia sẻ.

Cô giáo Vân cũng kể lại thời gian đó vì lo và thương cô học trò của mình, có nhiều đêm cô không ngủ được và bắt đầu kêu gọi các thầy cô trong trường, các em học sinh đang theo học và cả những cựu học sinh của trường giúp đỡ. Cô Vân cũng nhờ các thầy cô trong trường kêu gọi giúp, lúc đó cô cũng chỉ mong làm sao có một khoản tiền bước đầu cho Thuận đến trường còn sau đó thì sẽ lại tính tiếp.

"Một cô giáo cũ của trường nói sẽ liên hệ với báo Dân trí nhờ viết bài kêu gọi vì cô ấy biết có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn đã có cơ hội được đến trường nhờ báo kết nối các nhà hảo tâm. Tôi bất ngờ vì sự lan tỏa vô cùng lớn của bài viết, ngay sau khi hoàn cảnh của Thuận được đăng tải, rất nhiều đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm ở những nơi xa xôi đều tìm đến tận nơi em ở để giúp đỡ. Mỗi ngày có cả trăm cuộc điện thoại gọi về cho em ấy chia sẻ, động viên, hàng chục triệu đồng được chuyển vào tài khoản. Riêng tuần đầu tiên, tài khoản của em Thuận lên đến gần 200 triệu đồng", cô Vân kể lại.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 9

Vậy là sau những lo lắng của cô Vân, của Thuận, cuối cùng nhờ sự kết nối của báo Dân trí tới bạn đọc, Thuận đã có số tiền hơn 600 triệu đồng, vững tin bước vào giảng đường đại học và đặc biệt là có thêm một gia đình mới. Bố mẹ nuôi ở thành phố Thanh Hóa đã đón em về ở cùng để tiện đi học.

Thuận cho biết, số tiền bạn đọc ủng hộ, em đã sử dụng một ít để mua máy tính phục vụ cho việc học; mua một chiếc xe đạp điện để làm phương tiện đi lại và sách vở, đồ dùng học tập. Ngoài ra, Thuận đăng ký khóa học thêm tiếng Anh, Tin học…

"Phần lớn số tiền bạn đọc em gửi vào sổ tiết kiệm để phục vụ cho quá trình học và sau này sửa lại căn nhà cho bố mẹ. Dù nhận được nhiều sự giúp đỡ nhưng tới đây em sẽ sắp xếp thời gian để đi làm thêm, vừa để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm sống và cũng để trang trải cho bản thân", cô nữ sinh chia sẻ.

Nhìn vào đôi mắt của Thuận, cảm nhận tinh thần em hiện tại, tôi tin rằng cuộc sống của Thuận dường như đã bước sang một trang mới, sự giúp đỡ của bạn đọc báo tiếp cho em thêm lạc quan và thêm quyết tâm thay đổi số phận.

Hạnh phúc vỡ òa của nữ sinh chăn bò thuê đến giảng đường đại học - 10

Cô nữ sinh cũng xúc động cho biết: "Khoản tiền ấy với em là cả một gia tài lớn và nếu không có báo Dân trí làm cầu nối, không được các nhà hảo tâm giúp đỡ, em không dám nghĩ tới việc bước vào cánh cửa đại học. Em hứa sẽ cố gắng học thật tốt để đền đáp tấm chân tình của tất cả mọi người đã dành cho em".

Chị Đoàn Thị Hiền, mẹ nuôi của Thuận chia sẻ: "Rất nhiều hoàn cảnh học sinh bất hạnh nhưng Thuận là đứa trẻ may mắn trong số những đứa trẻ bất hạnh đã được báo Dân trí biết đến để kết nối. Ý thức được điều đó nên cháu đang cố gắng và nỗ lực từng ngày để không phụ tấm lòng của mọi người".

PGS, TS Lê Hoàng Bá Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết: "Thông qua Báo Dân trí, nhà trường đã nắm được hoàn cảnh của em Thuận và có kết nối với gia đình em. Vậy là nhờ Báo Dân trí, bạn đọc báo, cánh cửa đại học đã mở rộng đối với em Thuận".

Nội dung: Bình Minh

Thiết kế: Khương Hiền