Tâm điểm
Đinh Văn Minh

Xu hướng mới của quản trị quốc gia

Ngày 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết đã đề ra các nguyên tắc làm cơ sở để triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và tăng cường thi hành luật pháp, bao gồm việc Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.

Xu hướng mới của quản trị quốc gia - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa XV), ngày 5/5 (Ảnh: Media QH)

Từ nhiều năm nay, mặc dù định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền đã được khẳng định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quan trọng khác, nhưng có thể thấy tư duy lập pháp trong một số lĩnh vực chưa thể hiện rõ tinh thần pháp quyền dân chủ; còn thiên về quản lý theo kiểu "quản không được thì cấm", chưa coi pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền con người và phục vụ cho sự phát triển vì lợi ích của xã hội.

Nhiều quy định - nhất là những quy định liên quan đến việc thực hiện các quyền nghĩa vụ của công dân và hoạt động sản xuất kinh doanh - có xu hướng quá gò bó, chặt chẽ, dành thuận lợi cho hoạt động của cơ quan quản lý hơn là tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đó là chưa kể những yếu tố mang biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích ngành được "cài cắm" trong một số quy định pháp luật. Hệ quả là có những quy định đẩy khó khăn và rủi ro cho người dân và doanh nghiệp.

Với một tinh thần pháp quyền và phục vụ, cần nhận thức rằng tuyệt đại bộ phận thành viên xã hội đều mong muốn tuân thủ và cố gắng làm theo quy định của pháp luật thay vì nhìn họ với con mắt dò xét, khắt khe; xem họ là những người chỉ tìm cách vi phạm để rồi đưa ra quy định để bảo đảm "an toàn", phòng ngừa cao cho cơ quan quản lý. Tư duy như vậy tất yếu dẫn đến hệ thống pháp luật nặng về quản lý nhiều hơn là phục vụ.

Điều này dứt khoát phải được loại bỏ, trước hết phải được gột rửa từ tư duy lập pháp. Những quy định rườm rà, quá chặt chẽ với những điều kiện không thật cần thiết cần phải lược bỏ, thậm chí nhà nước phải sẵn sàng đối mặt và xử lý những rủi ro có thể xảy ra để tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đơn giản là nhà nước có bộ máy, có con người, có phương tiện được nuôi dưỡng, mua sắm bởi chính tiền thuế của người dân và doanh nghiệp. Nhà nước có trách nhiệm và đủ khả năng để làm điều đó. Đó mới là pháp quyền, đó mới là phục vụ, thực hiện đúng quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm được nêu ra trong Nghị quyết 66.

Đơn giản như trong lĩnh vực thuế, đừng chỉ tìm mọi cách để tận thu ngân sách mặc dù đây là yêu cầu tối quan trọng, mà cần phải có các quy định chủ động hỗ trợ người nộp thuế, coi đó như một sự nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, bảo đảm cho một sự phát triển lâu dài, bền vững. Cũng vì thế người dân và doanh nghiệp, các đối tượng chủ yếu của quá trình thi hành pháp luật cần phải được tham gia thực chất vào quá trình xây dựng pháp luật. Quá trình xây dựng chính sách pháp luật phải thực sự là nơi để xã hội có thể nói lên tiếng nói của mình. Các ý kiến xác đáng phải được tiếp thu hoặc nếu cần phải được thảo luận, tranh luận, giải trình thấu đáo để tạo ra sự đồng thuận cao nhất trước khi quyết định.

Nghị quyết đã nhấn mạnh, cần phải "Thực hiện nghiêm túc cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động; không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và xây dựng pháp luật". Mối quan hệ Nhà nước và người dân không thuần túy thể hiện giữa người quản lý - người bị quản lý trên cơ sở quyền uy, mệnh lệnh mà nó phải thể hiện xu hướng mới của quản trị quốc gia khi mở rộng các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Điều này càng được thể hiện rõ khi Nghị quyết chỉ rõ cần phải phát huy đúng mức vai trò của đạo đức xã hội, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc tự quản cộng đồng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Sự điều chỉnh của pháp luật là vô cùng quan trọng, nhưng không phải là tất cả mà nó chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết trong sự tôn trọng và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa của cộng đồng để tạo lập một xã hội kỷ cương và nền nếp.

Một yêu cầu quan trọng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần lưu ý, đó là một hệ thống pháp luật vừa phải bảo đảm cao nhất quyền con người, quyền công dân lại vừa phải mang tính ổn định, lâu dài, tạo không gian cho sự sáng tạo, phát triển và thích ứng, linh hoạt với điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương, từng thời điểm.

Điều này thể hiện sự đổi mới trong tư duy lập pháp khi có sự phân biệt giữa những vấn đề thuộc khu vực lập pháp liên quan đến những quyền cơ bản về quyền con người, quyền công dân, cần được quy định chặt chẽ, cụ thể để bảo vệ đến mức cao nhất; còn với những vấn đề về kiến tạo phát triển thì chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng và thực thi pháp luật tại Nghị quyết 66 đã thể hiện những bước đột phá có tính cách mạng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên bứt phá, kỷ nguyên của sự phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!