Chuyện "cấm", chuyện "quản"
Trên thế giới có rất nhiều lý thuyết về quản lý và mỗi lý thuyết lại ít nhiều thay đổi theo thời gian cùng với những yêu cầu mới trong từng giai đoạn phát triển.
Tuy nhiên xét cho cùng thì quản lý, với các biện pháp và giải pháp phù hợp là để tạo điều kiện cho sự phát triển. Hiểu một cách nôm na, quản lý là "quản một cách hợp lý", làm sao cho mọi hoạt động trong xã hội đi vào trật tự nề nếp, làm sao để xã hội phát triển một cách hài hòa và bền vững.
Nói thì đơn giản như thế nhưng để làm được những điều đó lại không phải là dễ dàng. Vấn đề quan trọng đầu tiên có lẽ phải nhắc đến là nhận thức về quản lý. Quản lý đạt được mục tiêu phải dựa trên cơ sở khoa học và tác động vào các quá trình xã hội trong sự tôn trọng quy luật khách quan, vốn có của nó.
Bởi vậy, pháp luật được ban hành là để "điều chỉnh" chứ không thể áp đặt một cách chủ quan duy ý chí. Một bài toán luôn đặt ra trong quản lý: Nhu cầu nào là chính đáng, cần tạo điều kiện để phát triển; nhu cầu nào không khuyến khích thậm chí cần hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán có thể là nhất thời, có thể là tuyệt đối? Lộ trình thực hiện?
Chẳng hạn, để giảm bớt ùn tắc giao thông thì biện pháp đơn giản và trực diện nhất là cấm phương tiện cá nhân, thực tế nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng biện pháp này.
Nhưng sử dụng phương tiện cá nhân hàng ngày là một nhu cầu chính đáng và vô cùng cần thiết của người dân. Đã là nhu cầu chính đáng thì không nên cấm, thậm chí là không thể cấm, nó như một dòng chảy tự nhiên, chặn chỗ này nó sẽ tràn sang chỗ khác.
Vì vậy trừ những địa điểm và thời điểm cần thiết phải cấm (ví dụ ở phố đi bộ cuối tuần), còn lại biện pháp thường được triển khai là khuyến khích dùng phương tiện công cộng và các biện pháp kinh tế - hành chính (từ tuyên truyền nâng cao nhận thức đến việc trợ giá cho nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng). Ngoài ra, một số biện pháp cũng được tính đến như tăng thuế nhập khẩu và chi phí sử dụng đối với phương tiện cá nhân; di chuyển trường đại học, bệnh viện… ra ngoại thành.
Hay là chuyện học thêm chẳng hạn, do những biểu hiện tiêu cực nên có lúc hoạt động này bị cấm đoán. Điều đó thật là vô lý. Đơn giản vì học thêm là nhu cầu chính đáng của chính người học, vậy thì tại sao lại cấm? Cái gì chưa đúng thì cần điều chỉnh, đó mới là quản lý, đó mới là pháp luật.
Thực tế cho thấy là hoạt động đó (cũng như nhiều hoạt động khác bị cấm) vẫn diễn ra dưới những hình thức khác nhau mà đôi khi người ta gọi là "lách luật". Có lẽ trước khi phê phán những hành vi bị coi là "lách luật" thì các nhà lập pháp, các nhà quản lý nên tự trách mình và tự hỏi những quy định của mình có phù hợp với thực tiễn hay không và vì sao người ta lại phải "lách luật"? Đương nhiên hậu quả của lách luật, thậm chí là vi phạm pháp luật để thỏa mãn nhu cầu thì ai cũng thấy rõ.
Ở trên chúng ta bàn đến một, hai ví dụ xuất phát từ nhu cầu chính đáng. Có những nhu cầu không chính đáng và hầu như tất cả các nước đều cấm, chẳng hạn như những hành vi liên quan đến ma túy… Tất nhiên là còn nhiều hành vi khác cũng bị cấm theo quy định pháp luật, vì lợi ích của cộng đồng. Nhưng cũng có những hành vi trước đây chúng ta xếp vào diện cấm, bây giờ pháp luật đã cởi mở hơn, ví dụ cá cược thể thao.
Cá cược thể thao có phải là một nhu cầu giải trí chính đáng không? Nên cấm hay "quản một cách hợp lý"? Có cấm được không và nếu quản thì quản như thế nào? Đây là những vấn đề đã được bàn luận trong thời gian qua. Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (cá cược thể thao). Như vậy nếu có doanh nghiệp đủ điều kiện đứng ra thì chắc là việc cá cược thể thao sẽ được thí điểm trong thời gian tới.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì chuyện "cấm" hay "quản" lại càng trở nên quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sẽ có những nhu cầu mà nhà quản lý cần tính toán hết sức kỹ lưỡng do những tác động của nó đối với xã hội và tùy từng trường hợp cụ thể mà quyết định. Mỗi sự lựa chọn đều xuất phát từ mục đích của quản lý và phụ thuộc vào năng lực quản trị, điều hành của mỗi quốc gia.
Với định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, những năm qua công tác xây dựng pháp luật của chúng ta đã có nhiều cố gắng và kết quả đáng ghi nhận đáp ứng yêu cầu quản lý trước những yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của đất nước.
Mặc dù vậy, quá trình thực thi pháp luật cũng cho thấy còn nhiều hạn chế bất cập. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ rõ: "Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đặt ra yêu cầu: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"… không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới".
Cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển, nhu cầu của con người cũng ngày càng phong phú và đa dạng. Chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội "dân giàu, nước mạnh" trong đó người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc với những nhu cầu chính đáng của mình. Chính vì vậy, việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước như đã nêu ở trên là hết sức quan trọng, là vấn đề chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền không chỉ đòi hỏi chúng ta có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đủ để điều chỉnh mọi quan hệ, kể cả quan hệ mới phát sinh mà điều quan trọng hơn chính là chất lượng các văn bản pháp luật được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!