Xếp hàng xin cấp lý lịch tư pháp: Sao không online?
Đọc bản tin người dân ở Hà Nội xếp hàng từ 4h sáng xin cấp phiếu lý lịch tư pháp trên báo Dân trí, tôi không khỏi ngán ngẩm và nhớ lại chuyện hơn nửa thế kỷ trước làm hồ sơ thi đại học của mình. Gọi là hồ sơ cho oai chứ thực ra chỉ gồm vài tờ giấy gọi là "Phiếu thẩm tra lý lịch" do tôi viết theo mẫu với lời thì thầm của thầy hiệu phó "em có khả năng được chọn đi học nước ngoài".
Lúc đó tôi mừng mà không dám nói với ai. Trong lý lịch tôi phải ghi rõ rằng gia đình thuộc thành phần bần nông (cơ bản) và không làm gì cho đế quốc phong kiến. Còn phần phê chứng nhận của chính quyền địa phương thì để trống. Xin ý kiến địa phương kiểu này nhiều may rủi và sự thành bại hoàn toàn phụ thuộc vào người phê.
Quá trình phê thế nào có lẽ trở thành bí mật vĩnh viễn nếu không xảy ra việc có người điện thoại hẹn trả lại hồ sơ cũ, vào cái ngày mà tôi về hưu sau mấy chục năm lang thang học tập và làm việc từ đông sang tây. Hóa ra, địa phương đã phê xác nhận đồng tình với lời khai của tôi về tình cảnh của gia đình trước và sau cách mạng (1945).
Tuy nhiên, trường muốn chọn tôi du học mà họ chỉ phê cho tôi được phép học đại học trong nước. Thế mà cuối cùng tôi vẫn được ra nước ngoài học tập. Phải công nhận thời những năm 1970-1980, Bộ Đại học có một quy trình tuyển sinh du học sinh khá công bằng, cán bộ cũng liêm chính.
Theo một nghĩa nào đó, "Phiếu thẩm tra lý lịch" kể trên cũng chính là một kiểu lý lịch tư pháp "phiên bản" thế kỷ 20. Hôm nay, sau gần 1/4 thế kỷ 21, lý lịch tư pháp vẫn còn nguyên giá trị, chỉ có cách làm là khác xưa đôi chút.
Khoản 1 Điều 2, Luật Lý lịch Tư pháp số 28/2009/QH12 đưa ra định nghĩa rõ ràng về lý lịch tư pháp. Theo đó, "Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản".
Có hai loại phiếu lý lịch tư pháp, sự khác nhau được căn cứ theo đối tượng được cấp và nội dung trên phiếu đó, cụ thể là:
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (cấp cho cá nhân, tổ chức và cơ quan) là phiếu ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.Phiếu lý lịch tư pháp số 2 (cấp cho cơ quan tố tụng và theo yêu cầu của cá nhân) là phiếu ghi đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, việc công dân phải đi chứng nhận lý lịch tư pháp là điều bình thường, nhất là xin vào các cơ quan nhà nước, vị trí càng quan trọng thì càng cẩn thận với lịch sử án tích.
Với các nước cũng vậy. Ví dụ công dân Việt Nam có nhu cầu xin kết hôn, định cư, xin thị thực, xin việc làm,v.v… tại Australia thì cơ quan có thẩm quyền của Australia có thể yêu cầu đương sự cung cấp Phiếu số 1 hay Phiếu số 2. Người đi lao động nước ngoài cũng cần lý lịch tư pháp để đảm bảo nơi nhận biết rõ về người được nhận.
Khi tôi khai lý lịch cá nhân xin vào Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay điền thông tin cho visa vào Mỹ đều có mục án tích kiểu như đã từng phạm tội bao giờ chưa, phạm tội gì, tình trạng, nhưng không cần phiếu chứng nhận lý lịch tư pháp. Dù vậy họ vẫn ghi chú "dọa" kiểu nếu chúng tôi phát hiện ra quý vị khai man thì "quí vị biết sẽ xảy ra chuyện gì rồi đấy".
Như vậy lý lịch tư pháp mang tầm toàn cầu, không riêng gì Việt Nam và được kết nối với nhau nhất là trong bối cảnh hội nhập. Làm công dân không có tỳ vết vẫn tốt hơn là có hồ sơ phạm lỗi/tội. Người ta vẫn nói rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, nhưng "người không có tiền án, tiền sự vẫn bình đẳng hơn".
Vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để thuận tiện mọi bên liên quan. Việc tòa xử một vụ việc xong, có tội hay vô tội, nếu những người vướng lao lý được ghi ngay vào hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc thì chắc chắn việc xác minh lý lịch tư pháp sẽ nhanh trong một nốt nhạc. Tương tự xử vợ chồng ly hôn, quyền nuôi con, tài sản,… nếu đưa ra trước tòa xử mà có kết luận thì hệ thống phải cập nhật ngay thì tránh được những thủ tục nhiêu khê không cần thiết sau này, kiểu như mua cái xe máy vài triệu cũng phải xin chứng nhận độc thân.
Ví dụ một chuyện nhỏ thế này. Tôi bị cảnh sát tuýt còi vì lái xe quá 10km so với tốc độ quy định ngay con đường cạnh Lầu Năm Góc. Họ chặn xe tôi, yêu cầu nộp giấy tờ rồi quay về xe của họ, gõ gõ gì đó, khoảng 2 phút sau quay lại nói ngắn gọn rằng "anh phạm lỗi lần đầu nên tôi chỉ cảnh cáo thôi". Anh ấy còn tếu táo khuyên tôi không nên chạy xe nhanh khi trên xe có hai em bé trai đáng yêu thế này. Tôi cho rằng hệ thống của họ đã ghi hết lịch sử án tích của từng lái xe lưu thông trên nước Mỹ. Công dân bình thường thì đừng phạm pháp vì thời này là thời mà hôm trước ăn cắp con vịt, hôm sau cả thế giới biết tên trong phần mềm dữ liệu.
Quay lại câu chuyện nước mình, phần mềm quản lý có dữ liệu gồm số định danh điện tử, quê quán, ngày tháng năm sinh, và nhiều thông tin cá nhân khác của công dân, giờ chỉ cần thêm mục "Lịch sử án tích" thì không phải là một việc khó khăn. Câu hỏi đặt ra là liệu bên quản lý căn cước công dân có cho bên Tư pháp lấy dữ liệu cơ sở để bổ sung mục mới nay không? Hay Tư pháp bắt đầu từ con số không. Hai hệ thống quan trọng này mà này không "nói chuyện" với nhau thì câu chuyện 4.0 trong cải cách hành chính và tư pháp vẫn xa vời.
Khi đã có bản ghi Lịch sử án tích rồi thì công dân không cần tới Sở Tư pháp dài cổ chờ. Họ chỉ cần ngồi nhà dùng laptop hay smartphone để truy cập. Hệ thống có thể yêu cầu công dân điền mẫu cho đủ, nếu phải thu phí thì trả online, bản gốc có chữ ký và dấu gửi theo bưu điện về địa chỉ của người xin, bản mềm in được vẫn có tính pháp lý nếu thêm mã QR. Giờ này mà công dân vẫn phải đến trụ sở nhà nước xin dấu thì cũng không khác thời xin xác nhận du học của tôi hồi xưa là mấy.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được tiếp cận thông tin và dịch vụ theo cách này sẽ giúp giải tỏa áp lực cho các sở Tư pháp. Việc yêu cầu thông tin rồi trả phí cần phải trở thành một hành vi dân sự bình thường của xã hội hiện đại. Không có tiền thì hệ thống nào cũng không hoạt động được.
Nói tóm lại phải online, online và online. Cơ sở dữ liệu dân cư đã đi vào hoạt động, thì các dịch vụ đi kèm như chứng nhận nơi cư trú, lý lịch tư pháp, tình trạng hôn nhân, cũng cần nhanh chóng gia nhập thế giới… số 100%.
Nếu chưa 4.0 thì ít nhất cũng phải xử lý dịch vụ kiểu 3.0 hoặc cùng lắm là 2.0, vẫn "thẩm tra lý lịch" bằng… tay thì cũng bó tay chấm com.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!