Giải pháp giúp du lịch thoát cảnh "đi trước về chậm"
Tháng 3 này đánh dấu mốc tròn một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là có chính sách mở cửa sớm và cởi mở so với nhiều nước trên thế giới.
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người; chỉ số về năng lực phát triển du lịch tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế.
Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Tại hội nghị toàn quốc về du lịch vừa qua, các đại biểu đã nêu lên những yếu tố khiến du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm".
Chính phủ sau đó công bố nhiều giải pháp, mới nhất là đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Cải cách thị thực là việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về du lịch giữa các nước hiện nay. Tuy nhiên, tôi đồng tình với nhiều ý kiến phân tích rằng chính sách visa mới là điều kiện cần, chứ chưa phải điều kiện đủ. Để không thua trong cạnh tranh điểm đến quốc tế thì chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa, triển khai các giải pháp đồng bộ hơn nữa.
Ở đây tôi muốn bàn một vấn đề cụ thể là để phát triển điểm đến du lịch, hãy bắt đầu từ việc phát triển một điểm tham quan du lịch.
Trong một cuộc trao đổi với các đơn vị hoạt động du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long mới đây, tôi thấy nội dung được mọi người quan tâm nhiều là làm sao để phát triển một điểm đến du lịch. Một số anh, chị nói "chỗ tôi không có gì đặc biệt như Sơn Đoòng, như Hạ Long, biển Đà Nẵng/Vũng Tàu... thì phải làm sao?".
Đúng là người Việt Nam chúng ta có rất nhiều "nguyên liệu" cho sản phẩm du lịch: biển, cát, nắng, rừng núi… Mùa hè sắp đến và nhiều du khách châu Âu đang thèm được nghỉ dưỡng trong cái nắng, cái gió như ở Việt Nam.
Nhưng chúng ta cũng phải tránh "bẫy tư duy" phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Ngay cả với các địa phương không được thiên nhiên ưu ái ban tặng thì hãy tư duy là ta tự làm lấy. Và hãy bắt đầu từ việc tạo ra những điểm tham quan du lịch bằng cách dựa vào điều kiện cảnh quan tự nhiên, những gì có sẵn ở chung quanh của mình để từ đó phát triển lên thành điểm tham quan.
Hãy nhìn ra thế giới, có những điểm đến du lịch nổi tiếng được phát triển lên từ số không! Số không đúng nghĩa, tức là họ chẳng có gì hết. Điển hình là Dubai, nơi trước đây chỉ là một bãi sa mạc có thời tiết khắc nghiệt, và không có gì ngoài cát nóng.
Hoặc gần gũi với chúng ta hơn là những điểm đến du lịch nông thôn của Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Họ cũng chỉ từ cụm dân cư đơn sơ, một con sông lạch, núi đồi, ruộng nương, cây và nông trại..., mà xây dựng thành những điểm đến du lịch thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta hình dung nếu vài gia đình ở một xã nông thôn nào đó ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bỏ công dọn dẹp, sắp xếp lại mảnh vườn của mình cho gọn gàng ngăn nắp, chỉnh trang lại hàng rào cây, trồng thêm dây leo ra hoa cho đẹp, đắp lại bờ kè của ao cá cho thẳng thớm, lắp đá và quét dọn sạch sẽ đoạn đường đất trước nhà cho bằng phẳng, rồi thảm cỏ và trồng hoa phần đất hai bên đường... thì nhà vườn của gia đình này sẽ nổi bật lên trong thôn xóm, sẽ thu hút sự chú ý của những người khác khi đến đây.
Nếu không chỉ một, hai nhà làm thế, mà cả cụm dân cư cùng đồng lòng chung tay làm như thế, thì cụm dân cư này chắc chắn sẽ trở thành một điểm thu hút khách từ những huyện khác, tỉnh khác đến đây tham quan, chụp hình selfie...
Và nếu cộng thêm sự hỗ trợ của truyền thông, giúp lan truyền hình ảnh này, thì đây là cơ sở ban đầu để hình thành một điểm đến du lịch. Khi số lượng người đến tăng dần lên, địa phương mở rộng vùng tham quan, bổ sung thêm các tiện ích khác, chẳng hạn như nhà nghỉ, bãi đỗ xe, cà phê và nhà hàng, trạm thông tin, dịch vụ vận chuyển, phòng vé và đơn vị tổ chức tour liên kết vùng miền...
Những việc trên không phải quá khó. Nếu chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân bắt tay vào xây dựng thì chắc chắn chúng ta sẽ có thêm những sản phẩm du lịch. Việc cần nhất của cơ quan quản lý, chuyên gia ở đây là hãy phân tích luồng khách tiềm năng, để từ đó làm sản phẩm du lịch cho phù hợp ...
Đó là tư duy xây dựng điểm đến ở những nơi không được thiên nhiên ưu đãi. Còn ngay cả với những nơi thiên nhiên ưu đãi thì chúng ta cũng cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chẳng hạn với Đà Nẵng, nếu được tôi nghĩ nên thiết kế vài tuyến trekking (đi bộ khám phá) trên bán đảo Sơn Trà. Đó có thể là những cung đường nhỏ đi xuyên rừng, quanh đồi suối, có vài cấp độ khó dễ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu; không cho khách ở lại qua đêm chỉ được dừng nghỉ tại vài chốt.
Thêm sản phẩm cho phong phú điểm đến du lịch giúp thu hút được nhiều đoàn nhóm du lịch loại mạo hiểm nhẹ, kết hợp thể dục rèn luyện sức khỏe, và nếu kiểm soát tốt thì vẫn không tác hại gì đến thiên nhiên.
Từ việc lớn của Chính phủ cho đến việc nhỏ và cụ thể của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân, chúng ta đều phải nỗ lực thì mới mong du lịch thoát khỏi cảnh "đi trước về chậm".
Tác giả: Ông Đỗ Hòa là chuyên gia tư vấn chiến lược, tư vấn thiết lập hệ thống quản lý doanh nghiệp; từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiều công ty trong và ngoài nước; nguyên Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Shell.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!