Tâm điểm
Bích Diệp

"Việt Nam mới chỉ sản xuất được cái ốc vít biển số xe ô tô"?

Cái ốc vít nhỏ bé lâu lâu lại trở thành chủ đề tranh luận trên báo chí và mạng xã hội. Năm 2014, các diễn đàn nóng lên với việc đại diện Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện sản phẩm điện tử và cho biết không doanh nghiệp nào của Việt Nam đáp ứng được, kể cả việc sản xuất ốc vít.

Từ đó đến nay chuyện cái ốc vít nói riêng và công nghiệp hỗ trợ nói chung đã tốn rất nhiều bút mực song tranh luận vẫn chưa dừng lại. Lần này, dư luận lại dậy sóng trước một nhận xét cho rằng: "Chúng ta mới chỉ sản xuất được cái ốc vít biển số xe ô tô"!

Hai vấn đề đặt ra xung quanh nội dung trên. Thứ nhất, có phải Việt Nam "chỉ sản xuất được cái ốc vít biển số ô tô"? Thứ hai, chúng ta nên tư duy và nỗ lực theo hướng phải sản xuất được hết các chi tiết, linh kiện của ô tô hay nên tiếp cận cách khác, đó là tư duy theo chuỗi cung ứng của thế giới.

Việt Nam mới chỉ sản xuất được cái ốc vít biển số xe ô tô? - 1

Một công đoạn lắp ráp trong nhà máy xe KIA của Thaco (Ảnh: Thaco).

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp ô tô vào năm 1991, sau các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Đến nay có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô; một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu như Thaco, Vinfast…

Sau hơn 20 năm, nhìn chung tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô còn thấp (tỷ lệ nội địa hóa trung bình 7 - 10%), chưa đáp ứng yêu cầu đề ra (30 - 40% vào năm 2020) nhưng không thể nói là Việt Nam mới chỉ sản xuất được cái ốc vít biển số. Cụ thể, chúng ta có xe VinFast, Thaco, trong đó xe Bus Thaco đã nội địa hóa trên 60%; xe tải sơ mi rơ móc Thaco xuất khẩu sang Mỹ với tỷ lệ nội địa hóa 35-45%. Một số dòng xe ô tô của Mazda, Peugeot cũng được Thaco nội địa hóa 15-25%.

Hiện nay tại khu công nghiệp phụ trợ ô tô Chu Lai (Quảng Nam), Thaco làm chủ chuỗi nhà máy sản xuất nhíp, linh kiện, thân vỏ, ghế, kính, máy lạnh, phụ tùng điện, keo và dung dịch… phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô.

Về ốc vít bắt biển số xe, theo một số chuyên gia trong ngành thì chi tiết này không thuộc linh kiện ô tô. Còn với các linh kiện cơ khí phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, hiện nay các hãng có thể sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu và quyết định được đưa ra căn cứ vào lợi ích kinh tế chứ không hẳn là năng lực sản xuất.

Cựu lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành ô tô cho hay, linh kiện làm ra vừa phải đáp ứng về mặt kĩ thuật, công nghệ, vừa phải đảm bảo tính cạnh tranh. Thị trường ô tô Việt Nam không lớn (tổng doanh số mỗi năm trên dưới 500.000 xe, trong đó xe sản xuất, lắp ráp trong nước hơn 300.000), lại có quá nhiều mẫu xe nên gần như không đủ sản lượng kinh tế để tập trung đầu tư sản xuất linh kiện. Thái Lan năm 2000 sản lượng cũng như Việt Nam hiện nay, nhưng bây giờ họ có sản lượng 2 triệu xe, một nửa tiêu dùng trong nước, một nửa xuất khẩu. Sản lượng lớn như vậy thì mới trở thành động lực thúc đẩy nội địa hóa.

Khác với ô tô, thị trường xe máy Việt Nam hiện nay là 3 triệu xe và nhà máy của Honda đã có hơn 90% số linh kiện sản xuất trong nước; chỉ trừ những linh kiện nào mua nước ngoài kinh tế hơn thì họ mới nhập khẩu.

Có thể nói một trong những nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô thời gian qua không phát triển được, là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ bé.

Các linh kiện ô tô yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và đảm bảo yếu tố môi trường, vì vậy chỉ một, hai tập đoàn trong nước có nguồn lực lớn để đầu tư bài bản, còn lại hầu hết các nhà cung cấp Việt Nam chưa đủ trình độ để xin cấp phép, nhượng quyền, chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp chính hãng cũng như vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại. Những linh kiện nội địa hóa được chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ như: ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn...; phần lớn linh kiện và cụm linh kiện vẫn phải nhập khẩu.

Ở góc độ vật liệu, mỗi con ốc vít giá thành không lớn nhưng phải đầu tư công nghệ rất đắt để tiêu hao vật tư ít nhất và yêu cầu có nguồn vật liệu phù hợp. Tại Việt Nam hiện nay các nhà máy thép chủ yếu sản xuất thép xây dựng chứ ít làm thép chế tạo; gang thỏi để đúc chất lượng cao hơn cũng phải nhập; nhôm chế tạo thì trong nước hoàn toàn không có. Vì vậy, nhìn từ góc độ vật liệu cũng cho thấy đang không hỗ trợ tốt cho việc phát triển công nghiệp chế tạo máy cơ khí.

Về câu hỏi thứ hai, theo tôi tư duy theo hướng Việt Nam phải sản xuất từ cái ốc vít cho đến toàn bộ chi tiết, linh kiện của ô tô là không thực tế và không phù hợp với nền sản xuất theo chuỗi cung ứng của thế giới ngày nay.

Vì sao các doanh nghiệp Việt Nam không mạnh về làm ốc vít, nhưng vẫn có tập đoàn làm được xe điện bán qua Mỹ? Vì chuỗi sản xuất toàn cầu và các xu hướng phát triển khoa học công nghệ ngày nay cho phép điều đó, một doanh nghiệp ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… vẫn có thể xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Mỹ và châu Âu. Vấn đề ở chỗ thay vì tư duy gia công thì doanh nghiệp đó đầu tư bài bản để làm chủ thương hiệu, mua bản quyền, đặt hàng chi tiết từ các nhà sản xuất khác nhau trên thế giới, nghiên cứu và hợp tác để dần làm chủ công nghệ cũng như quy trình sản xuất, còn nhà máy có thể đặt ở bất cứ đâu, Việt Nam hoặc Mỹ.

Nền kinh tế Việt Nam cho đến nay phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất gia công cho các công ty nước ngoài, từ dệt may, gia giày cho đến công nghệ điện tử. Chẳng hạn với hãng Nike, cứ 100 đôi giày Nike được bán ra trên toàn cầu thì có trên 50 đôi giày Nike được sản xuất ở Việt Nam, có nghĩa là mỗi năm Việt Nam sản xuất ra 300 triệu đôi giày Nike. Vậy nhưng Nike không có bất kỳ một nhà máy giày nào ở Việt Nam, họ chỉ làm thiết kế, kiểu dáng, thương hiệu, bán hàng và cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy được thuê gia công.

Từng có thống kê rằng người Việt chỉ kiếm được vài chục xu trên mỗi đôi giày bán trên thị trường với giá trung bình khoảng 100 đô la Mỹ. Rõ ràng, việc làm chủ thương hiệu, thiết kế… mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với sản xuất gia công.

Tương tự, việc gia công chiếc ốc vít chỉ là một phần việc trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô, muốn hướng tới vị trí cao hơn, mang lại nhiều giá trị hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu thì dĩ nhiên phải vượt qua phân khúc "gia công ốc vít".

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua nỗ lực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Suy cho cùng, việc không dừng lại ở nhập khẩu linh kiện, lắp ráp ô tô mà còn nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chính là tạo nền tảng cho tham vọng dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ô tô nguyên chiếc.

Công nghiệp ôtô có sự tác động mạnh mẽ đối với những ngành khác, không chỉ sản xuất những chi tiết, bộ phận ô tô mà đằng sau đó là cả một ngành công nghiệp vật liệu, cơ khí… Vì vậy thực sự cần nghĩ lớn, làm lớn.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!